Giám sát dư lượng chất độc hại. Quy định về chương trình giám sát dư lượng chất độc hại trong động vật nuôi trồng thủy sản.
Giám sát dư lượng chất độc hại. Quy định về chương trình giám sát dư lượng chất độc hại trong động vật nuôi trồng thủy sản.
Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã và đang trở thành một trong những bài toàn hóc búa nhất tại quốc gia có trình độ dân trí chưa cao, cũng như các quy định của pháp luật vẫn chưa đủ sức để răn đe những hành vi vi phạm quy chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Việt Nam đang là một trong những quốc gia phải đối mặt với vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 31/2015/TT-BNNPTNT ngày 6 tháng 10 năm 2015 quy định về giám sát dư lượng các chất độc hại và sản phẩm động vật thủy sản nuôi, có hiệu lực vào ngày 19 tháng 11 năm 2015 tới đây.
Theo đó, chương trình giám sát dư lượng chất độc hại trong động vật nuôi trồng thủy sản được thực hiện thông qua bốn bước (Điều 8, Thông tư 31/2015/TT-BNNPTNT), cụ thể bao gồm điều tra, thu thập thông tin, khảo sát tình hình nuôi trồng thủy sản; xác định đối tượng thủy sản nuôi, vùng nuôi cần giám sát; Cơ quan giám sát xây dựng kế hoạch triển khai của năm tiếp theo tại địa bàn quản lý và cuối cùng là Cơ quan kiểm tra tổng hợp và thông báo kế hoạch triển khai của năm tiếp theo.
Ở bước đầu tiên, việc điều tra, thu thập thông tin, khảo sát tình hình nuôi trồng thủy sản được thực hiện khi kết thúc vụ nuôi cuối cùng trong năm, Cơ quan giám sát chủ trì tổ chức điều tra, thu thập thông tin, khảo sát theo các bước cụ thể đó là thu thập, thống kê thông tin về tình hình thực tế nuôi trồng thủy sản tại địa bàn quản lý và tổ chức Đoàn khảo sát thực tế tại các địa điểm chưa đủ thông tin cần thiết.
Ở bước thứ hai là xác định đối tượng thủy sản nuôi, vùng nuôi cần giám sát dựa trên các thông tin về sản lượng thương phẩm, giá trị kinh tế và định hướng quy hoạch phát triển của loài thủy sản nuôi này trong các năm tiếp theo hay khu vực nuôi trồng thủy sản sử dụng chung nguồn nước cấp có cùng nguy cơ về ô nhiễm (kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật,…).
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Bước thứ ba, Cơ quan giám sát xây dựng kế hoạch triển khai của năm tiếp theo tại địa bàn quản lý và báo cáo Cơ quan kiểm tra trước ngày 10 tháng 12 hàng năm. Trong trường hợp cần thiết, Cơ quan kiểm tra tổ chức Đoàn thẩm tra thực tế các thông tin trong kế hoạch do Cơ quan giám sát báo cáo.
Cuối cùng, Cơ quan kiểm tra tổng hợp và thông báo kế hoạch triển khai của năm tiếp theo trên phạm vi cả nước đến Cơ quan giám sát và các cơ quan khác có liên quan trước ngày 31 tháng 12 hàng năm.
Theo quy định tại Điều 5, Thông tư 31/2015/TT-BNNPTNT ghi nhận Cơ quan kiểm tra là Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (bao gồm cả các đơn vị trực thuộc) chịu trách nhiệm tổng hợp, thông báo kế hoạch và tổ chức triển khai, kiểm tra việc thực hiện Chương trình giám sát dư lượng và Cơ quan giám sát là Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (hoặc Cơ quan chuyên môn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ định đối với các tỉnh, thành phố chưa thành lập Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản) chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện Chương trình giám sát dư lượng tại địa phương.
Mong rằng, với những quy định trên của Thông tư mới 31/2015/TT-BNNPTNT, người tiêu dùng trong nước sẽ được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ, cũng như nâng cao vị thế sản phẩm thủy sản đông lạnh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.