Theo quy định của pháp luật, các cổ đông trong công ty cổ phần bắt buộc phải thanh toán đầy đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong khoảng thời gian 90 ngày được tính bắt đầu kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Vậy trong trường hợp cổ đông không góp đủ số vốn điều lệ thì công ty có được giải thể hay không?
Mục lục bài viết
1. Cổ đông không góp đủ vốn điều lệ có được giải thể không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 207 của Văn bản hợp nhất Luật doanh nghiệp năm 2022 có quy định về các trường hợp giải thể doanh nghiệp và điều kiện giải thể doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp bị giải thể khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
-
Kết thúc thời gian hoạt động đã ghi nhận cụ thể trong điều lệ công ty tuy nhiên công ty không có quyết định gia hạn;
-
Theo nghị quyết, theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với loại hình công ty hợp doanh, của Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty đối với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với loại hình công ty cổ phần;
-
Công ty không đáp ứng đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của pháp
luật doanh nghiệp trong khoảng thời gian sáu tháng liên tục tuy nhiên công ty không thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp phù hợp với số lượng thành viên hiện hữu; -
Công ty bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, ngoại trừ trường hợp pháp luật về quản lý thuế có quy định khác.
Đồng thời, doanh nghiệp chỉ được thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp khi doanh nghiệp đó bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại cơ quan có thẩm quyền (Tòa án hoặc Trọng tài). Cá nhân quản lý có liên quan và doanh nghiệp sẽ cùng nhau liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.
Như vậy, trong trường hợp cổ đông trong công ty cổ phần không góp đủ số vốn điều lệ thì công ty có thể được giải thể khi thuộc một trong những trường hợp nêu trên (công ty có thể giải thể theo quyết định, nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông).
2. Cổ đông không góp đủ vốn điều lệ thì công ty có cần phải điều chỉnh thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 112 của Văn bản hợp nhất Luật doanh nghiệp năm 2022 có quy định về vốn của công ty cổ phần. Theo đó:
-
Vốn điều lệ của loại hình công ty cổ phần được xác định là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán trên thực tế. Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi nhận cụ thể trong Điều lệ của công ty cổ phần;
-
Cổ phần đã bán là số cổ phần được quyền chào bán, đã được các cổ đông thanh toán đủ cho công ty cổ phần. Khi thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, cổ phần đã bán được xác định là tổng số cổ phần các loại đã được các cá nhân, tổ chức đăng ký mua;
-
Cổ phần được quyền chào bán của loại hình công ty cổ phần là tổng số cổ phần các loại mà đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần ra quyết định sẽ chào bán trên thực tế để huy động vốn cho công ty. Số cổ phần được quyền chào bán của công ty cổ phần khi thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tại cơ quan có thẩm quyền là tổng số cổ phần các loại mà công ty cổ phần sẽ chào bán nhằm mục đích huy động vốn, trong đó bao gồm cổ phần đã được đăng ký mua và cổ phần chưa được đăng ký mua;
-
Cổ phần chưa được chào bán là cổ phần được quyền chào bán trên thực tế tuy nhiên chưa được thanh toán cho công ty. Khi thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, cổ phần chưa bán là tổng số cổ phần của công ty cổ phần chưa được đăng ký mua;
-
Công ty có thể giảm vốn điều lệ khi thuộc một trong những trường hợp sau đây: Giảm vốn điều lệ theo quyết định của đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần, và công ty cổ phần cần phải hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông đó trong công ty cổ phần nếu công ty cổ phần đã hoạt động kinh doanh liên tục trong khoảng thời gian từ 24 tháng (02 năm) trở lên được tính kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đầy đủ các khoản nợ, cùng với các nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông; hoặc trong trường hợp công ty cổ phần mua lại cổ phần đã bán căn cứ theo quy định tại Điều 132 và Điều 133 của Văn bản hợp nhất Luật doanh nghiệp năm 2022; hoặc vốn điều lệ trong công ty cổ phần không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn.
Như vậy, trường hợp cổ đông không góp đầy đủ số vốn điều lệ như đã cam kết ban đầu thì công ty cổ phần có thể giảm vốn điều lệ. Nội dung trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bao gồm nhiều thông tin, trong đó bao gồm thông tin liên quan đến vốn điều lệ của công ty, vì vậy khi thực hiện điều chỉnh vốn điều lệ thì công ty bắt buộc phải thay đổi nội dung trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Cổ đông không góp đủ vốn điều lệ có bị xử phạt vi phạm hành chính không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 46 của Nghị đinh 122/2021/NĐ-CP, có quy định về mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm luật doanh nghiệp. Theo đó, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm như sau:
-
Không thực hiện quy trình, thủ tục điều chỉnh vốn điều lệ hoặc thay đổi thành viên, thay đổi cổ đông sáng lập trong công ty theo quy định của cơ quan đăng ký kinh doanh khi đã kết thúc thời gian góp vốn và hết thời gian điều chỉnh vốn do các thành viên, cổ đông sáng lập trong công ty cổ phần không có đầy đủ số vốn cam kết tuy nhiên không có thành viên, cổ đông sáng lập khác thực hiện cam kết góp vốn;
-
Có hành vi cố tình định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thực tế.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 113 của Văn bản hợp nhất Luật doanh nghiệp năm 2022 có quy định về vấn đề thanh toán cổ phần đã đăng ký mua khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Theo đó: Cổ đông chưa thanh toán hoặc cổ đông chưa thanh toán đầy đủ số cổ phần đã đăng ký mua cần phải có trách nhiệm, nghĩa vụ tương ứng với tổng mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty cổ phần phát sinh trong khoảng thời gian trước ngày công ty cổ phần đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ. Thành viên trong hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật của công ty cần phải chịu trách nhiệm liên đới về các thiệt hại phát sinh do hành vi không thực hiện hoặc không thực hiện đúng nghĩa vụ góp vốn của mình.
Như vậy, theo quy định pháp luật hiện nay, không có quy định xử phạt hành chính đối với các cổ đông có hành vi không góp đủ số vốn điều lệ. Trong trường hợp cổ đông không góp đủ số vốn điều lệ, công ty cổ phần có trách nhiệm và nghĩa vụ điều chỉnh vốn điều lệ hoặc thay đổi cổ đông. Nếu vượt quá thời gian quốc vốn và hết thời gian điều chỉnh vốn tuy nhiên phía công ty cổ phần chưa khắc phục được thì công ty sẽ bị phạt từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Thành viên trong hội đồng quản trị và người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần cần phải chịu trách nhiệm liên đới về các thiệt hại phát sinh do các cổ đông trong công ty cổ phần không góp đủ số vốn điều lệ như đã cam kết.
THAM KHẢO THÊM: