Chế độ tai nạn lao động: Điều kiện, mức hưởng, hồ sơ và thủ tục mới nhất năm 2021. Quy định về điều kiện hưởng, cách tính mức hưởng, hồ sơ xin hưởng, trình tự thủ tục hưởng chế độ tai nạn lao động mới nhất năm 2021.
Bảo hiểm xã hội là một trong những nền tảng quan trọng trong chính sách an sinh xã hội của mỗi quốc gia. Nó là một công cụ hữu hiệu mang tính nhân văn giúp người lao động vượt qua khó khăn, rủi ro phát sinh trong quá trình làm việc. Trong đó chế độ tai nạn lao động là một trong những lĩnh vực luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của người lao động, nhằm bảo vệ quyền lợi của họ trước những rủi ro tai nạn lao động có thể ập đến bất cứ lúc nào, hay đối với cả người sử dụng lao động và cả cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo đó, ta có thể hiểu Chế độ tai nạn ốm đau như sau: chế độ tai nạn ốm đau là chế độ bảo hiểm xã hội nhằm bảo đảm thu nhâp cho người lao động (tham gia bảo hiểm xã hội) tạm thời bị gián đoạn do phải nghỉ việc vì tai nạn lao động.
Tư vấn điều kiện, mức hưởng, hồ sơ, thủ tục hưởng chế độ tai nạn lao động: 1900.6568
Theo báo cáo thống kê 6 tháng đầu năm 2018 của Cục An toàn lao động của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã xảy ra gần 4.000 vụ tai nạn lao động làm hơn 4.000 người bị thương (bao gồm người lao động ký kết hợp đồng lao động và người không ký kết hợp đồng lao động). Từ tình hình thực tế cho thấy, số vụ tai nạn lao động ở nước ta đang ở một ngưỡng cao và đáng báo động. Nguyên nhân của những vụ tai nạn lao động xuất phát từ người lao động không được bảo hộ đúng cách, đầy đủ.
Mặt khác, công việc lại thường là lao động chân, tay hay những công việc thường phải nặng nhọc, có tính quy hiểm cao. Việc cắt bớt kinh phí đầu tư bảo hộ lao động của một số doanh nghiệp đã ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người lao động bất cứ lúc nào. Bài viết này, chúng tôi xin được phân tích tới điều kiện, mức hưởng, hồ sơ và thủ tục thực hiện chế độ tai nạn lao động, qua đó giúp người lao động có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình khi bị tai nạn lao động như sau:
Thứ nhất, điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động:
Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động là một trong những quy định quan trọng để xác định người lao động có được hưởng chế độ tai nạn lao động hay không, việc quy định rõ các điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động nhằm phân biệt với chế độ người lao động bị tai nạn không thuộc phạm vi làm việc tại doanh nghiệp. Từ đó có thể xác định được căn cứ hỗ trợ hay mức bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với người lao động.
Căn cứ theo Điều 45Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 có quy định về Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động. Theo đó, điều kiện để được hưởng chế độ tai nạn lao động gồm có những điều kiện sau:
Một là, người lao động bị tai nạn lao động thuộc một trong những trường hợp sau:
+ Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc: Nghĩa là khi bạn đang thực hiện công việc tại địa diể là việc hay các hoạt động khác tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi giữa giờ, giữa ca, thời gian đi vệ sinh mà nội quy công ty cho phép.
+ Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc nhưng khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được ủy quyền quản lý lao động giao việc.
+ Trên quãng đường từ nhà (hoặc nơi tạm trú) đến nơi làm việc hoặc từ cơ quan – công ty về nhà trong khoảng thời gian và tuyến đường phù hợp.
Hai là, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn lao động thuộc một trong các trường hợp nêu ở trên.
Ba là, người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các trường hợp đã nêu ở trên.
