Điều kiện kinh doanh tạm nhập, tái xuất thực phẩm hàng đông lạnh. Muốn kinh doanh thực phẩm hàng đông lạnh trong nước cần điều kiện gì?
Tóm tắt câu hỏi:
Em xin chào Công ty Luật Dương Gia. Em có một số vấn đề liên quan đến kinh doanh thực phẩm đông lạnh muốn nhờ công ty giải đáp giúp em. Hiện nay, em đang sống và làm việc tại Bắc Ninh và em có ý định kinh doanh mặt hàng thực phẩm đông lạnh. Cụ thể là các mặt hàng tim heo đông lạnh, thịt trâu Ấn Độ đông lạnh, gà đông lạnh, thịt và xương heo đông lạnh…các sản phẩm em nhập hàng từ một công ty trên Hà Nội và các sản phẩm trên đều được nhập khẩu theo đường chính ngạch. Em xin quý công ty tư vấn giúp em về một số thắc mắc mà em đang gặp phải.
1. Tư vấn giúp em về việc
2. Quý công ty tư vấn giúp em thủ tục xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cần giấy tờ gì và ở đâu?
3. Thực phẩm đông lạnh chủ yếu là thịt và các sản phẩm động vật thì khi em nhập hàng từ Hà Nội về Bắc Ninh có phải xin giấy kiểm dịch không? Nếu có thì em phải xin ở đâu? Hàng nhập về kho của em tại Bắc Ninh thì trong quá trình kinh doanh em có phải xin giấy kiểm dịch đối với hàng hóa không? Em đã có giấy chứng nhận khám sức khỏe và có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trên đây là một số khó khăn của em kính mong quý công ty giúp đỡ, giải đáp và tư vấn giúp em.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Thủ tục đăng kí hộ kinh doanh cá thể và các loại thuế phải đóng:
* Thành lập doanh nghiệp:
Căn cứ Điều 71 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, trình tự thủ tục đăng kí hộ kinh doanh cá thể được quy định như sau:
– Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm:
+ Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có);
+ Ngành, nghề kinh doanh;
+ Số vốn kinh doanh;
+ Số lao động;
+ Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.
Kèm theo Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh phải có bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.
– Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu có đủ các điều kiện sau đây:
+ Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;
+ Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định tại Điều 73 Nghị định này;
+ Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.
– Nếu sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thi người đăng ký hộ kinh doanh có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
– Định kỳ vào tuần làm việc đầu tiên hàng tháng, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện gửi danh sách hộ kinh doanh đã đăng ký tháng trước cho cơ quan thuế cùng cấp, Phòng Đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý chuyên ngành cấp tỉnh.
* Các loại thuế: Hộ kinh doanh cá thể phải nộp 3 loại thuế: thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
– Thuế môn bài: Được chia làm 6 bậc theo Điểm 2, Mục I Thông tư 96/2002/TT-BTC quy định:
Bậc thuế | Thu nhập 1 tháng | Mức thuế cả năm |
1 | Trên 1.500.000 | 1.000.000 |
2 | Trên 1.000.000 đến 1.500.000 | 750.000 |
3 | Trên 750.000 đến 1.000.000 | 500.000 |
4 | Trên 500.000 đến 750.000 | 300.000 |
5 | Trên 300.000 đến 500.000 | 100.000 |
6 | Bằng hoặc thấp hơn 300.000 | 50.000 |
– Thuế giá trị gia tăng: Căn cứ Điều 13
Công thức tính thuế GTGT:
Thuế khoán thuế GTGT = Biểu giá trị gia tăng trên doanh thu của cục thuế ban hành x Doanh thu x Thuế suất thuế GTGT.
Biểu tỷ lệ GTGT trên doanh số áp dụng tính thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh ban hành kèm theo Công văn 763/BTC – TCT.
