Khái quát về đối tượng thanh tra thuế? Quy định về quyền của đối tượng thanh tra thuế? Quy định về nghĩa vụ của đối tượng thanh tra thuế?
Trong một cuộc thanh tra thuế, đối tượng thanh tra thuế là chủ thể trọng tâm, mọi hoạt động thanh tra thuế cùng từ chủ thể này mà phát sinh và kết quả cũng xoay quanh chủ thể này. Thanh tra thuế có khả năng tác động tới lợi ích của đối tượng thanh tra, do vậy pháp luật ghi nhận quyền cho họ, tuy nhiên thanh tra thuế diễn ra trong các trường hợp đặc thù được pháp luật ghi nhận, vì lẽ đó, để đảm bảo cho hoạt động thanh tra được thuận lợi, pháp luật cũng ghi nhận về nghĩa vụ của đối tượng thanh tra thuế.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Luật Quản lý năm 2019.
Mục lục bài viết
1. Khái quát về đối tượng thanh tra thuế:
Đối tượng thanh tra thuế là thuật ngữ được sử dụng trong Luật Quản lý thuế để tạo nên sự đồng nhất với Luật Thanh tra là đối tượng thanh tra, thực tế, đối tượng thanh tra thuế là người nộp thuế thuộc một trong các trường hợp sau:
– Khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế.
– Để giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng.
– Theo yêu cầu của công tác quản lý thuế trên cơ sở kết quả phân loại rủi ro trong quản lý thuế.
– Theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, kết luận của Thanh tra nhà nước và cơ quan khác có thẩm quyền.
Các trường hợp này được quy định tại Điều 113 Luật quản lý thuế. Việc xác định đối thanh tra thuế là quan trọng nhất, là chủ thể bắt buộc trong hoạt động thanh tra, là nội dung phải có trong quyết định thanh tra và là đối tượng trọng tâm trong hoạt động thanh tra, mọi hoạt động thanh tra đều xoay quanh đối tượng thanh tra thuế. Chính vì điều đó, để đảm bảo rằng quyền, lợi ích của đối tượng thanh tra không bị ảnh hưởng, cũng như đảm bảo cho hoạt động thanh tra được diễn ra hiệu quả, nhanh chóng, pháp luật ghi nhận rất rõ về quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra thuế.
2. Quy định về quyền của đối tượng thanh tra thuế:
Quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra thuế được quy định tại Điều 118 Luật Quản lý thuế, cụ thể:
Đối tượng thanh tra thuế có các quyền sau đây:
– Giải trình về những vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra thuế;
Nếu như cung cấp các thông tin, tài liệu, báo cáo liên quan đến nội dung thanh tra thuế là nghĩa vụ thì giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra thuế là quyền của đối tượng thanh tra. Giải trình có nghĩa là đối tượng thanh tra thực hiện việc giải thích, làm rõ trách nhiệm của mình trong các vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra thuế. Tuy nhiên, việc quy định quyền giải trình khá hợp lý, bởi giải trình là hoạt động mất nhiều thời gian, đồng thời việc cung cấp các tài liệu, thông tin trước đó cũng đủ để đoàn thanh tra căn cứ để đánh giá, kiểm tra, thay vì phải buộc đối tượng thanh tra giải trình.
– Khiếu nại về quyết định, hành vi của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên của đoàn thanh tra trong quá trình thanh tra; khiếu nại về kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại; trong khi chờ giải quyết khiếu nại, người khiếu nại vẫn phải thực hiện các quyết định đó;
Khiếu nại là quyền của đối tượng thanh tra khi cho rằng quyết định, hành vi của chủ thể có thẩm quyền nêu trên gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Khiếu nại là quyền chủ động, là quyền cơ bản của công dân trước bất kỳ quyết định hành chính nào, tuy nhiên trong thời gian chờ giải quyết khiếu nại thì người khiếu nại vẫn phải thực hiện các quyết định, do vậy, có thể nói, việc thực hiện quyền định dường như mang tính đương nhiên, chỉ là sớm hay muộn, còn vấn đề giải quyết khiếu nại sau đó chỉ mang tính chất phục hồi hoặc cơ bản đảm bảo một số quyền, lợi ích cho người khiếu nại.
– Nhận biên bản thanh tra thuế và yêu cầu giải thích nội dung biên bản thanh tra thuế;
Biên bản thanh tra thuế là văn bản ghi nhận lại toàn bộ quá trình thanh tha thuế, các chủ thể trong việc thực hiện thanh tra thuế. Nhận biên bản thanh tra thuế và yêu cầu giải thích nội dung là quyền bởi vì về cơ bản, biên bản thanh tra thuế chỉ ghi nhận lại những nội dung thanh tra thuế mà không có ý nghĩa pháp lý sâu sắc, việc yêu cầu giải thích cũng chỉ diễn ra khi đối tượng thanh tra không hiểu những nội dung được ghi nhận trong biên bản và điều đó cũng không quá phổ biến.
– Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung thanh tra thuế, thông tin, tài liệu thuộc bí mật Nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
Quyền từ chối này hoàn toàn hợp lý, ngay trong chính quyền hạn của các chủ thể có thẩm quyền cũng chỉ có quyền yêu cầu cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra thuế, với các thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung thanh tra thuế, hay tài liệu thuộc bí mật Nhà nước, thì đây hoàn toàn là những tài liệu quan trọng, chẳng hạn như liên quan đến bí mật kinh doanh thì quyền từ chối cung cấp là điều dễ hiểu và phù hợp.
– Yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
Yêu cầu bồi thường thiệt hại chỉ diễn ra khi có thiệt hại xảy ra trên thực tế do hành vi vi phạm pháp luật của chủ thể có thẩm quyền gây ra trong quá trình thanh tra, yêu cầu bồi thường thiệt hại sẽ được thực hiện và giải quyết theo giải quyết bồi thường thiệt hại nhà nước.
– Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, trưởng đoàn thanh tra thuế và thành viên của đoàn thanh tra thuế theo quy định của pháp luật.
Tố cáo là quyền của đối tượng thanh tra khi cho rằng, chủ thể có thẩm quyền đã thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc lợi ích của nhà nước. Tố cáo là quyền quan trọng để đảm bảo tránh tình trạng chủ thể có thẩm quyền lạm quyền, nhũng nhiễu, gây thiệt hại cho người nộp thuế, đảm bảo kiện toàn bộ máy, thành viên cơ quan thuế.
3. Quy định về nghĩa vụ của đối tượng thanh tra thuế:
Đối tượng thanh tra thuế có các nghĩa vụ sau đây:
– Chấp hành quyết định thanh tra thuế;
Quyết định thanh tra thuế là văn bản được ban hành bởi thủ trưởng cơ quan thuế có thẩm quyền, trong đó xác định rõ đối tượng, các nội dung thanh tra, do vậy, nghĩa vụ chấp hành quyết định thanh tra thuế là nghĩa vụ quan trọng nhất, làm phát sinh các nghĩa vụ sau đó của đối tượng thanh tra thú.
– Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên của đoàn thanh tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp;
Nghĩa vụ này gắn liền với quyền yêu cầu cung cấp của chủ thể có thẩm quyền, dựa trên yêu cầu, đối tượng thanh tra buộc phải thực hiện, trong đó đặc biệt rằng, việc cung cấp phải kịp thời (nhanh chóng, đúng thời điểm), đầy đủ (không thiếu sót, đủ chứng minh các nội dung thanh tra), chính xác (đúng các nội dung thanh tra), và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu, việc cung cấp sai có thể sẽ dẫn đến việc, đối tượng thanh tra thuế phải gánh chịu các hậu quả pháp lý nhất định.
– Thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kết luận thanh tra thuế, quyết định xử lý của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, các thành viên của đoàn thanh tra và cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
Nghĩa vụ này tương tự như nghĩa vụ thứ nhất, bất kỳ các yêu cầu, kiến nghị, kết luận, quyết định xử lý đều phải được thực hiện theo đúng quy định, kể cả trong thời gian chờ giải quyết khiếu nại.
– Ký biên bản thanh tra.
Nếu như nhận, yêu cầu giải thích biên bản thanh tra là quyền thì ký biên bản thanh tra là nghĩa vụ của đối tượng thanh tra, là bước quan trọng để đối tượng thanh tra xác định lại tính chính xác trong quá trình thanh tra và là căn cứ để chứng minh rằng, đối tượng thanh tra có tham gia quá trình thanh tra.
So với
Quy định về quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra được quy định trong Luật quản lý thuế cũng có sự tương thích, đồng nhất với quy định tại Luật thanh tra, điều này càng có thêm cơ sở pháp lý chắc chắn để người nộp thuế khẳng định quyền và ràng buộc trách nhiệm khi thực hiện nghĩa vụ. Đồng thời thể hiện mối quan hệ giữa luật chung và luật riêng, phù hợp, thống nhất, đảm bảo đúng, đủ và hiệu quả trong việc áp dụng pháp luật.