Những đối tượng giả danh công an, quân đội với mục đích gì? Giả danh lực lượng công an, quân đội bị xử lý như thế nào?
Lực lượng vũ trang nhân dân có vai trò cũng như trách nhiệm rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn xã hội cũng như bảo đảm cho sự an toàn cho người dân trên toàn đất nước Việt Nam. Với vai trò và trách nhiệm lớn lao đó thì để tham gia vào lực lượng vũ trang nhân dân thì cần phải thông qua sự tuyển chọn gắt gao của các ngành Quân đội nhân dân, Công an nhân dân. Chính vì vậy hành vi giả mạo công an, giả mạo quân đội là những hành vi bị nghiêm cấm. Người nào có hành vi giả mạo sẽ bị xử lý như sau:
Căn cứ pháp lý:
– Nghị định 82/2016/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của quân đội nhân dân Việt Nam;
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình.
Mục lục bài viết
1. Giả danh lực lượng công an, quân đội bị xử lý như thế nào?
Tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định 82/2016/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của quân đội nhân dân Việt Nam đã nêu rõ ràng như sau: Nghiêm cấm cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân sản xuất, làm giả, làm nhái, tàng trữ, trao đổi, mua bán, cho, tặng và sử dụng trái phép quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trường hợp vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Do đó tùy vào mục đích mà người giả danh công an, quân đội mà hình thức xử phạt sẽ khác nhau, cụ thể như sau:
1.1. Giả danh công an, quân đội không nhằm mục đích lừa đảo:
Nếu đối tượng giả danh công an không nhằm mục đích lừa đảo mà mục đích chính là để thể hiện, muốn được người khác nể trọng hơn, “oai” hơn, để được cán bộ, chiến sỹ Công an, Quân đội đang làm nhiệm vụ “thông cảm” thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính về việc vi phạm quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu dành riêng cho lực lượng công an nhân dân quy định tại Điều 20 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
+ Hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng;
+ Hành vi mua, bán hoặc đổi trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp;
+ Hành vi sản xuất trái phép hoặc làm giả trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp;
+ Ngoài những hình phạt nêu trên còn có hình phạt bổ sung là tịch, thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và trục xuất người nước ngoài nếu vi phạm.
1.2. Giả danh công an, quân đội nhằm mục đích lừa đảo:
Tùy thuộc vào số tiền mà đối tượng lừa đảo chiếm đoạt được và tiền án mà quyết định người này có thể bị xử lý vi phạm hành chính hay xử lý về mặt hình sự.
1.2.1. Xử lý về mặt hành chính:
Người nào giả danh công an, quân đội thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt với số tiền dưới 2 triệu đồng thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP với số tiền phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với cá nhân. Còn đối với tổ chức thì mức phạt sẽ gấp đôi (Khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Ngoài ra người vi phạm cũng sẽ bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, người nước ngoài phạm tội sẽ bị trục xuất khỏi Việt Nam. Đồng thời họ sẽ phải có những biện pháp khắc phục hậu quả như buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.
1.2.2. Xử lý về mặt hình sự:
Người nào giả danh công an, quân đội thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt với số tiền từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một số tội như tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản, tội cướp tài sản,… chưa được xóa án tích mà vi phạm hay hành vi chiếm đoạt gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc chiếm đoạt tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại thì sẽ bị kết án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015.
Hình thức xử phạt đối với những đối tượng vi phạm thuộc những điều vừa nói trên có thể bị xử phạt như sau:
+ Khung hình phạt nhẹ nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm;
+ Khung hình phạt tăng nặng thứ 1 nhất là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm với những tình tình tiết tăng nặng như: có tổ chức, Có tính chất chuyên nghiệp, chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200. triệu đồng,… (Khoản 2 Điều 174 Bộ luật hình sự 2015);
+ Khung hình phạt tăng nặng thứ hai là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm ( Khoản 3 Điều 174 Bộ luật hình sự 2015);
+ Khung hình phạt tăng nặng thứ ba người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân.
