Chuyển việc có thể tìm lại sổ bảo hiểm xã hội của cơ quan cũ không? Không đủ năm đóng bảo hiểm xã hội có được hưởng lương hưu không?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi công tác tại viện nghiện cứu cao su được hơn 12 năm thì nghỉ việc, 10 tháng sau tôi xin được việc làm ở ngành giáo dục. Nhưng khi đó tôi chưa biết gì về bảo hiểm xã hội. Nay đã qua 24 năm, sắp về hưu tôi muốn tìm lại sổ bảo hiểm của cơ quan cũ có được không vì người tiền nhiệm cũng đã nghỉ hưu. Nếu không có sổ của 12 năm trước thì Bảo hiểm của tôi khi về hưu có được nhận hàng tháng hay nhấn lần. xin xin thành cám ơn?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
– Luật bảo hiểm xã hội năm 2014
2. Giải quyết vấn đề:
Bạn nêu bạn công tác tại viện nghiện cứu cao su được hơn 12 năm thì nghỉ việc, 10 tháng sau bạn xin được việc làm ở ngành giáo dục. Nhưng khi đó bạn chưa biết gì về bảo hiểm xã hội. Nay đã qua 24 năm, sắp về hưu bạn muốn tìm lại sổ bảo hiểm của cơ quan cũ. Trong trường hợp này, để biết trong thời gian bạn làm việc ở viện nghiên cứu có được đóng bảo hiểm thì bạn có thể liên hệ lại với nơi làm việc cũ hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội để được cung cấp thông tin. Cụ thể:
Căn cứ khoản 6 Điều 23
“6. Hằng năm, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho từng người lao động; cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về việc đóng, quyền được hưởng chế độ, thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội khi người lao động, người sử dụng lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu”.
Theo đó, người sử dụng lao động hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm cung cấp thông tin về bảo hiểm xã hội trong đó bao gồm số sổ và quá trình đóng bảo hiểm xã hội. Vì vậy, bạn có thể tự mình hỏi trực tiếp người sử dụng lao động hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội về sổ bảo hiểm của mình. Ở đây, có thể xảy ra các trường hợp như sau:
– Trường hợp 1: thời gian bạn làm việc ở viện nghiên cứu 12 năm không tham gia bảo hiểm xã hội và không có sổ bảo hiểm. Trong trường hợp này, bạn mới chỉ tham gia bảo hiểm được 12 năm. Như vậy, khi bạn về hưu, bạn chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội như sau:
+ Một, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên:
+ Hai, Độ tuổi: trong điều kiện bình thường: nam 60 tuổi; nữ: 55 tuổi.
Do đó, theo quy định trên thì bạn có 12 năm đóng bảo hiểm xã hội thì bạn chưa đủ điều kiện nghỉ hưu do chưa đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội. Để có thể hưởng lương hưu, bạn có thể đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định tại Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP. Hoặc bạn có thể hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội 2014. Theo đó, bạn đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì sau một năm nghỉ việc bạn sẽ được hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc trong trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của Nghị quyết 93/2015/QH13. Và mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Khoản 2 Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
+ 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
+ 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
>>> Luật sư tư vấn về thời gian đóng bảo hiểm và điều kiện hưởng lương hưu: 1900.6568
– Trường hợp 2: thời gian bạn làm việc ở viện nghiên cứu 12 năm có tham gia bảo hiểm xã hội. Trong trường hợp này, bạn phải quay lại đơn vị cũ để hỏi xem là họ đã chốt sổ bảo hiểm cho bạn thời gian này chưa. Bởi theo điểm 1.2 khoản 1 Điều 34 Quyết định 959/QĐ- BHXH về mặt nguyên tắc, người sử dụng là đơn vị có trách nhiệm giải quyết việc chốt sổ cho người lao động tại cơ quan bảo hiểm khi người lao động nghỉ việc tại đơn vị, và người lao động sẽ không tự chốt sổ khi nghỉ việc. Mặt khác, bạn có nêu 12 năm sau bạn làm ở ngành giáo dục có đóng bảo hiểm và bạn không biết thời gian trước bạn có đóng không. Điều này có nghĩa là bạn có hai số sổ bảo hiểm xã hội.
Căn cứ khoản 5 Điều 46 Quyết định số 959/QĐ-BHXH quy định:
“Một người có từ 2 sổ bảo hiểm xã hội trở lên ghi thời gian đóng bảo hiểm xã hội không trùng nhau thì cơ quan bảo hiểm xã hội thu hồi tất cả các sổ bảo hiểm xã hội, hoàn chỉnh lại cơ sở dữ liệu, in thời gian đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của các sổ bảo hiểm xã hội vào sổ mới. Số sổ bảo hiểm xã hội cấp lại là số của sổ bảo hiểm xã hội có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội sớm nhất.”
Tuy nhiên, để thực hiện thủ tục gộp sổ bạn phải có sổ bảo hiểm xã hội cũ đã được đóng và chốt quá trình tham gia bảo hiểm xã hội. Trong trường hợp bị mất sổ, bạn phải thực hiện thủ tục cấp lại sổ bảo hiểm xã hội. Bạn chuẩn bị giấy tờ gồm:
– Đơn đề nghị cấp lại sổ bảo hiểm xã hội có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú
– Giấy xác nhận quá trình đóng bảo hiểm xã hội của cơ quan bảo hiểm xã hội trước đó bạn tham gia đóng bảo hiểm
– Giấy xác nhận chưa được giải quyết trợ cấp 1 lần tại cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương nơi cư trú
– Bản sao chứng minh thư nhân dân (có chứng thực)
Sau khi cấp lại sổ: bạn chuẩn bị :
+ Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ( mẫu Tk1-Ts)
+ Các sổ bảo hiểm xã hội
Theo quy định trên thì bạn phải đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi bạn đang tham gia bảo hiểm để làm thủ tục gộp sổ bảo hiểm xã hội. Và khi đó, thời gian bạn tham gia đóng bảo hiểm là 24 năm. Theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì bạn có đủ điều kiện về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội.