Đấu thầu là hoạt động lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp. Khi tổ chức muốn lựa chọn nhà thầu rộng rãi trên toàn thế giới thì việc lựa chọn nhà thầu được thực hiện như thế nào? Điều kiện tổ chức đầu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà thầu được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là đấu thầu quốc tế?
Căn cứ theo quy định tại khoản 14 Điều 4 Văn bản hợp nhất Luật Đấu thầu năm 2020 thì đấu thầu quốc tế được quy định là hoạt động lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp nhưng được mở rộng cho nhà thầu, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều được tham dự thầu.
Theo đó, hoạt động đấu thầu quốc tế thì bên mời thầu phải đảm bảo công bố công khai các điều kiện về chất lượng của hàng hoá, điều kiện về thương mại để bên mời thầu có thể lựa chọn được bên dự thầu phù hợp với những điều kiện mà mình đã đưa ra.
2. Điều kiện tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà thầu:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Văn bản hợp nhất Luật Đấu thầu năm 2020 thì để tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà thầu thì tổ chức đấu thầu phải đáp ứng được một trong các điều kiện sau:
– Nhà tài trợ vốn cho gói thầu có yêu cầu tổ chức đấu thầu rộng rãi với quy mô quốc tế;
– Gói thầu mua sắm hàng hóa mà hàng hóa đó trong nước không sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, giá. Tuy nhiên, đối với trường hợp hàng hóa thông dụng, đã được nhập khẩu và chào bán tại Việt Nam thì không tổ chức đấu thầu quốc tế;
– Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp mà nhà thầu trong nước không có khả năng đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu.
Theo đó, khi tổ chức đấu thầu đáp ứng được một trong 03 điều kiện nêu trên thì được tổ chức đấu thầu rộng rãi trên quy mô quốc tế thì được tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu.
Khi đảm bảo một trong các điều kiện tương ứng trên thì sẽ được tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu. Khi lựa chọn nhà thầu phù hợp thì tổ chức mời thầu phải lưu ý những ưu đãi khi lựa chọn nhà thầu. Theo đó, nhà thầu được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu quốc tế để cung cấp hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên. Những đối tượng được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu quốc tế để cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, bao gồm:
+ Nhà thầu trong nước tham dự thầu với tư cách độc lập hoặc liên danh;
+ Nhà thầu nước ngoài liên danh với nhà thầu trong nước mà nhà thầu trong nước đảm nhận từ 25% trở lên giá trị công việc của gói thầu.
3. Một số quy định khác về đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu:
Bên cạnh quy định về điều kiện tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu thì pháp luật về đấu thầu còn được quy định một số vấn đề khác như ngôn ngữ đấu thầu, đồng tiền sử dụng để đấu thầu, thời gian thực hiện việc đấu thầu,…Cụ thể một số quy định được nêu ra trong Luật Đấu thầu năm 2020 như sau:
3.1. Ngôn ngữ được sử dụng trong đấu thầu quốc tế:
Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Văn bản hợp nhất Luật Đấu thầu năm 2020 thì ngôn ngữ được quy định sử dụng trong đấu thầu quốc tế bao gồm:
– Chỉ sử dụng Tiếng Anh trong đấu thầu rộng rãi quốc tế;
– Sử dụng Tiếng Anh kết hợp với Tiếng Việt (song ngữ) trong đấu thầu rộng rãi quốc tế.
3.2. Đồng tiền được sử dụng trong đấu thầu quốc tế:
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Văn bản hợp nhất Luật Đấu thầu năm 2020 thì đồng tiền dự thầu trong đấu thầu quốc tế được quy định cụ thể trong hồ sơ mời thầu. Theo đó, việc quy định đồng tiền dự thầu được thực hiện theo nguyên tắc sau:
– Trong hồ sơ mời thầu phải quy định cụ thể về đồng tiền dự thầu trong hồ sơ dự thầu nhưng không được đề xuất quá 03 đồng tiền. Đối với một hạng mục công việc cụ thể thì chỉ được thực hiện chào thầu bằng một đồng tiền;
– Trong trường hợp hồ sơ mời thầu quy định nhà thầu được chào thầu bằng hai hoặc ba đồng tiền thì khi đánh giá hồ sơ dự thầu phải quy đổi về một đồng tiền. Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định về đồng tiền quy đổi, thời điểm và căn cứ xác định tỷ giá quy đổi. Lưu ý, khi trong hồ sơ có hai hoặc ba đồng tiền mà có đồng Việt Nam thì phải quy đổi về đồng Việt Nam.
– Đối với chi phí nước ngoài liên quan đến việc thực hiện gói thầu thì nhà thầu được thực hiện chào thầu bằng đồng tiền nước ngoài;
– Đối với chi phí trong nước liên quan đến việc thực hiện gói thầu thì nhà thầu được thực hiện chào thầu bằng đồng Việt Nam.