1.3. Giả danh công an, quân đội nhằm mục đích bắt, giữ người trái pháp luật:
Những đối tượng có hành vi giả danh công an, quân đội nhằm mục đích bắt, giam giữ người trái phép, xúi giục, kích động người khác làm những điều vi phạm pháp luật hoặc có hành vi cố ý gây thương tích mà không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác quy định tại Điều 339 Bộ luật hình sự 2015.
Người vi phạm sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Những đối tượng giả danh công an, quân đội với mục đích gì?
Hiện nay, tình trạng giả danh công an, quân đội diễn ra rất phổ biến. Đối tượng giả danh Công an, quân đội thường là người đã từng công tác trong ngành công an, quân đội hoặc có quan hệ thân thiết với một số cán bộ, chiến sỹ Công an, quân đội. Điều này giúp cho họ có hiểu biết nhất định về một lĩnh vực công tác nào đó của lực lượng Công an, quân đội để từ đó có thể dễ dàng giả mạo hơn.
Mục đích giả danh Công an, Quân đội của các đối tượng này rất đa dạng, có thể đơn giản chỉ vì muốn thể hiện, muốn được người khác nể trọng hơn, “oai” hơn, để được cán bộ, chiến sỹ Công an, Quân đội đang làm nhiệm vụ “thông cảm”. Tuy nhiên mục đích chủ yếu của các đối tượng này là nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc lừa gạt tình cảm hoặc nhằm trộm cắp tài sản.
Phương thức, thủ đoạn giả danh Công an, Quân đội của những đối tượng này rất đa dạng, từ đơn giản đến phức tạp như giả danh làm cảnh sát giao thông, phạt tiền người tham gia giao thông hay giả danh làm chiến sĩ phục vụ trong quân đội để lừa gạt sự giúp đỡ từ những người dân. Hầu hết thủ đoạn của những đối tượng này chủ yếu là tạo dựng lòng tin, sự tin tưởng của người bị hại để dễ dàng lừa đảo.
Ngoài ra, một hình thức lừa đảo khác cũng đang rất phổ biến hiện nay. Đó là sử dụng thủ đoạn như thông qua mạng viễn thông (gọi điện, nhắn tin), mạng xã hội như Facebook, Zalo… để liên lạc với người bị hại. Điển hình như giả danh công an gọi điện đến số điện thoại của người dân thông báo rằng số tài khoản của họ đã bị một đối tượng chuyển tiền vào nhằm mục đích rửa tiền, sau đó yêu cầu người dân chuyển tiền vào số tài khoản của chúng để kiểm tra xem có phải rửa tiền không. Do quá hoang mang lo sợ rằng mình sẽ bị bắt giữ cho nên rất nhiều người dân đã tin tưởng và chuyển tiền cho chúng. Sau khi đã nhận được tiền thì các đối tượng lừa đảo này sẽ lập tức chiếm đoạt số tiền và chặn thông tin liên hệ với người bị hại Đây là một hành vi đáng lên án, nhất là trong thời buổi khó khăn hiện nay.
3. Cách phát hiện đối tượng giả danh công an, giả danh quân đội:
Vậy làm cách nào để phát hiện ra những đối tượng lừa đảo?
+ Người dân cần tỉnh táo trước những giọng điệu đe dọa của những đối tượng lừa đảo, bình tĩnh xem xét và hỏi ý kiến từ những người có chuyên môn. Nếu có dấu hiệu lừa đảo thì phải thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết;
+ Đề cao cảnh giác trước những đối tượng tự xưng là cán bộ cơ quan Nhà nước vì khi cần sự hợp tác điều tra của bạn, cơ quan chức năng sẽ đến trực tiếp hoặc có giấy triệu tập hoặc giấy mời (
+ Cảnh giác với những đối tượng tự xưng là cảnh sát giao thông, nếu có nghi ngờ yêu cầu xem thẻ công an;
+ Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân của mình như chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân, số điện thoại hay hình ảnh cá nhân của mình khi không biết đối tượng này là ai.