Thứ hai, mức hưởng chế độ tai nạn lao động:
Tùy thuộc vào tỉ lệ suy giảm khả năng lao động của người lao động là bao nhiêu % mà người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động theo các mức hưởng khác nhau.
+ Đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần (Điều 46 Luật Bảo hiểm xã hội 2014). Theo đó, mức độ suy giảm lao động từ 05% thì được hưởng bằng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ giảm thêm 01% thì được cộng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở. Ngoài ra, người lao động còn được hưởng thêm 1 khoản trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội, từ 1 năm trở xuống thì được tính bằng 0.5 tháng tiền lương, sau đó cứ thêm mỗi năm thì được tính thêm 0,3 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
+ Đối với người lao động có mức độ suy giảm từ 31% trở lên thì thời gian được hưởng trợ cấp tai nạn lao động là hàng tháng (Điều 47 Luật Bảo hiểm xã hội 2014): Theo đó, người lao động bị suy giảm từ 31% trở lên thì được hưởng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ giảm thêm 01% thì được thêm 02% mức lương cơ sở. Ngoài ra, người lao động còn được hưởng thêm 1 khoản trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội, từ 1 năm trở xuống thì người lao động được hưởng thêm 0,5% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền trước. Để hiểu rõ cách tính hơn, các bạn nên kết nối tới Luật Dương Gia để được hướng dẫn chi tiết.
Trường hợp người lao động bị suy giảm lao động từ 81% trở lên đồng thời bị liệt cột sống hoặc bị mù 2 mắt hoặc mất, liệt 2 chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức lương được hưởng hàng tháng còn được hưởng mức trợ cấp bằng mức lương cơ sở.
+ Đối với trường hợp người lao động chết (Điều 51 Luật Bảo hiểm xã hội 2014) thì người lao động được hưởng 36 lần mức lương cơ sở.
Hiện nay, việc xác định mức lương cơ sở được áp dụng theo Nghị định số 72/2018/NĐ-CP quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có quy định về mức lương cơ sở. Theo đó, mức lương cơ sở tính từ ngày 01/07/2018 là 1.390.000 đồng/tháng.
Thứ ba, hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động:
Căn cứ Điều 104 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động, theo đó để được hưởng chế độ tai nạn lao động thì người lao động phải chuẩn bị các giấy tờ sau:
+ Sổ bảo hiểm xã hội.
+
+ Giấy ra viện sau khi đã điều trị tai nạn lao động.
+ Kết luận giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.
+ Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động.
Việc chuẩn bị kĩ các giấy tờ trước khi nộp lên cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ giúp người lao động giải quyết thủ tục hưởng chế độ tai nạn lao động một cách thuận tiện nhất, tránh việc hồ sơ trả về vì thiếu giấy tờ, hồ sơ.
Thứ tư, thủ tục hưởng chế độ tai nạn lao động:
Căn cứ Điều 106 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về thủ tục hưởng chế độ tai nạn lao động, theo đó sau khi người lao động đã chuẩn bị những giấy tờ được quy định tại Điều 105 người lao động nộp hồ sơ tại cơ quan bảo hiểm xã hội nơi người lao động đăng ký thường trú hoặc tạm trú.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Như vậy, theo pháp luật hiện hành, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội mà bị tai nạn lao động phải nghỉ việc để điều trị, có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền thì được hưởng chế độ tai nạn lao động. Theo đó những người lao động phải nghỉ việc do say rượu, tự hủy hoại sức khỏe hoặc dùng các chất ma túy hoặc các chất gây nghiện khác thì không được hưởng chế độ tai nạn lao động. Sau khi người lao động đã kết thúc thời gian điều trị vết thương do tai nạn lao động tại bệnh viện mà sức khỏe vẫn chưa được phục hồi hẳn để tiếp tục đi làm thì người lao động có thể yêu cầu người sử dụng lao động cho mình được nghỉ dưỡng sức theo đúng quy định của pháp luật.
