Điều kiện, hồ sơ, trình tự thủ tục đăng ký thỏa ước lao động tập thể. Thoả ước lao động tập thể có bắt buộc phải đăng ký không?
Như chúng ta đã biết thỏa ước lao động tập thể là một trong những căn cứ ghi nhận sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về các nội dung liên quan đến quá trình làm việc, thực hiện
Mục lục bài viết
- 1 1. Khái niệm thỏa ước lao động tập thể
- 2 2. Điều kiện để ký kết thỏa ước lao động tập thể
- 3 3. Hồ sơ đăng ký thỏa ước lao động tập thể
- 4 4. Trình tự, thủ tục đăng ký thỏa ước lao động tập thể
- 5 5. Hiệu lực và thời hạn của thỏa ước lao động tập thể
- 6 6. Sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể
- 7 7. Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu
1. Khái niệm thỏa ước lao động tập thể
Theo quy định tại khoản 1 Điều 75
Thỏa ước lao động tập thể có nhiều loại bao gồm thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp và một số loại thỏa ước lao động tập thể khác.
2. Điều kiện để ký kết thỏa ước lao động tập thể
Từ khái niệm của thỏa ước lao động tập thể nêu trên, ta có thể rút ra điều kiện để các bên ký kết thỏa ước lao động tập thể đó là:
– Phải được ký kết dựa trên tinh thần tự nguyện và sự thỏa thuận giữa giữa người lao động và người sử dụng lao động;
– Nội dung của thỏa thuận là kết quả đạt được của quá trình thương lượng tập thể;
– Hình thức của thỏa ước là bằng văn bản.
– Nội dung thỏa ước lao động tập thể sẽ không được trái với các quy định của pháp luật và khuyến khích các nội dung có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.
3. Hồ sơ đăng ký thỏa ước lao động tập thể
Hồ sơ để doanh nghiệp đăng ký thỏa ước lao động tập thể với cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:
– Văn bản đăng ký thỏa ước lao động tập thể;
– Bản thoả ước lao động tập thể đã được ký kết (01 bản);
– Biên bản lấy ý kiến của tập thể lao động trong đó ghi cụ thể kết quả lấy ý kiến bao gồm: tổng số người được lấy ý kiến, số người tán thành, số người không tán thành, tỷ lệ và những nội dung, điều khoản mà người lao động không tán thành;
– Bản sao có chứng thực của Giấy phép đăng ký kinh doanh;
– Giấy ủy quyền nếu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ủy quyền cho người khác thực hiện việc ký kết thỏa ước lao động tập thể.
4. Trình tự, thủ tục đăng ký thỏa ước lao động tập thể
4.1. Lập dự thảo thỏa ước lao động tập thể:
Người sử dụng lao động soạn thảo, chuẩn bị bản dự thảo thỏa ước lao động tập thể để lấy ý kiến của người lao động.
4.2. Tổ chức lấy ý kiến của người lao động:
Việc đầu tiên người sử dụng lao động phải làm đó là lấy ý kiến, đàm phán với toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp của mình về các nội dung của thỏa ước lao động tập thể. Về thời gian, địa điểm và cách thức tiến hành việc lấy ý kiến biểu quyết đối với dự thảo của thỏa ước lao động tập thể sẽ do tổ chức đại diện cho người lao động quyết định tuy nhiên việc lấy ý kiến biểu quyết đối với dự thảo thỏa ước lao động tập thể phải đảm bảo không được làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp tham gia thương lượng.
Luật quy định người sử dụng lao động không được có các hành vi gây cản trở, khó khăn hoặc can thiệp vào quá trình mà tổ chức đại diện người lao động lấy ý kiến biểu quyết về dự thảo thỏa ước.
4.3. Ký kết thỏa ước lao động tập thể:
Đại diện hợp pháp của các bên thương lượng sẽ đứng ra ký kết thỏa ước lao động tập thể. Riêng đối với thỏa ước lao động tập thể mà có nhiều doanh nghiệp và được tiến hành thông qua Hội đồng thương lượng tập thể thì Chủ tịch Hội đồng thương lượng tập thể và đại diện hợp pháp của các bên thương lượng sẽ đứng ra ký kết.
Điều kiện để ký kết thỏa ước lao động tập thể là:
+ Đối với thỏa ước lao động tập thể ngành thì chỉ được ký kết khi có từ 50% trở lên trên toàn bộ thành viên thuộc ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện người lao động tại các doanh nghiệp tham gia thương lượng được lấy ý kiến biểu quyết với phương án tán thành.
+ Đối với thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp chỉ được ký kết khi có trên 50% tổng số người lao động của doanh nghiệp biểu quyết với phương án tán thành.
+ Đối với thỏa ước lao động tập thể mà có nhiều doanh nghiệp thì chỉ những doanh nghiệp có trên 50% số người lao động tại các doanh nghiệp tham gia thương lượng hoặc trên 50% toàn bộ số thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện người lao động tại các doanh nghiệp tham gia thương lượng biểu quyết phương án tán thành.
