Điều kiện công tác sinh hoạt công đoàn của công chức về hưu? Người về hưu có được tham gia công đoàn hay không?
Điều kiện công tác sinh hoạt công đoàn của công chức về hưu? Người về hưu có được tham gia công đoàn hay không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Tôi là công chức đã về hưu, nhưng tôi được tiếp tục hợp đồng và bổ nhiệm làm Phó Ban đại diện Hội người cao tuổi huyện, tôi có mong muốn tiếp tục được sinh hoạt công đoàn. Vậy tôi có được tiếp tục tham gia Công đoàn hay không? Cảm ơn luật sư!
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Điều lệ Công đoàn Việt Nam 2013;
– Hướng dẫn 238/HD-TLĐ.
2. Luật sư tư vấn:
Căn cứ Điều 1 Luật công đoàn 2012 thì công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Căn cứ Điều 1 Điều lệ Công đoàn Việt Nam 2013 thì đối tượng kết nạp, công nhận đoàn viên công đoàn Việt Nam là:
Người lao động Việt Nam làm việc trong Cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động, Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam (sau đây gọi chung là Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp); người Việt Nam lao động tự do hợp pháp không phân biệt nghề nghiệp, giới tính, tín ngưỡng, tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, tự nguyện sinh hoạt trong một tổ chức cơ sở của Công đoàn, đóng đoàn phí theo quy định thì được gia nhập Công đoàn.
Thủ tục kết nạp, công nhận đoàn viên:
– Người gia nhập Công đoàn có đơn tự nguyện. Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hoặc Công đoàn cấp trên xét, ra quyết định kết nạp hoặc công nhận đoàn viên và trao thẻ đoàn viên Công đoàn.
– Nơi chưa có Công đoàn cơ sở, người lao động nộp đơn gia nhập Công đoàn thông qua ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở tại Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nơi người lao động đang làm việc, hoặc thông qua cán bộ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để được xem xét kết nạp hoặc công nhận.
Do đó, trong trường hợp của bạn, bạn vẫn làm việc theo hợp đồng và được bổ nhiệm làm phó ban đại diện người cao tuổi thì vẫn được xét để tham gia công đoàn (nếu chưa gia nhập công đoàn) trong trường hợp này. Nếu trước đó đã tham gia công đoàn thì vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với đoàn viên công đoàn. Cụ thể trong các quyền đó có quyền được nghỉ sinh hoạt Công đoàn khi nghỉ hưu, được Công đoàn cơ sở nơi làm thủ tục về nghỉ và Công đoàn địa phương nơi cư trú giúp đỡ khi có khó khăn; được tham gia sinh hoạt câu lạc bộ hưu trí, ban liên lạc hưu trí do Công đoàn giúp đỡ.
Ngoài ra, theo quy định Hướng dẫn 238/HD-TLĐ năm 2014 thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành có quy định như sau:
“3. Về quyền của đoàn viên theo Điều 3 thực hiện như sau:
– Đoàn viên ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền tập hợp người lao động để tổ chức ban vận động thành lập công đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
– Đoàn viên được ứng cử, đề cử để bầu vào các cơ quan lãnh đạo các cấp của tổ chức công đoàn theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
– Khi nghỉ hưu, nếu đoàn viên tiếp tục làm việc theo
hợp đồng lao động , hoặc hợp đồng làm việc ổn định thường xuyên thì tiếp tục sinh hoạt công đoàn tại nơi làm việc.”
Như vậy, việc không tiếp tục tham gia công đoàn nữa hoàn toàn do bạn quyết định. Bạn có quyền nghỉ hoặc không nghỉ sinh hoạt tại Công đoàn.