Địa điểm đặt trụ sở Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài. Bên nhận ủy thác phải bồi thường trong những trường hợp nào?
Địa điểm đặt trụ sở Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài. Bên nhận ủy thác phải bồi thường trong những trường hợp nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Dạ cho em hỏi luật sư hai nội dung là: – Hai công ty nước ngoài có được chia đôi văn phòng đại diện để sử dụng không ạ? – Bên nhận ủy thác phải bồi thường trong những trường hợp nào ạ? Em rất biêt ơn nếu luật sự giúp e giải đáp thắc mắc. ?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Thứ nhất, về vấn đề hai công ty nước ngoài có được chia đôi văn phòng đại diện để sử dụng
Căn cứ quy định tại Điều 28, Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định:
“Điều 28. Trụ sở của Văn phòng đại diện, Chi nhánh
1. Địa điểm đặt trụ sở Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh lao động và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.
2. Văn phòng đại diện, Chi nhánh không được cho mượn, cho thuê lại trụ sở.”
Như vậy, Nếu một công ty nước ngoài cho một công ty nước ngoài khác thuê, mượn một nửa văn phòng đại diện của mình để làm văn phòng đại diện là trái với quy định của pháp luật.
Nếu hai công ty nước ngoài cùng thuê một địa điểm của chủ sở hữu khác để mở văn phòng đại diện, mỗi bên sử dụng một phần thì không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, địa điểm đặt trụ sở Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh lao động và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, về vấn đề bên nhận ủy thác phải bồi thường trong những trường hợp nào
Việc nhận ủy thác nói chung thông qua việc kí kết hợp đồng ủy thác giữa hai bên. Tùy vào quyền, nghĩa vụ và các điều khoản khác quy định trong hợp đồng ủy thác mà hai bên phải thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình. Nếu bên nhận ủy thác không thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình thì sẽ phải bồi thường theo các quy định trong hợp đồng (nếu có) hoặc theo thỏa thuận của hai bên.
Riêng về hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa được quy định tại Mục 3, Luật thương mại năm 2005. Ngoài những quy định cụ thể trong hợp đồng thì nghĩa vụ của bên nhận ủy thác được tại Điều 165, Luật thương mại năm 2005:
“Điều 165. Nghĩa vụ của bên nhận uỷ thác
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên nhận uỷ thác có các nghĩa vụ sau đây:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
1. Thực hiện mua bán hàng hoá theo thỏa thuận;
2. Thông báo cho bên uỷ thác về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;
3. Thực hiện các chỉ dẫn của bên uỷ thác phù hợp với thoả thuận;
4. Bảo quản tài sản, tài liệu được giao để thực hiện hợp đồng uỷ thác;
5. Giữ bí mật về những thông tin có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;
6. Giao tiền, giao hàng theo đúng thoả thuận;
7. Liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của bên ủy thác, nếu nguyên nhân của hành vi vi phạm pháp luật đó có một phần do lỗi của mình gây ra.”
Theo đó, ngoài các quy định trong hợp đồng, nếu bên nhận ủy thác vi phạm các nghĩa vụ quy định trên thì cũng phải bồi thường cho bên ủy thác.