Các trường hợp giải thể không phải thực hiện quyết toán thuế. Đối tượng đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.
Các trường hợp giải thể không phải thực hiện quyết toán thuế. Đối tượng đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tóm tắt câu hỏi:
1/ Doanh nghiệp tư nhân khi đã được Sở Kế hoạch và đầu tư có thông báo giải thể (Cơ quan ĐKKD đã xóa tên trên sổ ĐKKD) thì có phải chịu trách nhiệm về tài sản đối với thời gian chưa được cơ quan Thuế kiểm tra quyết toán thuế hay không?
2/Doanh nghiệp có tư cách pháp nhân phải hội đủ 4 điều kiện theo quy định tại Điều 84 Bộ Luật Dân sự 2005; như vậy Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân được xem như 1 cá nhân kinh doanh, chịu trách nhiệm vô hạn về mặt tài sản thì doanh nghiệp tư nhân ngoài việc nộp thuế GTGT thì có phải nộp thuế Thu nhập cá nhân hay nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần lợi nhuận trước thuế. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 quy định DNTN thuộc đối tượng chịu thuế TNDN có trái với Bộ Luật Dân sự 2005 hay không? Xin cảm Luật sư.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Thứ nhất, căn cứ Điều 12 Thông tư 156/2013/TT-BTC được sửa đổi tại Thông tư 151/2014/TT-BTC quy định như sau:
"Điều 12. Khai thuế thu nhập doanh nghiệp
1. Trách nhiệm nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan thuế
…
8. Kiểm tra quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp thực hiện chia; hợp nhất; sáp nhập; chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; giải thể; chấm dứt hoạt động
8.1. Cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra quyết toán thuế của doanh nghiệp trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được các tài liệu, hồ sơ liên quan đến việc quyết toán nghĩa vụ thuế từ người nộp thuế trong trường hợp chia, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, giải thể, chấm dứt hoạt động trừ các trường hợp quy định tại điểm 8.2 Khoản này.
8.2.Các trường hợp giải thể, chấm dứt hoạt động cơ quan thuế không phải thực hiện quyết toán thuế:
a) Doanh nghiệp, tổ chức thuộc diện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện giải thể, chấm dứt hoạt động.
b) Doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động nhưng kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đến thời điểm giải thể, chấm dứt hoạt động, doanh nghiệp không phát sinh doanh thu, chưa sử dụng hóa đơn.
c) Doanh nghiệp thuộc diện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo kê khai thực hiện giải thể, chấm dứt hoạt động, nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
– Có doanh thu bình quân năm (tính từ năm chưa được quyết toán hoặc thanh tra, kiểm tra thuế đến thời điểm doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động) không quá 1 tỷ đồng/năm .
– Kể từ năm doanh nghiệp chưa được quyết toán hoặc thanh tra, kiểm tra thuế đến thời điểm giải thể, chấm dứt hoạt động doanh nghiệp không bị xử phạt vi phạm pháp luật về hành vi trốn thuế.
– Số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp tính từ năm chưa được quyết toán hoặc thanh tra, kiểm tra thuế đến thời điểm giải thể, chấm dứt hoạt động cao hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp nếu tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Đối với các trường hợp nêu tại tiết a, b, c điểm này, chậm nhất 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ do người nộp thuế gửi (bao gồm quyết định giải thể, chấm dứt hoạt động; các tài liệu chứng minh người nộp thuế thuộc các trường hợp nêu trên và đã nộp đủ số thuế phải nộp nếu có) thì cơ quan thuế xác nhận việc doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.
8.3. Đối với trường hợp doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động không thuộc các trường hợp nêu tại điểm 8.2 Điều này, căn cứ nhu cầu thực tế cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế đặt hàng và sử dụng kết quả kiểm tra quyết toán thuế của các công ty kiểm toán độc lập, tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế theo quy định tại Điều 18 Thông tư này”.
Như vậy, khi doanh nghiệp tư nhân giải thể mà không thuộc vào một trong các trường hợp trên thì doanh nghiệp tư nhân sau khi có quyết định giải thể thì vẫn phải nộp thuế cho đến khi cơ quan thuế xác nhận doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Thứ hai, căn cứ Điểm a) Khoản 1 Điều 2 Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định người nộp thuế như sau:
"Điều 2. Người nộp thuế
1. Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế (sau đây gọi là doanh nghiệp), bao gồm:
a) Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của
… ”
Như vậy, theo quy định của pháp luật, việc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân hay không không ảnh hưởng đến việc phải đóng thuế. Do đó, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 quy định doanh nghiệp tư nhân phải đóng thuế là không trái với quy định của Bộ Luật Dân sự 2005.