Đương nhiên xóa án tích là trường hợp người bị kết án được đương nhiên công nhận như chưa từng bị kết án khi đủ điều kiện, người bị kết án không phải làm thủ tục để cần có quyết định xóa án tích của Tòa án. Vậy thủ tục này được thực hiện như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Đương nhiên xóa án tích là gì?
Xóa án tích được hiểu là việc đối tượng bị kết án về một hành vi phạm tội theo quy định của Bộ luật hình sự, sau khi đã chấp hành xong hình phạt tù, đồng thời trải qua khoảng thời gian thử thách luật quy định thì sau đó sẽ được xóa án tích. Và người được xóa án tích sẽ được coi là chưa bị kết án.
Theo quy định của Bộ luật hình sự hiện nay có 03 trường hợp được xóa án tích, bao gồm:
– Đương nhiên được xóa án tích.
– Xóa án tích theo quyết định của Tòa án.
– Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt.
Trong đó, đương nhiên xóa án tích theo quy định được hiểu là trường hợp người bị kết án được đương nhiên công nhận như chưa từng bị kết án khi đủ điều kiện, người bị kết án không phải làm thủ tục để cần có quyết định xóa án tích của Tòa án. Trường hợp đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với những người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
2. Đương nhiên được xóa án tích phải đáp ứng các điều kiện nào?
Căn cứ Điều 70 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định điều kiện để người bị kết án được đương nhiên xóa án tích bao gồm:
+ Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội phải chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo.
+ Hết thời hiệu thi hành bản án.
+ Đối tượng đã chấp hành xong hình phạt chính hoặc đã hết thời gian thử thách án treo.
+ Đối tượng đã chấp hành xong các hình phạt bổ sung cũng như các quyết định khác của bản án.
+ Không thực hiện hành vi phạm tội trong khoảng thời gian sau:
Trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo: thời gian là 01 năm.
Trường hợp bị phạt tù đến 05 năm: thời gian là 02 năm.
Trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm: thời gian là 03 năm.
Trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án: thời gian là 05 năm.
+ Từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, đối tượng không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn như nêu trên.
3. Hồ sơ, thủ tục đương nhiên xóa án tích:
Bước 1: Nộp hồ sơ:
Đối tượng có nhu cầu xóa án tích sẽ làm văn bản yêu cầu gửi đến cơ quan có thẩm quyền là sở tư pháp tại nơi đăng ký thường trú để xin chứng nhận là đã xóa án tích khi đáp ứng đủ các điều kiện.
Hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp để chứng nhận đã xóa án tích bao gồm:
+ Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
+ Giấy tờ tùy thân (gồm chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân).
+ Trích lục/bản sao Bản án hình sự sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật, nếu đã xét xử phúc thẩm thì cung cấp cả trích lục/bản sao Bản án sơ thẩm và phúc thẩm.
+ Trường hợp được đặc xá thì cần Giấy chứng nhận đặc xá do Trại giam nơi thi hành án cấp.
+ Trường hợp bị xử phạt tù giam và đã chấp hành xong hình phạt tù: Giấy chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt tù do Trại giam nơi thi hành án cấp hoặc giấy tờ có giá trị thay thế.
+ Trường hợp bị phạt tù nhưng được hưởng án treo: Giấy chứng nhận đã chấp hành xong thời gian thử thách án treo do Cơ quan thi hành án hình sự – Công an quận, huyện, thị xã hoặc giấy tờ có giá trị thay thế.
+ Trường hợp bị phạt cải tạo không giam giữ: Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt cải tạo không giảm giữ do Cơ quan thi hành án hình sự – Công an quận, huyện, thị xã cấp hoặc giấy tờ có giá trị thay thế.
+ Các Biên lai nộp tiền án phí, tiền phạt và các nghĩa vụ dân sự khác như: bồi thường, truy thu…
Bước 2: Nộp lệ phí:
Trường hợp đương nhiên xóa án tích, cá nhân muốn chứng thực việc được xóa án tích đó thì thực hiện xin lý lịch tư pháp sẽ bị mất phí. Cụ thể:
– Mức phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp: 200.000 đồng/lần/người.
– Mức phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp áp dụng đối với các đối tượng gồm sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ (cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi và người có công nuôi dưỡng liệt sỹ): 100.000 đồng/lần/người.
Lưu ý: nếu như người có yêu cầu xị cấp phiếu lý lịch tư pháp từ phiếu thứ 3 trở đi sẽ tính thuê thêm 5000 đồng/phiếu.
(căn cứ Điều 4 Thông tư số 244/2016/TT-BTC, được hướng dẫn bởi Mục 1 Công văn 44/TTLLTPQG-HCTH năm 2017).
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết:
Sau khi nhận được hồ sơ của cá nhân nộp, Sở Tư pháp sẽ tiến hành xác minh bằng cách gửi văn bản yêu cầu xác minh cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú, làm việc để xác định người đó có bị khởi tố, điều tra hay xét xử trong khoảng thời gian sau khi chấp hành xong bản án theo quy định hay không.
Nhận được yêu cầu, Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ có trách nhiệm gửi văn bản thông báo kết quả xác minh cho Sở Tư pháp. Thời hạn giải quyết là 10 ngày làm việc tính từ ngày nhận được văn bản yêu cầu xác minh.
Cuối cùng, Sở tư pháp sẽ xác nhận cấp phiếu lý lịch tư pháp là người đó không có án tích sau khi nhận được kết quả xác minh từ Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú, làm việc.
Như vậy, khi cá nhân đủ điều kiện được đương nhiên xóa án tích, trong trường hợp có nhu cầu cần chứng minh việc xóa án tích thì có thể đến Sở Tư pháp nơi thường trú, trong phiếu lý lịch tư pháp sẽ ghi nhận cá nhân đó đã được xóa án tích hay chưa được xóa.
4. Một số khó khăn trong việc áp dụng hình thức đương nhiên xóa án tích:
Đương nhiên được xóa án tích là một nội dung quan trọng trong pháp luật hình sự Việt Nam, tuy nhiên qua thực tế thực hiện vẫn còn một số vướng mắc như sau:
– Theo quy định thẩm quyền để xác nhận các đối tượng bị kết án đủ điều kiện được đương nhiên xóa án tích là của Sở tư pháp – cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Tuy nhiên trong Luật lý lịch tư pháp chưa quy định cụ thể trình tự, thủ tục, thời gian và cơ chế phối hợp xác minh các trường hợp đương nhiên xóa án tích. Như vậy rất khó cho cơ quan chức năng nắm bắt được quy trình chung để giải quyết.
– Nhiều người dân cũng thắc mắc nhiều về vấn đề hệ thống lý lịch tư pháp chưa đầy đủ, không thuận tiện cho việc tra cứu thông tin, xác nhận đương nhiên được xóa án tích. Chính vì vậy, người dân đi xin phiếu lý lịch tư pháp, cơ quan chức năng vẫn chưa nắm bắt được đủ các thông tin người này đã đủ điều kiện được xóa án tích theo quy định hay chưa. Sau đó, phải phối hợp với cơ quan Tòa án đề nghị cung cấp Bản án hay liên hệ xác minh đến cơ quan chức năng việc chấp hành các nội dung về thi hành án dân sự, hình sự, các quyết định khác của Bản án và tình hình phạm tội mới tại các cơ quan có liên quan như thế nào? Như vậy sẽ kéo theo việc mất thời gian và thông tin không được thống nhất.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Thông tư số 244/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp