Mở sổ tiết kiệm là một trong những hình thức tiết kiệm vô cùng quen thuộc của người dân, đây là hình thức đầu tư an toàn và hiệu quả, ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay thì có được cầm cố sổ tiết kiệm để bảo đảm cho khoản vay hay không?
Mục lục bài viết
1. Được cầm cố sổ tiết kiệm để bảo đảm khoản vay không?
Vay là một trong những giao dịch dân sự phổ biến, bên cạnh việc vay tín chấp (bằng uy tín, tin tưởng) thì hầu hết các ngân hàng hiện nay đều cho vay với tài sản bảo đảm, trong đó có sổ tiết kiệm. Vay cầm cố sổ tiết kiệm là một hình thức vay mà người vay vốn sử dụng sổ tiết kiệm thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình để làm tài sản thế chấp tại các tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng và ngân hàng có quyền, trách nhiệm giữ gìn, bảo quản sổ tiết kiệm đó, trả lại sổ tiết kiệm cho người vay khi khoản vay đã được tất toán.
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 của Thông tư 39/2016/TT-NHNN (sau được đính chính tại khoản 1 Điều 1 của Quyết định 312/QĐ-NHNN năm 2017). Điều luật này quy định về nhu cầu vốn không được cho vay. Theo đó, tổ chức tín dụng và ngân hàng không được cho vay đối với các yêu cầu sau đây:
(1) Vay vốn với nhu cầu để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật.
(2) Vay vốn với nhu cầu thanh toán các khoản chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của giao dịch bằng hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
(3) Vay vốn để mua bán, sử dụng các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành nghề mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh.
(4) Vay vốn để mua vàng miếng đầu cơ tích trữ.
(5) Vay vốn để trả nợ đối với các khoản nợ cấp tín dụng tại các tổ chức tín dụng cho vay (ngoại trừ trường hợp cho vay để thanh toán tiền lãi vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình cơ sở hạ tầng) mà chi phí tiền lãi vay được tính dựa trên tổng mức đầu tư xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
(6) Vay vốn để trả nợ đối với các khoản nợ cấp tín dụng tại các tổ chức tín dụng khác và trả nợ đối với các khoản vay nước ngoài, ngoại trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn đối với các khoản vay đáp ứng đầy đủ điều kiện sau đây:
+ Là khoản vay được sử dụng để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh;
+ Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của các khoản vay cũ;
+ Là khoản vay chưa được thực hiện thủ tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Như vậy, sổ tiết kiệm là một trong những tài sản bảo đảm theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Khi đó, việc cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn tại các tổ chức tín dụng cũng là một biện pháp bảo đảm tiền vay hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Hay nói cách khác, việc nhận tài sản cầm cố là sổ tiết kiệm không trái với quy định của pháp luật trong trường hợp khách hàng vay vốn không vi phạm quy định về “nhu cầu vốn không được cho vay” theo Điều luật phân tích nêu trên.
2. Có được cầm cố sổ tiết kiệm để bảo đảm cho nhiều khoản vay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 296 của Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về vấn đề sử dụng một tài sản để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ. Theo đó:
-
Một tài sản có thể được sử dụng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ khác nhau, nếu tài sản đó có giá trị tính tại thời điểm xác lập giao dịch lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, ngoại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật liên quan có quy định khác;
-
Trong trường hợp một tài sản được sử dụng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì bên bảo đảm bắt buộc phải thông báo cho bên nhận bảo đảm biết về việc tài sản đó đang được dùng để bảo đảm cho một nghĩa vụ khác. Mỗi lần bảo đảm đều cần phải được lập thành văn bản;
-
Trong trường hợp bắt buộc phải xử lý tài sản để thực hiện cho một nghĩa vụ đã đến hạn thì các nhiệm vụ còn lại tuy chưa đến đến hạn cũng đều được coi là đã đến hạn, và tất cả các bên nhận bảo đảm đều tham gia vào quá trình xử lý tài sản đó. Bên nhận bảo đảm đã thông báo về vấn đề xử lý tài sản thì cần có trách nhiệm xử lý tài sản đó, trong trường hợp các bên cùng nhận bảo đảm không có thỏa thuận khác. Trong trường hợp các bên vẫn muốn tiếp tục thực hiện nghĩa vụ chưa đến hạn thì có thể thỏa thuận với nhau về vấn đề bên bảo đảm sử dụng tài sản khác để bảo đảm cho quá trình thực hiện nghĩa vụ chưa đến hạn.
Như vậy, một sổ tiết kiệm có thể được sử dụng để bảo đảm cho nhiều khoản vay nếu sổ tiết kiệm đó đáp ứng được các điều kiện sau:
-
Giá trị cuộc sổ tiết kiệm lớn hơn so với tổng giá trị các nghĩa vụ tính tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm;
-
Bên bảo đảm đã thông báo cho bên nhận bảo đảm về việc sổ tiết kiệm đó tham gia vào nhiều giao dịch bảo đảm khác nhau.
3. Những đối tượng nào được quyền vay vốn ngân hàng?
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 của Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, có quy định về điều kiện vay vốn. Theo đó, các tổ chức tín dụng sẽ xem xét và quyết định cho vay khi khách hàng đáp ứng được đầy đủ các điều kiện sau đây:
-
Khách hàng là pháp nhân có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật về dân sự. Khách hàng là cá nhân trong độ tuổi từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; hoặc khách hàng trong độ tuổi từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;
-
Khách hàng có nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp;
-
Có phương án sử dụng vốn hiệu quả và khả thi;
-
Có khả năng tài chính để phục vụ cho hoạt động trả nợ;
-
Trường hợp khách hàng vay vốn của các tổ chức tín dụng theo lãi suất cho vay được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 13 của Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, thì khách hàng đó cần phải được tổ chức tín dụng đánh giá là đối tượng có tình hình tài chính lành mạnh và minh bạch.
Như vậy, khách hàng có nhu cầu vay vốn tại ngân hàng và các tổ chức tín dụng thì cần phải thỏa mãn đồng thời các điều kiện tại Điều 7 của Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Nhìn chung, hoạt động cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm là một trong những hình thức cho vay phổ biến trong các giao dịch dân sự hiện nay. Lợi ích của việc vay cầm cố sổ tiết kiệm mang lại là rất lớn, có thể kể đến một số lợi ích như sau:
-
Vay cầm cố sổ tiết kiệm có khả năng bảo toàn lãi từ sổ tiết kiệm. Trong trường hợp sổ tiết kiệm của khách hàng gần đến ngày đáo hạn tuy nhiên đang cần một khoản tiền để chi tiêu gấp, nếu tất toán sổ tiết kiệm thì coi như sẽ mất đi toàn bộ lãi dự kiến nhận được khi đến hạn, vì vậy vay cầm cố sổ tiết kiệm được đánh giá là giải pháp ưu việt giúp bảo toàn lãi tiền gửi;
-
Vay cầm cố sổ tiết kiệm giải quyết được nhu cầu vốn góp. Trong trường hợp gặp khó khăn về tài chính và cần một khoản vay nhanh chóng thì vay cầm cố sổ tiết kiệm có thể được lựa chọn vào đây được đánh giá là hình thức hợp lý. Quá trình vay thường đơn giản và xử lý nhanh chóng do không tốn nhiều thời gian thẩm định giá trị tài sản bảo đảm giống như các loại tài sản bảo đảm thông thường khác. Vì vậy có thể giúp cho khách hàng tiếp cận được nguồn vốn trên thị trường một cách nhanh chóng và hiệu quả;
-
Vay cầm cố sổ tiết kiệm có mức lãi suất thấp. Thông thường vay cầm cố sổ tiết kiệm có mức lãi suất thấp hơn so với các hình thức vay bằng các loại tài sản bảo đảm khác;
-
Vay cầm cố sổ tiết kiệm có tỷ lệ cho vay trên tài sản bảo đảm cao hơn. Thông thường, các khoản vay cầm cố sổ tiết kiệm hầu hết sẽ có tỷ lệ cho vay dựa trên giá trị tài sản thế chấp cao vì rủi ro nợ xấu do khách hàng mất thanh toán trên thực tế là rất thấp, thậm chí là không có.
THAM KHẢO THÊM: