Chế độ thai sản là một chế độ ưu đãi được Nhà nước đặt ra đói với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đặc biệt là đối với người lao động nữ. Trong trường hợp người lao động phải nghỉ việc theo chỉ định của bác sĩ trong lĩnh vực thai sản thì chế độ bảo hiểm xã hội khi nghỉ thai sản trong trường hợp này được giải quyết như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về chế độ bảo hiểm thai sản :
Chế độ bảo hiểm thai sản là chế độ được đặt ra đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc để nhằm bảo đảm thu nhập cũng như sức khoẻ của người lao động nữ trong quá trình mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ, cũng như bảo đảm cho lao động nam khi thực hiện các biện pháp tránh thai và khi vợ sinh con.
Dưới đây là một số quy định của pháp luật hiện hành về chế độ bảo hiểm thai sản:
1.1. Đối tượng được hưởng chế độ thai sản hiện nay:
Căn cứ theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì đối tượng được áp dụng chế độ thai sản là người lao động thuộc các đối tượng được quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ và điểm h khoản 1 Điều 2 Luật này. Cụ thể các đối tượng bao gồm:
– Người làm việc theo chế độ
– Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
– Cán bộ, công chức, viên chức;
– Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
– Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân.
1.2. Điều kiện để người lao động được hưởng chế độ thai sản:
Người lao động nghỉ chế độ thai sản phải bảo đảm được các điều kiện cả về mặt trường hợp được hưởng và thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cụ thể các điều kiện được quy định như sau:
– Thứ nhất, các trường hợp mà người lao động tại mục 1.1 của bài viết này được hưởng chế độ thai sản:
+ Người lao động nữ mang thai;
+ Người lao động nữ sinh con;
+ Người lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
+ Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
+ Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
+ Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
– Thứ hai, điều kiện về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc:
+ Đối với người lao động nữ sinh con, mang thai hộ, nhờ mang thai hộ và nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì phải đảm bảo điều kiện về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là từ đủ 06 tháng trở lên trong thời hạn 12 tháng trước khi sinh hoặc nhận nuôi con nuôi.
Chẳng hạn, người lao động nữ dự kiến sinh vào ngày 20/5/2023 thì sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm thai sản khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời hạn 12 tháng trước khi sinh, tính từ 20/5/2022 đến 20/5/2023.
+ Đối với trường hợp người lao động nữ sinh con và đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên trước khi sinh mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ thuộc cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đảm bảo điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con;
+ Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc nghỉ việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
2. Chế độ bảo hiểm xã hội khi nghỉ thai sản do bác sĩ chỉ định:
2.1. Điều kiện được nghỉ chế độ thai sản do bác sĩ chỉ định:
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội cũng như những phân tích tại mục 1.2 của bài viết này thì người lao động nữ mang thai phải nghỉ chế độ thai sản để dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ thì phải đảm bảo điều kiện sau:
– Đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên;
– Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
2.2. Thời gian được nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ:
Pháp luật về Bảo hiểm xã hội năm 2014 không quy định cụ thể số ngày nghỉ tối đa mà người lao động nữ mang thai được hưởng khi nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ thuộc cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền. Theo đó, khi lao động nữ mang thai đáp ứng được điều kiện được hưởng chế độ nghỉ dưỡng thai sản theo chỉ định của bác sĩ được nêu tại mục 2.1 của bài viết này thì sẽ được nghỉ và số ngày nghỉ sẽ do cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền quy định.
Theo đó, để được người sử dụng lao động giải quyết chế độ nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền thì người lao động nữ mang thai sẽ phải giao, nộp những giấy tờ chứng nhận về việc nghỉ dưỡng thai. Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Thông tư số 56/2017/TT-BYT thì những giấy tờ có giá trị chứng nhận việc nghỉ dưỡng thai đối với người lao động nữ mang thai bao gồm:
– Đối với người lao động nữ nghỉ việc điều trị ngoại trú thì phải có Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai do cơ sở khám, chữa bệnh điều trị ngoại trú cấp. Theo đó, thời hạn nghỉ dưỡng thai được ghi trong Giấy chứng nhận nay sẽ căn cứ vào tình trạng sức khoẻ của người lao động nữ nhưng tối đa là không quá 30 ngày/1 lần cấp;
– Đối với lao động nữ mang thai đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc điều trị theo diện ngoại trú thì phải có Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Theo đó, số ngày nghỉ được ghi trên Giấy chứng nhận cũng sẽ căn cứ vào tình trạng sức khoẻ của lao động nữ nhưng tối đa không quá 30 ngày/ 1 lần cấp;
– Trong trường hợp lao động nữ hưởng chế độ nghỉ dưỡng thai phải giám định thì phải có Biên bản giám định y khoa. Trong trường hợp này thì thời hạn nghỉ dưỡng thai sẽ do Hội đồng Giám định y khoa kết luận và quyết định nhưng thời gian nghỉ dưỡng tối đa được quy định là không quá 30 ngày/ 1 lần cấp;
– Đối với người lao động nữ điều trị nội trú khi mang thai thì phải có Giấy ra viện hoặc Bản tóm tắt hồ sơ bệnh án. Theo đó, nếu người lao động nữ nghỉ để dưỡng thai thì bác sĩ trưởng khoa phụ trách điều trị cho người lao động phải ghi vào phần ghi chú của Giấy ra viện số ngày nghỉ đến 30 ngày và phải ghi rõ mục đích nghỉ là “để dưỡng thai”.
Tuy nhiên, khi người lao động nữ chưa thể phục hồi sức khoẻ, chưa bảo đảm điều kiện dưỡng thai thì phải tái khám để xem xét gia hạn thêm thời gian nghỉ dưỡng thai. Theo quy định tại khoản 5 Điều 18 Thông tư số 56/2017/TT-BYT thì trong trường hợp người lao động nữ nghỉ dưỡng thai xét thấy cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ trên giấy tờ chứng nhận nghỉ dưỡng thai do cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền cấp thì người lao động nữ đó phải đi tái khám để được bác sĩ điều trị kiểm tra, xem xét và quyết định gia hạn thêm thời hạn nghỉ dưỡng thai.
3. Lưu ý đối với người lao động nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ:
Nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ là một chế độ ưu đãi, đãi ngộ khi người lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện được hưởng. Vậy khi có sự chỉ định từ bác sĩ điều trị thì người lao động nên lưu ý gì để đảm bảo nghỉ theo đúng quy định của pháp luật?
Theo Luật Dương Gia, khi nghỉ làm để hưởng chế độ dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ thì người lao động nữ nên thông báo đến doanh nghiệp hoặc người phụ trách mình để tránh ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành cũng như những văn bản hướng dẫn có liên quan thì pháp luật chưa đưa ra quy định cụ thể nào về việc yêu cầu người lao động phải thông báo hay viết đơn xin nghỉ gửi đến người sử dụng lao động khi mà người lao động nghỉ việc dưỡng thai do chỉ định của bác sĩ. Đây có lẽ là một quyền lợi mà người lao động nữ đủ điều kiện thì sẽ được hưởng nên pháp luật đặt ra vấn đề đương nhiên được hưởng quyền cho người lao động.
Tuy nhiên, Luật Dương Gia vẫn khuyên quý bạn đọc nếu nghỉ để hưởng chế độ dưỡng thai thì vẫn nên thông báo đến người sử dụng lao động để người sử dụng lao động được biết để sắp xếp công việc và tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Các văn bản được sử dụng trong bài viết:
– Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;
– Thông tư số 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 29/12/2017 Quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.