Dịch vụ pháp lý của Dương Gia:
– Tư vấn luật bảo hiểm trực tuyến miễn phí qua tổng đài 1900.6568
– Tư vấn về điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động
– Tư vấn về mức hưởng chế độ tai nạn lao động
– Tư vấn về hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động
– Tư vấn về thủ tục hưởng chế độ tai nạn lao động
– Tư vấn chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động.
Mục lục bài viết
- 1 1. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động
- 2 2. Trường hợp nào được xem xét là tai nạn lao động?
- 3 3. Bị tai nạn lao động được hưởng những trợ cấp gì?
- 4 4. Chế độ tai nạn lao động tại nơi làm việc của người lao động
- 5 5. Về khoản trợ cấp đối với chồng bạn khi bị tai nạn lao động
- 6 6. Các chế độ được hưởng khi người lao động bị tai nạn lao động
1. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động
Tóm tắt câu hỏi:
Trường hợp người lao động bị tai nạn bên ngoài công ty, chưa tham gia Bảo hiểm xã hội, người sử dụng lao động có phải chi trả tất cả các chi phí cho người lao động không?
Luật sư tư vấn:
Khi người lao động bị tai nạn lao động mà chưa tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động sẽ không được hưởng chế độ tai nạn lao động mà bảo hiểm xã hội quy định. Tuy nhiên, theo quy định tại “Bộ luật lao động 2019”, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đối với người lao động khi bị tai nạn lao động, cụ thể như sau:
– Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.
– Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.
–. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này. (Điều 144 BLLĐ 2012)
Theo điều 145 BLLĐ 2012, người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội trong những trường hợp sau:
– Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
– Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:
+ Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
+ Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.
– Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này.
Ngoài ra, theo Điều 4 Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH (Hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp), người lao động còn được hưởng trợ cấp tai nạn lao động từ người sử dụng tai nạn trong những trường hợp sau đây:
– Người lao động bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết trong các trường hợp sau thì được trợ cấp:
+ Tai nạn lao động mà nguyên nhân xảy ra tai nạn hoàn toàn do lỗi của chính người lao động bị nạn theo kết luận của biên bản điều tra tai nạn lao động;
+ Tai nạn xảy ra đối với người lao động khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở, tại địa điểm và thời gian hợp lý (căn cứ theo hồ sơ giải quyết vụ tai nạn của cơ quan công an hoặc giấy xác nhận của chính quyền địa phương hoặc giấy xác nhận của công an khu vực tại nơi xảy ra tai nạn).
– Nguyên tắc trợ cấp: Việc trợ cấp được thực hiện từng lần; tai nạn lao động xảy ra lần nào thực hiện trợ cấp lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó.
– Mức trợ cấp:
+ Ít nhất bằng 12 tháng tiền lương đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc chết do tai nạn lao động;
+ Ít nhất bằng 0,6 tháng tiền lương đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì tra bảng theo mức bồi thường tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này hoặc tính theo công thức dưới đây:
Ttc = Tbt x 0,4
Trong đó:
– Ttc: Mức trợ cấp cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);
– Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương).
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư:1900.6568 để được giải đáp.
2. Trường hợp nào được xem xét là tai nạn lao động?
Tóm tắt câu hỏi:
Vợ tôi bị tai nạn giao thông được coi là tai nạn lao động ( trên tuyến đường đi và về trong khoảng thời gian hợp lý) cho tôi hỏi vợ tôi không có 6.1 Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông. 6.2. Biên bản tai nạn giao thông của cơ quan công an hoặc cơ quan Điều tra hình sự quân đội. mà tại nghi định 39/CP ngày 15/5/2016 của chính phủ NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG có quy định tại Điều tra tai nạn giao thông liên quan đến lao động Trường hợp người lao động bị tai nạn giao thông khi đang thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động hoặc khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc đi từ nơi làm việc về nơi ở thì Đoàn Điều tra tai nạn lao động có thẩm quyền quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động, Điều 11 và Điều 21 Nghị định này tiến hành xác minh, lập biên bản Điều tra tai nạn lao động căn cứ vào một trong các văn bản, tài liệu sau đây:
1. Hồ sơ giải quyết tai nạn giao thông của cơ quan cảnh sát giao thông;
2. Văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan công an cấp xã nơi xảy ra tai nạn;
3. Văn bản xác nhận bị tai nạn của chính quyền địa phương nơi xảy ra tai nạn. mà chỉ có đơn đề nghị và công an phường xác nhận vào đó có đủ thẩm quyền để đề thay vào Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông.
6.2. Biên bản tai nạn giao thông của cơ quan công an hoặc cơ quan Điều tra hình sự quân đội. có đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH chưa ?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 45/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ nơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động như sau:
“Điều 12. Tai nạn lao động và sự cố nghiêm trọng
1. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động, kể cả trong thời gian nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, vệ sinh kinh nguyệt, tấm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, chuẩn bị và kết thúc công việc tại nơi làm việc.
2. Tai nạn được coi là tai nạn lao động là tai nạn xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý khi người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở.
3. Tai nạn lao động được phân loại như sau:
a) Tai nạn lao động chết người;
b) Tai nạn lao động nặng;
c) Tai nạn lao động nhẹ.
4. Sự cố nghiêm trọng là tai nạn xảy ra trong quá trình lao động (không bao gồm tai nạn lao động) gây thiệt hại lớn về tài sản của người lao động, người sử dụng lao động.”
Theo quy định trên, vợ bạn bị tai nạn giao thông trên tuyết đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian hợp lý nên sẽ được coi là tai nạn lao động.
Căn cứ Điều 45 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
“Điều 45. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động
Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;
b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;
c) Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này.”
Theo quy định tại khoản 4 Điều 152 “Bộ luật lao động 2019” như sau:
“4. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải được giám định y khoa để xếp hạng thương tật, xác định mức độ suy giảm khả năng lao động và được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động đúng theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, nếu vợ bạn đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động thì sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động. Vợ bạn cần phải được giám định y khoa để xếp hạng thương tật, xác định mức độ suy giảm khả năng lao động. Nếu mức suy giảm khả năng lao động ≥ 5% thì vợ bạn làm hồ sơ gửi đến cơ quan bảo hiểm xã hội để hưởng trợ cấp tai nạn lao động.
Theo quy định tại Điều 57 Luật an toàn vệ sinh lao động thì hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp gồm:
“1. Sổ bảo hiểm xã hội.
2. Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp; trường hợp không điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải có giấy khám bệnh nghề nghiệp.
3. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa; trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thay bằng Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
4. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.”
Như vậy, để được hưởng chế độ tai nạn lao động bạn cần làm hồ sơ nộp trực tiếp tại công ty của vợ bạn để được hưởng chế độ.
