Khái niệm, ý nghĩa của việc quy định và thực hiện vai trò của Viện kiểm sát trong việc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong TTHS.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm vai trò của Viện kiểm sát trong áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt:
Theo Từ điển Tiếng Việt năm 2013, vai trò là: “Tác dụng, chức năng trong sự hoạt động, phát triển của cái gì đó”.
VKSND có vai trò rất quan trọng trong hoạt động TTHS. Là một trong những cơ quan tiến hành tố tụng cùng với CQĐT, TA, VKSND góp phần quan trọng vào hoạt động TTHS. Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp là chức năng hiến định của ngành kiểm sát nhân dân. Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan nhà nước có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, Điều 107
VKSND có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất (Điều 1
Bên cạnh đó, Điều 20 BLTTHS năm 2015 quy định:
Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, quyết định việc buộc tội, phát hiện vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo mọi hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật đều phải được phát hiện và xử lý kịp thời …. Kiểm sát HĐTP hình sự là hoạt động thực hiện quyền lực Nhà nước, do cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội giao cho VKSND nhằm bảo đảm pháp chế XHCN trong hoạt động tự pháp hình sự, tôn trọng và bảo vệ các quyền và tự do của con người, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm. Bản chất của KSHĐTP là kiểm tra tính hợp pháp trong hành vi của các chủ thể bị kiểm sát … đối tượng của kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các hoạt động tư pháp ở giai đoạn điều tra là sự tuân thủ pháp luật của các CQĐT và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Đối với các cơ quan tiến hành tố tụng khác, như CQĐT, TA chỉ chịu trách nhiệm đối với phần việc thuộc phạm vi thẩm quyền của mình ở từng giai đoạn tố tụng nhất định. VKSND thì khác, không những phải hoàn thành hoạt động thực hành quyền công tố của mình đúng pháp luật, mà còn phải chịu trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự nhằm phát hiện kịp thời những vi phạm pháp luật trong suốt quá trình giải quyết vụ án, từ khi có sự kiện phạm tội xảy ra cho khi thi hành xong bản án, xóa án tích.
Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự bao hàm việc kiểm sát CQĐT thực hiện các biện pháp điều tra theo luật định được gọi là hoạt động kiểm sát điều tra của VKSND hay thực tiễn kiểm sát gọi tắt là kiểm sát điều tra. Đây là một trong những bộ phận cấu thành, là nhiệm vụ cụ thể thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Kiểm sát điều tra với tính chất là một nhiệm vụ thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKS thì nó có bản chất pháp lý là kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật nhằm bảo đảm tính hợp pháp các hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện bởi Cơ quan điều tra và các cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra trong quá trình giải quyết vụ án hình sự bảo đảm việc điều tra đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm đồng thời cũng không làm oan người vô tội. Vì vậy, hoạt động điều tra của CQĐT phải chịu sự chế ước và kiểm sát chặt chẽ của cơ quan VKS. Điều này được thể hiện thông qua việc luật quy định các nhiệm vụ, quyền hạn cho VKS.
Khi tiến hành hoạt động kiểm sát điều tra, VKSND phải dựa trên các căn cứ pháp BLTTHS và các văn bản pháp luật khác có liên quan để xem xét, bảo đảm sự tuân theo pháp luật của các chủ thể bị kiểm sát, cụ thể là Cơ quan điều tra cũng như bảo đảm tính hợp pháp của ngay chính các hoạt động kiểm sát của VKSND. Do đó, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cũng là một dạng của hoạt động kiểm sát – đó chính là kiểm sát thông qua chức năng tố tụng của mình.
Như vậy, có thể hiểu: Vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hình sự đó là việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong các hoạt động tố tụng hình sự nhằm góp phần vào việc đảm bảo các quy định của pháp luật được chấp hành nghiêm túc, quyền và lợi ích của các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng không bị xâm phạm.
