Trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan đến bảo hiểm có sự thay đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm có hơn 20 năm đi vào áp dụng đã bộc lộ một số bất cập nhất định, không còn thống nhất. Bài viết này sẽ đánh giá làm rõ một số quy định pháp luật về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm.
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm:
Theo từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam thì Bảo hiểm là chức năng kinh tế mà mục đích là bồi thường những thiệt hại về của cải hay sức khỏe, tính mạng con người, bằng cách đảm nhiệm những rủi ro và đền bù những rủi ro ấy. Theo Luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành thì “kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”. Như vậy, có thể hiểu, bảo hiểm là một sự cam kết bồi thường của người bảo hiểm với người được bảo hiểm về những thiệt hại, mất mát của đối tượng bảo hiểm do một rủi ro đã thỏa thuận gây ra, với điều kiện người được bảo hiểm đã thuê bảo hiểm cho đối tượng bảo hiểm đó và nộp một khoản tiền gọi là phí bảo hiểm. Như vậy, bảo hiểm hình thành do sự tồn tại các loại rủi ro và sự đòi hỏi con người phải có những biện pháp đề phòng, ngăn chặn việc xảy ra rủi ro, đồng thời, khắc phục, hạn chế những hậu quả của rủi ro. Tuy nhiên, trong phạm vi của mình, bảo hiểm chỉ bồi thường tổn thất cho những rủi ro đã thỏa thuận với yêu cầu đảm bảo điều kiện được bảo hiểm. Sự thỏa thuận của các bên trong giao dịch bảo hiểm được cụ thể hóa bằng hợp đồng bảo hiểm.
Theo Điều 14 Luật Kinh doanh bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành bằng văn bản. Thực tế, hợp đồng bảo hiểm thường theo mẫu. Bên cạnh những điều khoản bắt buộc khác trong Hợp đồng bảo hiểm, điều khoản loại trừ cũng là một điều khoản cơ bản, bắt buộc phải có và phải được thể hiện cụ thể trong hợp đồng bảo hiểm.
Điều khoản loại trừ trách nhiệm là điều khoản quy định các trường hợp mà doanh nghiệp bảo hiểm không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên mua bảo hiểm hoặc bên được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Mục đích của điều khoản này nhằm: (i) bảo vệ doanh nghiệp bảo hiểm khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán do hậu quả của một rủi ro lớn, gây thiệt hại trên diện rộng và không có quy luật rõ ràng, (ii) bảo vệ các giá trị đạo đức xã hội, chống trục lợi bảo hiểm, và (iii) đảm bảo mức phí bảo hiểm hợp lý, giúp nhiều người có thể tham gia bảo hiểm. Bởi tính đặc thù của điều khoản loại trừ trách nhiệm trong hợp đồng bảo hiểm, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã dành một điều khoản riêng để quy định về điều khoản loại trừ trách nhiệm như sau:
Điều 13 Luật kinh doanh bảo hiểm.
“1. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường hoặc không phải trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
2. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng.
3. Không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong các trường hợp sau đây:
a) Bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý;
b) Bên mua bảo hiểm có lý do chính đáng trong việc chậm thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm.”
Nội dung điều khoản trên đã quy định nghĩa vụ giải thích của bên bảo hiểm đối với bên mua bảo hiểm về nội dung của điều khoản loại trừ trách nhiệm cũng như những hệ quả có thể xảy ra khi giao kết hợp đồng. Rõ ràng, điều khoản loại trừ trách nhiệm sẽ giúp cho doanh nghiệp bảo hiểm loại trừ được nghĩa vụ trả tiền bồi thường, mà đây là nghĩa vụ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bên mua bảo hiểm.
Trên thực tế, hợp đồng bảo hiểm là một loại hợp đồng gia nhập (adhesion contract), pháp luật chưa có sự kiểm soát về sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng bảo hiểm, bên mua thường không được đàm phán lại. Dựa trên cơ sở này, các doanh nghiệp bảo hiểm thường bổ sung, mở rộng thêm nhiều diện rủi ro khác để loại trừ nhằm thu hẹp phạm vi bảo hiểm. Dù là tạo ra loại sản phẩm bảo hiểm phù hợp hơn với điều kiện cụ thể của đối tượng bảo hiểm, hoặc để giảm phí bảo hiểm cho phù hợp với khả năng tài chính của người tham gia bảo hiểm, nhưng điều này gây bất lợi cho bên mua bảo hiểm. Người mua bảo hiểm muốn được bảo hiểm thêm rủi ro loại trừ thì họ cần được sự chấp nhận của doanh nghiệp bảo hiểm và phải trả thêm phí để chuyển đổi rủi ro loại trừ trở thành rủi ro được bảo hiểm.
Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định các trường hợp không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm. Quy định này nhằm đảm bảo mục tiêu bảo vệ các giá trị cần được bảo vệ trong xã hội, đặc biệt là khi bên mua là bên yếu thế hơn trong hợp đồng bảo hiểm. Do đó, cần chú trọng xem xét đến yếu tố lỗi của bên mua bảo hiểm khi vi phạm pháp luật và vi phạm hợp đồng bảo hiểm.
So sánh quy định pháp luật hiện hành về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm với Dự thảo luật kinh doanh bảo hiểm mới thì trong Dự thảo luật đã bỏ trường hợp không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là “bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý”.
Theo quan điểm tác giả, đây là một điều khoản tiến bộ và có cân bằng lợi ích các bên hơn so với điều khoản cũ. Bởi lẽ, mục đích của mua bảo hiểm là để bù đắp các tổn thất, khắc phục thiệt hại, rủi ro ngẫu nhiên… Trong khi đó, vi phạm pháp luật do vô ý cũng là một sự việc không mong muốn.
Trong trường hợp cá nhân tuy có thể thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra nguy hiểm cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. Ở đây, cần chú trọng rằng nếu bên mua bảo hiểm có thể thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra nguy hiểm nhưng vẫn thực hiện hoặc để mặc cho nó xảy ra thì đã đủ để cấu thành yếu tố lỗi trong quan hệ dân sự.
Sự thay đổi bổ sung này trong Dự thảo luật là phù hợp, làm nội dung quy định rõ ràng hơn. Quy định như vậy cũng tránh những trường hợp cẩu thả, vô trách nhiệm trong việc tuân thủ các quy định an toàn, vi phạm các điều kiện để được bảo hiểm nhưng vẫn muốn được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường thiệt hại.
Ngoài quy định chung về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm tại Điều 16, thì tại Điều 39 của Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định các trường hợp cụ thể mà doanh nghiệp bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm con người không phải trả tiền bảo hiểm. Điều 39 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định những sự kiện mà khả năng rất lớn được bên mua bảo hiểm hoặc bên được bảo hiểm thúc đẩy để trục lợi bảo hiểm và những sự kiện mà nếu bên mua bảo hiểm và bên được bảo hiểm được thanh toán tiền bảo hiểm thì sẽ đi ngược với các giá trị xã hội cần được bảo vệ. Quy định tại điểm c khoản 1 Điều 39 dường như chỉ chú ý đến sự kiện bên được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình, tức là sự kiện bên được bảo hiểm thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng, nhưng lại bỏ quên các sự kiện vi phạm pháp luật ở mức độ nhẹ hơn của bên được bảo hiểm, ví dụ như chung thân,.. thì xử lý như thế nào.
Như vậy, mặc dù các quy định tại Điều 16 và Điều 39 đều đi có định hướng nhân văn, tiến bộ, nhưng quy định tại hai điều khoản đều có những thiếu sót để đạt thực hiện mục đích của điều khoản loại trừ trách nhiệm một cách trọn vẹn nhất.
