Con khai sinh mang họ mẹ được không? Thủ tục khai sinh con họ mẹ? Trường hợp nào khi con sinh ra có thể mang họ mẹ? Nếu con muốn thay đổi họ sang họ mẹ phải làm thế nào?
Giấy khai sinh là một hồ sơ quan trọng ghi lại việc ra đời của một đứa trẻ. Thông thường, con khi được sinh ra sẽ theo họ cha, vậy theo luật con sinh ra làm khai sinh theo họ mẹ có được không? Thủ tục khai sinh cho con họ mẹ như thế nào ? Luật Dương Gia sẽ giải đáp giúp bạn qua bài viết này.
Mục lục bài viết
1. Vai trò của Quyền khai sinh đối với trẻ em và Nhà nước
Quyền khai sinh đóng vai trò quan trọng đối với Nhà nước và trẻ em, theo đó vai trò này được thể hiện như sau:
– Đối với trẻ em
Quyền được khai sinh là quyền đầu tiên khẳng định trẻ em là công dân của một quốc gia, là một công dân bình đẳng như mọi công dân khác và đây là cơ sở phát sinh các quyền và nghĩa vụ của công dân, mà quyền đầu tiên của trẻ em là quyền được bảo vệ, chăm sóc. Điều 13.
“Trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, có quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật.”
Quyền khai sinh của trẻ em là tiền đề để trẻ em được hưởng các quyền khác của trẻ em, như: quyền được chăm sóc, quyền được học tập, quyền có tài sản,… Đăng kí khai sinh là một hoạt động đăng kí hộ tịch: Đăng ký hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận các sự kiện: Sinh; Kết hôn; Tử; Nuôi con nuôi; Giám hộ; Nhận cha, mẹ con; Thay đổi; Cải chính, bổ sung, điều chỉnh hộ tịch; Xác định lại giới tính; Xác định lại dân tộc. Khi đi đăng kí khai sinh thì trẻ em sẽ được cấp Giấy khai sinh, nội dung Giấy khai sinh xác định những thông tin về bản thân trẻ em được đăng kí khai sinh, như: họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, quốc tịch, nơi sinh, thông tin về cha, mẹ của trẻ em được đăng kí khai sinh. Khoản 6 Điều 4,Luật hộ tịch 2005 quy định:
“6. Giấy khai sinh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh; nội dung Giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này.”
Đối với mỗi cá nhân, có Giấy khai sinh- giấy tờ hộ tịch gốc- là có các quyền và nghĩa vụ của công dân theo pháp luật đối với Nhà nước. Có thể nói, Giấy khai sinh là đặc biệt quan trọng, bởi tất cả các giấy tờ khác có kiên quan đến cá nhân đều bắt nguồn từ Giấy khai sinh và các nội dung trong đó đều phải đúng với Giấy khai sinh. Giấy khai sinh là căn cứ để thực hiện các quyền lợi khác của công dân như: đăng ký hộ khẩu, làm thẻ bảo hiểm y tế, đi học, làm Chứng minh nhân dân. Trẻ em không được đăng kí khai sinh thì khó tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu như: chăm sóc y tế, giáo dục, hỗ trợ pháp lí. Không có Giấy khai sinh cũng đồng nghĩa với việc khước từ một số quyền của công dân: quyền bầu cử, ứng cử, quyền học tập,… Trẻ em không được khai sinh cũng rất dễ bị xâm hại và đối xử tệ, trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người, mại dâm, cưỡng ép tảo hôn…
Như vậy, quyền khai sinh của trẻ là đặc biệt quan trọng đối với trẻ em bởi trẻ em được khai sinh là được ghi nhận với tư cách công dân của một quốc gia, từ đó được hưởng các quyền của công dân và được Nhà nước bảo vệ với tư cách công dân.
– Đối với Nhà nước
Thực hiện quyền khai sinh của trẻ em có vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng xã hội phát triển.
Thực hiện tốt quyền khai sinh của trẻ em tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lí dân cư trên địa bàn địa phương và cả nước để từ đó có các chính sách, biện pháp, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ổn định dân số, chính sách y tế, giáo dục, an ninh, quốc phòng phù hợp đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mỗi cá nhân.
Thực hiện quyền khai sinh của tẻ em giúp cho Nhà nước có căn cứ để xác định tư cách công dân của cá nhân và xác định các điều kiện được hưởng các quyền: xác định tuổi được đi học, xác định tuổi được hưởng những phúc lợi xã hội dành cho trẻ em, phát sinh quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân trong các lĩnh vực đặc biệt: quyền bầu cử, ứng cử của công dân, thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước,…
Trên cơ sở thực hiện khai sinh cho trẻ em, Nhà nước quản lí về khai sinh, trên cơ sở đó ổn định trật tự xã hội hướng đến mục tiêu “xây dựng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
2. Trường hợp nào khi con sinh ra có thể mang họ mẹ?
Căn cứ vào Khoản 2 Diều 26
“2. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ.”
Do vậy, con được sinh ra trong thời kì hôn nhân là con chung. Bạn muốn khai sinh cho con mang họ của mình thì có 2 trường hợp:
1. Bố, mẹ thỏa thuận với nhau.
2. Không xác định được cha đẻ.
Trường hợp 1: Do bố, mẹ thỏa thuận
Khoản 1 Điều 4 của Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định như sau: Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán.
Trường hợp 2: Không xác định được bố
Khoản 2 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP chỉ rõ: Trường hợp chưa xác định được bố thì khi đăng ký khai sinh, họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về bố trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.
Như vậy khi chưa xác định được bố, khi đăng ký khai sinh thì sẽ đăng ký theo họ mẹ và để trông phần thông tin của bố
3. Thủ tục đăng ký khai sinh họ mẹ
Căn cứ Điều 16
Thủ tục đăng ký khai sinh gồm các bước như sau:
1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.
2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân. Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.
4. Thẩm quyền đăng ký khai sinh
- Ủy ban nhân dân cấp Xã :
Căn cứ theo Điều 13 Luật hộ tịch 2014 quy định Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh.
- Ủy ban nhân dân cấp Huyện
Căn cứ theo Điều 35 Luật hộ tịch 2014 quy định Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em trong các trường hợp sau đây:
Trẻ em được sinh ra tại Việt Nam:
a) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;
b) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
c) Có cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
d) Có cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;
Trẻ em được sinh ra ở nước ngoài chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam:
a) Có cha và mẹ là công dân Việt Nam;
b) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam.
- Cơ quan đại diện
Căn cứ theo Điều 53.Luật Hộ tịch 2014 quy định về việc Đăng ký hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài
- Cơ quan đại diện thực hiện đăng ký các việc hộ tịch theo quy định tại Điều 3 của Luật này cho công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài, nếu việc đăng ký đó không trái pháp luật của nước tiếp nhận và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Căn cứ quy định của Luật này, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn về thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch, việc cấp bản sao trích lục hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài tại Cơ quan đại diện.
Đối với thẩm quyền của UNND cấp Huyện và Cơ quan đại diện hồ sơ sẽ phức tạp hơn so với UBND cấp Xã.
4. Nếu con muốn thay đổi họ sang họ mẹ phải làm thế nào?
Theo Điều 27 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền thay đổi họ như sau:
“1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:
… d) Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con;
…
2. Việc thay đổi họ cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.”
Như vậy, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhân việc thay đổi họ của mình
– Thẩm quyền đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch
Căn cứ vào Điều 27.Luật hộ tịch 2014 quy định thẩm quyền đăng ký thanh đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch:
- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi; bổ sung hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.
– Thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch
Căn cứ vào Điều 28 Luật hộ tịch 2014 quy định như sau:
1. “Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.
3. Trường hợp đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch.
Trường hợp nơi đăng ký hộ tịch trước đây là Cơ quan đại diện thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Bộ Ngoại giao để chuyển đến Cơ quan đại diện ghi vào Sổ hộ tịch.”