Trình tự thủ tục công chứng văn bản? Các trường hợp được phép công chứng tại nhà? Những lưu ý khi công chứng tại nhà? Trình tự thủ tục công chứng văn bản, hợp đồng tại nhà theo quy định mới nhất?
Kinh tế xã hội ngày càng phát triển dẫn đến các giao dịch dân sự phát sinh ngày càng nhiều, nội dung ngày càng đa dạng. Vì thế nhu cầu sử dụng các dịch vụ công chứng mang tính chất bắt buộc hoặc không bắt buộc cũng ngày càng gia tăng.
Để tiết kiệm được thời gian, và để giúp người yêu cầu công chứng được chủ động trong công việc, và giải quyết các vấn đề bất khả kháng thì pháp luật quy định người yêu cầu công chứng không cần phải đến cơ quan công chứng để ký hợp đồng mà có thể mời công chứng viên đến tận nhà. Như vậy các trường hợp nào công chứng viên được công chứng tại nhà và những lưu ý khi công chứng tại nhà là gì?
Luật sư tư vấn các quy định của pháp luật về thủ tục công chứng: 19006568
Mục lục bài viết
1. Trình tự thủ tục công chứng văn bản
Bước 1: Công chứng viên trực tiếp tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ của người có yêu cầu công chứng theo thứ tự. Việc kiểm tra bao gồm cả kiểm tra hồ sơ có thuộc các trường hợp được phép giao dịch theo quy định của pháp luật hay không (theo thông tin, số liệu được lưu trữ tại Phòng Công chứng).
– Trường hợp hồ sơ không đủ cơ sở pháp luật để giải quyết : Công chứng viên giải thích rõ lý do và từ chối tiếp nhận hồ sơ. Trong trường hợp giữa người yêu cầu công chứng và công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng có tranh chấp liên quan đến hoạt động hành nghề công chứng thì các bên có quyền khởi kiện vụ việc ra Tòa án để giải quyết tranh chấp đó.
-Trường hợp hồ sơ thiếu : Công chứng viên ghi phiếu hướng dẫn và yêu cầu bổ sung (phiếu ghi cụ thể các giấy tờ cần bổ sung, ngày tháng năm hướng dẫn và họ, tên của Công chứng viên tiếp nhận hồ sơ).
-Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ : Công chứng viên tiếp nhận hồ sơ.
-Trường hợp công chứng hợp đồng, giao dịch đã được soạn thảo sẵn: Công chứng viên xem xét hồ sơ, nếu phù hợp thì Công chứng viên chuyển đánh máy phần lời chứng.
Trong trường hợp có căn cứ cho rằng trong hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, việc giao kết hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu bị đe doạ, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hoặc có sự nghi ngờ đối tượng của hợp đồng, giao dịch là không có thật thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng.
Công chứng viên kiểm tra dự thảo hợp đồng, giao dịch; nếu trong dự thảo hợp đồng, giao dịch có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, đối tượng của hợp đồng, giao dịch không phù hợp với thực tế thì công chứng viên phải chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng để sửa chữa. Trường hợp người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì công chứng viên có quyền từ chối công chứng.
– Bước 2: Công chứng viên trực tiếp thực hiện hoặc chuyển chuyên viên nghiệp vụ để thực hiện những việc cụ thể do Công chứng viên phân công, soạn thảo, đánh máy văn bản, hợp đồng.
– Bước 3: Công chứng viên hoặc chuyên viên nghiệp vụ hướng dẫn khách đọc, kiểm tra nội dung bản hợp đồng. Trường hợp khách có yêu cầu sửa đổi, bổ sung, Công chứng viên xem xét và thực hiện việc sửa đổi, bổ sung ngay trong ngày hoặc hẹn lại (thời gian hẹn lại: trong vòng 02 ngày làm việc). Nếu khách đồng ý toàn bộ nội dung ghi trong hợp đồng, Công chứng viên kiểm tra năng lực hành vi dân sự của khách, giải thích quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng; hướng dẫn khách ký, điểm chỉ vào các bản hợp đồng trước mặt mình.
– Bước 4: Công chứng viên ký chứng nhận hợp đồng và chuyển hồ sơ cho Bộ phận thu phí.
– Bước 5: Khách chờ gọi tên nộp phí công chứng, thù lao công chứng, chi phí khác theo quy định và nhận hồ sơ đã được công chứng tại Bộ phận thu phí.
Thời hạn giải quyết hồ sơ: Không quá hai ngày làm việc; đối với hợp đồng, giao dịch yêu cầu công chứng phức tạp thì thời hạn công chứng không quá mười ngày làm việc.
2. Các trường hợp được phép công chứng tại nhà
Căn cứ theo Điều 44 Luật Công chứng 2014 nêu rõ, việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Điều 44. Địa điểm công chứng
1. Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
– Người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được;
– Người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù;
– Có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở tổ chức hành nghề công chứng.
Như vậy, có 3 trường hợp được công chứng ngoài trụ sở, việc này giúp giảm bớt thời gian đi lại cho khách hàng, đáp ứng nhu cầu của người yêu cầu công chứng.
Người yêu cầu công chứng phải ghi rõ: Lý do, địa điểm, thời gian yêu cầu công chứng vào Phiếu yêu cầu công chứng.
Và theo quy định của pháp luật thì việc Công chứng ngoài trụ sở không đúng quy định nêu trên bị xử phạt hành chính theo quy định tại
Điều 15. Hành vi vi phạm quy định hoạt động hành nghề công chứng
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng không đúng quy định;
b) Công chứng không đúng thời hạn quy định;
c) Sửa lỗi kỹ thuật văn bản công chứng không đúng quy định;
d) Sách nhiễu, gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng;
đ) Từ chối yêu cầu công chứng mà không có lý do chính đáng;
e) Không dùng tiếng nói hoặc chữ viết là tiếng Việt;
g) Không tham gia tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên;
h) Hướng dẫn nhiều hơn 02 người tập sự tại cùng một thời điểm;
i) Hướng dẫn tập sự khi không đủ điều kiện theo quy định;
k) Không thực hiện đúng các nghĩa vụ của người hướng dẫn tập sự theo quy định;
l) Công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp không có phiếu yêu cầu công chứng;
m) Công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp thành phần hồ sơ có giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung;
n) Từ chối hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng không có lý do chính đáng.
3. Những lưu ý khi công chứng tại nhà
Khi thuộc vào các trường hợp được phép công chứng tại nhà thì người yêu cầu công chứng và người thực hiện công chứng cần chú ý những vấn đề sau:
Thứ nhất, Việc công chứng tại nhà phải được công chứng viên chứng kiến việc ký văn bản
Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên (Điều 48
Lời chứng của công chứng viên đối với hợp đồng, giao dịch phải ghi rõ thời điểm, địa điểm công chứng, họ, tên công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng; chứng nhận người tham gia hợp đồng, giao dịch hoàn toàn tự nguyện, có năng lực hành vi dân sự, mục đích, nội dung của hợp đồng, giao dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ trong hợp đồng, giao dịch đúng là chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người tham gia hợp đồng, giao dịch; trách nhiệm của công chứng viên đối với lời chứng; có chữ ký của công chứng viên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
Quy định là vậy nhưng thực tế cho thấy, khi công chứng tại nhà, không hiếm trường hợp công chứng viên không phải là người chứng kiến việc ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng, thường là thư ký công chứng viên – người mang hồ sơ cho khách ký và chứng kiến việc ký, điểm chỉ này.
Đối với công chứng viên không chứng kiến việc người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch ký hoặc điểm chỉ vào hợp đồng, giao dịch bị xử phạt hành chính theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã
3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Tiết lộ thông tin về nội dung công chứng mà không được sự đồng ý bằng văn bản của người yêu cầu công chứng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Công chứng khi thiếu chữ ký của công chứng viên; chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người yêu cầu công chứng vào từng trang của hợp đồng, giao dịch;
c) Công chứng khi không kiểm tra, đối chiếu bản chính giấy tờ trong hồ sơ công chứng theo quy định trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch;
d) Nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người yêu cầu công chứng ngoài phí công chứng theo quy định, thù lao công chứng đã xác định và chi phí khác đã thoả thuận;
đ) Không chứng kiến việc người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch ký hoặc điểm chỉ vào hợp đồng, giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
Thứ hai, Người yêu cầu công chứng cung cấp các giấy tờ liên quan đến nội dung công chứng
Cung cấp hồ sơ và các giấy tờ có liên quan tới yêu cầu công chứng của người yêu cầu công chứng Ví dụ:
– CMND, hộ khẩu;
– Giấy chứng nhận sở hữu tài sản: sổ đỏ, đăng ký xe, sổ tiết kiệm; …
– Các giấy tờ khác có liên quan: giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, bản án ly hôn,
Trong quá trình công chứng không bắt buộc phải điểm chỉ: Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký. Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng ngón trỏ phải. Nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái. Trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón khác, ghi rõ việc điểm chỉ bằng ngón nào, của bàn tay nào.
Việc điểm chỉ cũng có thể thực hiện đồng thời với việc ký trong các trường hợp sau:
– Công chứng di chúc;
– Người yêu cầu công chứng đề nghị;
– Công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng.
Do đó, việc điểm chỉ là không bắt buộc, song đa phần các công chứng viên đều đề nghị người yêu cầu công chứng thực hiện đồng thời việc ký và điểm chỉ vào văn bản công chứng.