Đất nông nghiệp vượt hạn mức là sự kiện pháp lý diễn ra phổ biến. Vậy, đất nông nghiệp vượt hạn mức là gì? Pháp luật quy định hạn mức đất nông nghiệp như thế nào? Nếu vượt hạn mức đất nông nghiệp người sử dụng đất có được bồi thường không?
Mục lục bài viết
1. Đất nông nghiệp vượt hạn mức có được bồi thường không?
1.1. Khái niệm về đất nông nghiệp vượt hạn mức:
Hạn mức đất nông nghiệp là trường hợp cá nhân tổ chức được Nhà nước giao cho diện tích đất tối đa tùy thuộc vào từng loại đất nông nghiệp. Nếu diện tích canh tác, chăn nuôi, trồng trọt được sử dụng không vượt quá mức cho phép thì đương nhiên người sử dụng đất được hưởng những quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ theo quy định.
Hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào nêu lên khái niệm về đất nông nghiệp vượt hạn mức. Có thể hiểu đơn giản đất nông nghiệp vượt hạn mức là phần diện tích đất vượt ngoài diện tích tối đa của mỗi loại đất. Khi sử dụng đất vượt hạn mức tối đa kéo theo quyền lợi của người sử dụng đất cũng bị ảnh hưởng. Ví dụ, khi đất đó bị Nhà nước thu hồi thì diện tích vượt hạn mức đó cũng không nằm trong quy định được bồi thường.
1.2. Vấn đề bồi thường khi đất nông nghiệp vượt hạn mức:
Khoản 1 và khoản 2 Điều 4
– Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 do được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ người khác theo quy định của pháp luật mà đủ điều kiện được bồi thường thì được bồi thường, hỗ trợ theo diện tích thực tế mà Nhà nước thu hồi.
– Đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp quy định nêu trên nhưng không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai thì chỉ được bồi thường đối với diện tích đất trong hạn mức giao đất nông nghiệp. Đối với phần diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất nông nghiệp thì không được bồi thường về đất nhưng được xem xét hỗ trợ theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP.
Căn cứ quy định trên, người dân sẽ được bồi thường đối với diện tích đất trong hạn mức giao đất nông nghiệp. Đối với phần diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất nông nghiệp thì sẽ không được bồi thường về đất nhưng được xem xét hỗ trợ theo quy định.
2. Quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp:
Như đã biết, đất nông nghiệp được nhà nước quản lý rất chặt chẽ một trong số đó là việc phân chia rõ những loại đất nông nghiệp. Căn cứ mục đích sử dụng và địa điểm được giao đất ta có thể biết về hạn mức giao đất của từng loại đất nông nghiệp . Cụ thể được quy định tại Điều 129 Luật Đất đai năm 2013.
STT | Loại đất | Hạn mức |
1 | – Đất trồng cây hàng năm – Đất nuôi trồng thủy sản – Đất làm muối | Không quá 03 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. |
Không quá 02 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác. | ||
2 | Đất trồng cây lâu năm | Không quá 10 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng |
Không quá 30 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi | ||
3 | Đất rừng phòng hộ | Không quá 30 héc ta |
4 | Giao đất rừng sản xuất | Không quá 30 héc ta |
Trong trường hợp được giao thêm đất, người sử dụng đất vẫn phải đảm bảo hạn mức đất nông nghiệp. Cụ thể như sau:
STT | Loại đất | Hạn mức |
1 | Khi Nhà nước giao thêm đất trồng cây lâu năm cho hộ gia đình, cá nhân | Diện tích này không quá 05 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở khu vực đồng bằng. |
Diện tích được giao không quá 25 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi. | ||
2 | Nhà nước giao thêm đất rừng sản xuất. | Không quá 25 héc ta so với diện tích được cho phép. |
Trong trường hợp người dân được giao nhiều loại đất khác nhau, cũng được Nhà nước quy định hạn mức đất nông nghiệp. Cụ thể như sau:
Loại đất | Hạn mức giao đất | |
Khi nhà nước giao nhiều loại đất khác nhau như đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho hộ gia đình, cá nhân. | Tổng hạn mức giao đất không quá 05 héc ta | |
Về vấn đề giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng cho hộ gia đình, cá nhân. Những loại đất này được đưa vào sử dụng theo quy hoạch để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối | Nhà nước giao đất để trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho hộ gia đình cá nhân canh tác, sản xuất nông nghiệp. | – Đối với thành phố lớn, trực thuộc trung ương ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long thì Nhà nước giao không quá 03 héc ta cho mỗi loại đất. – Nhà nước quy định đối với mỗi loại đất với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác thì không quá 02 héc ta. |
Đất với mục đích để trồng cây lâu năm | – Nhà nước giao đất cho xã, phường, thị trấn ở đồng bằng thì không quá 10 héc ta – Ở những khu vực xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi thì người dân không được giao quá 30 héc ta | |
Đối với diện tích trồng rừng phòng hộ | Nhà nước chỉ giao diện tích sử dụng không quá 30 héc ta | |
Diện tích dùng cho trồng rừng sản xuất | Người sử dụng đất được Nhà nước cho phép sử dụng không quá 30 héc ta. |
3. Đất nông nghiệp vượt hạn mức có được phép chuyển nhượng, mua bán không?
Chuyển nhượng quyền sử dụng đất là một trong những quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất (quyền sử dụng đối với mọi loại đất) phải đảm bảo các điều kiện chung được quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013:
– Thứ nhất, diện tích vượt hạn mức đất phải được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Điều kiện đầu tiên để thửa đất ở/diện tích đất ở vượt hạn mức được quyền chuyển nhượng là thửa đất phải được cấp giấy chứng nhận. Chính vì vậy, điều kiện tiên quyết đầu tiên là thửa đất đó phải có sổ đỏ. Do vậy, phần đất vượt hạn mức phải được công nhận hợp pháp hóa vào Sổ đỏ thì mới đủ điều kiện để tiến hành chuyển nhượng.
– Thứ hai, diện tích đất vượt hạn mức phải không có tranh chấp xảy ra (đang bị khiếu nại, khiếu kiện tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền)
Theo quy định, khi diễn ra tranh chấp đất giữa các cá nhân, tổ chức về vấn đề sở hữu quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc những tranh chấp khác thì đất đó không thể chuyển nhượng. Về bản chất, việc không cho chuyển nhượng đất khi tranh chấp để đảm bảo quyền lợi của các bên và bên thứ ba vì trong tình huống đó, chưa giải quyết triệt để vấn đề xác định ai đúng ai sai.
– Thứ ba, diện tích đất vượt hạn mức không bị kê biên bảo đảm thi hành án
Quyền sử dụng đất được tiến hành chuyển nhượng khi không thuộc trường hợp bị kê biên để đảm bảo thi hành án theo quyết định/bản án đã có hiệu lực của Toà án. Vì trước sau thì phần đất đó cũng bị xử lý nên dù chắc chắn không thể tiến hành giao dịch chuyển nhượng cho cá nhân hay tổ chức nào khác.
– Thứ tư, phần đất phải còn thời hạn sử dụng đất
Nếu diện tích đất chuyển nhượng không còn thời hạn sử dụng dụng hay đang nằm trong diện quy hoạch đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm đưa ra hoặc đã có thông báo, quyết định thu hồi đất của Ủy ban nhân dân cấp quận/huyện đưa ra thì sẽ không tiến hành giao dịch mua bán đất.
Như vậy, thông qua các căn cứ trên thì khi diện tích đất ở vượt hạn mức đảm bảo các điều kiện để được chuyển nhượng như đã được cấp giấy chứng nhận, không có tranh chấp… thì vẫn được phép chuyển nhượng quyền sử dụng. Nói cách khác, đất ở trong hoặc ngoài hạn mức đều có thể được mua bán/chuyển nhượng quyền sử dụng đất nếu thỏa mãn các điều kiện luật định.
4. Xử lý đất nông nghiệp vượt hạn mức như thế nào?
4.1. Trường hợp nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức có thể bị xử phạt vi phạm hành chính:
Trường hợp nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 29 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, cụ thể:
– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với trường hợp diện tích đất nhận chuyển quyền vượt hạn mức dưới 01 héc ta;
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp diện tích đất nhận chuyển quyền vượt hạn mức từ 01 héc ta đến 03 héc ta;
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp diện tích đất nhận chuyển quyền vượt hạn mức từ 03 héc ta đến 05 héc ta;
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp diện tích đất nhận chuyển quyền vượt hạn mức trên 05 héc ta.
4.2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc trả lại diện tích đất đã nhận chuyển quyền vượt hạn mức do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp không thực hiện được việc trả lại đất đã nhận chuyển quyền thì Nhà nước thu hồi theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai.
Như vậy, nếu nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức có thể bị xử phạt đến 50 triệu đồng nếu diện tích đất nhận chuyển quyền vượt hạn mức trên 05 héc ta. Đồng thời, người vi phạm còn buộc trả lại diện tích đất đã nhận chuyển quyền vượt hạn mức do thực hiện hành vi vi phạm mà có.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đất đai năm 2013;
– Nghị định số 47/2014/NĐ-CP hướng dẫn Thi hành Luật Đất đai năm 2013;
– Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.