Trong cuộc sống, để giải quyết các tranh chấp dân sự của các chủ thể thực sự có hiệu quả, việc xây dựng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật dân sự hoàn chỉnh.
Trong cuộc sống, để giải quyết các tranh chấp dân sự của các chủ thể thực sự có hiệu quả, việc xây dựng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật dân sự hoàn chỉnh, bao quát được toàn bộ các quan hệ xã hội phát sinh trong đời sống hàng ngày thuộc đối tượng điều chỉnh của “Bộ luật dân sự năm 2015” là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, một thực tế là điều này rất khó thực hiện. Xuất phát từ nhu cầu thực tế cần giải quyết các tranh chấp dân sự mà các quy phạm pháp luật không điều chỉnh, Điều 3 “Bộ luật dân sự năm 2015” qui định:
“Trong trường hợp pháp luật không qui định và các bên không có thỏa thuận thì có thể áp dụng tập quán”.
1/ Các khái niệm.
Tập quán là thói quen đã thành nếp trong đời sống xã hội, trong sản xuất và sinh hoạt thường ngày, được cộng đồng nơi có tập quán đó thừa nhận và làm theo như một qui ước chung của cộng đồng (Theo Điểm b, tiểu mục 2.7, mục 2, phần II Nghị quyết số 04/2005/NQ – HĐTP ngày 17/9/2005 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số qui định của Bộ luật Tố tụng Dân sự về chứng minh và chứng cứ).
Áp dụng tập quán là sử dụng các xử sự được cộng đồng địa phương, dân tộc thừa nhận như là chuẩn mực ứng xử đối với các thành viên trong cộng đồng dân tộc, địa phương đó (như việc áp dụng các đơn vị đo lường giạ lúa;chục ở miền Nam; chia thịt thú rừng ở các vùng dân tộc…).
2/ Nguyên nhân của việc áp dụng tập quán trong việc giải quyết tranh chấp dân sự.
Cùng với sự phát triển của xã hội của xã hội nói chung và của khoa học kỹ thuật nói riêng, các quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Dân sự cũng không ngừng biến đổi. Vì vậy, khi ban hành các văn bản pháp luật, các nhà làm luật không thể dự liệu hết những biến đổi này để có thể điều chỉnh chúng bằng các quy phạm pháp luật. Chính điều này đã tạo ra “lỗ hổng” trong pháp luật dân sự. Thực tế đã tồn tại những trường hợp không có quy phạm pháp luật điều chỉnh một quan hệ xã hội đang tồn tại (chẳng hạn như không có các quy định về thu mua, về hụi, họ,…).
Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là trên lãnh thổ nước ta tồn tại nhiều dân tộc khác nhau mà mỗi dân tộc lại có những đặc trưng riêng có của mình trong đó tập quán là một điển hình. Trong quá trình sinh sống, lao động sản xuất và thiết lập giao dịch dân sự, nhiều chuẩn mực ứng xử của cộng đồng dân cư, của một dân tộc, của một khu vực địa lý nảy sinh và được chấp nhận như một hiện tượng không thể loại bỏ.
3/ Điều kiện của việc áp dụng tập quán trong việc giải quyết tranh chấp dân sự
Thứ nhất, quan hệ xã hội phát sinh tranh chấp cần giải quyết phải thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Dân sự.
Thứ hai, hiện chưa có quy phạm pháp luật dân sự trực tiếp điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh tranh chấp đó.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ ba, tranh chấp cần giải quyết chưa được quy định trong pháp luật và các bên tham gia giao dịch không thỏa thuận, đồng thời cũng không có quy định tương tự nào của pháp luật để áp dụng thì các tập quán sẽ được xem xét để áp dụng.
Thứ tư, có tập quán có thể áp dụng để giải quyết tranh chấp phát sinh. Tuy nhiên, không phải tập quán nào cũng có thể áp dụng, tập quán được áp dụng phải có tính thông dụng, gần gũi và được đông đảo mọi người sinh sống trên cùng địa bàn hoặc cùng hành nghề trên cùng một lĩnh vực thừa nhận như một chuẩn mực ứng xử.
Thứ năm, tập quán được áp dụng không được trái với các nguyên tắc chung của pháp luật quy định trong Bộ luật dân sự.
Như vậy, tập quán được áp dụng vừa phải có khả năng giải quyết các tranh chấp dân sự lại vừa phải phù hợp với tất cả các nguyên tắc trên.
4/ Nhận xét của bản thân về việc pháp luật cho phép áp dụng tập quán.
Trong hoạt động áp dụng Luật Dân sự, hoạt động áp dụng tập quán để giải quyết các tranh chấp dân sự ngày càng trở nên không thể thiếu. Thông qua hoạt động này, sự thiếu sót trong các quy định của pháp luật sẽ được bổ sung và hoàn thiện. Có thể nói, đây chính là một trong những giải pháp lấp đầy “lỗ hổng” của pháp luật. Do tập quán gần gũi, dễ đi vào cuộc sống của nên việc pháp luật cho phép áp dụng tập quán khiến cho việc thực hiện pháp luật trở nên gần gũi với đời sống nhân dân hơn, phù hợp với ý chí của nhân dân và mang tính tự nguyện cao hơn bởi tập quán mang trong mình nó yếu tố dân chủ sâu sắc hơn luật thành văn. Thêm nữa, khi áp dụng tập quán, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch dân sự được đảm bảo thực hiện.
Tuy nhiên, việc áp dụng tập quán không phải là không có hạn chế. Đó là việc các tập quán mang tính cục bộ nên có thể bị áp dụng một cách tùy tiện, không phù hợp với nguyên tắc pháp chế của pháp luật xã hội chủ nghĩa, không đúng với mục đích để giải quyết tranh chấp dân sự phát sinh. Hơn nữa, các tập quán ra đời từ thực tiễn cuộc sống nên cũng gây khó khăn đối với các cơ quan xét xử khi áp dụng. Do vậy, các cơ quan áp dụng cần xem xét, cân nhắc kĩ lưỡng khi thực hiện hoạt động áp dụng tập quán.
Như vậy, hoạt động áp dụng tập quán đã góp phần không nhỏ vào việc giải quyết các tranh chấp dân sự đang phát sinh trong đời sống hàng ngày, tạo tiền đề cho các nhà lập pháp hoàn thiện và bổ sung hệ thống pháp luật.