Thông thường, tài sản đem ra đấu giá có thể là bất kỳ tài sản nào. Người bán hàng chỉ đưa ra mức giá khởi điểm để người mua tham khảo giá, còn giá bán thực tế do những người tham dự cuộc đấu giá xác định trên cơ sở tự cạnh tranh giá với nhau.
Mục lục bài viết
- 1 1. Về ý chí của người có tài sản đấu giá trong thi hành án dân sự:
- 2 2. Có sự tham gia của chấp hành viên trong quan hệ đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự:
- 3 3. Phương thức, hình thức đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự:
- 4 4. Về tài sản đấu giá trong thi hành án dân sự:
- 5 5. Sự phối hợp giữa các bên trong quá trình đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự:
- 6 6. Trình tự, thủ tục đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự:
1. Về ý chí của người có tài sản đấu giá trong thi hành án dân sự:
Trong đấu giá thông thường thì người có tài sản chủ động mang tài sản, hàng hóa của mình tham gia đấu giá với mong muốn thu được lợi nhuận cao nhất từ hàng hóa, tài sản đó do đó họ tham gia với vai trò tích cực, chủ động để việc đấu giá nhanh chóng thành công. Tuy nhiên, đấu giá tài sản thi hành án dân sự với tư cách là một biện pháp tiếp nối trong quá trình cưỡng chế tài sản của người phải thi hành án nhằm bảo đảm thi hành án nên người có tài sản đấu giá không tự nguyện mang tài sản của mình đến đấu giá mà bị cưỡng chế bởi cơ quan có thẩm quyền (cơ quan thi hành án dân sự).
Khi tham gia đấu giá, người được thi hành án mong muốn việc đấu giá nhanh chóng thành công để bản án, quyết định dân sự có hiệu lực thực thi hành và bản thân nhanh chóng nhận được tài sản. Tuy nhiên, người phải thi hành án (là người có tài sản bị mang ra đấu giá) thì mang tâm lý bị ép buộc, cưỡng chế nên thường có tâm lý chây ỳ, cố tình gây khó khăn, cản trở cho quá trình đấu giá tài sản thi hành án. Sau khi quá trình đấu giá tài sản diễn ra thành công thì người đang sở hữu tài sản đấu giá tìm mọi cách cản trở, không bàn giao tài sản đã đấu giá khiến cho người mua được tài sản đấu giá khá vất vả trong quá trình trở thành chủ sở hữu hợp pháp của tài sản.
2. Có sự tham gia của chấp hành viên trong quan hệ đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự:
Trong đấu giá thông thường thì người có tài sản có thể tự mình tổ chức đấu giá nhưng cũng có thể bán thông qua tổ chức trung gian làm dịch vụ đấu giá. Tuy nhiên trong đấu giá tài sản thi hành án thì ngoài bên có tài sản đấu giá (người phải thi hành án) và tổ chức làm dịch vụ đấu giá thì còn có tham gia của chấp hành viên. Sự tham gia của chấp hành viên thể hiện ở việc chấp chành viên tự mình đứng ra trực tiếp đấu giá tài sản phải thi hành án nếu tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản bán để thi hành án dân sự chưa có tổ chức đấu giá hoặc có những tổ chức đấu giá từ chối ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản hoặc đối với tài sản là động sản có giá trị nhỏ.
3. Phương thức, hình thức đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự:
Trong đấu giá thông thường, việc đấu giá có thể thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau, có thể kể đến như trả giá công khai lên, trả giá công khai xuống, trả giá bằng bỏ phiếu, và hiện đang triển khai hình thức đấu giá tài sản trực tuyến, vv.. miễn là hai bên (bên có tài sản mang đấu giá và bên thực hiện dịch vụ đấu giá) thỏa thuận với nhau về hình thức thực hiện và thỏa thuận đó tuân thủ theo đúng quy định pháp luật. Việc đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự với tư cách là một công đoạn trong cưỡng chế thi hành án và người trực tiếp sở hữu tài sản đang đấu giá thường có tâm lý bị ép buộc phải thực hiện nên tìm mọi cách gây khó khăn, cản trở. Do vậy, để giảm, tránh mọi mâu thuẫn có thể phát sinh giữa các bên pháp luật đã có quy định chặt chẽ về phương thức, hình thức đấu giá. Tại Việt Nam, việc đấu giá tài sản được thực hiện theo hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói và đấu giá bằng bỏ phiếu. Tuy nhiên, trong thực tiễn thực hiện thì việc đấu giá tài sản thi hành án chỉ thực hiện duy nhất bằng hình thức công khai, trực tiếp bằng lời nói trả giá lên để đảm bảo tính an toàn và tránh những rủi ro khi tổ chức đấu giá tài sản.
4. Về tài sản đấu giá trong thi hành án dân sự:
Trong đấu giá thông thường thì tài sản đem ra đấu giá có thể là bất kỳ tài sản nào. Người bán hàng chỉ đưa ra mức giá cơ bản (giá khởi điểm) để người mua tham khảo giá, còn giá bán thực tế do những người tham dự cuộc đấu giá xác định trên cơ sở tự cạnh tranh giá với nhau. Lợi ích mà người bán muốn thu được là giá trị lợi nhuận từ hàng hóa, tài sản mà mình đang sở hữu.
Xuất phát từ việc đảm bảo nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định dân sự nên tài sản được mang ra đấu giá để thi hành án có tính chất đặc thù về giá trị và giá trị sử dụng. Tài sản mang ra đấu giá thường có giá trị tương đương hoặc lớn hơn với giá trị phải thi hành của bản án, quyết định dân sự chứ không phải là bất kỳ tài sản nào mà người phải thi hành án có. Đó có thể là động sản, bất động sản hoặc quyền sở hữu trí tuệ nhưng chắc chắn là giá trị có thể định giá theo cách thông thường chứ không phải là tài sản khó xác định giá trị thực (như đồ đạc kỷ niệm hoặc các loại đồ sưu tập...).
Tài sản thi hành án đưa ra đấu giá là tài sản riêng của người phải thi hành hoặc tài sản chung của người phải thi hành án với người khác đã bị cơ quan thi hành án dân sự kê biên, định giá.
5. Sự phối hợp giữa các bên trong quá trình đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự:
Khác với đấu giá thông thường, việc đấu giá chỉ có sự tham gia của người có tài sản mang đấu giá, người mua được tài sản đấu giá và cá nhân, tổ chức thực hiện việc đấu giá. Đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự là quá trình phức tạp với sự tham gia của nhiều bên, bao gồm: Người sở hữu tài sản bị mang đấu giá (người phải thi hành án); Cơ quan thi hành án dân sự (Chấp hành viên); tổ chức đấu giá tài sản, Viện kiểm sát nhân dân, người có quyền lợi liên quan đến việc đấu giá (người được thi hành án) và người mua được tài sản đấu giá.
Việc đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự là quá trình phức tạp và có thể gặp vướng mắc ngay từ quá trình định giá tài sản nhất là khi hai bên phải thi hành án và bên được thi hành án không thống nhất được về giá trị tài sản, về tổ chức thẩm định giá và Chấp hành viên phải quyết định những công việc này. Trong quá trình tổ chức việc đấu giá có thể phát sinh tranh chấp giữa những người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá với tổ chức cung cấp dịch vụ đấu giá và khi kết thúc việc đấu giá vẫn có thể xảy ra tranh chấp xung quanh việc bàn giao tài sản đấu giá.
Do có nhiều bên tham gia trong đấu giá tài sản thi hành án, việc đấu giá tài sản thi hành án phức tạp và có thể gặp vướng mắc nên pháp luật quy định trình tự, thủ tục đấu giá khá chặt chẽ và có cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên tham gia. Quá trình đấu giá tài sản để thi hành án dân sự đòi hỏi những cá nhân, tổ chức có thẩm quyền liên quan thực hiện trách nhiệm một cách công tâm, khách quan, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các người sở hữu tài sản bị đấu giá, người mua được tài sản đấu giá và người được thi hành án để nhanh chóng giải quyết những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện công việc này.
6. Trình tự, thủ tục đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự:
Xuất phát từ bản chất và đặc thù của hoạt động đấu giá tài sản thi hành án dân sự cần phải thực hiện việc kê biên, định giá tài sản theo đúng trình tự, thủ tục trước khi đưa tài sản thi hành án dân sự ra đấu giá. Bên cạnh đó, cần phải bảo đảm trình tự, thủ tục đấu giá tài sản theo quy định chung về đấu giá tài sản cũng như phải bảo đảm việc bàn giao tài sản, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản cho người mua được tài sản thông qua đấu giá, thu được tiền đấu giá tài sản để chi trả cho người được thi hành án thì ý nghĩa, mục đích của các quy định của pháp luật về đấu giá tài sản thi hành án dân sự mới được bảo đảm thực hiện trên thực tế. Vì vậy trình tự, thủ tục khi đấu giá loại tài sản này như sau:
6.1. Thứ nhất, giai đoạn trước khi đưa tài sản thi hành án dân sự ra đấu giá:
Mặc dù ở các hệ thống pháp luật khác nhau và mỗi quốc gia đều xây dựng trình tự thủ tục trước khi đưa tài sản thi hành án dân sự ra đấu giá khác nhau nhưng xuất phát từ bản chất của hoạt động đấu giá tài sản là cần đưa tài sản thi hành án dân sự ra đấu giá ở một tổ chức đấu giá độc lập trung gian, phải khách quan, minh bạch, đầy đủ cơ sở sở pháp lý thì trình tự, thủ tục trước khi đưa tài sản thi hành án dân sự ra đấu giá bao gồm các hoạt động từ định giá, định giá lại đối với tài sản thi hành án dân sự, lựa chọn tổ chức đấu giá để đấu giá tài sản thi hành án dân sự, xác định các giấy tờ pháp lý cơ bản làm căn cứ đưa tài sản thi hành án dân sự ra đấu giá.
6.2. Thứ hai, giai đoạn tiến hành đấu giá tài sản thi hành án dân sự:
Việc đấu tài sản thi hành án dân sự với giá trị cao thông qua đấu giá chính là mục tiêu hướng đến để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia vào hoạt động đấu giá loại tài sản này. Để các hoạt động để đấu giá tài sản thi hành án dân sự bảo đảm sự công khai, minh bạch thì trình tự, thủ tục để tiến hành các hoạt động đấu giá cần được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật về quy trình đấu giá tài sản nói chung, qua các bước sau:
Bước 1: Ký kết hợp đồng để đưa tài sản thi hành án dân sự ra đấu giá: Việc ký kết hợp đồng để đưa tài sản thi hành án dân sự ra đấu giá sẽ xác định rõ trách nhiệm của tổ chức đấu giá phải bán tài sản thi hành án dân sự theo đúng trình tự, thủ tục đấu giá và trách nhiệm của người có thẩm quyền đưa tài sản thi hành án dân sự ra đấu giá. Bên cạnh đó pháp luật về đấu giá tài sản thi hành án dân sự phải xác định rõ chủ thể có thẩm quyền ký kết hợp đồng để thực hiện việc đấu giá tài sản thi hành án dân sự, xác định thời hạn để đấu giá tài sản thi hành án dân sự phải được tuân thủ như thời hạn để đấu giá như các loại tài sản đấu giá khác, quy định cụ thể về việc đơn phương, hủy bỏ hoặc tạm dừng hợp đồng làm cơ sở để các bên thực hiện trong quá trình đấu giá tài sản thi hành án dân sự, bảo vệ quyền lợi ích của các chủ thể tham gia vào hoạt động đấu giá tài sản thi hành án dân sự.
– Bước 2: Xây dựng quy chế đấu giá tài sản thi hành án dân sự; mục đích của việc xây dựng quy chế đấu giá tài sản thi hành án dân sự là bảo đảm cho việc tuân thủ, trình tự thủ tục việc đấu giá tài sản thi hành án dân sự của tổ chức đấu giá, chấp hành viên và người tham gia đấu giá. Các nội dung được quy định trong quy chế đấu giá tài sản thi hành án dân sự phải phù hợp với quy định của pháp luật về đấu giá tài sản để bảo đảm thực hiện việc đấu giá tài sản thi hành án dân sự.
Bước 3: Niêm yết và thông báo công khai đấu giá tài sản thi hành án dân sự: mục tiêu của hoạt động thông báo niêm yết là phải thông báo công khai đến đông đảo người tham gia đấu giá và thông tin càng được thông báo rộng rãi bao nhiêu càng có cơ hội để cho nhiều khách hàng đăng ký tham gia đấu giá bấy nhiêu. Khi xây dựng các quy định pháp luật về thông báo, niêm yết đấu giá tài sản nói chung, đấu giá tài sản thi hành án dân sự nói riêng có ý kiến cho rằng cần thông báo, niêm yết đấu giá tài sản ở bất cứ địa chỉ nào, trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào chỉ cần hướng tới mục tiêu để cho nhiều người biết được về tài sản đấu giá và thu hút nhiều khách hàng đăng ký tham gia đấu giá. Ví dụ: có thể đăng thông báo qua các trang mạng xã hội như: facebook, zalo hay có thể dán thông báo đấu giá ở cổng chợ, cửa siêu thị hay kể cả là quảng cáo trên kênh youtube,... Ý kiến khác lại cho rằng cần phải thống nhất về trình tự, thủ tục thông báo niêm yết trong quy định của pháp luật về thời gian, địa điểm, thông báo niêm yết để kiểm soát việc thực hiện thông báo niêm yết đấu giá tài sản của tổ chức đấu giá tài sản. Theo đó, đối với tài sản thi hành án dân sự thì tổ chức đấu giá tài sản sẽ tiến hành niêm yết thông báo đấu giá tài sản là bất động sản tại trụ sở của tổ chức mình, nơi tổ chức cuộc đấu giá và ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản đấu giá trong một thời gian luật định và phải trước ngày mở cuộc đấu giá. Thông báo công khai ít nhất 02 lần trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản. Tổ chức đăng ký tham gia đấu giá, cho xem tài sản thi hành án dân sự: mục đích của việc tổ chức đăng ký tham gia đấu giá là nhằm xác định những trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá, kiểm soát những trường hợp đã đăng ký tham gia đấu giá hợp lệ, ràng buộc những người tham gia đấu giá phải tuân thủ trình tự, thủ tục đấu giá như: phải nộp tiền đặt trước, thực hiện đúng quy chế của cuộc đấu giá nếu không sẽ bị mất tiền đặt trước,... Để bảo đảm tài sản thi hành án dân sự được bán công khai, tránh thông đồng dìm giá cần phải có quy định hạn chế những đối tượng không được đăng ký tham gia đấu giá như: người có quan hệ thân thích với người có thẩm quyền đưa tài sản thi hành án dân sự ra đấu giá, người có thẩm quyền đấu giá tài sản thi hành án dân sự, những người cùng đăng ký tham gia đấu giá trên một tài sản mà lại có quan hệ về huyết thống, hôn nhân, nuôi dưỡng,....
Bước 4: Tổ chức cuộc đấu giá tài sản thi hành án dân sự: trình tự, thủ tục tổ chức đấu giá phải rõ ràng và chặt chẽ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của các bên. Vì vậy, quy định về thủ tục đấu giá cần công khai rộng rãi, đơn giản hóa thủ tục và mở rộng các hình thức đấu giá tài sản, với mục đích tạo mọi thuận lợi cho người bán và người mua tài sản.
6.3. Thứ ba, giai đoạn sau khi đấu giá tài sản thi hành án dân sự:
Sau cuộc đấu giá tài sản thi hành án dân sự có thể thành và có thể không thành.
– Trường hợp đấu giá thành: trong trường hợp đấu giá thành, pháp luật về đấu giá tài sản thi hành án dân sự phải đảm bảo bàn giao được tài sản, chuyển quyền sở hữu, sử dụng cho người mua được tài sản thi hành án dân sự. Tại Việt Nam, để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản thi hành án dân sự trên cơ sở các quy định tại Hợp đồng dịch vụ đấu giá; quy chế và biên bản đấu giá, chấp hành viên và người trúng đấu giá sẽ thống nhất và ký kết Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá với những nội dung như: thời gian, địa điểm, cách thức thanh toán, bàn giao tài sản và các giấy tờ liên quan đến tài sản cho người trúng đấu giá. Về lý luận và thực tiễn cho thấy ở những quốc gia mà trình độ dân trí cao và ý thức pháp luật tốt thì đa phần người phải thi hành án tự nguyện giao tài sản cho người mua được tài sản. Tuy nhiên ở những quốc gia trình độ dân trí còn thấp, ý thức tuân thủ pháp luật còn hạn chế thì rất ít các trường hợp người phải thi hành án tự nguyện giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá mà chấp hành viên phụ trách thi hành phải tổ chức cưỡng chế giao tài sản. Khi tổ chức cưỡng chế giao tài sản, chấp hành viên phải xây dựng kế hoạch cưỡng chế, họp bàn kế hoạch cưỡng chế với cơ quan Công an, chính quyền địa phương và các cơ quan ban ngành có liên quan. Do đó, pháp luật về đấu giá tài sản thi hành án dân sự cần phải xây dựng về trình tự, thủ tục cưỡng chế bàn giao cho người mua được tài sản thi hành án dân sự, bảo đảm cơ chế tài chính, sức mạnh quyền lực Nhà nước cho việc thực hiện bàn giao tài sản. Bên cạnh đó pháp luật về đấu giá tài sản thi hành án dân sự cần tính đến bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản đấu giá, trong thời gian chưa giao được tài sản, quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng cho người mua.
– Trường hợp đấu giá không thành: trong trường hợp đấu giá không thành, pháp luật về đấu giá tài sản thi hành án dân sự đảm bảo tài sản thi hành án dân sự sẽ được tiếp tục đưa ra đấu giá cho đến khi bán được tài sản với thủ tục nhanh chóng, hiệu quả. Với nguyên lý tài sản thi hành án dân sự đưa ra đấu giá đến khi nào bán được để thu tiền về cho người được thi hành án, do đó pháp luật về đấu giá tài sản thi hành án dân sự đều quy định theo hướng cần phải thực hiện đến cùng việc đấu giá tài sản bằng việc giảm giá tài sản. Tuy nhiên để bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp của các đương sự trong giai đoạn thi hành án thì việc giảm giá tài sản là cần thiết để đạt được thỏa thuận của các bên đương sự về mức giảm giá. Nếu các đương sự không thỏa thuận được mức giảm giá thì pháp luật sẽ phải quy định về mức giảm giá để tiếp tục đấu giá tài sản.