Gây tai nạn, bồi thường thiệt hại thế nào? Chủ lái xe hay doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại tài sản?
Tóm tắt câu hỏi:
Vừa rồi tôi có xảy ra một vụ va chạm giao thông tại nơi giao thoa giữa đường cao tốc và đường nội thành. Do đường ùn tắc lại không để ý nên tôi đã đâm phải xe đi cùng chiều phía trước. Chiếc xe đằng trước đã bị méo cốp cũng như bị trầy xước sơn phía sau. Xin hỏi: trong trường hợp này, tôi sẽ bị xử phạt như thế nào? Tôi có phải bồi thường cho chiếc xe mà tôi đâm phải không hay công ty bảo hiểm sẽ tiến hành chi trả.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Tôi sẽ bị xử phạt như thế nào?
Trong trường hợp này, nếu đoạn đường mà bạn đâm phải chiếc xe phía trước là đường nội thành mà không phải là đường cao tốc thì theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP thì bạn sẽ bị xử phạt với mức phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng về hành vi:
“Không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu: “Cự ly tối thiểu giữa hai xe”, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm i Khoản 4 Điều này;”
Nếu đoạn đường mà bạn đâm phải chiếc xe phía trước thuộc đường cao tốc thì theo quy định tại điểm i khoản 4 Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP thì bạn có thể xử phạt với mức phạt là 800.000 đến 1.200.000 đồng về hành vi:
“Không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc; điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc; không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc; quay đầu xe, lui xe trên đường cao tốc; chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc; không tuân thủ quy định ghi trên biển báo hiệu về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc;”
Đối với việc bạn có phải bồi thường cho chủ chiếc xe bị đâm hay công ty bảo hiểm phải bồi thường?
Ở đây, bạn đã tham gia bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới. Viêc bạn đâm phải chiếc xe phía trước không được coi là sự kiện bảo hiểm. Bởi theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2010 thì sự kiện bảo hiểm phải được xảy ra một cách khách quan. Trong trường hợp của bạn, bạn là người có lỗi gây ra tai nạn vì thế trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ phải do người có hành vi vi phạm thực hiện. Trong trường hợp này, bạn sẽ tiến hành bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho chủ chiếc xe bạn đâm phải.
>>> Luật sư
Theo quy định tại Điều 608 “Bộ luật dân sự 2015” thì căn cứ để bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định như sau:
“1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.”
Điều kiện để tiến hành bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng bao gồm:
Thứ nhất, có hành vi vi phạm xảy ra. Ở đây, hành vi vi phạm của bạn là hành vi không giữa đúng khoảng cách, cự ly khi tham gia giao thông.
Thứ hai, có lỗi. Ở đây lỗi của bạn là lỗi vô ý. Bạn đã không tập trung trong quá trình điều kiển phương tiệp khi tham gia giao thông.
Thứ ba, có thiệt hại thực tế xảy ra. Ở đây, thiệt hại thực tế xảy ra đó là chiếc xe của người phía trước bị trầy xước, méo cốp.
Thứ tư, có mối quan hệ giữa hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế xảy ra. Hành vi điều kiển xe không giữ đúng khoảng cách của bạn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại về chiếc xe đối với người lái xe phía trước.
Như vậy, hành vi vi phạm của bạn đáp ứng đủ các điều kiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Như vậy, bạn là người phải bối thường thiệt hại cho chủ chiếc xe mà bạn đã đâm phải chứ không phải công ty bảo hiểm.