2. Thực tiễn áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm:
Thực tiễn áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm cũng có những hạn chế bất cập nhất định. Đặc biệt là trong bối cảnh dự thảo luật sửa đổi có nội dung loại bỏ một trường hợp không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý. Sự hạn chế, bất cập này được thể hiện qua việc đánh giá các vụ án sau:
Vụ án thứ nhất (1):
Bản án 09/2019/KDTM-PT ngày 22/2/2019 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm cháy nổ, bên được bảo hiểm vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy. Tòa án tuyên theo hướng xác định mức độ lỗi các bên và chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Cụ thể như sau:
Ngày 20/4/2016, Công ty J & Công ty M ký hợp đồng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc số 275/16/HĐ với nội dung cơ bản: M bảo hiểm tài sản cho J theo Quy tắc bảo hiểm cháy nổ bắt buộc ban hành theo
Khoảng 16h ngày 25/3/2017, tại phòng xi mạ của J xảy ra cháy, J đã thông báo cho M, M đã chỉ định công ty cổ phần giám định tính toán thiệt hại và xác định phạm vi trách nhiệm bảo hiểm. Theo báo cáo giám định của Công ty cổ phần giám định S đã đề xuất M bồi thường cho J số tiền là 3.618.507.316 đồng so với khiếu nại thiệt hại của J là 6.332.411.221 đồng. Ngày 10/8/2017, M có thông báo giá trị thiệt hại theo đánh giá của S là bồi thường số tiền 3.618.507.316 đồng.
Phía nguyên đơn/Công ty mua bảo hiểm cháy nổ cho rằng mình không thuộc đối tượng phải xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy hoặc biên bản xác nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy và cũng không phải thuộc trường hợp phải thẩm quyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, sự cố cháy tại Công ty J ngày 26/3/2017 nằm ngoài ý muốn của các bên và Công ty J không có lỗi gì trong sự cố cháy nảy và không có điều khoản loại trừ nào được áp dụng nên Công ty bảo hiểm Q phải bồi thường toàn bộ thiệt hại là 3.618.507.316 đồng và lãi suất chậm trả từ 12/8/2017 đến khi xét xử phúc thẩm ngày 22/2/2019 mức lãi suất 10%/ năm là 554.176.873 đồng….
Phía bị đơn/Công ty bảo hiểm cho rằng công ty J thuộc đối tượng phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản xác nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy; (2) Trong quá trình sản xuất, kinh doanh Công ty J đã cố ý vi phạm quy trình phòng cháy chữa cháy, không thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của lực lượng kiểm tra công tác an toàn phòng cháy chữa cháy, đây là lỗi chính dẫn đến sự cố cháy phòng xi mạ nên bảo hiểm chỉ thanh toán 20% giá trị thiệt hại.
Tòa án nhận định rằng, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, căn cứ Luật phòng cháy và chữa cháy và các văn bản quy phạm pháp luật khác thì công ty J là đối tượng kiểm tra định kỳ của cơ quan quản lý công tác an toàn phòng cháy chữa cháy và chữa cháy địa phương.
Qua các tài liệu có thể thấy, cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy đã phát hiện thấy quy định sản xuất của công ty J có tiềm ẩn việc sử dụng điện không an toàn trong thời gian hết giờ làm việc và đã có yêu cầu việc ngắt điện khi hết giờ làm việc nhưng công ty J không thực hiện. Vẫn để hệ thống điện hoạt động trong phòng xi mạ khi hết giờ làm việc không có ai trong phòng nhằm mục đích không phải mất thời gian chờ khi bắt đầu giờ làm việc mới. Và đây là nguyên nhân dẫn đến chập cháy phòng xi mạ vào ngày 26/3/2017 (ngày chủ nhật). Lỗi của công ty J là vô ý quá tự tin là sự cố cháy không thể xảy ra. Đối chiếu và có thể thấy, công ty J đã vi phạm khoản 2 Điều 10 Thông tư 220 của BTC.
Xem xét mức độ lỗi trong vụ án này thấy phía công ty bảo hiểm không chủ động phát hiện quy trình sản xuất của công ty J chứa đựng vi phạm rủi ro cháy nổ để tìm cách hỗ trợ khắc phục hay có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng mà chỉ đến khi xảy ra sự cố mới biết và từ chối thanh toán một phần thiệt hại. Phía công ty J thì không tuân thủ yêu cầu phòng cháy chữa cháy của lực lượng kiểm tra chuyên ngành trong một thời gian dài; khi xảy ra sự cố thì lực lượng bảo vệ công ty cũng không chủ động phát hiện và báo cáo. Do đó, Tòa án xác định lỗi và trách nhiệm trong thiệt hại này là Công ty J là 70% của công ty bảo hiểm M là 30%.