4.4. Công bố thỏa ước lao động tập thể:
Tại khoản 6 Điều 76 Bộ luật lao động năm 2019 quy định sau khi đã tiến hành ký kết thỏa ước lao động tập thể thì người sử dụng lao động phải công bố cho người lao động của mình biết về nội dung của thỏa ước.
4.5. Gửi thỏa ước lao động tập thể:
Theo quy định tại Điều 77 của Bộ luật lao động năm 2019, sau khi ký kết thỏa ước lao động tập thể thì thỏa ước này phải được gửi cho mỗi bên tham gia ký kết 01 bản và gửi 01 bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tức Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính của người sử dụng lao động trong thời gian 10 ngày kể từ ngày thỏa ước lao động tập thể được ký kết.
Riêng đối với thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể mà có nhiều doanh nghiệp tham gia thì phải gửi thỏa ước lao động tập thể đến từng người sử dụng lao động và từng tổ chức đại diện người lao động tại các doanh nghiệp tham gia ký kết thỏa ước, mỗi đơn vị sẽ được nhận 01 bản.
4.6. Lập sổ theo dõi và kiểm tra tính pháp lý của thỏa ước lao động tập thể:
Cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tức Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiến hành việc lập sổ quản lý thỏa ước lao động tập thể và kiểm tra về nội dung, thẩm quyền ký kết thỏa ước trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thỏa ước lao động tập thể. Trường hợp có phát hiện nội dung của thỏa ước trái quy định của pháp luật hoặc được ký kết không đúng thẩm quyền thì lập văn bản yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa ước vô hiệu, đồng thời gửi văn bản thống báo cho hai bên ký kết biết.
5. Hiệu lực và thời hạn của thỏa ước lao động tập thể
5.1. Hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể:
– Thỏa ước lao động tập thể sẽ có hiệu lực kể từ ngày mà các bên thỏa thuận với nhau và được ghi trong thỏa ước. Nếu các bên không có sự thỏa thuận về ngày có hiệu lực thì thỏa ước lao động tập thể mặc định sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký. Sau khi thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực thì các bên tham gia phải tôn trọng thực hiện.
– Đối tượng áp dụng của thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp có hiệu lực áp dụng đối với người sử dụng lao động và toàn bộ người lao động của doanh nghiệp. Đối với thỏa ước lao động tập thể ngành và thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp thì sẽ có hiệu lực áp dụng đối với toàn bộ người sử dụng lao động và người lao động của các doanh nghiệp tham gia vào thỏa ước lao động tập thể.
5.2. Thời hạn của thỏa ước lao động tập thể:
Thời hạn của thỏa ước lao động tập thể là từ 01 năm – 03 năm. Khoảng thời hạn cụ thể sẽ do các bên thỏa thuận và được ghi trong thỏa ước lao động tập thể. Đối với các nội dung của thỏa ước lao động tập thể thì các bên có quyền thỏa thuận về thời hạn khác nhau.
Theo quy định tại Điều 83 Bộ luật lao động năm 2019, trước khi thỏa ước lao động tập thể hết hạn 90 ngày thì các bên tham gia ký kết có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn của thỏa ước lao động tập thể hoặc tiến hành ký kết thỏa ước lao động tập thể mới. Nếu các bên thỏa thuận với nhau về việc kéo dài thời hạn của thỏa ước lao động tập thể thì phải tiến hành lấy ý kiến của người lao động theo quy định.
Trường hợp đang trong quá trình các bên tiếp tục thương lượng mà thỏa ước lao động tập thể hết hạn thì thỏa ước lao động tập thể cũ đó vẫn sẽ được tiếp tục thực hiện trong thời hạn không quá 90 ngày kể từ ngày thỏa ước lao động tập thể hết hạn nếu các bên không có thỏa thuận khác.
6. Sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể
Điều kiện để sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể là dựa trên sự thỏa thuận tự nguyện của các bên, thông qua hình thức thương lượng tập thể hoặc do có sự thay đổi của pháp luật. Trường hợp sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể do không còn phù hợp với pháp luật thì quyền lợi của người lao động được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Việc sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể được thực hiện tương tự như việc các bên tiến hành thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.
7. Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu
– Thẩm quyền tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu là của Tòa án nhân dân các cấp.
– Các trường hợp thỏa ước lao động tập thể bị vô hiệu toàn bộ:
+ Người ký kết thỏa ước không đúng thẩm quyền;
+ Khi toàn bộ các nội dung của thỏa ước lao động tập thể vi phạm pháp luật;
+ Quy trình thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể không được tuân thủ đúng theo quy định.
– Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu từng phần nếu một hoặc một số nội dung trong thỏa ước lao động tập thể đó vi phạm pháp luật.
– Trường hợp thỏa ước lao động tập thể bị Tòa án tuyên bố vô hiệu thì lúc này các quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên được ghi trong thỏa ước lao động tập thể tương ứng với toàn bộ hoặc với phần bị tuyên bố vô hiệu thì sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật và theo các thỏa thuận hợp pháp trong hợp đồng lao động.