Khái quát chung về bên mua bảo hiểm nhân thọ? Có được chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không?
Bảo hiểm nhân thọ hiện nay đang dần trở nên phổ biến và đóng góp nhưng vai trò quan trọng. Về cơ bản thì bảo hiểm nhân thọ như một tấm lá chắn được con người tạo dựng lên trước mọi rủi ro bất ngờ trong cuộc sống. Đây vừa là một hình thức chuyển giao rủi ro, vừa là một hình thức đầu tư tài chính hiệu quả trong nền kinh tế thị trường đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhiều chủ thể vẫn chưa nắm rõ các quy định của pháp luật về bảo hiểm nhân thọ dẫn đến những ảnh hưởng trực tiếp về quyền lợi. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu có được quyền chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không?
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Khái quát chung về bên mua bảo hiểm nhân thọ:
Bảo hiểm nhân thọ là một loại hợp đồng bảo hiểm trong đó doanh nghiệp bảo hiểm sẽ cam kết chi trả một khoản tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng nếu chẳng may người được bảo hiểm gặp phải các rủi ro liên quan đến sức khỏe, thân thể, tính mạng với điều kiện bên mua bảo hiểm đóng phí định kỳ đầy đủ theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Khi nền kinh tế phát triển, thu nhập của người dân tăng lên là điều kiện cho bảo hiểm nhân thọ phát triển.
Bên mua bảo hiểm nhân thọ được hiểu là tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm và đóng phí bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm có thể cũng chính là người thụ hưởng. Như vậy, trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì bên mua bảo hiểm được định nghĩa như sau: Bên mua bảo hiểm là người chủ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và cũng là người đóng phí bảo hiểm hợp pháp. Những người này có thể là cá nhân hoặc tổ chức bất kỳ, nhưng các chủ thể này phải có đầy đủ năng lực chủ thể (năng lực hành vi dân sự và năng lực pháp luật dân sự và có mối quan hệ nhất định đối với đối tượng được bảo hiểm).
Theo quy định tại Điều 18 Luật kinh doanh bảo hiểm về quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm:
– Bên mua bảo hiểm có quyền sau đây:
+ Bên mua bảo hiểm có quyền được lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam để mua bảo hiểm;
+ Bên mua bảo hiểm có quyền được yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; cấp giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm;
+ Bên mua bảo hiểm có quyền được đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại khoản 3 Điều 19, khoản 1 Điều 20 của Luật kinh doanh bảo hiểm;
+ Bên mua bảo hiểm có quyền được yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;
+ Bên mua bảo hiểm có quyền được chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm hoặc theo quy định của pháp luật;
+ Bên mua bảo hiểm có các quyền khác theo quy định của pháp luật.
– Bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ:
+ Bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm đầy đủ, theo thời hạn và phương thức đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;
+ Bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm;
+ Bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ thông báo những trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm;
+ Bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm;
+ Bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
+ Bên mua bảo hiểm có các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Như vậy, về cơ bản theo quy định của pháp luật thì các chủ thể thuộc bên mua bảo hiểm có các quyền và nghĩa vụ được nêu cụ thể bên trên. Việc đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ này sẽ góp phần bảo đảm quyền lợi của các chủ thể tham gia bảo hiểm nhân thọ cũng như bảo đảm quá trình mua bán bảo hiểm diễn ra nhanh chóng, thuận lợi và đúng quy định của pháp luật.
2. Có được quyền chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không?
Theo quy định tại Điều 18 Luật kinh doanh bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền được chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm hoặc theo quy định của pháp luật.
Ta nhận thấy, đối với việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm thì Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, bên mua bảo hiểm sẽ có thể chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm theo thoả thuận đã được hai bên ký kết trong hợp đồng. Việc chuyển nhượng hợp đồng sẽ chỉ có hiệu lực đối với trường hợp khi bên mua bảo hiểm
Thông qua đó thì bản chất của việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm được hiểu là việc một chủ thể khác sẽ thay thế vị trí pháp lý (kế thừa quyền và nghĩa vụ) của bên mua bảo hiểm trong hợp đồng, theo đó, các chủ thể là người nhận chuyển nhượng sẽ trở thành bên mua bảo hiểm mới để tiếp tục duy trì hợp đồng và hưởng các quyền lợi khác (nếu có) theo hợp đồng.
Có thể thấy, đối với cá nhân đã ký kết hợp đồng bảo hiểm với công ty bảo hiểm thì cá nhân này sẽ có quyền chuyển nhượng lại hợp đồng bảo hiểm này cho một cá nhân khác, cụ thể về việc chuyển nhượng sẽ được quy định tại Điều 26 Luật kinh doanh bảo hiểm:
“1. Bên mua bảo hiểm có thể chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
2. Việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc chuyển nhượng và doanh nghiệp bảo hiểm có văn bản chấp thuận việc chuyển nhượng đó, trừ trường hợp việc chuyển nhượng được thực hiện theo tập quán quốc tế.”
Như vậy, theo quy định được nêu trên về việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm sẽ bao gồm các nội dung quan trọng sau đây:
– Thứ nhất, đó là chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm là quyền của bên mua bảo hiểm.
– Thứ hai, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi muốn chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm là thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm.
– Thứ ba, hợp đồng bảo hiểm có được chuyển nhượng hay không phụ thuộc vào quyết định của công ty bảo hiểm.
Ta nhận thấy, việc chuyển nhượng chỉ có thể thực hiện khi trước đó trong hợp đồng thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và công ty bảo hiểm có quy định về việc cho phép chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm, đồng thời việc chuyển nhượng chỉ có hiệu lực khi bên mua bảo hiểm thông báo bằng văn bản cho công ty bảo hiểm về việc chuyển nhượng và phải có văn bản chấp thuận của công ty bảo hiểm về vấn đề này. Nếu người mua bảo hiểm không thỏa thuận trước trong hợp đồng bảo hiểm thì sẽ rất khó để công ty bảo hiểm chấp nhận việc chuyển nhượng này, người mua sẽ phải thỏa thuận với công ty bảo hiểm để công ty đồng ý thì mới có thể thực hiện việc chuyển nhượng. Khi việc chuyển nhượng hoàn tất thì quyền lợi của hợp đồng bảo hiểm sẽ do người nhận chuyển nhượng thụ hưởng, về các trường hợp được công ty bảo hiểm trả tiền bảo hiểm thì sẽ được quy định tại Điều 33 Luật kinh doanh bảo hiểm với nội dung sau đây:
“1. Trong bảo hiểm tai nạn con người, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng trong phạm vi số tiền bảo hiểm, căn cứ vào thương tật thực tế của người được bảo hiểm và thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
2. Trong bảo hiểm sức khỏe con người, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm trong phạm vi số tiền bảo hiểm, căn cứ vào chi phí khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi sức khỏe của người được bảo hiểm do bệnh tật hoặc tai nạn gây ra và thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.”
Như vậy, ta nhận thấy, các quy định chung về việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm hiện nay vẫn là chưa phù hợp với loại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khi theo quy định của pháp luật hiện hành việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm vẫn chỉ dừng lại ở việc ghi nhận quyền chuyển nhượng cho bên thứ ba của bên mua bảo hiểm với điều kiện được sự chấp thuận bằng văn bản của các doanh nghiệp bảo hiểm. Trong khi đó, một loạt các vấn đề quan trọng khác về vấn đề này vẫn chưa được pháp luật đề cập đến, cụ thể như là điều kiện chuyển nhượng, thủ tục chuyển nhượng, quyền hạn và trách nhiệm của các bên trong quan hệ chuyển nhượng, hậu quả pháp lý của việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm.