Ngày nay, dịch vụ cảng biển là đầu mối quan trọng và có vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu quả của cả quy trình logistics. Mục tiêu chính của dịch vụ cảng biển chính là tập trung xây dựng các khu dịch vụ cảng nhằm tối ưu hóa quy trình logistics thông qua việc nâng cao tính tương thích của cảng trong chuỗi logistics.
Mục lục bài viết
1. Cảng biển là gì?
Cảng biển là một trong những khái niệm được quan tâm nhiều trong lĩnh vực vận tải biển. Có thể liệt kê một số định nghĩa tiêu biểu như sau:
– Theo Khoản 1 Điều 73 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 thì cảng biển là khu vực bao gồm vùng đất cảng và vùng nước cảng, được xây dựng kết cấu hạ tầng, lắp đặt trang thiết bị cho tàu thuyền đến, rời để bốc dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện dịch vụ khác. Cảng biển có một hoặc nhiều bến cảng. Bến cảng có một hoặc nhiều cầu cảng.
Cảng dầu khí ngoài khơi là công trình được xây dựng, lắp đặt tại khu vực khai thác dầu khí ngoài khơi cho tàu thuyền đến, rời để bốc dỡ hàng hóa và thực hiện dịch vụ khác.
– G.N.Smirnop có định nghĩa kinh điển về cảng biển: “Thương cảng hiện đại là một đầu mối giao thông lớn, bao gồm nhiều công trình và kiến trúc, bảo đảm cho tàu thuyền neo đậu yên ổn, nhanh chóng và thuận lợi để thực hiện công việc chuyển giao hàng hóa, hành khách từ các phương tiện giao thông trên đất liền sang các tàu biển hoặc ngược lại, bảo quản, gia công hàng hóa và phục vụ tất cả các nhu cầu cần thiết của tàu neo đậu trong cảng.”
– Theo quan điểm truyền thống thì cảng biển là tập hợp các công trình xây dựng, phương tiện nhằm đảm bảo cho tàu neo đậu an toàn và bốc dỡ hàng hóa một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất. Theo quan điểm này thì cảng biển là đầu mối giao thông, là nơi thực hiện các thao tác xếp dỡ hàng hóa từ phương thức vận tải biển sang các phương thức vận tải khác và ngược lại.
– Theo quan điểm hiện đại thì cảng biển được xem là nơi thu hút các hoạt động kinh tế, là điểm đầu mối của hoạt động vận tải. Theo quan điểm này thì cảng biển là khu vực tiếp nối giữa đất liền và biển, được phát triển thành một trung tâm công nghiệp và logistics, đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới công nghiệp và logistics toàn cầu.
Về bản chất cảng là nơi thực hiện việc dịch chuyển hàng hóa giữa các dạng vận tải khác nhau. Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa các cảng đã phát triển nhanh chóng từ các cảng truyền thống kết nối vận tải biển với vận tải nội địa để trở thành nơi cung cấp mạng lưới logistics hoàn chỉnh. Điều này có nghĩa là cảng phải đối mặt với rất nhiều thách thức về những thay đổi và khuynh hướng không lường trước được của môi trường ngành hàng hải, cảng biển và logistics.
Cảng biển – danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Harbor.
Cảng biển hay còn gọi là hải cảng, là một vị trí trên bờ biển nơi các tàu có thể tìm nơi trú ẩn, được bảo vệ bằng cầu tàu, cầu cảng và các cấu trúc nhân tạo khác. Đây là nơi ra vào, neo đậu của tàu biển là nơi phục vụ tàu bè và hàng hoá, là mối giao thông quan trọng. (Theo Giáo trình Thương vụ Vận tải, NXB Giao thông Vận tải).
Cảng biển là đầu mối giao thông vận tải, tiếp nối giữa đất liền và biển. Cảng biển được xây dựng kết cầu hạ tầng và lắp đặt trang thiết bị cho tàu biển ra, vào hoạt động để bốc dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện các dịch vụ khác. Kết cấu hạ tầng cảng biển đóng vai trò quan trọng trong việc xác định loại cảng, khả năng thông qua của cảng.
2. Chức năng, nhiệm vụ của cảng biển:
Chức năng
– Phục vụ tàu biển: Cảng là nơi ra vào neo đậu của tàu, là nơi cung cấp các dịch vụ đưa đón tàu ra vào, lai dắt, cung ứng, vệ sinh, sửa chữa tàu biển.
– Phục vụ hàng hoá: Cảng phải làm nhiệm vụ xếp, dỡ, giao nhận, chuyển tải, bảo quản, lưu kho, tái chế, đóng gói, phân phối hàng hoá xuất nhập khẩu. Cảng còn là nơi tiến hành các thủ tục xuất nhập khẩu, là nơi bắt đầu, tiếp tục hoặc kết thúc quá trình vận tải.
– Chức năng vận chuyển, bốc xếp hàng hóa: Trong hệ thống vận tải quốc gia, cảng biển là điểm hội tụ của các tuyến vận tải khác nhau (đường biển, đường sông, đường sắt, đường hàng không). Đây là một đầu mối giao thông chính, tập trung cho mọi phương thức vận tải và các cảng biển thực hiện chức năng vận tải thông qua việc phân phối hàng hóa.
– Chức năng thương mại và buôn bán quốc tế: Với vị trí là đầu mối của các tuyến đường vận tải: đường sông, đường sắt, đường bộ, đường hàng không, … ngay từ đầu mới thành lập, các cảng biển đã là địa điểm tập trung trao đổi buôn bán của các thương gia từ khắp mọi miền, tại các vùng cảng có vị trí địa lý tự nhiên thuận lợi như nằm trên các trục đường hàng hải quốc tế nối liền các châu lục, các khu vực phát triển kinh tế năng động, … thì hoạt động trao đổi kinh doanh, thương mại lại càng diễn ra sôi động hơn. Các vùng cảng này nhanh chóng trở thành trung tâm thương mại không chỉ của khu vực mà còn của cả thế giới.
