Giải quyết vấn đề tiền lương khi nghỉ việc. Đã nộp đơn xin nghỉ việc, phải làm gì khi công ty không thanh toán lương.
Giải quyết vấn đề tiền lương khi nghỉ việc. Đã nộp đơn xin nghỉ việc, phải làm gì khi công ty không thanh toán lương.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi xin đi làm tại công ty bảo vệ Nhất Nam từ ngày 28/11/2015. Nhưng do cần người nên tôi chưa nộp hồ sơ đã được phát đồng phục và chứng nhận bảo vệ và đi làm ngay hôm đó. Công ty chỉ giữ 1 chứng minh thư của tôi. Trong hợp đồng thông báo trả lương vào ngày 20 hàng tháng và lương được tính theo giờ là 11 ngàn/ 1 giờ. Nhưng cho tới ngày 18/01/2016 tôi vẫn chưa nhận được 1 đồng nào từ công ty nên tôi viết đơn xin nghỉ việc và nộp lại cho quản lý trực tiếp (do phải làm 13h/ ngày từ 9h sáng đến 22h nên không thể lên công ty nộp trực tiếp được). Sau đó đến ngày 7/2/2016 tôi có thông báo cho quản lý sau hôm đó là nghỉ tết và tôi cũng nghỉ việc luôn (công ty quy định phải nộp đơn trước 20 ngày). Tuy nhiên, đến hôm nay 22/2/2016 tôi lên công ty hỏi về vấn đề lương thì trên công ty nói rằng chưa nhận được đơn xin nghỉ của tôi và nói tôi tự ý nghỉ việc nên không giải quyết tiền lương cho tôi. Vậy tôi mong các luật sư bớt chút thời gian giải đáp giúp để tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Thứ nhất, Điều 20 Bộ luật lao động quy định về những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động như sau:
“1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.”
Theo đó, công ty bảo vệ Nhất Nam đã có hành vi vi phạm quy định tại Điều 20 của Bộ luật lao động do giữ chứng minh thư của anh trong thời gian anh làm việc.
Thứ hai, về nguyên tắc trả lương quy định tại Điều 96 Bộ luật lao động:
“Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.
Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.”
Anh đi làm từ 28/11/2015 đến 18/01/2016 tức là 1 tháng 20 ngày mà nhưng vẫn không nhận được lương. Không những thế hợp đồng còn nêu rõ trả lương vào ngày 20 hàng tháng tức là phía bên công ty đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trả lương và phải chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định số 95/2013/NĐ – CP về vi phạm quy định về tiền lương:
“Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật Lao động; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; trả lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm cho người lao động thấp hơn mức quy định tại Điều 97 của Bộ luật Lao động; khấu trừ tiền lương của người lao động trái quy định tại Điều 101 của Bộ luật Lao động; trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại Điều 98 của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên. vi phạm nghĩa vụ."
Thứ ba, Theo Điều 104 Bộ luật lao động thì thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần. Trường hợp của anh phải làm 13h/ ngày từ 9h sáng đến 22h được tính là làm thêm giờ và được quy định tại khoản 2 Điều 106 Bộ luật lao động:
“Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Được sự đồng ý của người lao động;
b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;
c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 19006568
Tổng số giờ làm việc của anh là 13 giờ trong 01 ngày vượt quá giới hạn cho phép mà pháp luật quy định. Theo đó, công ty này tiếp tục vi phạm Điều 106 Bộ luật lao động do sử dụng lao động quá thời gian cho phép.
Thứ tư, việc anh viết đơn xin nghỉ việc và nộp lại cho quản lý là phụ hợp với quy định của pháp luật tuy nhiên chưa có thông báo xác nhận đơn xin nghỉ việc của anh. Nếu như anh có chứng cứ chứng minh về việc đã nộp đơn thì mới có thể yêu cầu giải quyết về việc trả lương.
Như vậy dễ dàng thấy được công ty bảo vệ Nhất Nam đã không thực hiện đúng theo thỏa thuận của hợp đồng lao động cũng như theo quy định của pháp luật. Vậy nên, trong trường hợp này bạn có thể trao đổi với bên công ty để yêu cầu công ty giải quyết quyền lợi cho mình. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận thì bạn có thể khởi kiện ra tòa để giải quyết tranh chấp này.
Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của Dương Gia:
– Công ty ủy quyền ký hợp đồng với người lao động
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 19006568 để được giải đáp.
——————————————————–
THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA LUẬT DƯƠNG GIA: