Bên cạnh đất đai thì nhà ở là vấn đề quan trọng và có giá trị lớn đối với mỗi người, không phải người nào xây dựng nhà trên đất cũng được công nhận, cấp giấy chứng nhận đối với nhà ở theo quy định của pháp luật. Vậy cụ thể Chủ sở hữu nhà ở là gì? Quy định về công nhận quyền sở hữu nhà ở?
Mục lục bài viết
1. Chủ sở hữu nhà ở là gì?
Căn cứ dựa trên quy định tại điều 3
” 12. Chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.”
Theo đó, có thể thấy pháp luật quy định cụ thể về khái niệm chủ sở hữu nhà ở và qua đó phải đáp ứng được các điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở
Về đối tượng
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam; đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải có đủ điều kiện theo quy định riêng về Quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của cá nhân và tổ chức nước ngoài
Về hình thức
Có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức sau đây:
– Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước thì thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
– Chủ sở hữu nhà ở là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thông qua hình thức đó là mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hay mua, thuê nhà ở của hợp tác xã kinh doanh bất động sản hay còn gọi là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật;
– Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì thông qua các hình thức sau:
+ Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật nhà ở và pháp luật có liên quan;
+ Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
Lưu ý, Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đủ điều kiện và có nhà ở hợp pháp theo quy định nêu trên thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận) đối với nhà ở đó. Nhà ở được cấp Giấy chứng nhận phải là nhà ở có sẵn.
2. Quy định công nhận quyền sở hữu nhà ở:
Quyền sở hữu là chỉ tổng hợp các qui phạm pháp luật do Nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực chiếm hữu, sử dụng và định đoạt các tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng. Quyền sở hữu nhà ở là quyền được chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản là nhà ở. Theo quy định tại Điều 9 Luật nhà ở quy định về việc công nhận quyền sở hữu nhà ở của cá nhân, tổ chức, hộ gia đình.
Theo đó, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đủ điều kiện và có nhà ở hợp pháp quy định tại Điều 8 của Luật nhà ở thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) đối với nhà ở đó. Nhà ở được cấp Giấy chứng nhận phải là nhà ở có sẵn.
Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho chủ sở hữu nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 123 của Luật nhà ở thì bên mua nhà ở được cấp Giấy chứng nhận trong thời hạn sở hữu nhà ở; khi hết hạn sở hữu nhà ở theo thỏa thuận thì quyền sở hữu nhà ở được chuyển lại cho chủ sở hữu lần đầu; việc cấp Giấy chứng nhận cho bên mua nhà ở và xử lý Giấy chứng nhận khi hết hạn sở hữu nhà ở được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận phải ghi rõ trong Giấy chứng nhận loại và cấp nhà ở theo quy định của Luật này và pháp luật về xây dựng; trường hợp là căn hộ chung cư thì phải ghi cả diện tích sàn xây dựng và diện tích sử dụng căn hộ; nếu là nhà ở được xây dựng theo dự án thì phải ghi đúng tên dự án xây dựng nhà ở đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Trong trường hợp nhà ở được đầu tư xây dựng theo dự án với mục đích để cho thuê mua, để bán thì không cấp Giấy chứng nhận cho chủ đầu tư mà cấp Giấy chứng nhận cho người thuê mua, người mua nhà ở, trừ trường hợp chủ đầu tư có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở chưa cho thuê mua, chưa bán; trường hợp chủ đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê thì được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó.
Đối với nhà ở của hộ gia đình, cá nhân có từ hai tầng trở lên và tại mỗi tầng có từ hai căn hộ trở lên đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 46 của Luật nhà ở thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với từng căn hộ trong nhà ở đó.
Đối với người sử dụng đất đặc biệt là đất ở thì việc người sử dụng đất xây dựng nhà ở hoặc các công trình khác trên đất là một hoạt động tất yếu. Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình trên đất ở cũng cần phải đáp ứng được các quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. Hiện nay, trình tự, thủ tục xây dựng của phần đất ở nông thôn với phần đất ở đô thị có các quy định không giống nhau. Do đó, người sử dụng đất cần chú ý nắm được các quy định của pháp luật đối với từng trường hợp để áp dụng đúng các quy định này đối với phần đất của mình.
Việc đáp ứng đủ các quy trình, thủ tục xây dựng có ý nghĩa rất lớn trong việc để cơ quan nhà nước công nhận và cập nhật, ghi nhận thông tin phần diện tích nhà ở này trên giấy chứng nhận. Do đó, việc nắm được các quy định liên quan đến vấn đề này đối với người sử dụng đất là vô cùng cần thiết
3. Trình tự thực hiện công nhận quyền sở hữu nhà ở:
– Bước 1: Người đề nghị cấp Giấy chứng nhận nộp hồ sơ và lệ phí cấp giấy tại cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện. Nếu là nhà ở tại nông thôn thì có thể nộp hồ sơ tại UBND xã, UBND xã sẽ chuyển hồ sơ lên cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện.
Trong trường hợp hồ sơ chưa đủ giấy tờ theo quy định thì người tiếp nhận hồ sơ phải hướng dẫn cụ thể để bổ sung hồ sơ.
– Bước 2: Cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện xem xét, nếu đủ điều kiện thì làm thủ trình UBND cấp huyện ký Giấy chứng nhận và
Trường hợp không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận thì phải có thông báo và trả lại lệ phí cấp Giấy cho người nộp hồ sơ. Nếu UBND xã nhận hồ sơ thì cơ quan quản lý nhà chuyển cho UBND xã để thông báo có người nộp hồ sơ biết lý do không được cấp Giấy chứng nhận.
– Bước 3: Chủ nhà đi nộp các khoản thuế theo quy định và chuyển biên lai thuế cho cơ quan thụ lý hồ sơ.
– Bước 4: Chủ nhà nộp lại giấy tờ gốc về sở hữu nhà ở, ký nhận vào Sổ đăng ký sở hữu và nhận Giấy chứng nhận tại cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện.
Nếu chủ sở hữu đã nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận tại UBND xã thì nhận Giấy chứng nhận và nộp giấy tờ gốc về sở hữu nhà ở tại UBND xã đẻ chuyển cho cơ quan quản lý nhà ở lưu.
Thành phần hồ sơ bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (theo mẫu)
– Bản sao giấy tờ chứng minh tạo lập nhà ở hợp pháp như Giấy phép xây dựng;
– Bản vẽ sơ đồ nhà ở, đất ở do chủ nhà thuê đơn vị có chức năng đo vẽ thực hiện. Nếu do chủ nhà tự đo vẽ thì phải có thẩm tra của cơ quan quản lý nhà ở cấp quận nếu tại đô thị, có thẩm tra của UBND xã nếu tại nông thôn.
Trên đây là thông tin chúng tôi cung cấp về nội dung Chủ sở hữu nhà ở là gì? Quy định công nhận quyền sở hữu nhà ở? và các thông tin pháp lý dựa trên quy định của pháp luật hiện hành.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
Luật nhà ở 2014.