Cho vay tiền bằng thỏa thuận miệng là một trong những hình thức được pháp luật công nhận, đứng ra bảo hộ nếu việc vay mượn diễn ra với đúng mục đích, không vi phạm pháp luật và đi ngược lại đạo đức xã hội. Vậy cá nhân cho vay tiền bằng thỏa thuận miệng thì có thể lựa chọn hình thức nào để đòi lại?
Mục lục bài viết
1. Cho vay tiền bằng thỏa thuận miệng, đòi lại bằng cách nào?
Vay tài sản là một trong các giao dịch dân sự diễn ra thường xuyên trong đời sống thường nhật, theo pháp luật dân sự thì hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Hình thức vay mượn tồn tại vô cùng đa dạng có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể;
Với ghi nhận nêu trên thì giao dịch dân sự không bắt buộc phải lập bằng văn bản hay bất kỳ dạng điện tử nào vẫn có giá trị pháp lý, các bên khi đã ký kết giao dịch này phải thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận và quy định của pháp luật. Nếu đến thời hạn phải trả tiền đã vay, thì các bên có thể thực hiện dựa trên tinh thần thiện chí, để tìm ra cách giải quyết dung hòa lợi ích các bên. Cá nhân có tài sản cho vay có thể lựa chọn cách giải quyết theo trình tự sau:
– Khi đến hạn thanh toán nợ thì người cho vay có thể liên lạc trực tiếp: gặp gỡ trực tiếp người vay tiền để trao đổi về khoản vay và tìm kiếm giải pháp thanh toán;
– Thông báo nợ thông qua các hình thức như email, tin nhắn, thư để nhắc nhở người vay tiền về khoản vay và thời hạn hoàn tất việc trả nợ;
– Nếu cả hai có thể tiếp tục thỏa thuận với nhau thì cần có những buổi trao đổi để thống nhất phương án thanh toán phù hợp cho cả hai bên có thể tiến hành gia hạn thêm thời hạn trả nợ, số tiền trả mỗi lần đến khi thanh toán được toàn bộ số nợ …);
– Nếu những phương án được ưu tiên thực hiện nêu trên không thể áp dụng và nhận thấy rõ được tình trạng bên vay tiền cố ý không trả nợ, không hợp tác thương lượng về khoản vay thì bên cho vay có quyền khởi kiện bên vay ra tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hiện nay, việc khởi kiện sẽ được thực hiện theo các thủ tục nhất định với bước đầu tiên là soạn thảo đơn khởi kiện. Căn cứ theo Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người cho vay tiền có thể khởi kiện bằng cách gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ về việc cho vay tiền đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức như:
+ Tiến hành mang toàn bộ hồ sơ đến nộp trực tiếp tại Tòa án;
+ Trong một số trường hợp có thể sử dụng dịch vụ bưu chính để gửi đến cơ quan này; Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có);
+ Nếu Tòa án có sử dụng Cổng thông tin điện tử để tiếp nhận và giải quyết đơn khởi kiện thì người khởi kiện phải truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tòa án điền đầy đủ nội dung đơn khởi kiện, ký điện tử và gửi đến Tòa án;
+ Đồng thời, để chứng minh được yêu cầu của mình là hợp lệ thì cần gửi thêm tài liệu, chứng cứ gửi kèm theo đơn khởi kiện phải được gửi đến Tòa án qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án. Trường hợp này công ty có thể ghi âm lại lời nói mà bên mượn tiền đã xác nhận mình đã mượn, tin nhắn lúc bên mượn tiền nhắn tin để mượn tiền, những tin nhắn và lời nói hứa hẹn thời gian trả khoản tiền mượn.
– Thẩm quyền giải quyết: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người cho vay tiền có thể gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người vay cư trú hoặc làm việc (nơi tạm trú hoặc thường trú).
2. Hệ quả pháp lý của việc vay mượn tiền bằng miệng nhưng không trả:
Giao dịch dân sự vay mượn khi được xác lập hợp pháp thì đã ràng buộc quyền và nghĩa vụ trả nợ của bên vay tiền. Theo Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 thì nghĩa vụ trả nợ của bên vay được quy định như sau:
– Bên vay tài sản là tiền thì có trách nhiệm trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
– Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý;
– Nếu các bên không thỏa thuận về địa điểm trả nợ thì được lựa chọn nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
– Để đảm bảo quyền lợi cho người có tài sản cho vay thì khi người vay tiền vi phạm thời hạn thực hiện nghĩa vụ thì có thể xuất hiện những trường hợp sau:
+ Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác;
+ Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
++ Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
++ Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Dẫn chiếu đến Điều 468 Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì cách xác định lãi suất như sau:
+ Lãi suất vay do các bên thỏa thuận:
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất;
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
+ Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.
Như vậy, khi đã đến thời hạn phải trả nợ mà người có nghĩa vụ trả nợ không tuân thủ trách nhiệm này thì có thể bị người cho vay khởi kiện dân sự để nhờ Tòa án hỗ trợ lấy lại tiền đã cho vay; đồng thời nếu việc thỏa thuận vay có lãi thì cá nhân này còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định.
Đối với trường hợp, có dấu hiệu của tội lừa đảo, hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Một số lưu ý khi cho vay tiền bằng thỏa thuận miệng:
Thông thường việc vay mượn tay được thực hiện được bởi các cá nhân có quen biết hoặc thân thiết nên rất tin tưởng nhau trong việc thực hiện vấn đề này. Tuy nhiên, những rủi ro vẫn luôn tồn tại xung quanh các giao dịch này bởi không thể chắc chắn rằng vì tin tưởng đưa tiền là có thể tin rằng người vay sẽ trả theo đúng thời hạn. Vì vậy, khi cho cá nhân hay tổ chức vay mượn tiền cần lưu ý:
– Lựa chọn nơi thực hiện giao kết mà có thể được chứng kiến bởi các cá nhân khác;
– Lưu giữ bằng chứng xác lập giao dịch bằng các file ghi âm, ghi hình đề phòng trường hợp có mâu thuẫn xảy ra phải nhờ đến pháp luật can thiệp;
– Các giao dịch để có thể dễ dàng chứng minh cần chuyển qua ngân hàng, ghi rõ nội dung để dễ dàng sao kê khi cần thiết.
Một số lưu ý khi đòi nợ sao cho đúng pháp luật:
Khi cá nhân gặp phải trường hợp người nợ tiền không trả vì các lý do khác nhau thì cũng phải lựa chọn biện pháp theo đúng quy định pháp luật, không được thực hiện hành vi trái pháp luật để đòi nợ như:
+ Thực hiện hành động có tính bạo lực như Hành hung, đánh đập người vay tiền, hành vi đánh đập người vay tiền; hành động này có thể bị xử lý với tội danh cố ý gây thương tích được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).
+ Cũng nghiêm cấm việc tự ý xông vào nhà để đòi nợ, việc tự ý xâm phạm chỗ ở của người khác là vướng vào tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 31 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).
+ Đặc biệt cũng không nên đăng thông tin, công khai hình ảnh người nợ lên các trang mạng xã hội với mục đích là hạ thấp danh dự nhân phẩm hay hạ nhục người vay nợ…
Văn bản pháp luật được sử dụng:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
THAM KHẢO THÊM: