Những hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình tạm giam, tạm giữ? Chế độ quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam?
Tạm giữ, tạm giam đều là các biện pháp ngăn chặn được sử dụng và quy định cụ thể trong tố tụng hình sự. Những chủ thể là người bị bắt sẽ bị hạn chế quyền nhân thân cụ thể như quyền tự do đi lại. Việc tạm giữ, tạm giam là vô cùng cần thiết để nhằm mục đích ngăn chặn không để bị can, bị cáo tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội hoặc có hành vi gây khó khăn cho quá trình điều tra đối với vụ án hình sự. Việc quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam cũng rất được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quan tâm. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về chế độ quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Những hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình tạm giam, tạm giữ:
Theo Điều 8 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 đã quy định những hành vi bị nghiêm cấm như sau:
– Tra tấn, truy bức, dùng nhục hình; các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình tạm giam, tạm giữ.
– Không chấp hành lệnh, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền về tạm giữ, tạm giam, trả tự do là hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình tạm giam, tạm giữ.
– Giam giữ người trái pháp luật; trả tự do trái pháp luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam; vi phạm quy định trong quản lý, canh gác, áp giải người bị tạm giữ, người bị tạm giam là hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình tạm giam, tạm giữ.
– Cản trở người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền thăm gặp thân nhân, quyền bào chữa, được trợ giúp pháp lý, tiếp xúc lãnh sự, khiếu nại, tố cáo, quyền con người, quyền và nghĩa vụ khác của công dân theo quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 và luật khác có liên quan là hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình tạm giam, tạm giữ.
– Phá hủy cơ sở giam giữ, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cơ sở giam giữ; tổ chức trốn hoặc trốn khỏi nơi giam giữ; tổ chức trốn hoặc trốn khi đang bị áp giải; đánh tháo người bị tạm giữ, người bị tạm giam là hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình tạm giam, tạm giữ.
– Không chấp hành nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ hoặc quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam là hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình tạm giam, tạm giữ.
– Thực hiện hoặc tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, che giấu, ép buộc người khác vi phạm pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; trả thù, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác trong thi hành tạm giữ, tạm giam là hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình tạm giam, tạm giữ.
Như vậy, việc đưa ra quy định nêu trên đã cho thấy rằng, hệ thống pháp luật nước ta luôn bảo vệ quyền con người khi bị tạm giữ, bảo đảm nhân đạo, không tra tấn, truy bức, nhục hình hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ.
2. Chế độ quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, người bị tạm giữ là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Nguyên tắc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam được quy định tại Điều 4 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 được quy định cụ thể như sau:
– Việc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm quyền con người, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
– Việc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam phải bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh lệnh, quyết định về tạm giữ, tạm giam, trả tự do của cơ quan, người có thẩm quyền.
– Việc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam phải bảo đảm nhân đạo; không tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
– Việc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam phải bảo đảm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan.
– Phải áp dụng các biện pháp quản lý giam giữ phải căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, độ tuổi, giới tính, sức khỏe; bảo đảm bình đẳng giới, quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em và các đặc điểm nhân thân khác của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Theo Điều 19 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định về chế độ quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam có nội dung như sau:
“1. Cơ sở giam giữ phải được canh gác, bảo vệ, quản lý, kiểm tra, giám sát 24/24 giờ trong ngày.
2. Người bị tạm giữ phải ở trong buồng tạm giữ; người bị tạm giam phải ở trong buồng tạm giam. Khi có lệnh của thủ trưởng cơ sở giam giữ thì mới được ra khỏi buồng tạm giữ, buồng tạm giam để thực hiện lệnh trích xuất và các hoạt động khác theo quy định tại khoản 5 Điều 20 của Luật này và nội quy của cơ sở giam giữ.
3. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế quyền đi lại, giao dịch, tiếp xúc, thông tin, liên lạc, tuyên truyền tín ngưỡng, tôn giáo. Trường hợp cần thiết thực hiện giao dịch dân sự thì phải thông qua người đại diện hợp pháp và được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án.
4. Việc điều chuyển người bị tạm giữ, người bị tạm giam giữa các cơ sở giam giữ do thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam quyết định sau khi thống nhất với thủ trưởng cơ quan đang thụ lý vụ án và
a) Việc điều chuyển giữa các cơ sở giam giữ thuộc cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quân khu và tương đương do thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp tỉnh, cấp quân khu quyết định;
b) Việc điều chuyển giữa các cơ sở giam giữ không thuộc cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quân khu và tương đương do thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp tỉnh, cấp quân khu nơi chuyển đi quyết định sau khi thống nhất với thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp tỉnh, cấp quân khu nơi nhận;
c) Việc điều chuyển giữa cơ sở giam giữ Công an cấp tỉnh, cấp quân khu với cơ sở giam giữ thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng do thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quyết định;
d) Việc điều chuyển giữa cơ sở giam giữ trong Công an nhân dân với cơ sở giam giữ trong Quân đội nhân dân do thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam nơi chuyển đi quyết định sau khi thống nhất với thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam nơi nhận.”
Ta nhận thấy, hiện nay, việc quản lý giam giữ người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo đúng quy định của pháp luật. Các chủ thể là người bị tạm giữ, người bị tạm giam được bố trí theo khu và phân loại giam giữ riêng theo độ tuổi, giới tính, tội danh, đối tượng trong cùng vụ án, những người đang chờ thi hành án, người bị kết án tử hình và có biện pháp quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ đối với những đối tượng nguy hiểm, lưu manh, côn đồ, có nhiều tiền án, tiền sự, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Cũng chính bởi vì thế mà các cơ sở giam giữ cần phải chủ động hơn trong việc giám sát, quản lý, giáo dục đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam, góp phần phát hiện, ngăn chặn, hạn chế được việc thông cung, trốn khỏi nơi giam giữ, đánh nhau gây mất trật tự buồng giam.
Công tác quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam được thực hiện nghiêm túc, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định, đảm bảo phục vụ có hiệu quả cho yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Các cơ sở giam giữ cần phải chủ động xây dựng các phương án bảo vệ cơ sở giam giữ, các tình huống đột xuất, bất ngờ và biện pháp xử lý; thực hiện việc canh gác, tuần tra, kiểm soát, kiểm tra, lục soát, điểm danh, kiểm diện theo đúng quy định pháp luật. Trong những năm gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng yêu cầu đối với các cơ sở giam giữ tăng cường hơn nữa công tác nắm tình hình, diễn biến tư tưởng của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; chủ động thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; thường xuyên kiểm tra, thanh tra công tác giam giữ để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý sai phạm .
Về việc thực hiện chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam thì Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng yêu cầu các cơ sở giam giữ thực hiện nghiêm túc chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật. Mặc dù còn nhiều khó khăn tuy nhiên các cơ sở giam giữ đều đảm bảo về tiêu chuẩn, định lượng ăn của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, chế độ ăn thêm trong các ngày lễ, tết; thực hiện việc nấu và cấp phát đồ ăn, nước uống cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cũng đã chỉ đạo các trại tạm giam, nhà tạm giữ triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và làm tốt công tác chăm sóc y tế đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong giai đoạn hiện nay. Các chủ thể là mgười bị tạm giữ, người bị tạm giam được tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cấp phát khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tay nhanh để sử dụng. Các cơ sở giam giữ đã chủ động phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng địa phương tổ chức xét nghiệm lao, HIV cho những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao như người nghiện ma túy, gái mại dâm. Bởi thời gian qua đã triển khai tốt công tác phòng, chống dịch nên không có dịch bệnh xảy ra tại các cơ sở giam giữ.
Không những thế, hầu hết các trại tạm giam của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đều có bệnh xá để khám và điều trị bệnh cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Các cơ sở y tế trong trại tạm giam được đầu tư cả về cơ sở vật chất, nhân lực, phương tiện và dụng cụ y tế nên cơ bản đáp ứng được việc khám và điều trị tại chỗ các bệnh thông thường cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Đối với các trường hợp bệnh nặng vượt quá khả năng điều trị của cơ sở giam giữ thì được đưa đi điều trị tại các cơ sở y tế Nhà nước từ cấp huyện trở lên.
Đối với việc gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của các chủ thể là người bị tạm giữ, người bị tạm giam được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Việc tổ chức cho các chủ thể là người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự đều có sự trao đổi, thống nhất với các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ sở giam giữ. Quá trình các chủ thể gặp thân nhân và nhận quà đều được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, phòng ngừa, ngăn chặn việc thông cung và đưa vật cấm vào cơ sở giam giữ. Các trại tạm giam, nhà tạm giữ đều thông báo công khai thời gian và các quy định về thăm nuôi, nhận quà và tạo điều kiện cho thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam được gửi tiếp tế theo quy định. Thông qua quá trình các cá nhân là người bị tạm giam, người bị tạm giữ thăm gặp thân nhân và nhận, gửi quà đã nắm bắt được diễn biến tư tưởng của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, từ đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng đã kịp thời chấn chỉnh, động viên họ yên tâm, tự giác chấp hành nội quy cơ sở giam giữ, khuyến khích các chủ thể này thành khẩn khai báo hành vi phạm tội để được giảm nhẹ hình phạt, mau chóng quay về cuộc sống bình thường với xã hội, gia đình.