Hàng hóa có khả năng ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh hiện nay đang được quy định tại danh mục Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương. Dưới đây là quy định của pháp luật về giấy phép nhập khẩu hàng hóa có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Mục lục bài viết
1. Giấy phép nhập khẩu hàng hoá ảnh hưởng đến quốc phòng:
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 của Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương, có quy định về một số mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định riêng. Cụ thể như sau:
– Tái xuất khẩu đối với các loại vật tư nhập khẩu chủ yếu mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền đảm bảo cần phải cân đối ngoại tệ để nhập khẩu. Theo đó, các mặt hàng nhập khẩu mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo đảm cân đối ngoại tệ cho nhu cầu nhập khẩu sẽ chỉ được thực hiện thủ tục tái xuất khẩu đối với đơn vị thu bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, hoặc tái xuất khẩu theo giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Bộ công thương. Bộ công thương sẽ công bố đầy đủ danh mục hàng hóa tái xuất khẩu theo giấy phép cho từng thời kỳ nhất định, đồng thời tổ chức thực hiện trên thực tế;
– Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Bộ công thương sẽ hướng dẫn cụ thể về việc nhập khẩu gỗ các loại từ các nước có chung đường biên giới với Việt Nam, phù hợp với quy định của pháp luật nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phù hợp với các thỏa thuận có liên quan của Việt Nam, phù hợp với văn bản chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ;
– Việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phục vụ quốc phòng an ninh sẽ được thực hiện theo quyết định của chủ thể có thẩm quyền đó là Thủ tướng chính phủ. Căn cứ vào quyết định của Thủ tướng chính phủ, bộ trưởng các Bộ quốc phòng và Bộ công an sẽ quy định việc cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sao cho phù hợp với thực tế;
– Việc nhập khẩu các loại hàng hóa có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc phòng thuộc danh mục được liệt kê tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương, tuy nhiên không phục vụ cho mục đích quốc phòng an ninh sẽ được thực hiện theo giấy phép của cơ quan có thẩm quyền đó là Bộ công thương dựa trên cơ sở lấy ý kiến của Bộ quốc phòng và Bộ công an;
– Việc nhập khẩu máy móc, các loại thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng sẽ được thực hiện theo quy định của chủ thể có thẩm quyền đó là Thủ tướng chính phủ.
Theo đó thì có thể nói, việc cấp giấy phép nhập khẩu hàng hóa ảnh hưởng đến nền quốc phòng an ninh sẽ được thực hiện theo trình tự như sau:
Bước 1: Thương nhân sẽ chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ để nộp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thành phần hồ sơ trong trường hợp này sẽ bao gồm các loại giấy tờ và tài liệu cơ bản sau đây:
– Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
– Văn bản đề nghị nhóm khẩu của thương nhân, trong văn bản đó cần phải nêu rõ tên hàng hóa, mã số hàng hóa (ký hiệu là HS), giá trị của từng khách hàng;
– Văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền đó là Bộ công an hoặc Bộ quốc phòng về việc nhập khẩu hàng hóa.
Bước 2: Sau khi chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì sẽ nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép nhập khẩu hàng hóa có ảnh hưởng đến nền quốc phòng an ninh trong trường hợp này thuộc về Cục xuất nhập khẩu thuộc Bộ công thương. Thương nhân có thể nộp trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền hoặc nộp thông qua dịch vụ bưu chính.
Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp nhận hồ sơ và giải quyết hồ sơ theo quy định của pháp luật. Bộ công thương sẽ kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của hồ sơ. Trong trường hợp xét thấy hồ sơ đã đầy đủ và hợp lệ, trong thời hạn 07 ngày làm việc, Bộ công thương sẽ cấp giấy phép nhập khẩu hàng hóa ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh. Trong trường hợp hồ sơ không đầy đủ và hợp lệ, không đồng ý cấp giấy phép, Bộ công thương sẽ thông báo bằng văn bản cho thương nhân để hoàn chỉnh hồ sơ hoặc ra văn bản từ chối, trong đó nêu rõ lý do chính đáng.
2. Hàng hóa có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh bao gồm những gì?
Căn cứ theo phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương, có quy định về danh mục hàng hóa có ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh. Cụ thể như sau:
– Các trường hợp chỉ liệt kê mã 4 số thì toàn bộ các mã 8 số thuộc nhóm 4 số này đều sẽ được áp dụng;
– Các trường hợp chỉ liệt kê mã 6 số thì toàn bộ các mã 8 số thuộc phân nhóm 6 số này đều sẽ được áp dụng;
– Các trường hợp ngoài mã 4 số và mã 6 số còn chi tiết đến mã 8 số, thì chỉ những mã 8 số đó mới được áp dụng.
