Một số quy định về chi nhánh công ty? Chi nhánh công ty có được là chủ đầu tư dự án không?
Cùng với sự phát triển của xã hội, nên kinh tế đi lên thì việc các công ty, doanh nghiệp mở các chi nhánh là chuyện phổ biến. Chi nhánh công ty có được là chủ đầu tư dự án không? Là một câu hỏi mà rất nhiều doanh nghiệp có dự án đầu tư muốn thành lập chi nhánh công ty đặt ra. Vậy pháp luật quy định như thế nào về chi nhánh công ty, chủ đầu tư và liệu chủ đầu tư dự án có là chi nhánh công ty được không? Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ tập trung phân tích vấn đề này.
Căn cứ pháp lý:
1. Một số quy định về chi nhánh công ty
Căn cứ vào Điều 84, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân
“1. Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân.
2. Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân.
3. Văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện trong phạm vi do pháp nhân giao, bảo vệ lợi ích của pháp nhân.
4. Việc thành lập, chấm dứt chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân phải được đăng ký theo quy định của pháp luật và công bố công khai.
5. Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền.
6. Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện.”
Qua điều luật ta có thể hiểu rằng:
Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời, Chi nhánh không phải là pháp nhân và phải được thành lập, chấm dứt chi nhánh phải tuân thủ theo quy định của Bộ luật dân sự 205 và Luật Doanh nghiệp 2020.
Ngoài ra, Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 thì: Tên chi nhánh sẽ là tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ chi nhánh, được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do chi nhánh phát hành. Ngoài tên bằng tiếng Việt, chi nhánh công ty có thể đăng ký tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt. Tên bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Tên viết tắt được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài. Hơn thế nữa thì phần tên riêng của chi nhánh không được sử dụng cụm từ công ty hay doanh nghiệp.
Đăng ký hoạt động cho chi nhánh công ty
Thành phần hồ sơ để đăng ký hoạt động:
+ Thông báo thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
+ Bản sao nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần;
+ Bản sao nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện;
+ Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện.
Trình tự, thủ tục thực hiện đăng ký hoạt động cho chi nhánh công ty:
Bước 1: Doanh nghệp muốn thành chi nhánh công ty sẽ chuẩn bị những một bộ hồ sơ với những giấy tờ pháp lý Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở chi nhánh công ty.
Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh công ty cập nhật thông tin về địa điểm kinh doanh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện thì phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
Bước 3: Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.
Lưu ý: Việc lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp ở nước ngoài
+ Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chính thức lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Kèm theo thông báo phải có bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc giấy tờ tương đương.
+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật thông tin về chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
2. Chi nhánh công ty có được là chủ đầu tư dự án không?
Theo quy định tại Khoản 4, Luật Đấu thầu 2013: “Chủ đầu tư là tổ chức sở hữu vốn hoặc tổ chức được giao thay mặt chủ sở hữu vốn, tổ chức vay vốn trực tiếp quản lý quá trình thực hiện dự án.”
Và cũng theo quy định tại Điều 74 của Luật Đấu thầu 2013 thì chủ đầu tư phải có những trách nhiệm sau đây:
“1. Phê duyệt các nội dung trong quá trình lựa chọn nhà thầu, bao gồm:
a) Kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong trường hợp gói thầu được thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án;
b) Hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, danh sách ngắn;
c) Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
d) Danh sách xếp hạng nhà thầu;
đ) Kết quả lựa chọn nhà thầu.
2. Ký kết hoặc ủy quyền ký kết và quản lý việc thực hiện hợp đồng với nhà thầu.
3. Quyết định thành lập bên mời thầu với nhân sự đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật này. Trường hợp nhân sự không đáp ứng, phải tiến hành lựa chọn một tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp để làm bên mời thầu hoặc thực hiện một số nhiệm vụ của bên mời thầu.
4. Quyết định xử lý tình huống.
5. Giải quyết kiến nghị trong quá trình lựa chọn nhà thầu.
6. Bảo mật các tài liệu liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu.
7. Lưu trữ các thông tin liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về lưu trữ và quy định của Chính phủ.
8. Báo cáo công tác đấu thầu hàng năm.
9. Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật cho các bên liên quan nếu thiệt hại đó do lỗi của mình gây ra.
10. Hủy thầu theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật này.
11. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và người có thẩm quyền về quá trình lựa chọn nhà thầu.
12. Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan và giải trình việc thực hiện các quy định tại Điều này theo yêu cầu của người có thẩm quyền, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu.
13. Trường hợp chủ đầu tư đồng thời là bên mời thầu thì còn phải thực hiện các trách nhiệm quy định tại Điều 75 của Luật này.
14. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của Luật này.”
Trên đây là những trách nhiệm của nhà đầu tư theo luật Đấu thầu 2013. Trong đó lưu ý đến trách nhiệm: “ Lưu trữ các thông tin liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về lưu trữ và quy định của Chính phủ.” Theo như quy định của pháp luật thì toàn bộ hồ sơ liên quan đến quá trình lựa chọn nhà đầu tư được lưu trữ tối thiểu 03 năm sau khi kết thúc hợp đồng dự án.
Ngoài ra, trường hợp nhà đầu tư không nhận lại hồ sơ đề xuất về tài chính – thương mại của mình thì bên mời thầu xem xét, quyết định việc hủy hồ sơ đề xuất về tài chính – thương mại nhưng phải bảo đảm thông tin trong hồ sơ đề xuất về tài chính – thương mại của nhà đầu tư không bị tiết lộ. Như vậy có thể thấy trách nhiệm lưu trữ tài liệu, thông tin của chủ đầu tư là vô cùng quan trọng để đảm bảo được tính bảo mật của những thông tin liên quan đến đầu thầu.
Hơn nữa Luật Đấu thầu 2013 còn quy định nếu như chủ đầu tư có đăng ký thành lập, hoạt động do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà đầu tư đang hoạt động thì nhà đầu tư sẽ là tổ chức và theo những phân tích về chi nhánh và chủ đầu tư thì chi nhánh công ty là chủ đầu tư nếu chủ đầu tư thực hiện đăng ký thành lập và hoạt động theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Luật Doanh nghiệp 2020 và những văn bản pháp luật liên quan.
Và khi đó nhà đầu tư được tham dự thầu với tư cách độc lập hoặc liên danh. Tuy nhiên nếu như trong trường hợp nhà đầu tư liên doanh thì các nhà đầu tư phải lập văn bản ghi nhận rõ sự thỏa thuận về trách nhiệm của các thành viên liên doanh cũng như trách nhiệm riêng. Mặt khác, chủ đầu tư cũng sẽ thực hiện đúng những quy định của pháp luật về chi nhánh công ty: “có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp”.