Ở giai đoạn điều tra, VKSND giữ một vị trí đặc biệt quan trọng xuyên suốt quá trình điều tra, truy tố. Tác giả Lê Hữu Thể từng nhận định như sau:
VKSND giữ vai trò chủ đạo, quyết định trong các hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp ở giai đoạn điều tra vụ án hình sự. VKSND có trách nhiệm áp dụng các biện pháp do BLTTHS quy định nhằm bảo đảm cho điều tra, truy tố được kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội, đảm bảo cho hoạt động điều tra được tiến hành đúng quy định pháp luật.
Mặt khác, điều đó thể hiện ở quyền truy tố thuộc VKSND, là cơ quan chịu trách nhiệm về mặt chứng cứ của vụ án trước TA. Trong trường hợp mà TA đình chỉ vụ án hay tuyên bị cáo không phạm tội thì đều đồng nghĩa với việc VKSND đã truy cứu trách nhiệm hình sự một người nào đó không đúng pháp luật. Trong giai đoạn điều tra, hai chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra luôn được thực hiện đan xen nhau, có tác dụng hỗ trợ lẫn nhau. Mục đích của hoạt động thực hành quyền công tố là chứng minh tội phạm và xác định người phạm tội; mục đích của hoạt động kiểm sát điều tra là đảm bảo các hoạt động điều tra được đầy đủ, khách quan, toàn diện, đúng pháp luật. Công tác kiểm sát điều tra có hiệu quả sẽ là điều kiện để đảm bảo cho hoạt động thực hành quyền công tố của VKSND được đúng đắn và ngược lại, công tác thực hành quyền công tố có hiệu quả sẽ tạo điều kiện cho hoạt động kiểm sát điều tra phát hiện kịp thời những vi phạm pháp luật trong khi tiến hành điều tra.
Vì vậy, khi VKSND thực hiện tốt chức năng của mình sẽ đảm bảo: không để người nào bị khởi tố, bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế quyền công dân, bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do, danh dự và nhân phẩm một cách trái pháp luật; không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội; việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội phải đúng pháp luật và có căn cứ; việc điều tra được tiến hành một cách khách quan, toàn diện, chính xác và đúng pháp luật; những vi phạm pháp luật trong quá trình điều tra được phát hiện và khắc phục kịp thời.
Quá trình điều tra vụ án hình sự, các Cơ quan tiến hành tố tụng trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình phải thực hiện các hoạt động tố tụng nhằm phát hiện, thu thập tài liệu chứng cứ để chứng minh sự thật vụ án. Hoạt động thu thập chứng cứ chủ yếu thông qua việc tiến hành những biện pháp điều tra được quy định trong BLTTHS. Trong giai đoạn điều tra thì người có thẩm quyền áp dụng các BPĐT chủ yếu là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT, Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND. Khi người có thẩm quyền áp dụng các BPĐT thì tùy từng biện pháp mà VKSND có quyền phê chuẩn trước khi thi hành hoặc sau đó và VKSND có quyền kiểm sát việc áp dụng, thi hành các lệnh áp dụng đó, cũng như việc thay đổi, hủy bỏ BPĐT.
Trên cơ sở đó, ta có thể hiểu vai trò của VKSND trong việc áp dụng các BPĐT là việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong các hoạt động áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các BPĐT của các cơ quan, người có thẩm quyền theo pháp luật TTHS nhằm đảm bảo các các quy định của pháp luật được áp dụng có căn cứ, tránh lạm dụng, cũng như đảm bảo quyền con người không bị xâm phạm.
Theo quy định tại Điều 223 BLTTHS năm 2015, các BPĐT tố tụng đặc biệt là những biện pháp ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử. Đặc trưng của các biện pháp này là thực hiện một cách bí mật nên đụng chạm trực tiếp đến những quyền cơ bản của con người, của công dân mà những quyền này được quy định trong
Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
Những người khác tham gia tố tụng như người bào chữa, người bị hại, hoặc người đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn, người láng giềng, người cùng giới, người đại diện cơ quan, tổ chức… đều không có quyền có mặt. Do vậy, mặc dù BLTTHS năm 2015 cho phép Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền được áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, nhưng dưới sự kiểm sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền và chỉ được áp dụng đối với các trường hợp: Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền; Tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Bản chất chế độ Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam là của dân, do dân và vì dân như Hiến pháp đã quy định. Nhà nước xã hội chủ nghĩa có tính nhân đạo cao cả, vì vậy mọi hoạt động của Nhà nước phải tuân thủ lợi ích của nhân dân, tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích của nhân dân. Chúng ta có thể tiến hành các biện pháp công tác để phòng chống tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, thậm chí sử dụng biện pháp mạnh để trấn áp những đối tượng chống đối xã hội; tuy nhiên, chúng ta không được sử dụng các biện pháp xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Trong khi đó nhóm “người yếu thế trong việc áp dụng BPĐT TTĐB chính là nhóm người đang trong quá trình CQĐT áp dụng các biện pháp điều tra một cách “bí mật” để thu thập chứng cứ mà mà họ không thể biết được, trừ những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, do đó, vấn đề bảo vệ quyền con người, quyền công dân cho nhóm người này quan trọng hơn cả. Nhóm quyền của những người này bao gồm: quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình… Việc áp dụng các biện pháp này rất dễ bị lạm dụng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến những thông tin liên quan đến danh dự của công dân.
Vận dụng biện pháp ĐTTTĐB mang tính đặc thù phức tạp và bí mật, do vậy việc sử dụng biện pháp này cần phải cân nhắc, tính toán để không xâm hại đến quyền và lợi chính đáng người các cá nhân, tổ chức. Đồng thời chỉ tính toán sử dụng biện pháp ĐTTTĐB vào mục đích phòng chống tội phạm, không được tùy tiện sử dụng vào những công việc khác ngoài mục đích trên.
Với tính chất là những quy định mới, lần đầu tiên được quy định ở Việt Nam trong một văn bản tố tụng, thêm vào đó, đây là những biện pháp điều tra có tính chất nhạy cảm, khi thực hiện sẽ có thể có những tác động lớn tới các quyền cơ bản của con người, của công dân nên việc giám sát chặt chẽ trong quá trình áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là nội dung quan trọng nhằm bảo đảm các quyền con người, quyền công dân không bị xâm phạm trong tố tụng hình sự.
Vì vậy, rất cần thiết phải có cơ chế kiểm sát quyền lực nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm quyền con người, quyền công dân.
Pháp luật quy định hoạt động kiểm sát của Viện kiểm sát ngay trong quá trình tiến hành áp dụng BPĐT TTĐB đóng vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ nhằm bảo vệ công lý nâng cao chất lượng hoạt động điều tra vụ án hình sự, hạn chế những trường hợp áp dụng các BPĐT TTĐB đối với những người không phạm tội mà còn nhằm ngăn chặn kịp thời những vi phạm quyền con người, quyền công dân. Mặt khác, do tính “đặc biệt” đó mà các biện pháp điều tra này cũng chỉ được triển khai trong một số loại tội phạm đặc biệt với phạm vi áp dụng tương đối hạn chế như: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia; tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng; tội khủng bố; tội rửa tiền; tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Vai trò kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình áp dụng BPĐT TTĐB còn góp phần bảo đảm sự trong sạch, vô tư, khách quan của người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng.
Những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng giúp rõ các vấn đề của vụ việc hình sự, có trách nhiệm thực thi công lý, nếu họ không vô tư trong việc tiến hành tố tụng hoặc tham gia tố tụng thì việc giải quyết vụ việc hình sự sẽ bị thiên lệch. Khi tham gia các hoạt động tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng cần phải tôn trọng sự thật, tôn trọng pháp luật, tiến hành công việc của mình với thái độ khách quan, vô tư, không được để những quan hệ, những tình cảm cá nhân chi phối vào công việc, không được có thái độ thiên vị hay định kiến đối với bất kì người nào.