– Chức năng công nghiệp và cung ứng nhiên liệu:
Các vùng cảng biển là những địa điểm thuận lợi cho việc xây dựng những nhà máy xí nghiệp thuộc những ngành công nghiệp khác nhau vì nó cho phép tiết kiệm được chi phí vận tải rất nhiều, nhất là những nhà máy sản xuất bằng nguyên liệu nhập khẩu, đồng thời xuất khẩu sản phẩm của nó bằng vận tải đường biển sẽ đạt được sự tiết kiệm rất lớn, hạ giá thành sản phẩm, giúp cho doanh nghiệp có thể cạnh tranh được trên thị trường quốc tế. Ngoài ra các xí nghiệp công nghiệp này còn có thể liên kết với nhau tạo thành một chu trình sản xuất đồng bộ và hiệu quả.
Nhiệm vụ
Các cảng biển ở Việt Nam có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
– Xây dựng qui hoạch, kế hoạch phát triển cảng biển trong phạm vi trách nhiệm.
– Phối hợp hoạt động của các tổ chức, cơ quan thực hiện chức năng quản lí Nhà nước chuyên ngành tại cảng biển.
– Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các qui định của pháp luật về đảm bảo an toàn cảng và luồng ra, vào cảng.
– Phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hoặc xử lí sự cố ô nhiễm môi trường.
– Cấp giấy phép cho tàu ra, vào cảng và thực hiện các yêu cầu về bắt giữ, tạm giữ hàng hải.
– Yêu cầu các cá nhân, cơ quan hữu quan cung cấp các thông tin, tài liệu để thực hiện chức năng quản lí Nhà nước của cảng.
Cảng biển có các loại như: cảng thương mại (Commercial Ports), cảng quân sự (Military), cảng cá (Fishing Ports), cảng trú ẩn (Ports Refuge).
Đối với cảng thương mại (cảng buôn) lại được phân thành nhiều loại: cảng biển tự nhiên (Ocean Ports), cảng sông biển (River – Sea Ports), cảng nội địa (Domestic Ports), cảng Quốc tế (International Ports), cảng tổng hợp (General Ports), cảng chuyên dùng (Specializated Ports).
3. Điều kiện kinh doanh dịch vụ khai thác biển:
Ngày 04/4/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2017/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển. Theo đó, Nghị định này quy định về điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển, bao gồm: Cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu neo đậu, khu chuyển tải, cảng dầu khí ngoài khơi.
3.1. Nguyên tắc kinh doanh khai thác cảng biển:
Doanh nghiệp cảng chỉ được kinh doanh khai thác cảng biển khi đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển theo quy định tại Nghị định này; doanh nghiệp cảng phải kinh doanh khai thác cảng biển theo đúng mục đích và công năng của cảng biển đã được công bố; doanh nghiệp cảng phải duy trì đầy đủ các điều kiện quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật trong thời gian kinh doanh khai thác cảng biển.
3.2. Điều kiện của doanh nghiệp:
Doanh nghiệp cảng phải được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp cảng là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia kinh doanh dịch vụ bốc dỡ hàng hóa thì chỉ được thành lập công ty liên doanh, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài theo Biểu cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
3.3. Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị:
Doanh nghiệp phải đảm bảo có đủ cơ sở vật chất, kho, bãi, trang thiết bị cần thiết phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với cảng biển; trường hợp cảng biển không có đủ kho, bãi, doanh nghiệp cảng phải có hợp đồng thuê kho, bãi với thời gian thuê kho, bãi tối thiểu là 05 năm, trừ trường hợp chỉ kinh doanh khai thác bến phao, khu neo đậu, khu chuyển tải, cảng dầu khí ngoài khơi.
Doanh nghiệp cảng phải có đầy đủ các trang thiết bị bốc xếp, thiết bị chuyên dùng, phương tiện vận chuyển và các trang thiết bị cần thiết khác đáp ứng yêu cầu của hoạt động bốc, dỡ hàng hóa và phù hợp với công năng, mục đích hoạt động của cảng biển đã được công bố.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy, nổ; điều kiện về bảo vệ môi trường.
Doanh nghiệp cảng đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển phải gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng hải Việt Nam. Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Nếu hồ sơ hợp lệ thì cấp giấy biên nhận hồ sơ.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức thẩm tra, cấp Giấy chứng nhận và trả kết quả trực tiếp cho doanh nghiệp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận, Cục Hàng hải Việt Nam phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Nghị định này cũng quy định rõ doanh nghiệp cảng sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận trong các trường hợp sau:doanh nghiệp cảng đã vi phạm điều kiện kinh doanh theo quy định hoặc theo đề nghị của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu đã chứng minh doanh nghiệp cảng có vi phạm pháp luật đến mức phải thu hồi giấy chứng nhận; doanh nghiệp cảng cố ý cung cấp sai lệch thông tin khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2017. Các doanh nghiệp cảng đã tiến hành hoạt động kinh doanh khai thác cảng biển từ trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được hoạt động kinh doanh khai thác nhưng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Nghị định này kể từ ngày 01/7/2020.
Kết luận: Cảng biển là mắt xích của dây chuyền vận tải, ngoài chức năng giống như các cung đoạn vận chuyển khác, cảng còn phải thực hiện một số nhiệm vụ vận tải không thể bỏ qua được trong sản xuất phục vụ của vận tải. Vì vậy việc xây dựng, củng cố và phát triển cảng biển là tất yếu mà các quốc gia phải thực hiện, thúc đẩy kinh tế nội bộ và nền kinh tế đa quốc gia.