Giá trị nội dung và nghệ thuật Hạnh phúc của một tang gia đã phác họa một cách sắc nét xã hội suy đồi, mục ruỗng, thối nát trong những năm trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 với nghệ thuật trào phúng sâu cay, sắc bén và đỉnh cao của ngòi bút hiện thực Vũ Trọng Phụng.
Mục lục bài viết
1. Nội dung tác phẩm “Hạnh phúc của một tang gia”:
1.1. Nội dung tác phẩm:
Đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” là một câu chuyện diễn tả xoay quanh cái chết của cụ tổ. Sau thời gian mắc bệnh, cụ đã qua đời trong sự hân hoan của nhiều thành viên trong gia đình. Những thành viên này đã chờ đợi cái chết của cụ rất lâu rồi. Đám tang của cụ như một cơ hội mang lại nhiều lợi lộc cho nhiều người, từ con cháu trong nhà đến người làm thuê trông coi, khách đến dự đám tang,… Đám tang được tổ chức linh đình với những vị khách, người thân cố gắng ăn mặc sang trọng, hào nhoáng, rực rỡ, xa xỉ nhất. Họ là những vị thượng lưu đến tham gia và thoải mái bình phẩm, bàn tán. Khung cảnh đưa tang nhộn nhịp, rộn ràng nhốn nháo trên nhiều con phố lớn. Xuân Tóc Đỏ (nhân vật chính của tác phẩm Số đỏ) xuất hiện khiến cho cụ cố Hồng cảm thấy sung sướng, mãn nguyện lắm. Trong lúc hạ huyệt, chú Tư Tấn chụp ảnh không biết mệt, cụ cố Hồng giả vờ chịu tang người quá cố và cụ Phan bí mật trả tiền cho Xuân Tóc Đỏ. Mặc dù đám tang thường là những sự kiện ảm đạm, nhưng điều này dường như ngược lại, vì mọi người đều vui vẻ lạ thường và háo hức mong đợi việc phân chia tài sản của người quá cố.
1.2. Cấu trúc văn bản “Hạnh phúc của một tang gia”:
Bố cục tác phẩm gồm 3 phần:
– Phần 1 (Từ đầu đến cho Tuyết vậy): Diễn tả niềm vui và sự hạnh phúc của các thành viên trong gia đình khi cụ tổ qua đời.
– Phần 2 (Tiếp đến đám cứ đi): Diễn tả cảnh đám ma gương mẫu.
– Phần 3 (Còn lại): Cảnh hạ huyệt.
2. Ý nghĩa của nhan đề tác phẩm “Hạnh phúc của một tang gia”:
Hạnh phúc của một tang gia được Vũ Trọng Phụng đặt cho đoạn trích trong tác phẩm Số Đỏ của ông là một cái tên đầy ấn tượng. Chính sự đối lập trong tiêu đều của đoạn trích đã tạo được ấn tượng mạnh và thu hút các độc giả.
Ta có thể thấy sự đối lập đó qua 2 từ “hạnh phúc” và “tang gia”
– Hạnh phúc là một từ thường để gợi đến những điều vui vẻ, những chuyện hỉ sự, may mắn, hoặc là tất cả những điều làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa.
– Còn tang gia có nghĩa là một gia đình đang có người mất, đang phải sống trong nỗi buồn đau mất mát, sự tổn thất của gia đình khi người thân yêu thương nhất của mình rời khỏi thế gian.
Hai khái niệm này mang ý nghĩa đối ngược nhau dù ở trong bất kì hoàn cảnh nào. Một gia đình có tang, tức là có người qua đời thì không thể nào có sự hạnh phúc, vui vẻ được mà phải là sự đau thương mất mát.
Tuy nhiên, nhà văn Vũ Trọng Phụng lại đặt hai khái niệm ấy trên cùng một tiêu đề, tạo nên một nhan đề nghịch lý, đối lập nhưng mang lại sự thu hút, và mang lại ý nghĩa quan trọng thể hiện cả nội dung câu truyện chỉ trong sự đối lập của 2 khái niệm ấy.
Đến cuối cùng, ý nghĩa mà nhan đề mang lại chính là muốn thể hiện nội dung cốt truyện: Có người chết thì mới vui, có niềm vui là vì trong gia đình có người chết. Tang gia mà lại vui vẻ, hạnh phúc, vì thế, nhan đề tạo ra sự mâu thuẫn, mang lại tiếng cười thâm thúy, như muốn châm biếm cái xã hội thối nát, sự vô tâm, giả dối đến nực cười của thế giới được cho là thượng lưu ở thời điểm ấy – thời điểm những năm trước cách mạng tháng 8 năm 1945.
3. Giá trị nội dung và nghệ thuật Hạnh phúc của một tang gia:
Đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” đã để lại nhiều giá trị về nội dung, nghệ thuật mang đến nhiều điểm nhấn nổi bật và ấn tượng. Tác phẩm để lại nhiều bài học giá trị và được sử dụng trong công tác giảng dạy học sinh phổ thông chính bởi những ấn tượng giá trị nội dung và nghệ thuật ấy.