Tác giả cho rằng nhận định trên của Tòa án là có căn cứ phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 576
Theo quy định tại Điều 364 của
Cái chính cần phải xem xét ở đây là Công ty J “vô ý gây ra vụ cháy” nhưng “cố ý vi phạm pháp luật trong đảm bảo an toàn để sản xuất, kinh doanh”. Mục đích của mua bảo hiểm là để bù đắp các tổn thất, khắc phục thiệt hại, rủi ro ngẫu nhiên nhưng không phải trong mọi trường hợp. Trong khi đó, Hwa Ching đã cố ý vi phạm pháp luật về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Lãnh đạo cũng như cũng các phòng ban có trách nhiệm của Hwa Ching hoàn toàn có thể thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra nguy hiểm, có nguy cơ sẽ xảy ra cháy nổ, nhưng vì rằng hậu quả sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được mà không khắc phục.
Như vậy, lỗi của công ty J là nguyên nhân trực tiếp gây ra vụ cháy ngày 1/3/2016, thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng và các quy định tại Thông tư 220/2010/TT-BTC và
Cách hiểu trên cũng hoàn toàn phù hợp với quy định tại các loại bảo hiểm khác. Cụ thể tại khoản 4 Điều 8 về loại trừ Bảo hiểm tại Quyết định số 222/2013/QĐ-Q ngày 22/2/2013 về ban hành Quy tắc bảo hiểm xe ô tô quy định: “Tai nạn xảy ra do lái xe có sử dụng rượu, bia hoặc các chất ma túy, các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng. Ở đây, gây ra tai nạn giao thông là lỗi vô ý, nhưng hành vi có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép là hành vi vi phạm pháp luật, thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Vụ án thứ hai (2):
Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tàu cá giữa công ty bảo hiểm M và chủ tàu cá Q. Các bên ký hợp đồng bảo hiểm tàu cá có một trong những điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là: Trường hợp bên được bảo hiểm không tuân thủ điều kiện được bảo hiểm thì bên bảo hiểm không phải bồi thường. Cụ thể nội dung vụ án như sau:
Anh D. là chủ tàu cá có ký hiệu QB123 là người được Bảo hiểm theo Hợp đồng bảo hiểm tàu cá số: 123x, gói bảo hiểm thân tàu với số tiền bảo hiểm là 2.790.000.000 đồng. Ngày 18/4/2019, sau khi ký kết với công ty M và anh D. đã được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá. Thời hạn bảo hiểm tính từ 0h00 phút ngày 7/5/2019 đến ngày 6/5/2020. Vào khoảng 13h35 phút chiều ngày 22/7/2019, tàu cá của của anh D. làm thủ tục xuất bến tại trạm kiểm soát biên phòng ĐN. Tàu gồm 6 thuyền viên. Sau khi ra khơi được đến khoảng 18h cùng ngày, tàu cá tiến hành bỏ neo chuẩn bị ra sào. Trong lúc ra sào, tàu bị nghiêng về bên phải. Anh D phát hiện nước tràn vào tàu. Thấy vậy anh D. cùng các thuyền viên dùng bơm tháo nước và nổ hết các máy để cứu tàu và làm cân tàu để khắc phục. Nhưng nước tràn vào quá nhiều, anh D. và các thuyền viên không thể khắc phục được. Anh D. gọi được cho tàu ông Mõi đang hoạt động ở gần đó đến ứng cứu, khoảng 18h35p tàu ông Mõi chạy tới thì 10p sau tàu của anh D. chìm hẳn. Sau đó tàu của ông Mõi đưa tất cả mọi người vào bờ trình trạm kiểm soát vào lúc 23h30p cùng ngày.
