Thực tế không ít trường hợp cho mượn Sổ đỏ để đi vay thế chấp ngân hàng. Vậy cách lấy lại sổ đỏ người khác mượn thế chấp ngân hàng như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là cho người khác mượn sổ đỏ để thế chấp tại ngân hàng?
Căn cứ Điều 317 Bộ luật dân sự 2015 quy định thế chấp tài sản chính là việc một bên thế chấp dùng tài sản thuộc quyền sở hữu của mình để nhằm mục đích cho việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên nhận thế chấp.
Thực tế, thế chấp tại ngân hàng được hiểu là một hình thức vay tiền có tài sản đảm bảo, tài sản đó có thể là xe ô tô, bất động sản gồm quyền sử dụng đất và/hoặc quyền sở hữu nhà ở,… Khi vay thế chấp, người vay vẫn giữ và sử dụng tài sản đó nhưng phía bên ngân hàng sẽ giữ các giấy tờ liên quan, cụ thể là giấy tờ xe hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.
Việc cho mượn sổ đỏ để thế chấp tại ngân hàng với mục đích vay tiền là một giao dịch Bảo lãnh. Căn cứ Điều 361 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định bảo lãnh chính là việc một bên thứ ba – chính là bên bảo lãnh sẽ cam kết với bên nhận bảo lãnh nhằm thực hiện các nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp khi đến thời hạn trong hợp đồng mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng.
Lưu ý: các bên trong hợp đồng bảo lãnh có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.
Từ quy định trên dẫn chiếu đến thực tế, có thể thấy về mặt pháp lý, khi mượn Sổ đỏ để vay thế chấp với bên ngân hàng thì người cho mượn chính là bên bảo lãnh. Nếu như bên thế chấp không thanh toán được nợ thì người cho mượn Sổ đỏ chính là người phải chịu trách nhiệm nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng khi đến hạn.
2. Cách lấy lại sổ đỏ người khác mượn thế chấp ngân hàng?
Như mục 1 đã phân tích, khi cho mượn sổ đỏ, tức là mang tài sản của mình ra bảo lãnh cho nghĩa vụ trả nợ của bên vay là thoả thuận riêng của người cho mượn và người vay.
Khi người cho mượn Sổ đỏ có nhu cầu muốn lấy lại Sổ đỏ thì bên vay phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng, xong sau đó làm thủ tục giải chấp mới có thể lấy Sổ đỏ về trả lại cho người mượn. Tuy nhiên, nếu như người vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì người cho mượn vẫn phải trả nợ cho ngân hàng theo đúng hợp đồng bảo đảm đã ký.
Khi thực hiện nghĩa vụ thanh toán xong cho ngân hàng thì người mượn mới có thể nhận được lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) của mình.
Và sau khi người cho mượn thanh toán trả nợ cho bên vay khoản vay với ngân hàng thì người cho mượn Sổ đỏ có quyền yêu cầu người vay ngân hàng đó thực hiện thanh toán trả lại mình số tiền tương ứng.
Hoặc bên cạnh cách người cho mượn Sổ đỏ thanh toán tiền như trên, các bên có thể thỏa thuận theo hướng như sau: Người cho mượn Sổ đỏ yêu cầu người vay dùng một tài sản thuộc quyền sở hữu của người vay để đề nghị ngân hàng nhận thế chấp thay cho quyền sử dụng đất và/hoặc quyền sở hữu nhà ở của người cho mượn Sổ đỏ. Tuy nhiên, cách này phải có sự đồng ý của Ngân hàng. Và lưu ý, tài sản của bên cho vay đưa ra yêu cầu Ngân hàng nhận thế chấp thay phải có giá trị tương ứng đối với khoản nợ còn lại với Ngân hàng.
3. Cách xử lý khi người vay không trả tiền lại cho người cho mượn Sổ đỏ:
Như đã phân tích, người cho mượn Sổ đỏ có thể đứng ra thanh toán tiền trực tiếp cho ngân hàng để lấy Sổ đỏ về, sau đó yêu cầu người vay thanh toán nợ lại cho mình. Nếu như người vay cố tình không trả thì người cho mượn Sổ đỏ có thể khởi kiện ra Toà án nhân dân thẩm quyền để lấy lại tiền với trình tự như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Để thực hiện được việc khởi kiện đòi nợ, người cho mượn Sổ đỏ chuẩn bị hồ sơ bao gồm:
– Đơn khởi kiện.
– Bản sao Hợp đồng bảo lãnh ký với ngân hàng.
– Các tài liệu, chứng từ có xác nhận của ngân hàng về việc người cho mượn Sổ đỏ đã thanh toán cho ngân hàng.
– Giấy tờ tùy thân của người khởi kiện gồm chứng minh thư nhân dân hoặc Căn cước công dân.
Bước 2: Nộp đơn khởi kiện:
Cá nhân sau khi chuẩn bị hồ sơ đầy đủ như trên sẽ nộp đến Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền để giải quyết.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự.
Đồng thời, theo điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật này, Tòa án nhân dân nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự.
Khi đó, người cho mượn Sổ đỏ có thể làm đơn kèm các tài liệu liên quan gửi đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người cho mượn Sổ đỏ cư trú hoặc làm việc.
Việc nộp đơn khởi kiện có thể nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc nộp thông qua đường dịch vụ bưu chính đến Tòa án.
Bước 3: Tòa án tiếp nhận và giải quyết:
Tòa án sẽ phân công Thẩm phán xem xét đơn này trong thời gian 03 ngày làm việc sau khi nhận được đơn khởi kiện.
Thẩm phán sẽ đưa ra quyết định sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; thụ lý vụ án; chuyển cho đơn vị khác hoặc trả lại đơn khởi kiện trong thời hạn 05 ngày tính từ ngày được phân công.
Trường hợp xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền thì sau khi đơn khởi kiện được tiếp nhận, Thẩm phán sẽ thông báo cho người khởi kiện đến nộp tiền tạm ứng án phí. Khi có thông báo người có nghĩa vụ phải nộp trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được giấy báo và nộp lại biên lai cho Tòa.
Sau đó, Thẩm phán thông báo về việc thụ lý vụ án trong thời hạn 03 ngày.
Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án trong thời gian 03 ngày làm việc, tính từ ngày thụ lý vụ án.
Sau đó là thời gian chuẩn bị xét xử trong khoảng 04 tháng.
4. Mẫu đơn khởi kiện đòi lại tiền:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
……(1), ngày….. tháng …… năm…….
ĐƠN KHỞI KIỆN
Kính gửi: Tòa án nhân dân (2)………
Người khởi kiện: (3)………
Địa chỉ: (4) ……
Số điện thoại: ……(nếu có); số fax: …….(nếu có)
Địa chỉ thư điện tử: ……… (nếu có)
Người bị kiện: (5)……
Địa chỉ (6) ……
Số điện thoại: ……(nếu có); số fax: ………(nếu có)
Địa chỉ thư điện tử: ……… (nếu có)
Người có quyền, lợi ích được bảo vệ (nếu có)(7)………
Địa chỉ: (8)………
Số điện thoại: ………(nếu có); số fax: ……(nếu có)
Địa chỉ thư điện tử : ……(nếu có)
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có) (9)……
Địa chỉ: (10) ………
Số điện thoại: ………(nếu có); số fax: ……….(nếu có)
Địa chỉ thư điện tử: ..……(nếu có)
Nội dung khởi kiện: (11) ………
Yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề sau đây:(12)………
Người làm chứng (nếu có) (13)……
Địa chỉ: (14) ………
Số điện thoại: ……(nếu có); số fax: ……(nếu có)
Địa chỉ thư điện tử: …… (nếu có).
Danh mục tài liệu, chứng kèm theo đơn khởi kiện gồm có: (15)………
- …………
- …………
(Các thông tin khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án) (16)………
Người khởi kiện (17)
Hướng dẫn sử dụng viết đơn:
(1) Ghi địa điểm làm đơn khởi kiện (ví dụ: Hà Nội, ngày….. tháng….. năm……).
(2) Ghi tên Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án.
(3) Nếu người khởi kiện là cá nhân thì ghi họ tên.
(4) Ghi nơi cư trú tại thời điểm nộp đơn khởi kiện. Nếu người khởi kiện là cá nhân, thì ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú (ví dụ: Nguyễn Văn A, cư trú tại thôn B, xã C, huyện M, tỉnh H); nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, thì ghi địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó (ví dụ: Công ty TNHH Hin Sen có trụ sở: Số 20 phố LTK, quận HK, thành phố H).
(5), (7), (9) và (13) Ghi tương tự như hướng dẫn tại điểm (3).
(6), (8), (10) và (14) Ghi tương tự như hướng dẫn tại điểm (4).
(11) Nội dung khởi kiện: Ghi rõ ràng, cụ thể về sự kiện vay nợ.
(12) Nêu cụ thể từng vấn đề yêu cầu Toà án giải quyết.
(15) Ghi rõ tên các tài liệu kèm theo đơn khởi kiện gồm có những tài liệu nào và phải đánh số thứ tự.
(16) Ghi những thông tin mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án.
(17) Ký và ghi rõ họ tên của người khởi kiện.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Bộ luật dân sự năm 2015.