Giao dịch bảo đảm chính là giao dịch được bảo đảm thực hiện bằng những biện pháp bảo đảm mang tính tài sản do các bên thỏa thuận theo quy định của pháp luật. Vậy trong trường hợp nào các trường hợp giao dịch bảo đảm vô hiệu, bị chấm dứt?
Mục lục bài viết
1. Các trường hợp giao dịch bảo đảm vô hiệu, bị chấm dứt:
Hiện nay, theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 và các văn bản pháp luật khác có liên quan không có quy định cụ thể về khái niệm hay giải thích về giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, qua thực tế thì có thể hiểu giao dịch bảo đảm chính là giao dịch được bảo đảm thực hiện bằng những biện pháp bảo đảm mang tính tài sản do các bên thỏa thuận theo quy định của pháp luật. Giao dịch bảo đảm bao gồm giao dịch được bảo đảm và các thỏa thuận về những biện pháp bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ trong giao dịch được bảo đảm. Giao dịch được bảo đảm là giao dịch chính, nó tồn tại độc lập, hiệu lực sẽ không phụ thuộc vào giao dịch khác; còn các thỏa thuận về những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ chỉ phát sinh hiệu lực khi mà giao dịch được bảo đảm không được thực hiện.
Căn cứ theo quy định tại Điều 292 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, theo Điều này thì biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm có:
– Cầm cố tài sản;
– Thế chấp tài sản;
– Đặt cọc;
– Ký cược;
– Ký quỹ;
– Bảo lưu quyền sở hữu;
– Bảo lãnh;
– Tín chấp;
– Cầm giữ tài sản.
Hiệu lực của hợp đồng bảo đảm được pháp luật quy định như sau:
– Hợp đồng bảo đảm được công chứng, chứng thực theo đúng quy định của Bộ luật Dân sự, Luật công chứng và các luật khác liên quan hoặc theo yêu cầu thì có hiệu lực từ thời điểm được công chứng, chứng thực.
– Hợp đồng bảo đảm có hiệu lực từ thời điểm do các bên thỏa thuận với nhau. Trong trường hợp không có thỏa thuận thì có hiệu lực từ thời điểm hợp đồng được giao kết.
– Trường hợp tài sản bảo đảm được rút bớt theo thỏa thuận thì các phần nội dung hợp đồng bảo đảm có liên quan đến tài sản được rút bớt không còn hiệu lực; các tài sản bảo đảm được bổ sung hoặc thay thế thì việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo đảm liên quan đến tài sản này sẽ thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự và các luật khác liên quan.
– Biện pháp bảo đảm chưa phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì không làm thay đổi hoặc không làm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng bảo đảm.
Các trường hợp giao dịch bảo đảm vô hiệu, bị chấm dứt bao gồm:
– Giao dịch bảo đảm do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội: Giao dịch bảo đảm có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.
– Giao dịch bảo đảm vô hiệu do giả tạo: Khi các bên đã xác lập giao dịch bảo đảm một cách giả tạo nhằm để che giấu một giao dịch dân sự khác thì chính giao dịch bảo đảm giả tạo bị vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn sẽ có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng bị vô hiệu theo đúng quy định của Bộ luật Dân sự hoặc các luật khác có liên quan. Trường hợp xác lập giao dịch bảo đảm giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch bảo đảm đó vô hiệu.
– Giao dịch bảo đảm do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người đang có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi của mình, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện
– Giao dịch bảo đảm vô hiệu do bị nhầm lẫn: Trường hợp giao dịch bảo đảm được xác lập mà có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc cho các bên không đạt được các mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch bảo đảm vô hiệu. Giao dịch bảo đảm được xác lập có sự nhầm lẫn không bị vô hiệu ở trong trường hợp mục đích xác lập giao dịch bảo đảm của các bên đã đạt được hoặc các bên đều có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn đã làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch bảo đảm sự vẫn đạt được.
– Giao dịch bảo đảm vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.
– Giao dịch bảo đảm vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
– Giao dịch bảo đảm vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức.
– Giao dịch bảo đảm vô hiệu từng phần: Giao dịch bảo đảm vô hiệu từng phần khi một phần nội dung của giao dịch bảo đảm vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch bảo đảm.
2. Xử lý hợp đồng bảo đảm vô hiệu từng phần:
Trường hợp một phần nội dung hợp đồng bảo đảm mà bị tuyên bố vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan thì các nghĩa vụ được bảo đảm thực hiện theo phần nội dung này sẽ trở thành nghĩa vụ không có bảo đảm, bao gồm:
– Phần nội dung của hợp đồng thuộc quyền của người không tham gia vào hợp đồng bảo đảm trong trường hợp tài sản dùng để bảo đảm thuộc quyền sở hữu chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 27 Nghị định 21/2021/NĐ-CP thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ;
– Phần nội dung của hợp đồng liên quan đến một hoặc liên quan đến một số người không có năng lực pháp luật dân sự hoặc năng lực hành vi dân sự có sự phù hợp với hợp đồng bảo đảm trong trường hợp bên bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm gồm nhiều người;
– Phần nội dung của hợp đồng liên quan đến một hoặc liên quan đến một số tài sản không đủ về điều kiện để dùng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp một nghĩa vụ được bảo đảm thực hiện bằng nhiều các tài sản;
– Phần nội dung của hợp đồng vi phạm điều cấm, trái đạo đức xã hội hoặc giới hạn về thực hiện quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự, các luật khác liên quan trong trường hợp những phần nội dung khác của hợp đồng bảo đảm không vi phạm;
– Nội dung khác theo các quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan.
Trường hợp một nghĩa vụ được nhiều người cùng bảo lãnh hoặc là được bảo đảm thực hiện bằng nhiều các tài sản mà chỉ có một, một số người cùng bảo lãnh hoặc là chỉ có một, một số tài sản bảo đảm thuộc phần nội dung của hợp đồng bảo đảm bị tuyên bố vô hiệu thì việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ sẽ thuộc phần nội dung hợp đồng bảo đảm này sẽ được giải quyết theo quy định tại Điều 338 của Bộ luật Dân sự và khoản 2 Điều 5 Nghị định 21/2021/NĐ-CP thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
3. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch bảo đảm vô hiệu:
Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch bảo đảm vô hiệu quy định đã nêu ở mục trên là 02 năm, kể từ ngày:
– Người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người đang có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi của mình, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc người đó phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm;
– Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch bảo đảm được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối;
– Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép đã chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép;
– Người không nhận thức và làm chủ được hành vi của chính mình xác lập giao dịch bảo đảm;
– Giao dịch bảo đảm được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.
Hết thời hiệu quy định trên mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch bảo đảm vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực.
Đối với giao dịch bảo đảm quy định tại Điều 123 và Điều 124 của Bộ luật dân sự thì thời hiệu để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự 2015;
– Nghị định 21/2021/NĐ-CP thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.