Chương | Nhóm | Mô tả mặt hàng |
Chương 87 | 8702 | Phương tiện có động cơ trò với số lượng người 10 người trở lên, trong đó bao gồm kể cả lái xe (tuy nhiên phải được xác định là loại phương tiện có bọc thép không gắn vũ khí quân dụng, trừ dangn CKD) |
Chương 87 | 8703 | Các loại phương tiện ô tô và các loại phương tiện khác có gắn động cơ được thiết kế chủ yếu dùng với mục đích chở người (ngoại trừ các loại phương tiện thuộc nhóm 87.02), trong đó bao gồm cả phương tiện cho người có khoang hành lý chung và phương tiện được xác định là ô tô đua (loại ô tô có bọc thép không gắn vũ khí quân dụng, loại trừ dạng CKD) |
Chương 87 | 8704 | Các loại phương tiện có động cơ được dùng với mục đích để chở hàng (tức là các loại phương tiện có bọc thép không gắn vũ khí quân dụng, ngoại trừ dạng CKD) |
Chương 88 | 8802 | Các loại phương tiện bay, ví dụ như máy bay trực thăng, máy bay thông dụng, các loại tàu vũ trụ, trong đó bao gồm cả vệ tinh, các loại tàu bay trong quỹ đạo, các loại phương tiện được sử dụng để phóng tàu vũ trụ (tuy nhiên quy định này chỉ áp dụng đối với các loại máy bay, máy bay trực thăng không được sử dụng trong lĩnh vực hàng không dân dụng, đồng thời không có gắn các loại trang thiết bị, không gắn các loại vũ khí được sử dụng để chiến đấu) |
Theo đó, hàng hóa có ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh bao gồm những hàng hóa nêu trong bảng trên.
3. Quy định về quy trình cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa:
Căn cứ theo quy định tại Điều 9 của Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương, có quy định về thành phần hồ sơ và quy trình xin cấp giấy phép nhập khẩu và xuất khẩu. Theo đó, thành phần hồ sơ sẽ bao gồm các loại giấy tờ sau:
– Văn bản đề nghị cấp giấy phép của thương nhân theo mẫu do pháp luật quy định;
– Giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
– Các loại giấy tờ và tài liệu có liên quan theo quy định của pháp luật.
Theo đó, quy trình cấp giấy phép được thực hiện như sau:
– Thương nhân sẽ gửi một bộ hồ sơ trực tiếp hoặc thông qua bưu điện, gửi trực tuyến đến bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền cấp giấy phép;
– Trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa đúng quy định của pháp luật và cần phải bổ sung, trong thời hạn 03 ngày làm việc được tính kể từ ngày tiếp nhận, bộ và cơ quan ngang bộ sẽ thông báo để thương hoàn thiện;
– Trừ trường hợp pháp luật có quy định về thời hạn cấp giấy phép, trong thời hạn tối đa 10 ngày được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, bộ và cơ quan ngang bộ sẽ có văn bản trả lời;
– Trường hợp pháp luật có quy định về việc bộ và cơ quan ngang bộ có thẩm quyền cấp giấy phép sẽ trao đổi ý kiến với các cơ quan có liên quan, thời hạn sử lý hồ sơ sẽ được tính kể từ thời điểm nhận được ý kiến trả lời của các cơ quan có liên quan.
Ngoài ra, việc cấp đổi hoặc bổ sung giấy phép, cấp lại giấy phép với lý do bị mất hoặc bị thất lạc sẽ được thực hiện theo nguyên tắc sau:
– Thương nhân sẽ chỉ phải nộp các loại giấy tờ có liên quan đến nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung;
– Thời gian cấp đổi, bổ sung hoặc cấp lại sẽ không được kéo dài hơn thời gian cấp giấy khác ban đầu;
– Trong trường hợp từ chối thì cần phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương;
– Thông tư 173/2018/TT-BQP của Bộ Quốc phòng về việc công bố danh mục cụ thể hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Quốc phòng theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ;
– Văn bản hợp nhất 11/VBHN-BCT năm 2023 do Bộ Công Thương ban hành hợp nhất Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.