3.1. Giá trị nội dung:
Đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” để lại giá trị nội dung:
– Tác phẩm đã mở ra một khung cảnh đám tang hoành tráng, to tát sau cái chết của cụ Tổ Cố Hồng và khắc họa thành công, đầy ám ảnh những bức chân dung của lũ con cháu bất hiếu, tồi tệ trong gia đình bao gồm: Ông bà Văn Minh, cụ Cố Hồng, cô Tuyết, cậu Tú Tân cũng như chân dung của những con người ngoài tang quyến mà mỗi người lại hiện lên với dáng vẻ và theo đuổi những suy nghĩ khác nhau.
- Qua đoạn trích, người đọc thấy được rõ bản chất của sự lố lăng, đồi bại trong xã hội “thượng lưu” thành thị những năm trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đó là bộ mặt của lũ con cháu với sự khốn nạn, mất nhân tính có lòng tham và sự nhẫn tâm. Con cháu háo hức chờ đợi cái chết của ông cố Hồng để được thừa kế khối tài sản kếch xù của ông. Họ tận dụng cơ hội này để phô trương sự giàu có của mình, quảng bá xu hướng thời trang mới cho các gia đình có tang và chứng minh rằng họ vẫn thuộc tầng lớp “ưu tú”. Những khuôn mặt giống như vậy cũng có thể được tìm thấy bên ngoài gia đình, trong số những người không tỏ lòng thương xót đối với người đã khuất mà chỉ tìm cơ hội nâng cao địa vị xã hội của mình bằng cách phô trương tài sản và thành tích của họ. Đó còn là bộ mặt của những kẻ ngoài tang quyến với những con người không mảy may thương xót cho người vừa nằm xuống mà chỉ đến để tìm kiếm cơ hộ đặt chân vào giới thượng lưu, đề khoe râu, khoe huân chương,…
3.2. Giá trị nghệ thuật:
Đoạn trích đã sử dụng một nghệ thuật trào phúng sắc bén, sâu cay:
– Tình huống trào phúng vô cùng độc đáo với cách tạo tình tiết cái chết của cụ Tố cố Hồng lại là niềm hạnh phúc cho lũ con cháu. Qua đó, với sự tương phản độc đáo chính là phông nền cho lũ con cháu bộc lộ suy nghĩ và bản chất đồi bại, khốn nạn của mình.
– Nhân vật trào phúng: Vũ Trọng Phụng đã xây dựng thành công một hệ thống các nhân vật trào phúng. Mỗi người một mục đích, một suy nghĩ khi đến đám tang nhưng đều là những suy nghĩ ích kỉ, đê hèn cho lợi ích cá nhân. Dù là con cháu trong tang quyến hay những người ngoài tang quyến đều thể hiện sự ích kỷ của mình chứ không hề mảy may thương xót cho người vừa nằm xuống kia
– Cảnh tượng trào phúng: Cảnh hạ huyệt ở cuối tác phẩm đã hoàn tất bức tranh của xã hội thương lưu giả dối, mục ruỗng và thối nát.
Nghệ thuật trào phúng là thủ pháp nghệ thuật xây dựng dựa trên sự tương phản, đối lập, mâu thuẫn làm nổi bật tiếng cười mỉa mai đầy châm biếm, đồng thời nhằm phê phán, tố cáo sâu sắc hiện thực xã hội, con người thối nát. Nghệ thuật ấy đã được Vũ Trọng Phụng đưa vào và sử dụng thể hiện qua chính trong nhan đề “hạnh phúc của một tang gia”. Một nhan đề hoàn toàn bộc lộ được sự trào phúng khi miêu tả sự đối lập giữ hạnh phúc (niềm vui tột cùng của con người khi đạt được điều gì đó như mong muốn) và tang gia (nỗi đau lớn nhất của một người khi phải mất đi người thân yêu nhất) gói gọn trong một nhan đề tác phẩm. Hai trạng thái mâu thuẫn, đối lập được đặt đứng cạnh nhau để dựng nên một bức tranh khôi hài về xã hội thượng lưu. Nỗi đau đớn lớn nhất của một người lại trở thành niềm hạnh phúc tột cùng của nhiều người cả trong tang quyến và ngoài tang quyến. Đó là sự mỉa mai, châm biếm vô cùng. Bên cạnh đó, tác giả diễn tả tình huống trào phúng với cái chết của cụ tổ và xây dựng hình ảnh nhân vật trào phúng với một hệ thống các nhân vật trào phúng. Mỗi người có một suy nghĩ khác nhau, cong đều là sự ích kỷ và không hề có lòng thương tiếc, buồn đau đối với người quá cố. Cùng với đó là cảnh tượng trào phúng với cảnh hạ huyệt ở cuối tác phẩm đã hoàn tất bức tranh của xã hội thương lưu giả dối, thối nát.
Qua đoạn trích này, Vũ Trọng Phụng đã tập trung phê phán sự đồi bại, thối nát, lố lăng của một xã hội “thượng lưu” thành thị những năm trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Những kẻ tự cho mình là văn minh, Âu hóa thực chất chỉ là những con người nhơ nhuốc, máu lạnh, giả dối và khốn nạn. Họ là những con người không hề có cảm xúc, các giá trị đạo đức cũng không còn.
Tác phẩm như một bức họa phác họa rõ nét toàn cảnh của một xã hội đáng báo động về sự thối ruỗng, mục nát về cảm xúc và giá trị đạo đức suy đồi đáng lên án.
Trên đây là toàn bộ thông tin về Giá trị nội dung và nghệ thuật Hạnh phúc của một tang gia mà bạn có thể tham khảo.