3.3. Thời gian thực hiện trong quá trình lựa chọn nhà thầu:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Đấu thầu năm 2020 thì thời gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu được quy định cụ thể theo trình tự, thủ tục sau:
– Thứ nhất, thời gian phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Luật Đấu thầu năm 2020:
Thời gian phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu được quy định tối đa là 05 ngày làm việc từ ngày nhận được báo cáo thẩm định. Theo đó, các loại hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được phát hành sau 03 ngày làm việc từ ngày đầu tiên đăng tải
– Thứ hai, thời gian chuẩn bị các loại hồ sơ có liên quan:
+ Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 12 Luật Đấu thầu thì thời gian chuẩn bị hồ sơ quan tâm được quy định tối thiểu là 20 ngày đối với đấu thầu quốc tế từ ngày đầu tiên hồ sơ mời quan tâm được phát hành đến ngày có thời điểm đóng thầu. Theo đó, nhà thầu phải nộp hồ sơ quan tâm trước thời điểm đóng thầu;
+ Căn cứ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 12 Luật Đấu thầu thì thời gian chuẩn bị hồ sơ dự sơ tuyển được quy định tối thiểu là 20 ngày đối với đấu thầu quốc tế, từ ngày đầu tiên hồ sơ mời sơ tuyển được phát hành đến ngày có thời điểm đóng thầu. Theo đó, nhà thầu phải nộp hồ sơ dự sơ tuyển trước thời điểm đóng thầu.
+ Căn cứ theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Luật Đấu thầu thì thời gian chuẩn bị hồ sơ đề xuất được quy định tối thiểu là 05 ngày làm việc từ ngày đầu tiên hồ sơ yêu cầu được phát hành đến ngày có thời điểm đóng thầu. Theo đó, nhà thầu phải nộp hồ sơ đề xuất trước thời điểm đóng thầu;
+ Căn cứ theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 12 Luật Đấu thầu thì thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu được quy định tối thiểu 40 ngày đối với đấu thầu quốc tế từ ngày đầu tiên hồ sơ mời thầu được phát hành đến ngày có thời điểm đóng thầu. Theo đó, nhà thầu phải nộp hồ sơ dự thầu trước thời điểm đóng thầu.
– Thứ ba, thời gian đánh giá, thẩm định hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đề xuất, hồ sơ dự thầu:
Theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 12 Luật Đấu thầu năm 2020 thì thời gian đánh giá với từng loại hồ sơ được quy định như sau:
+ Hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển thì thời gian đánh giá tối đa là 30 ngày;
+ Hồ sơ đề xuất thì thời gian đánh giá tối đa là 40 ngày;
+ Hồ sơ dự thầu thì thời gian đánh giá tối đa là 60 ngày đối với đấu thầu quốc tế từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày bên mời thầu trình chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
Lưu ý: Trong trường hợp cần thiết thì có thể kéo dài thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhưng không quá 20 ngày và phải bảo đảm tiến độ thực hiện dự án.
+ Thời gian thẩm định hồ sơ được quy định tối đa là 20 ngày cho từng nội dung thẩm định: kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà thầu kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ trình.
– Thứ tư, thời gian phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu:
Căn cứ theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 13 Luật Đấu thầu thì thời gian phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu được quy định tối đa là 10 ngày từ ngày nhận được
Bên cạnh đó tại điểm k khoản 1 Điều này thì đối với trường hợp phê duyệt hoặc có ý kiến xử lý về kết quả lựa chọn nhà thầu thì thời gian tối đa quy định là 10 ngày từ ngày nhận được tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của bên mời thầu hoặc báo cáo thẩm định trong trường hợp có yêu cầu thẩm định.
– Thứ năm, thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất:
Thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất tối đa là 180 ngày từ ngày có thời điểm đóng thầu. Đối với những gói thầu có quy mô lớn, phức tạp hoặc gói thầu được thực hiện theo phương thức hai giai đoạn thì thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu tối đa là 210 ngày từ ngày có thời điểm đóng thầu. Trường hợp cần thiết thì có thể yêu cầu gia hạn thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và phải bảo đảm tiến độ dự án.
Theo quy định tại điểm m khoản 1 Điều 13 Luật Đấu thầu năm 2020 thì thời gian gửi văn bản sửa đổi hồ sơ mời thầu đến các nhà thầu đã nhận hồ sơ mời thầu tối thiểu là 15 ngày đối với đấu thầu quốc tế trước ngày có thời điểm đóng thầu. Đối với sửa đổi hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ yêu cầu thì tối thiểu là 03 ngày làm việc trước ngày có thời điểm đóng thầu. Trường hợp thời gian gửi văn bản sửa đổi hồ sơ không đáp ứng quy định tại điểm này, bên mời thầu thực hiện gia hạn thời điểm đóng thầu tương ứng bảo đảm quy định về thời gian gửi văn bản sửa đổi hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
Thời gian gửi văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu cho các nhà thầu tham dự thầu theo đường bưu điện, fax là 05 ngày làm việc, từ ngày kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết: Văn bản hợp nhất Luật Đấu thầu năm 2020.