3. Bị tai nạn lao động được hưởng những trợ cấp gì?
Tóm tắt câu hỏi:
Cơ quan tôi công tác là một doanh nghiệp Nhà nước đã xảy ra một vụ tại nạn lao động trong giờ làm việc đối với một công nhân (Hợp đồng không thời hạn) phải phẩu thuật cắt bỏ hoàn toàn ngón cái (của bàn chân phải) và phẩu thuật ghép chốt đinh ngón trỏ (của bàn chân phải). Xin luật sư Dương Gia cho tôi biết mức độ thương tật như trên được tính tỷ lệ là bao nhiêu? Được hưởng trợ cấp một lần hay trợ cấp hàng tháng? Tôi xin cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Phần 8 Bảng 1 Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích kèm theo
– Cụt ngón chân I (ngón chân cái): tỷ lệ thương tật từ 11% đến 15%;
– Cụt một ngón chân khác: tỷ lệ thương tật từ 3% đến 5%;
– Cứng khớp đốt – bàn của ngón chân I (ngón cái): tỷ lệ thương tật từ 7% đến 9%;
– Cứng khớp đốt – bàn hoặc các khớp liên đốt với nhau của một ngón chân khác:
+ Cứng ở tư thế thuận: tỷ lệ thương tật từ 1% đến 3%;
+ Cứng ở tư thế bất lợi về chức năng: tỷ lệ thương tật từ 4% đến 5%;
– Gẫy xương một đốt ngón chân: tỷ lệ thương tật là 1%;
– Thương tật ở khớp ngón chân:
+ Cứng khớp liên đốt ngón chân cái: tỷ lệ thương tật từ 3% đến 5%;
+ Cứng khớp đốt – bàn ngón chân cái: tỷ lệ thương tật từ 7% đến 9%;
+ Cứng khớp đốt – bàn và các khớp liên đốt ngón chân cái: tỷ lệ thương tật từ 11% đến 15%;
+ Cứng khớp liên đốt ngón chân khác: tỷ lệ thương tật từ 1% đến 3%;
+ Cứng khớp đốt – bàn ngón chân khác: tỷ lệ thương tật từ 4% đến 5%;
+ Cứng khớp đốt – bàn và các khớp liên đốt ngón chân khác: tỷ lệ thương tật từ 6% đến 10%;
Đối với người có nhiều thương tổn thì tỷ lệ thương tật cơ thể được xác định theo nguyên tắc quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH như sau:
“1. Việc xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể được tính theo công thức sau:
Tổng tỷ lệ % TTCT = T1 + T2 + T3 +…+ Tn
Trong đó:
T1: Tỷ lệ % TTCT của tổn thương thứ nhất; T1 được xác định là tỷ lệ % TTCT cao nhất trong các TTCT.
T2: Tỷ lệ % TTCT của tổn thương thứ hai; T2 = (100 – T1) x giới hạn dưới của TTCT thứ 2/100%.
T3: Tỷ lệ % TTCT của tổn thương thứ ba; T3 = (100-T1-T2) x giới hạn dưới của TTCT thứ 3/100%.
Tn: Tỷ lệ % TTCT của tổn thương thứ n, Tn= {100-T1-T2-T3-…-T(n-1)} x giới hạn dưới của TTCT thứ n/100%.”
Theo đó, để biết chính xác tỷ lệ thương tật của người lao động bên bạn là bao nhiêu thì doanh nghiệp cần cho người này đi giám định tỷ lệ thương tật và mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đang có trụ sở. Khi người lao động bị tai nạn lao động, theo quy định tại Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, người sử dụng lao động có các trách nhiệm sau:
– Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động;
– Thanh toán các phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động gồm: những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế; Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa; Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;
– Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;
– Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:
+ Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
+ Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
– Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;
Theo quy định tại Điều 46, Điều 48, Điều 49 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, điều kiện để người lao động bị tai nạn lao động được hưởng trợ cấp tai nạn lao động như sau:
– Trợ cấp 1 lần khi người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30%;
– Trợ cấp hàng tháng khi người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên.
Do đó, dựa trên mức suy giảm khả năng lao động của người lao động để xác định người lao động bên bạn được hưởng chế độ trợ cấp một lần hay trợ cấp hàng tháng?
4. Chế độ tai nạn lao động tại nơi làm việc của người lao động
Tóm tắt câu hỏi:
Kính thưa quý Luật sư Tôi xin nhờ quý luật sư giải đáp giùm tôi thắc mắc như sau: Ngày 22/6 chồng tôi khi leo lên mái nhà của công ty làm việc thì đạp trúng tấm tôn nhựa và bị té đươc cấp cứu tại bệnh viện sau khi xuất viện thì bên công ty đã đến thăm và có thanh toán lại cho gia đình tôi toàn bộ số tiền viện phí và có đưa thêm số tiền là 5 triệu.
