Tình trạng "bùng nợ" khi thực hiện giao dịch dân sự vay tiền thường xảy ra khi khách hàng muốn vay nhưng không muốn trả hoặc khách hàng thực sự mất khả năng thanh toán trên thực tế, gặp hoàn cảnh khó khăn vì nhiều nguyên nhân khác nhau ... Vậy cố tình vay tiền rồi bùng nợ app vay tiền thì có làm sao không?
Mục lục bài viết
1. Cố tình vay rồi bùng nợ app vay tiền có sao không?
Với câu hỏi: Cố tình vay tiền rồi bùng nợ app vay tiền thì có làm sao không? Thì chắc chắn câu trả lời là “Có”. Khách hàng vay tiền tuy nhiên không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, không hoàn trả tiền gốc và lãi theo đúng thời hạn mà các bên đã thỏa thuận thì tùy từng mức độ vi phạm khác nhau, sẽ bị xử lý hành chính hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong một số trường hợp, khách hàng còn có thể bị áp dụng các hình thức đòi nợ trái pháp luật phải bị làm phiền, bị uy hiếp, đe dọa … Cụ thể như sau:
1.1. Đối với các hình thức app cho vay tiền hợp pháp:
Đối với những ứng dụng hỗ trợ tài chính kinh doanh được hoạt động hợp pháp, có giấy tờ đầy đủ thì sẽ được pháp luật bảo vệ khi gặp phải trường hợp khách hàng vay tiền nhưng cố tình chiếm đoạt tài sản đó. Nếu khách hàng vay tiền thông qua những ứng dụng này và có hành vi cố tình không trả nợ thì có thể sẽ phải đối mặt với những vấn đề sau đây:
– Bản thân khách hàng và người thân của khách hàng thường xuyên sẽ phải nhận được những cuộc điện thoại và tin nhắn nhắc nhở phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán, tần suất của cuộc gọi và tin nhắn sẽ tỷ lệ thuận với thời gian khách hàng cố tình để nợ vượt quá thời hạn, không hợp tác và cố tình không trả các khoản tiền mà khách hàng đã vay trước đó;
– Thông tin của khách hàng sẽ được đưa vào danh sách nợ xấu trên hệ thống CIC, và căn cứ vào đó tất cả các ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác sẽ từ chối hỗ trợ tài chính đối với khách hàng đó nếu như trong tương lai họ gặp khó khăn về tài chính và có nhu cầu vay vốn;
– Tùy theo số tiền cố tình bùng nợ của khách hàng, khách hàng đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm dân sự, hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể:
Thứ nhất, đối với trách nhiệm dân sự khi khách hàng vay tiền thông qua ứng dụng vay tiền và không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo đúng thời hạn. Theo đó, khi đến thời hạn thanh toán tuy nhiên khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và tiền lãi suất theo thỏa thuận của các bên, thì khách hàng bắt buộc sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay mà các bên đã thỏa thuận ban đầu tương ứng với thời hạn vay đến hạn chưa trả. Trong trường hợp khách hàng trả nợ không đúng hạn, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do ngân hàng và khách hàng tự thỏa thuận với nhau. Trong trường hợp khoản nợ vay bị chuyển thành nợ quá hạn thì khách hàng còn phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian khách hàng chậm trả, lãi suất áp dụng trong trường hợp này không vượt quá 150% mức lãi suất cho vay trong thời hạn tại thời điểm chuyển sang nợ quá hạn.
Thứ hai, người vay còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Căn cứ theo quy định tại Điều 15 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP, có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về vấn đề gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức và của cá nhân khác.
Theo đó, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
– Có hành vi trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, xâm nhập vào khu vực kho bãi hoặc các địa điểm thuộc quyền quản lý hợp pháp của người khác nhằm mục đích trộm cấp hoặc chiếm đoạt tài sản;
– Công nhân chiếm đoạt tài sản tuy nhiên chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
– Sử dụng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác hoặc đến thời điểm phải trả lại tài sản phát sinh từ các giao dịch dân sự cho vay, cho mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có đầy đủ điều kiện để hoàn trả tuy nhiên cố tình không hoàn trả;
– Không trả lại tài sản cho người khác suất phát từ các giao dịch dân sự cho vay, cho mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng tuy nhiên sử dụng tài sản đó vào mục đích trái pháp luật dẫn tới trường hợp không đủ khả năng để hoàn trả lại tài sản;
– Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, của cơ quan, doanh nghiệp và tổ chức.
Thứ ba, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản căn cứ theo quy định tại Điều 175 của Bộ luật hình sự năm 2015 khi thỏa mãn các yếu tố sau:
– Chiếm đoạt tài sản từ 4.000.000 đồng trở lên;
– Có hành vi cố tình trốn tránh, mặc dù có đầy đủ khả năng để trả tiền tuy nhiên cố tình không trả tiền.
Người vay tiền thông qua ứng dụng vay tiền tuy nhiên cố tình không trả thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở nhiều khu hình phạt khác nhau, với mức thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
1.2. Đối với các hình thức app cho vay tiền trái pháp luật:
Nếu vay tiền thông qua ứng dụng vay tiền hoạt động trái quy định của pháp luật thì thành phần hồ sơ vay tiền của khách hàng sẽ không bị liệt vào lịch sử nợ xấu trên hệ thống CIC, vì đây là những ứng dụng hoạt động không hợp pháp, không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Đổi lại, khi vay tiền thông qua các ứng dụng cho vay trái pháp luật, không trả khoản tiền đó thì khách hàng sẽ bị đòi nợ với các hình thức vô cùng khủng khiếp. Có thể liệt kê một số hậu quả mà khách hàng sẽ phải đối mặt như sau:
– Bị nhân viên đòi nợ làm phiền, họ có thể đến tận nhà để thực hiện nhiều hành vi khủng bố tinh thần, lăng mạ, xúc phạm danh dự nhân phẩm, mắng chửi … làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống hằng ngày và đời sống tinh thần của khách hàng;
– Tất cả người thân của người vay đều có thể bị tìm kiếm thông tin cá nhân đời tư, đăng tải các hình ảnh trên các trang mạng xã hội;
– Thậm chí con cái của người vay cũng có thể bị đe dọa, uy hiếp tinh thần, tính tới trường hợp tinh thần bị ảnh hưởng, không thể yên tâm học tập;
– Khách hàng phải chịu khoản tiền phạt và mức lãi suất tăng theo cấp số nhân gấp nhiều lần so với khoản tiền gốc ban đầu, dựa trên số ngày chậm trả của khách hàng.
2. Vay tiền qua app vay tiền online có phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 463 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về hợp đồng vay tài sản. Theo đó, hợp đồng vay tài sản được xem là sự thoả thuận giữa các bên, bên cho vay sẽ giao tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình cho bên vay, khi đến thời hạn thì bên vay cần phải hoàn trả lại cho bên cho vay tài sản theo đúng số lượng, đúng chất lượng của các bên, đồng thời bên vay thì phải trả lãi nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật liên quan có quy định.
Nghĩa vụ trả nợ là một trong những nghĩa vụ của bên vay, bên vay phải có nghĩa vụ trả nợ theo đúng thời gian và đúng định mức dựa trên sự thỏa thuận của các bên. Căn cứ theo quy định tại Điều 466 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay. Theo đó:
– Bên vay tài sản là tiền thì phải có nghĩa vụ trả đủ tiền khi đến thời hạn, nếu tài sản là vật thì bên vay phải có nghĩa vụ trả vật cùng loại theo đúng số lượng, đúng chất lượng, ngoại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
– Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền phù hợp với giá trị của vật đã vay được tính tại thời điểm và địa điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý;
– Địa điểm trả nợ được xác định là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở chính của bên cho vay, ngoại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
– Trong trường hợp vay không lãi tuy nhiên khi đến hạn, bên vay không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ hoặc trả không đầy đủ, thì bên cho vay hoàn toàn có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015 dựa trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả của bên vay, ngoại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật liên quan có quy định khác;
– Trường hợp cho vay có lãi, tuy nhiên khi đến thời hạn nhưng bên tay vẫn không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay sẽ phải trả lãi theo quy định của pháp luật. Theo đó:
+ Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng vay tài sản tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả, trong trường hợp chậm trả, thì bên vay còn phải trả lãi theo mức lãi suất căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015;
+ Lãi được tính trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% mức lãi suất theo hợp đồng vay tài sản tương ứng với thời gian chậm trả, ngoại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Như vậy, vay tiền online qua app cũng là một hợp đồng vay tài sản, vì vậy việc vay tiền qua app cũng cần phải tuân thủ nghĩa vụ trả nợ theo quy định tại khoản 1 Điều 466 của Bộ luật Dân sự.
3. Một số vấn đề cần lưu ý khi vay tiền online qua app:
Vay tiền thông qua ứng dụng online là một trong những giải pháp tài chính linh hoạt giải đáp nhu cầu về tiền của mọi khách hàng. Tuy nhiên hình thức vay tiền này cũng tìm ẩn rất nhiều rủi ro, có thể mắc bẫy tín dụng đen hoặc thậm chí là các ứng dụng lừa đảo. Vì vậy khi cần vay tiền thông qua ứng dụng online thì bạn cần phải lưu ý một số vấn đề sau đây để chủ động bảo vệ quyền lợi của mình:
– Tìm hiểu kỹ các thông tin về giấy phép kinh doanh, địa chỉ văn phòng hoạt động của ứng dụng cho vay. Chỉ nên đăng ký vay tiền ở các ứng dụng uy tín như Viettelmoney, Tima …;
– Số tiền cá nhân cần là bao nhiêu thì chỉ nên vay đúng số tiền đó phải không nên vay với số tiền quá lớn để phải chi trả mức lãi suất quá cao, dễ dẫn tới trường hợp mất khả năng trả nợ;
– Khi thực hiện thủ tục vay tiền trên các ứng dụng, cần phải tắt toàn bộ quyền truy cập danh bạ, truy cập thông tin cá nhân, truy cập vào bộ sưu tập ảnh … để có thể hạn chế tối đa những rắc rối có thể xảy ra;
– Đọc kỹ hợp đồng vay tiền, chính sách, điều khoản, lãi suất của khoản vay, nếu cảm thấy hợp lý và minh bạch về tất cả mọi vấn đề thì mới nên xác nhận hợp đồng vay;
– Không cung cấp thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục vay, không cung cấp số điện thoại của người thân để tránh trường hợp bị làm phiền.
Những thắc mắc xoay quanh vấn đề bùng tiền ứng dụng vay tiền online và cách thức xử lý tốt nhất đã được chia sẻ trên đây. Nếu cần tư vấn và giải đáp thêm, bạn hoàn toàn có thể kết nối trực tiếp với Luật Dương Gia chúng tôi để có thể được hỗ trợ.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017);
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
THAM KHẢO THÊM: