Chuyển khẩu theo nơi đăng ký thường trú của chồng. Thủ tục đăng ký thay đổi nơi đăng ký thường trú.
Chuyển khẩu theo nơi đăng ký thường trú của chồng. Thủ tục đăng ký thay đổi nơi đăng ký thường trú.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin công ty giải đáp giúp em câu hỏi này: người yêu em vào tp Hồ Chí Minh làm việc và nhập khẩu vào nhà anh trai của anh ấy năm 2010. Em mới vào thành phố làm việc được 1 năm, em có làm kt3 ở nhà cậu của em bên Tân Bình. Nếu bây giờ em kết hôn với người yêu em thì em có được nhập khẩu luôn (không cần kt3) vào hộ khẩu nhà anh trai người yêu em không? Nếu được thì em cần phải có những giấy tờ gì để chuyển khẩu từ quê lên thành phố?. Em cảm ơn.?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo quy định tại Điều 25 Luật cư trú 2006 về sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình:
1. Sổ hộ khẩu được cấp cho từng hộ gia đình. Mỗi hộ gia đình cử một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ làm chủ hộ để thực hiện và hướng dẫn các thành viên trong hộ thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú. Trường hợp không có người từ đủ mười tám tuổi trở lên hoặc có người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì được cử một người trong hộ làm chủ hộ.
Những người ở chung một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột thì có thể được cấp chung một sổ hộ khẩu.
2. Nhiều hộ gia đình ở chung một chỗ ở hợp pháp thì mỗi hộ gia đình được cấp một sổ hộ khẩu.
3. Người không thuộc trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều này nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật này và được chủ hộ đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình thì được nhập chung vào sổ hộ khẩu đó.
Theo đó, căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 1 Luật Cư trú sửa đổi bổ sung 2013 ngày 20/6/2013 về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương tại điểm a, khoản 2, Điều 20 “a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con” thì bạn đủ điều kiện nhập khẩu về Thành phố Hồ Chí Minh.
Vậy theo những quy định trên thì khi kết hôn, xác lập quan hệ vợ chồng, bạn được quyền nhập tên vào sổ hộ khẩu của nhà chồng. Để tiến hành thủ tục nhập khẩu, đầu tiên bạn phải tiến hành thủ tục cắt khẩu tại nơi đăng ký hộ khẩu trước đó của bạn theo quy định tại Điều 8 thông tư 35/2014/TT-BCA:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Điều 8. Giấy chuyển hộ khẩu
1. Thẩm quyền cấp giấy chuyển hộ khẩu
a) Trưởng Công an xã, thị trấn có thẩm quyền cấp giấy chuyển hộ khẩu cho các trường hợp chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh và ngoài phạm vi tỉnh;
b) Trưởng Công an huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp giấy chuyển hộ khẩu cho các trường hợp chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chuyển hộ khẩu, bao gồm:
a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
b) Sổ hộ khẩu (hoặc sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể đã được cấp trước đây).
3. Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan Công an phải cấp giấy chuyển hộ khẩu cho công dân. Trường hợp chuyển cả hộ thì ghi rõ vào giấy chuyển hộ khẩu và sổ hộ khẩu là chuyển đi cả hộ để cơ quan Công an nơi chuyển đến thu sổ hộ khẩu cũ khi cấp sổ hộ khẩu mới. Trường hợp chuyển một người hoặc một số người trong hộ thì ghi rõ vào trang điều chỉnh thay đổi trong sổ hộ khẩu những nội dung cơ bản sau: Thông tin người chuyển đi, thời gian cấp giấy chuyển hộ khẩu, địa chỉ nơi chuyển đến.
4. Nghiêm cấm việc yêu cầu công dân phải có giấy đồng ý cho đăng ký thường trú của cơ quan Công an nơi chuyển đến mới cấp giấy chuyển hộ khẩu.
5. Các trường hợp không cấp giấy chuyển hộ khẩu
a) Các trường hợp thuộc khoản 6 Điều 28 Luật Cư trú;
b) Các trường hợp tạm thời chưa được giải quyết thủ tục thay đổi nơi cư trú theo quy định tại Điều 4 Thông tư này (trừ trường hợp đã được cơ quan áp dụng các biện pháp hạn chế quyền tự do cư trú đồng ý cho thay đổi nơi cư trú bằng văn bản).
Vậy trong trường hợp của bạn là trưởng công an xã nơi bạn có hộ khẩu.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy chuyển hộ khẩu bao gồm:
Hồ sơ đăng ký thường trú, bao gồm:
– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu theo mẫu HK02 tại Thông tư 36/2014/TT-BCA.
– Sổ hộ khẩu (hoặc sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể đã được cấp trước đây).
Tiếp theo đó, bạn tiến hành thủ tục đăng ký thường trú được quy định tại Điều 21 của Luật Cư trú:
1. Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan công an sau đây:
a) Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;
b) Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:
a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;
b) Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật này;
c) Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này.
3. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Vậy bạn phải chuẩn bị hồ sơ đăng ký thường trú tại công an quận nơi chồng của bạn đang có hộ khẩu tại thành phố Hồ Chí Minh để tiến hành nhập hộ khẩu về nhà chồng.
Hồ sơ này bao gồm:
– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu mẫu HK02 tại Thông tư 36/2014/TT-BCA.
– Bản khai nhân khẩu theo mẫu HK01 tại Thông tư 36/2014/TT-BCA.
– Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp, trong trường hợp này của bạn là giấy đăng ký kết hôn của hai bạn.