Câu hỏi bài tập luật. Câu hỏi bài tập luật hành chính và bài tập bồi thường nhà nước.
Câu hỏi bài tập luật. Câu hỏi bài tập luật hành chính và bài tập trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào, tôi có 2 điều thắc mắc mong Luật sư giải đáp:
1. Cho tôi hỏi Ủy ban nhân dân xã có được xem là pháp nhân hay không? Hay đó chỉ đơn giản là cơ quan nhà nước?
2. Phạm vi điều chỉnh của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có khác gì với phạm vi điều chỉnh của Điều 598 Bộ luật dân sự 2015 ạ ? Cảm ơn ạ.?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
– Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
– Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009
2. Nội dung tư vấn
– Căn cứ Điều 74 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về pháp nhân như sau:
"Điều 74. Pháp nhân
1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
2. Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác."
– Căn cứ Điều 83 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về cơ cấu tổ chức của pháp nhân như sau:
"Điều 83. Cơ cấu tổ chức của pháp nhân
1. Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.
2. Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật."
– Căn cứ Điều 8 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định về Uỷ ban nhân dân như sau:
"Điều 8. Ủy ban nhân dân
1. Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.
2. Ủy ban nhân dân gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên, số lượng cụ thể Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp do Chính phủ quy định."
Như vậy, Uỷ ban nhân dân không phải là pháp nhân, không có tài sản độc lập, không tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình. Uỷ ban nhân dân là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
– Căn cứ Điều 1 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định phạm vi điều chỉnh như sau:
"Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Bộ luật này quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự)."
– Căn cứ Điều 4 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định áp dụng Bộ luật dân sự như sau:
"Điều 4. Áp dụng Bộ luật dân sự
1. Bộ luật này là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự.
2. Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.
3. Trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm khoản 2 Điều này thì quy định của Bộ luật này được áp dụng.
4. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Bộ luật này và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế."
– Căn cứ Điều 598 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra như sau:
"Điều 598. Bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra
Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước."
– Căn cứ Điều 1 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 quy định phạm vi điều chỉnh như sau:
"Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án; thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; kinh phí bồi thường và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại."
Như vậy, Bộ luật dân sự năm 2015 là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 là luật chuyên ngành điều chỉnh các quan hệ xã hội trong các lĩnh vực cụ thể và không trái với quy định của Bộ luật dân sự. Như vậy, phạm vi điều chỉnh của Điều 598 Bộ luật dân sự năm 2015 và Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 không khác nhau, mà Bộ luật dân sự điều chỉnh chung vấn đề trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, còn Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước điều chỉnh cụ thể từng trường hợp Nhà nước phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.