– Thuế thu nhập cá nhân: Căn cứ Điều 8 Thông tư 111/2013/TT-BTC:
+ Đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán:
Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế = Doanh thu khoán trong kỳ tính thuế x Tỷ lệ thu nhập chịu thuế ấn định
Tỷ lệ thu nhập chịu thuế ấn định tính trên doanh thu áp dụng đối với cá nhân kinh doanh chưa thực hiện đúng pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ; cá nhân kinh doanh lưu động và cá nhân không kinh doanh như sau:
Hoạt động | Tỷ lệ thu nhập chịu thuế ấn định (%) |
Phân phối, cung cấp hàng hóa | 7 |
Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu | 30 |
Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu | 15 |
Hoạt động kinh doanh khác | 12 |
+ Đối với cá nhân kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán hóa đơn, chứng từ thì thu nhập chịu thuế được xác định như sau:
Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế = Doanh thu tính thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế – Chi phí hợp lý được trừ trong kỳ tính thuế + Thu nhập chịu thuế khác trong kỳ tính thuế.
2. Thủ tục xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm:
Căn cứ Điều 12 Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm như sau:
1. Việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được thực hiện đối với từng cơ sở sản xuất, kinh doanh; từng nhà máy sản xuất độc lập tại một địa điểm (sau đây gọi tắt là cơ sở), trừ các trường hợp sau:
a) Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
b) Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;
c) Bán hàng rong;
d) Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt theo quy định.”
Như vậy, nếu bạn chỉ là cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, bước đầu phát triển thì không thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Nếu cơ sở của bạn không thuộc các trường hợp trên thì cơ sở của bạn phải xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Điều 3 Thông tư 26/2012/TT-BYT gồm:
– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (theo Mẫu 1 được ban hành kèm theo Thông tư 26/2012/TT-BYT).
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm (bản sao có xác nhận của cơ sở).
>>> Luật sư
– Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm (có xác nhận của cơ sở), bao gồm:
+ Bản vẽ sơ đồ thiết kế mặt bằng của cơ sở và khu vực xung quanh;
+ Sơ đồ quy trình sản xuất thực phẩm hoặc quy trình bảo quản, phân phối sản phẩm và bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ của cơ sở.
– Giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm:
+ Đối với cơ sở dưới 30 người: Nộp bản sao giấy xác nhận (có xác nhận của cơ sở);
+ Đối với cơ sở từ 30 người trở lên: Nộp danh sách đã được tập huấn (có xác nhận của cơ sở).
– Giấy xác nhận đủ sức khoẻ chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; phiếu báo kết quả cấy phân âm tính mầm bệnh gây bệnh đường ruột (tả, lỵ trực khuẩn và thương hàn) của người trực tiếp sản xuất thực phẩm đối với những vùng có dịch bệnh tiêu chảy đang lưu hành theo công bố của Bộ Y tế:
+ Đối với cơ sở dưới 30 người: Nộp bản sao giấy xác nhận (Có xác nhận của cơ sở);
+ Đối với cơ sở từ 30 người trở lên: Nộp danh sách kết quả khám sức khoẻ, xét nghiệm phân của chủ cơ sở và của người tham gia trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm (Có xác nhận của cơ sở).
Thẩm quyền cấp: Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Quy định về việc kiểm dịch:
* Vận chuyển sản phẩm động vật ra ngoài tỉnh:
Căn cứ Điều 7 Thông tư 11/2009/TT-BNN quy định kiểm dịch sản phẩm động vật vận chuyển ra ngoài tỉnh như sau:
“Điều 7. Kiểm dịch sản phẩm động vật vận chuyển ra ngoài tỉnh
1. Tổ chức, cá nhân khi vận chuyển sản phẩm động vật với khối lượng lớn ra ngoài tỉnh phải đăng ký kiểm dịch với Chi cục Thú y và thực hiện kiểm dịch theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 5 Mục 2 của Thông tư này;”
Như vậy, việc đưa sản phẩm đùi gà từ thành phố Hà Nội về Bắc Ninh là vận chuyển sản phẩm động vật ra ngoài tỉnh và bắt buộc phải đăng ký kiểm dịch.