Trong thời gian từ ngày bị tai nạn đến nay là 4 tháng thì lương chồng tôi hưởng mỗi tháng là do công ty trả 100% mức lương cơ bản (2.971.000) của chồng tôi (ban đầu nói là bảo hiểm xã hội trả 75% công ty trả 25% nhưng khi công ty làm báo giảm thì thẻ bảo hiểm y tế của chồng tôi không sử dụng được nữa vậy nên phải báo tăng để sử dụng được thẻ và vẫn phải đóng bảo hiểm mặc dù nghỉ, lương thì công ty trả hoàn toàn). Ngày 18/10 chồng tôi có đi giám định sức khỏe thì được chứng nhận là mất sức lao động 25%. Đã nộp hồ sơ cho công ty và họ có gọi đi làm lại nhưng khi đi làm lại được 1 ngày thì công ty lại kêu nghỉ thêm 3 tháng nữa cho đủ 7 tháng.
Tôi xin nhờ quý luật sư trả lời giúp tôi 3 vấn đề 1. Tiền lương hàng tháng chồng tôi nhận hàng tháng do công ty trả chứ không phải bảo hiểm xã hội trả như vậy có đúng luật không số tiền có hợp lý không? 2.Thời gian được nghỉ như vậy đã đúng chưa có luật nào quy định là mất sức lao động 25% thì được nghỉ 7,5 tháng không (vì bên công ty nói với chồng tôi như vậy) 3. Số tiền được bồi thường chế độ tai nạn lao động từ công ty và bảo hiểm xã hội là bao nhiêu và có bị trừ ra số tiền lương và trợ cấp được hưởng khi bi tại nạn nghỉ tại nhà không. Tôi rất mong quý luật sư giải đáp giúp tôi thắc mắc trên. Tôi xin chân thành cảm ơn.?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 45 Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015 vềĐiều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động:
“Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;”
Theo thông tin bạn cung cấp thì chồng bạn khi leo lên mái nhà của công ty làm việc thì đạp trúng tấm tôn nhựa, bị té và được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tức là chồng bạn bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc. Chồng bạn đi giám định sức khỏe thì được chứng nhận là bị suy giảm khả năng lao động là 25%. Do đó, trường hợp này chồng được hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định. Khi đó theo quy định của Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015, cụ thể tại Điều 38 về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
– Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;
– Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế
– Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị
– Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 4 Điều 38 của
Theo đó, công ty chồng bạn sẽ cùng với tổ chức bảo hiểm chi trả những khoản chi phí trong danh mục do bảo hiểm ý tế chi trả. Và chi trả những khoản chi phí trong quá trình điều trị của chồng bạn không nằm trong danh mục bảo hiểm chi trả đồng thời trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động và khoản bồi thường cho người lao động trong thời gian nghỉ việc để điều trị.
Như vậy, trong thời gian nghỉ việc để điều trị, công ty phải trả đủ tiền lương cho chồng bạn, thời gian nghỉ việc được xác định theo chỉ định của bác sĩ và thời gian cần thiết để chồng bạn phục hồi sức khoẻ. Thời gian nghỉ điều trị tai nạn lao động không phụ thuộc vào tỷ lệ suy giảm khả năng lao động.
5. Về khoản trợ cấp đối với chồng bạn khi bị tai nạn lao động
– Khoản bồi thường từ người sử dụng lao động
Trường hợp, tai nạn xảy ra không do lỗi của chồng bạn thì theo điểm a khoản 4 Điều 38 Luật an, toàn vệ sinh lao động năm 2015 thì công ty phải bồi thường cho chồng chị mức như sau:
a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
Ở đây, chồng bạn bị suy giảm 25% khả năng lao động thì theo quy định trên đối với bị suy giảm 10% khả năng lao động thì hưởng tương đương 1,5 tháng tiền lương sau đó cứ 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương. Theo đó, tương ứng với việc suy giảm 25% khả năng lao động thì công ty sẽ phải bồi thường cho chồng bạn mức tiền bằng 7,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Do đó đây là khoản bồi thường mà công ty trả cho người lao động theo mức suy giảm khả năng lao động chứ không phải là bắt buộc chồng bạn phải nghỉ 7,5 tháng mới được đi làm. Chồng bạn vẫn có thể đi làm trở lại khi bình phục sức khỏe và công ty vẫn phải trả lương cho chồng bạn theo hợp đồng lao động đã ký mà không ảnh hưởng gì tới khoản bồi thường mà chồng bạn được nhận.
Luật sư tư vấn về quyền lợi cho người lao động bị tai nạn lao động:1900.6568
– Trợ cấp tai nạn lao động từ cơ quan bảo hiểm:
Ngoài ra, chồng bạn đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nên chồng bạn được hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định của Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015 do quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả.
Căn cứ theo quy định của Điều 48 Luật an, toàn vệ sinh lao động năm 2015 thì người lao động bị tai nạn lao động có mức suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần. Do đó, chồng bạn bị suy giảm 25% khả năng lao động thì sẽ được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 48 Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015 như sau:
“2. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:
a) Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;
b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.”
Theo đó, khi suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở tức là với mức suy giảm 25% khả năng lao động thì chồng bạn được hưởng 15 lần mức lương cơ sở.
Đồng căn cứ vào số năm đã đóng bảo hiểm xã hội chồng bạn còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, theo đó đóng bảo hiểm xã hội từ một năm trở xuống thì được hưởng mức bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị. Do bạn chưa cung cấp số năm đóng bảo hiểm xã hội của chồng bạn nên chưa tính được mức hưởng mà bảo hiểm chi trả này cụ thể là bao nhiêu.
Các khoản bồi thường chế độ tai nạn lao động từ công ty và trợ cấp từ bảo hiểm xã hội không bị trừ trong thời gian bạn nghỉ hưởng nguyên lương để điều trị tai nạn lao động.
6. Các chế độ được hưởng khi người lao động bị tai nạn lao động
Tóm tắt câu hỏi:
Ở Doanh nghiệp mình có một trường hợp bị tai nạn lao động khi đang làm việc tại Doanh nghiệp từ tháng 01/2018 bị gãy xương đùi 2 bên và gãy cẳng chân phải, điều trị tại viện đã ổn định và ra viện giờ về nhà điều trị, về BHXH ngoài thẻ BHYT mà người lao động được hưởng thì mình có làm đề nghị thanh toán tiền ốm đau cho người lao động căn cứ vào giấy ra viện. Mình muốn hỏi bây giờ người lao động có được hưởng trợ cấp gì nữa không? Nếu muốn làm trợ cấp tai nạn lao động cho người lao động thì phải những thủ tục gì ?
Luật sư tư vấn:
Điều 38 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2012 quy định về Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động như sau:
– Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;
– Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:
+ Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;
+ Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;
+ Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;
– Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;
– Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:
+ Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
+ Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
– Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định trên với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;
– Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;
– Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;
– Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;
– Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động.
– Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.
Như vậy, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán những khoản trên cho người lao động. Đồng thời, công ty phải giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động đi giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động. Sau khi xác định được mức độ suy giảm khả năng lao động, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp hồ sơ lên cơ quan bảo hiểm xã hội để thanh toán chế độ trợ cấp cho người lao động.
+ Nếu mức độ suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần thì căn cứ Điều 48 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 mức hưởng như sau:
“Điều 48. Trợ cấp một lần
1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.
2. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:
a) Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;
b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.”
+ Nếu mức độ suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng. Mức hưởng quy định như sau:
“Điều 49. Trợ cấp hằng tháng
1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.
2. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:
a) Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;
b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.”
Trên đây là trách nhiệm của người sử dụng lao động khi người lao động bị tai nạn lao động và mức hưởng chế độ tai nạn lao động.