Khi công dân khi đi khỏi nơi cư trú thì có trách nhiệm khai báo tạm vắng. Vậy trường hợp công dân đi du học, xuất khẩu lao động có phải khai báo tạm vắng không?
Mục lục bài viết
1. Các trường hợp khai báo tạm vắng:
– Thứ nhất, bị can, bị cáo đang tại ngoại; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành án phạt quản chế, cải tạo không giam giữ; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách: Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 01 ngày trở lên.
– Thứ hai, người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành; người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng: Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 01 ngày trở lên.
– Thứ ba, người trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc người đang phải thực hiện các nghĩa vụ khác đối với Nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện nơi đang cư trú từ 03 tháng liên tục trở lên
– Thứ tư, người (không thuộc trường hợp thứ nhất, thứ hai) chưa đăng ký tạm trú tại nơi ở mới hoặc chưa xuất cảnh ra nước ngoài: Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên.
2. Hình thức khai báo tạm vắng:
– Đối với trường hợp thứ nhất, thứ hai (trình bày ở mục 1):
+ Khai báo tạm vắng trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú nơi người đó cư trú;
+ Khai báo tạm vắng tại địa điểm tiếp nhận khai báo tạm vắng (nếu cơ quan đăng ký cư trú có quy định);
– Đối với trường hợp thứ ba, thứ tư (trình bày ở mục 1):
+ Trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú hoặc tại địa điểm tiếp nhận khai báo tạm vắng.
+ Qua số điện thoại hoặc hộp thư điện tử do cơ quan đăng ký cư trú
+ Các trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền như: cơ quan đăng ký cư trú; Cổng dịch vụ công quốc gia; Cổng dịch vụ công Bộ Công an; Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.
+ Ứng dụng trên thiết bị điện tử.
3. Hồ sơ, trình tự thủ tục khai báo tạm vắng:
– Hồ sơ khai báo tạm vắng (Trường hợp nộp trực tiếp):
+ Đơn đề nghị khai báo tạm vắng (phải đảm bảo đầy đủ các thông tin sau: bao gồm họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân, số hộ chiếu của người khai báo tạm vắng; lý do tạm vắng; thời gian tạm vắng; địa chỉ nơi đến.);
+ Văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền giám sát, quản lý, giáo dục người đó.
– Trình tự, thủ tục khai báo tạm vắng (Trường hợp nộp trực tiếp):
+ Bước 01: Cá nhân, tổ chức chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật;
+ Bước 02: Cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ Công an cấp xã (Lưu ý: trước khi đi khỏi nơi cư trú phải tiến hành khai báo tạm vắng)
+ Bước 03: Khi tiếp nhận hồ sơ khai báo tạm vắng trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ
+ Bước 04: Căn cứ theo ngày hẹn trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả để nhận thông báo kết quả giải quyết thủ tục đăng ký cư trú, Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị khai báo tạm vắng, trừ trường hợp phức tạp thì thời gian có thể kéo dài hơn nhưng không quá 02 ngày làm việc (Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ và cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả (mẫu CT04); Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng chưa đủ hồ sơ thì hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện và cấp Phiếu hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ (mẫu CT05); Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì từ chối và cấp Phiếu từ chối tiếp nhận, giải quyết hồ sơ (mẫu CT06)).
* Lưu ý: Mẫu phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả; mẫu cấp Phiếu hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ; mẫu và cấp Phiếu từ chối tiếp nhận, giải quyết hồ sơ theo ban hành kèm theo Thông tư số 56/2021/TT-BCA.
– Trình tự, thủ tục khai báo tạm vắng (Trường hợp nộp qua online): đối với nộp hồ sơ qua côn thông tin của Bộ công an:
+ Bước 1: Đăng nhập vào cổng dịch vụ công Bộ Công an (https://dichvucong.bocongan.gov.vn/);
+ Bước 2: Chọn mục nộp hồ sơ trực tuyến;
+ Bước 3: Nhập “khai báo tạm vắng” (thư mục sẽ hiện tệp khai báo tạm vắng sau đó bấm vào nộp hồ sơ.
+ Bước 4: Bấm vào đăng nhập (trường hợp chưa có tài sản đăng nhập phải bấm vào mục đăng ký sau đó mới đăng nhập) và điền thông tin theo yêu cầu.
+ Lưu và gửi hồ sơ.
* Lưu ý:
– Trách nhiệm của Cơ quan đăng ký cư trú trong vấn đề khai báo tạm vắng là hướng dẫn, kiểm tra nội dung khai báo; cập nhật thông tin khai báo tạm vắng của công dân vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người khai báo về việc đã cập nhật thông tin khai báo tạm vắng (nếu có yêu cầu); thông báo hoặc niêm yết công khai địa điểm, số điện thoại, địa chỉ hộp thư điện tử, địa chỉ trang thông tin điện tử
– Thời gian giải quyết đơn đề nghị khai báo tạm vắng qua hình thức trực tiếp và hình thức online đều là Giờ hành chính các ngày làm việc từ thứ 2 đến thứ 6 và sáng thứ 7 hàng tuần (trừ các ngày nghỉ lễ, tết theo quy định của pháp luật).
– Về phí, lệ phí: người khai báo tạm vắng không mất khoản phí nào cho thủ tục này.
4. Trường hợp khai báo tạm vắng đối với việc đi du học, xuất khẩu lao động:
4.1. Vấn đề xuất khẩu lao động, du học:
– Xuất khẩu lao động là hoạt động kinh tế dưới hình thức cung ứng lao động Việt Nam ra nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn, phục vụ cho nhu cầu nhân công lao động của doanh nghiệp nước ngoài. Người lao động đi xuất khẩu theo hợp đồng (sau đây gọi là người lao động đi làm việc ở nước ngoài) là công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam, có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động, đi làm việc ở nước ngoài nhưng không định cư ở nước đó.
– Du học là việc đi học ở một quốc gia khác quốc gia hiện tại của người học đang sinh sống nhằm bổ sung thêm kiến thức, ngành nghề nhằm thỏa mãn nhu cầu học tập của bản thân hoặc theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức tài trợ.
4.2. Quy định về vấn đề khai báo tạm vắng đối với với việc đi du học, xuất khẩu lao động:
Các trường hợp du học, xuất khẩu lao động phải khai báo tạm vắng: Đi du học, xuất khẩu lao động từ 03 tháng liên tục trở lên đối với người có giới tính nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, dự bị động viên. (Độ tuổi đi nghĩa vụ quân sự của công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học từ đủ 18 tuổi đến hết 27 tuổi; Độ tuổi đi nghĩa vụ quân sự của công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi).
Nếu không thuộc trường hợp nêu trên, nếu là công dân nữ hoặc công dân nam không trong độ tuổi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự mà đi du học, xuất khẩu lao động thì không cần làm thủ tục khai báo tạm vắng.
5. Xử phạt vi phạm pháp luật đối với hành vi không khai báo tạm vắng:
– Xử phạt vi phạm hành chính:
+ Về mặt hành vi: không thực hiện đúng quy định về khai báo tạm vắng.
+ Hình thức xử phạt: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật cư trú số 68/2020/QH14 ngày 13/11/2020;
– Nghị định số 62/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2021;
–
– Nghị định 144/2021/NĐ – CP có quy định về xử phạt vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú.
– Thông tư số 55/2021/TT-BCA ngày 15 tháng 5 năm 2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.
– Thông tư 56/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 quy định về biểu mẫu trong đăng ký, quản lý cư trú.