Cán bộ, công chức, viên chức là một trong những đối tượng lao động đặc biệt, họ thiết lập quan hệ lao động với Nhà nước và thực hiện những công vụ, nhiệm vụ do nhà nước giao. Vậy chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy xã là công chức hay viên chức?
Mục lục bài viết
1. Chủ tịch xã, bí thư đảng uỷ xã là công chức hay viên chức?
Công chức là công dân Việt Nam, họ được tuyển dụng, được bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với các vị trí việc làm trong những cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, trong các tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong các cơ quan, đơn vị thuộc về Quân đội nhân dân mà không phải là các sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, các công nhân quốc phòng; trong các cơ quan, đơn vị thuộc về Công an nhân dân mà không phải là các sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, các công nhân công an, trong biên chế và được hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Tại Điều 3 Nghị định 06/2010/NĐ-CP quy định những người là công chức cũng đã nêu rõ các đối tượng là công chức trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam thì những đối tượng được quy định tại Điều này không có hai chức danh là chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã và Bí thư đảng uỷ xã.
Viên chức là những công dân Việt Nam được tuyển dụng theo các vị trí việc làm, làm việc tại những đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, được hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng quy định của pháp luật.
Thêm nữa, tại Điều 61 Luật Cán bộ, công chức 2008 có quy định cán bộ cấp xã có các chức vụ sau đây:
– Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ;
– Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân;
– Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân;
– Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
– Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
– Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (áp dụng đối với xã, phường, thị trấn mà có hoạt động nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và có tổ chức Hội Nông dân Việt Nam);
– Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
– Qua quy định trên thì một trong những chức vụ của cán bộ cấp xã là chủ tịch uỷ ban nhân dân xã và bí thư đảng uỷ xã. Như vậy, chủ tịch xã, bí thư đảng uỷ xã không phải là công chức, cũng không phải là viên chức mà hai chức danh này là cán bộ cấp xã.
2. Hiểu thế nào là cán bộ cấp xã:
Cán bộ cấp xã chính là công dân Việt Nam, họ được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, trong Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu các tổ chức chính trị – xã hội.
Như vậy, điều kiện để trở thành cán bộ cấp xã là:
– Thứ nhất: Là công dân Việt Nam;
– Thứ hai: được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, trong Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu các tổ chức chính trị – xã hội.
Cán bộ cấp xã có những đặc trưng cơ bản sau:
– Là công dân Việt Nam thiết lập các quan hệ lao động với Nhà nước thông qua các chế độ bầu cử. Họ làm việc tại những cơ quan nhà nước, tại các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội;
– Là người thực hiện một hoặc một số công vụ, nhiệm vụ nào đó của Nhà nước. Họ phải gánh vác một, một số nghĩa vụ nhất định đối với Nhà nước và do vậy họ cũng sẽ được trao những quyền hạn nhất định để có thể hoàn thành các nghĩa vụ của mình. Trong quá trình thực hiện công vụ, nhiệm vụ, các cán bộ chỉ được hành động trong phạm vi quyền hạn mình được giao;
– Hoạt động thi hành các công vụ, nhiệm vụ của cán bộ không trực tiếp sản xuất ra những của cải vật chất mà đó là những hoạt động để thực hiện các chức năng quản lý nhà nước nói chung;
– Cán bộ là đối tượng lao động đặc biệt. Họ thực thi các quyền lực nhà nước trên ba mặt đó: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Do đó, các quy chế pháp lý điều chỉnh đối với các cán bộ được xác định theo Luật Hành chính.
– Cán bộ được hưởng lương và những chế độ đãi ngộ khác do ngân sách nhà nước chi trả.
3. Tiêu chuẩn đối với cán bộ cấp xã là chủ tịch xã và bí thư đảng uỷ xã:
Các các bộ cấp xã nói chung và đối với chủ tịch xã, bí thư đảng uỷ xã nói riêng phải đáp ứng ứng những tiêu chuẩn chung sau đây:
– Có tinh thần yêu nước sâu sắc, kiên định với các mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phải có năng lực tổ chức vận động nhân dân thực hiện có kết quả các đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước ở ngay tại địa phương;
– Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, công tâm thạo việc, tận tuỵ với người dân. Không tham nhũng và phải kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Có ý thức kỷ luật trong công tác;
– Trung thực, không cơ hội, phải gắn bó mật thiết với nhân dân, được toàn nhân dân tín nhiệm;
– Có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, về quan điểm, đường lỗi của Đảng, về chính sách và pháp luật của Nhà nước; có trình độ học vấn, có chuyên môn, đủ năng lực và sức khoẻ để làm việc có hiệu quả đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao;
Ngoài những tiêu chuẩn nêu trên, chủ tịch xã, bí thư đảng uỷ xã cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn sau đây:
3.1. Đối với bí thư đảng uỷ xã:
– Tuổi đời: Không được quá 45 tuổi khi tham gia giữ chức vụ lần đầu.
– Học vấn: phải có trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông.
– Lý luận chính trị: phải có trình độ trung cấp chính trị trở lên.
– Chuyên môn, nghiệp vụ: ở các khu vực đồng bằng và đô thị thì bí thư đảng uỷ xã phải có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên còn ở các khu vực miền núi thì phải được bồi dưỡng về kiến thức chuyên môn (tương đương với trình độ sơ cấp trở lên), nếu như tham gia giữ chức vụ lần đầu thì phải có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên. Đã qua bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, nghiệp vụ về quản lý hành chính Nhà nước, nghiệp vụ về quản lý kinh tế.
3.2. Đối với chủ tịch uỷ ban nhân dân xã:
– Tuổi đời: Tuổi đời của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã sẽ do chính Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định sao cho phù hợp với tình hình đặc điểm của chính địa phương đó, nhưng tuổi tham gia lần đầu sẽ phải đảm bảo làm việc ít nhất hai nhiệm kỳ.
– Học vấn: phải có trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông.
– Chính trị: phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên đối với các khu vực đồng bằng; còn khu vực miền núi thì phải được bồi dưỡng lý luận chính trị tương đương với trình độ sơ cấp trở lên.
– Chuyên môn, nghiệp vụ: ở các khu vực đồng bằng, phải có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên. Với các vùng miền núi phải được bồi dưỡng về kiến thức chuyên môn (tương đương với trình độ sơ cấp trở lên), nếu như giữ chức vụ lần đầu thì phải có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên. Ngành chuyên môn sẽ phải phù hợp với các đặc điểm kinh tế – xã hội của mỗi loại hình đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn. Đã được bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý hành chính Nhà nước, quản lý kinh tế.
4. Nhiệm vụ của chủ tịch xã, bí thư đảng uỷ xã:
4.1. Nhiệm vụ của chủ tịch xã:
– Lãnh đạo, phân công công tác của Uỷ ban nhân dân, của các thành viên Uỷ ban nhân dân, về công tác chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp xã, bao gồm:
+ Tổ chức chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra đối với công tác chuyên môn thuộc về Uỷ ban nhân dân trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật của các cơ quan Nhà nước cấp trên, của nghị quyết của Hội đồng nhân dân và những quyết định của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
+ Quyết định những vấn đề thuộc về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, tham gia quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền tập thể Uỷ ban nhân dân.
+ Áp dụng những biện pháp cải tiến lề lối làm việc, quản lý và điều hành về bộ máy hành chính ở xã, phường, thị trấn để hoạt động có hiệu quả.
+ Ngăn ngừa, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong cán bộ công chức Nhà nước và trong bộ máy chính quyền địa phương ở cấp xã; tiếp dân, xét và giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân theo đúng quy định của pháp luật; giải quyết và trả lời những kiến nghị của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và những đoàn thể nhân dân ở xã, phường, thị trấn.
+ Trực tiếp quản lý, tiến hành chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật.
+ Tổ chức quản lý, điều hành các hoạt động của trưởng, phó thôn, tổ dân phố theo đúng quy định của pháp luật.
+ Báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân cùng cấp và trước Uỷ ban nhân dân cấp trên.
+ Triệu tập và chủ toạ phiên họp của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
+ Thực hiện việc bố trí sử dụng, tiến hành khen thưởng, kỷ luật cá cán bộ, công chức cơ sở theo sự phân cấp quản lý.
+ Đình chỉ hoặc bãi bỏ các quy định trái pháp luật của trường thôn và tổ dân phố.
4.2. Nhiệm vụ của bí thư đảng uỷ xã:
– Nắm vững về Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết và chỉ thị của cấp trên và các chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cấp mình; nắm vững những nhiệm vụ trọng tâm, giải quyết có hiệu quả các công việc đột xuất;
– Chủ trì cuộc họp của Ban Chấp hành, của Ban Thường vụ và chỉ đạo việc chuẩn bị xây dựng các nghị quyết của đảng bộ, của Ban Chấp hành, của Ban Thường vụ và tổ chức chỉ đạo thực hiện thắng lợi những nghị quyết đó.
– Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, thực hiện chỉ đạo hoạt động và giữ vai trò là trung tâm đoàn kết giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện đối với những tổ chức trong hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn.
– Lãnh đạo, kiểm tra việc tổ chức thực hiện những chỉ thị, nghị quyết của các cấp trên, của đảng bộ, của Ban Chấp hành và của Ban Thường vụ Đảng uỷ.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Quyết định 04/2004/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn;
– Nghị định 06/2010/NĐ-CP quy định những người là công chức;
– Luật Cán bộ, công chức 2008.