Sau khi xảy ra sự cố, anh D. đã thông báo ngay về sự kiện bảo hiểm cho công ty bảo hiểm D. và tiến hành làm các thủ tục, báo cáo sự việc. Nhưng Công ty bảo hiểm M từ chối bảo hiểm với lý do, (1) nguyên dân gây ra chìm tàu do hở đường xảm trét chai thuộc không trường hợp rủi ro được bảo hiểm; (2) giấy phép khai thác thủy sản, nghề khai thác tàu anh D. đăng ký là nghề chụp mực và câu, hoạt động tại Vùng khơi. Tuy nhiên, vào thời điểm xảy ra sự cố bảo hiểm, anh D. và tàu cá đã có hoạt động “ra sào tại vùng lộng”. Hoạt động này của anh D. và tàu cá là hoạt động nằm ngoài giấy phép được cấp, không thỏa mãn các điều kiện được bảo hiểm nên không được bảo hiểm. Do đó, công ty M không bồi thường những tổn thất xảy ra trong thời hạn bảo hiểm, kể cả những tổn thất được gây ra bởi rủi ro được bảo hiểm nếu tàu được bảo hiểm không đủ điều kiện hoạt động không đúng công dụng, hoạt động không đúng phạm vi cho phép của cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, Tòa án không đồng ý với lập luận này của công ty bảo hiểm M. Tòa án cho rằng: việc “ra sào” không phải là hoạt động tiến hành khai thác mà chỉ là tiến hành công tác chuẩn bị. Khi đang tiến hành ra sao thì tàu bị phá nước, nghiêng về bên phải. Tàu chìm nhanh mặc cho mọi nỗ lực tháo nước của anh D. và các thuyền viên. Do đó, tàu cá của anh D. vẫn đảm bảo tuân thủ điều kiện được bảo hiểm để có khả năng được bảo hiểm.
Theo quan điểm tác giả, lập luận trên của Tòa là không hợp lý, thiếu căn cứ. Bởi lẽ, các bên đã thỏa thuận cụ thể về các điều kiện được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm số 123x, trong trường hợp không tuân thủ sẽ không được bảo hiểm bồi thường tổn thất. Ở đây, Tòa án cho rằng việc không tuân thủ điều kiện được bảo hiểm là xuất phát từ nguyên nhân không giải thích rõ ràng là không hợp lý.
Đồng thời, Tòa án nhận định rằng “Nguyên nhân tàu chìm là do nước tràn vào tàu qua các đường xảm trét chai, đường xảm trét bị hở và nguyên nhân này không thuộc các rủi ro được Bảo hiểm quy định, do vậy tổn thất không thuộc trách nhiệm bảo hiểm. Nhưng tại Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho người mua bảo hiểm. Do đó, tàu cá của anh D. thuộc các trường hợp được bảo hiểm. Tòa án tuyên chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn”.
Theo tác giả, lập luận trên của Tòa là vô cùng mâu thuẫn, mang tính suy đoán, không có căn cứ pháp luật. Bởi lẽ, trong hợp đồng bảo hiểm tàu cá giữa anh D. và công ty M có liệt kê các trường hợp được bảo hiểm bồi thường. Trường hợp tàu bị “phá nước” thông qua các đường xảm trét chai không thuộc các trường hợp rủi ro được bảo hiểm cho nên tàu cá của anh D. không được bồi thường. Còn “phá nước” là hiện tượng không phải nguyên nhân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tàu bị “phá nước” có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như sóng đánh, bão to,… Ở đây, hở đường xảm trét chai cũng là một nguyên nhân khác dẫn đến hiện tượng “phá nước”. Căn cứ theo kết luận giám định dẫn nguồn thông tin thời tiết xác định thời điểm chìm tàu thì thời tiết ổn định, sóng yên, biển lặng, tàu không va chạm,… Như vậy, có thể khẳng định, tàu bị phá nước xuất phát từ nguyên nhân “hở đường xảm trét chai”, không thuộc các trường hợp rủi ro được bảo hiểm như đã nêu.
Vụ việc này sau đó đã được Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử theo thủ tục phúc thẩm và ban hành Bản án phúc thẩm: Tòa án đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, không chấp thuận yêu cầu khởi kiện của anh D. Do Tòa án cấp sơ thẩm không đánh giá toàn diện nội dung các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm và các trưởng hợp về rủi ro được bảo hiểm. mà chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là không có căn cứ vững chắc.
3. Đề xuất, kiến nghị về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm:
Quá trình thực hiện điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ pháp luật; kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận các thông lệ quốc tế là điều cần thiết. Tuy nhiên, để đảm bảo được điều này thì đòi hỏi cần phải:
Một là, Luật Kinh doanh bảo hiểm cần bổ sung quy định về giới hạn của các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm đưa vào trong hợp đồng. Hiện nay, Dự thảo Luật có nêu nội dung các bên có quyền thỏa thuận về nội dung của hợp đồng bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm bao gồm một số nội dung chủ yếu sau đây: a) Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng; b) Đối tượng bảo hiểm, phạm vi hoặc quyền lợi bảo hiểm; c) Số tiền bảo hiểm, giá trị tài sản được bảo hiểm; d) Thời hạn bảo hiểm, thời điểm bắt đầu bảo hiểm; đ) Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm; e) Thời hạn, phương thức trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường; g) Ngày, tháng, năm giao kết hợp đồng. Trường hợp hợp đồng bảo hiểm có thỏa thuận về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm thì phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ và có văn bản gửi cho bên mua bảo hiểm lưu ý các điều khoản loại trừ khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Quy định này có thể giúp cho bên mua bảo hiểm có thể biết và kiểm soát được tính hợp pháp của các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm đưa vào trong hợp đồng, thay vì phải ký hợp đồng mẫu với vô số điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm như hiện nay. Bên cạnh đó, quy định này cũng giúp cho bên doanh nghiệp bảo hiểm nắm vững được các trường hợp được loại trừ trách nhiệm, có ý thức và trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm, tiền bồi thường cho bên mua bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Lưu ý, giới hạn của các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm nên được thiết kế dưới dạng khái quát như sau: “Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm chỉ được thỏa thuận nhằm mục đích bảo đảm cho khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm”.
Với nội dung sửa đổi, bổ sung như vậy sẽ vừa đảm bảo đúng bản chất của hợp đồng kinh doanh bảo hiểm, lại vừa đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho doanh nghiệp bảo hiểm. Bên cạnh đó, có thể xây dựng một cơ chế kiểm soát các hợp đồng bảo hiểm bằng cách cho đăng ký mẫu sản phẩm bảo hiểm với Bộ tài chính. Bằng trình độ, chuyên môn, nghiệp của mình, cơ quan này có thể loại bỏ các quy định có khả năng xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm trong hợp đồng với doanh nghiệp bảo hiểm, cân bằng lợi ích các bên trong quan hệ bảo hiểm.
Hai là, về điều khoản không áp dụng loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Theo đó, cần sửa đổi khoản 3 Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm theo hướng bổ sung chủ thể “bên được bảo hiểm” cũng là chủ thể được miễn áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm trong các trường hợp được quy định tại Điều 16. Ví dụ, “Trong trường hợp bên được bảo hiểm cố ý vi phạm pháp luật thì không được bồi thường bảo hiểm”.
Ba là, về tuân thủ điều kiện được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm. Bên cạnh những điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, cũng cần xem xét đến việc điều chỉnh nội dung các bên thỏa thuận về điều khoản về điều kiện được bảo hiểm. Như trong một vụ án 1 đã phân tích ở trên, bên doanh nghiệp bảo hiểm đã từ chối thanh toán tiền bồi thường bảo hiểm vì lý do bên mua bảo hiểm đã không tuân thủ các điều kiện để được bảo hiểm. Đồng thời, khi đó điều khoản không tuân thủ điều kiện được bảo hiểm đã được lồng ghép vào điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ ràng với bên mua bảo hiểm.
Bốn là, về thay đổi phí bảo hiểm khi có sự thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm. Tác giả đề xuất xác định mức phí bảo hiểm căn cứ theo hướng phân biệt giữa nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan trong sự kiện tăng mức độ rủi ro được bảo hiểm. Theo đó, trong trường hợp có sự thay đổi các yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm mà nguyên nhân là do bên mua bảo hiểm hoặc bên được bảo hiểm, thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tăng phí bảo hiểm và được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với bên mua bảo hiểm nếu bên mua bảo hiểm không đồng ý với đề xuất tăng phí.
Từ các vấn đề phân tích nêu trên có thể thấy rằng, vấn đề thực hiện điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm vẫn còn những tồn tại hạn chế nhất định điều này ít nhiều gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên liên quan. Chính vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện các vấn đề pháp lý về thực hiện điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm theo như những giải pháp đã đề xuất là điều quan trọng. Bởi các kiến nghị này được đưa ra trên nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong mối quan hệ hợp đồng nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo sự cân bằng quyền lợi của các chủ thể tham gia cũng như nhu cầu quản lý của nhà nước đối với hoạt động kinh doanh thương mại đặc thù này.