Thủ tục quy định cụ thể tại điều 4, Điều 5 Thông tư 11/2009/TT-BNN: Khai báo trước ít nhất hai ngày trước khi vận chuyển nếu sản phẩm động vật đã được xét nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh thú y hoặc gửi qua đường bưu điện; bẩy ngày nếu sản phẩm động vật chưa được xét nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh thú y. Hồ sơ đăng ký kiểm dịch gồm:
+ Giấy đăng ký kiểm dịch sản phẩm động vật vận chuyển theo mẫu quy định;
+ Bản sao phiếu kết quả xét nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh thú y sản phẩm động vật (nếu có);
+ Các giấy tờ khác có liên quan (nếu có).
Sau khi thực hiện việc kiểm dịch, kiểm dịch viên động vật thực hiện theo quy định tại khoản 5, 6 Điều 4 Mục 2 của Thông tư 11/2009/TT-BNN. Cụ thể như sau:
+ Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch đối với động vật đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y trong phạm vi 24 giờ trước khi vận chuyển. Hồ sơ kiểm dịch cấp cho chủ hàng gồm: Giấy chứng nhận kiểm dịch; bảng kê mã số đánh dấu động vật theo quy định;
+ Kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y đối với phương tiện vận chuyển và các vật dụng kèm theo;
+ Thực hiện hoặc giám sát việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc đối với phương tiện vận chuyển và các vật dụng kèm theo ít nhất 06 giờ trước khi bốc xếp hàng để vận chuyển;
+ Trong ngày bốc xếp hàng, kiểm dịch viên động vật thực hiện: Kiểm tra lâm sàng động vật; kiểm tra, giám sát quá trình bốc xếp động vật lên phương tiện vận chuyển; niêm phong phương tiện vận chuyển, dụng cụ chứa đựng (đối với động vật không áp dụng biện pháp đánh dấu); hướng dẫn chủ hàng vệ sinh, khử trùng tiêu độc khu cách ly kiểm dịch, nơi bốc xếp động vật.
Trường hợp động vật không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y, cơ quan kiểm dịch động vật không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch và tiến hành xử lý theo quy định.
* Đối với cơ sở kinh doanh của bạn tại Bắc Ninh:
– Đối với cơ sở kinh doanh động vật, sản phẩm động vật theo quy định Pháp lệnh thú y 2004, Nghị định 33/2005/NĐ-CP, Thông tư 11/2009/TT-BNN phải đảm bảo các điều kiện sau:
+ Phương tiện bày bán, dụng cụ chứa đựng sản phẩm động vật phải được làm bằng vật liệu không gỉ, không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, dễ vệ sinh, khử trùng;
+ Nơi mua bán, vật dụng dùng trong việc mua bán động vật, sản phẩm động vật phải được vệ sinh sạch sẽ sau khi bán;
+ Nơi tập trung, mua bán động vật trên cạn phải xa khu dân cư, các công trình công cộng; được vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi lần tập trung, mua bán động vật.
* Trình tự thực hiện:
– Cơ sở nộp hồ sơ đăng ký về cơ quan thú y theo quy định.
– Kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, trong phạm vi 30 ngày đối với cơ sở chế biến hoặc 15 ngày đối với cửa hàng, kho bảo quản, phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật , cơ quan thú y có thẩm quyền phải thẩm định điều kiện vệ sinh thú y của cơ sở.
– Khi đủ điều kiện, cơ quan thú y cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y cho cơ sở chế biến, cửa hàng, phương tiện vận chuyển.
– Khi kết luận thẩm định là không đủ điều kiện, tổ chức, cá nhân có thể đề nghị thẩm định lại sau khi đã sửa chữa, khắc phục những nội dung chưa đạt yêu cầu trong lần thẩm định trước.
* Hồ sơ:
– Đơn xin cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thú y;
– Tờ trình về điều kiện vệ sinh thú y cơ sở. Mỗi địa điểm sản xuất phải có 1 tờ trình riêng;
– Bản sao các giấy tờ liên quan đến việc thành lập cơ sở.
(Hồ sơ đăng ký nộp về: Cục Thú y, đối với cơ sở chế biến sản phẩm động vật xuất khẩu, nhập khẩu hoặc Chi cục Thú y đối với cơ sở chế biến sản phẩm động vật tiêu thụ trong nước).