Do vậy, với hoạt động kiểm sát sẽ là điều kiện cần thiết để đảm bảo nguyên tắc vô tư, khách quan trong tố tụng hình sự. Quá trình thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật, nếu có lý do xác đáng để cho rằng người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình, thì VKSND có quyền yêu cầu họ sẽ không được tiến hành hoặc tham gia tố tụng, từ chối tiến hành hoặc tham gia tố tụng hoặc bị đề nghị thay đổi theo quy định pháp luật.
Từ đó, có thể đưa ra khái niệm về vai trò của VKS trong việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong các hoạt động áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các BPĐT được tiến hành bí mật của các cơ quan, người có thẩm quyền theo pháp luật TTHS nhằm đảm áp dụng có căn cứ, tránh lạm dụng, cũng như đảm bảo quyền con người không bị xâm phạm trong các loại tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền; Tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
2. Ý nghĩa của việc quy định và thực hiện vai trò của Viện kiểm sát trong việc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
Việc ghi nhận vai trò của Viện kiểm sát trong việc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong BLTTHS năm 2015 có nhiều ý nghĩa thể hiện ở các phương diện sau:
– Thứ nhất, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát quá trình chứng minh tội phạm. Trước khi ban hành BLTTHS năm 2015, những biện pháp trinh sát đã được tiến hành trong thực tiễn đối với một số loại tội phạm phức tạp, nguy hiểm, khó phát hiện và chứng minh. Tuy nhiên, do chưa được luật hóa nên thông tin, tài liệu thu thập được từ những biện pháp này không thể sử dụng trực tiếp mà phải trải qua bước “chuyển hóa chứng cứ” gây mất thời gian và công sức. Với việc luật hóa thành các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt và theo trình tự, thủ tục phải được Viện kiểm sát phê chuẩn thì những gì thu thập được từ đó, có giá trị chứng minh tội phạm đều được công nhận là chứng cứ, sử dụng trực tiếp tại tòa. Còn những gì thu thập ngoài tố tụng, chẳng hạn tài liệu trinh sát thì vẫn phải chuyển hóa chứng cứ thì mới dùng trước tòa được. Các cơ quan có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự có thể trực tiếp sử dụng thông tin, tài liệu thu được thông qua biện pháp này để làm chứng cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội nhanh chóng, kịp thời nhưng việc tham gia của Viện kiểm sát nhằm đảm bảo không có sự lạm dụng hay vượt quá phạm vi luật định.
– Thứ hai, hạn chế việc xâm phạm quyền con người, quyền cơ bản của cá nhân. Một trong những đặc điểm của biện pháp điều tra tố tụng là xâm phạm quyền con người, quyền cơ bản của cá nhân. Tuy nhiên, bằng việc quy định vai trò kiểm sát chặt chẽ về trường hợp, thời điểm, thẩm quyền, thời hạn áp dụng và chủ thể tiến hành, pháp luật TTHS gián tiếp hạn chế việc áp dụng một cách tùy tiện những biện pháp này, bảo đảm nguyên tắc “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”.
– Thứ ba, góp phần phòng ngừa tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp. Những chủ thể có thẩm quyền áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là những người có chức vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp. Họ có khả năng nhận thức rằng trước đây khi áp dụng các biện pháp trinh sát đặc thù và việc “chuyển hóa chứng cứ” là cách làm dễ dàng và hợp lý, khó phát hiện trong các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp. Điều đó đã không còn đúng nữa kể từ khi BLTTHS năm 2015 chính thức luật hóa các biện pháp trinh sát thành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có gắn liền với quá trình kiểm sát của Viện kiểm sát do việc áp dụng biện pháp này là những chứng cứ quan trọng, mang tính quyết định đối với một số vụ án cụ thể nên khi áp dụng với sự kiểm sát chặt chẽ của Viện kiểm sát thì việc có những hành vi trái pháp luật rất dễ bị phát hiện. Sự thay đổi này có thể là một yếu tố tác động đến nhận thức của những người áp dụng, khiến họ từ bỏ ý định phạm tội vì nguy cơ bị phát hiện và bị buộc tội cao hơn so với trước đây rất nhiều.