Quy định về các loại hợp đồng dân sự chủ yếu? Phân loại và nội dung của từng loại hợp đồng?
Hiện nay với sự phát triển của xã hội thì các giao dịch dân sự diễn ra ngày càng phổ biến. Nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của các chủ thể trong quan hệ dân sự thì các quy định về hợp đồng dân sự ra đời. Về cơ bản thì hợp đồng dân sự được hình thành từ sự thỏa thuận của các bên để thỏa mãn nhu cầu trao đổi trong giao lưu dân sự và là một bộ phận của các quy phạm pháp luật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm mục đích để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình dịch chuyển các lợi ích vật chất giữa các chủ thể đối với nhau. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về các loại hợp đồng dân sự chủ yếu và nội dung của từng loại hợp đồng cụ thể trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Quy định về các loại hợp đồng dân sự chủ yếu:
Theo quy định tại Điều 402
“Hợp đồng gồm các loại chủ yếu sau đây:
1. Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau.
2. Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ.
3. Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ.
4. Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính.
5. Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó.
6. Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định.”
Trên đây là các loại hợp đồng chủ yếu. Mỗi loại hợp đồng sẽ có những đặc điểm cơ bản, riêng biệt khác nhau và được sử dụng trong các hoàn cảnh, công việc phù hợp. Từ đó, pháp luật nước ta đã phân chia hợp đồng theo các nhóm hợp đồng cụ thể.
2. Phân loại và nội dung của từng loại hợp đồng:
2.1. Phân loại hợp đồng dựa vào mối liên hệ về quyền, nghĩa vụ giữa các bên:
Nhằm mục đích xác định một hợp đồng có tính chất đơn vụ hay song vụ thì sẽ dựa vào mối liên hệ giữa quyền và nghĩa vụ của các bên tại thời điểm hợp đồng dân sự có hiệu lực.
– Hợp đồng song vụ:
Tại khoản 1 Điều 402 Bộ luật dân sự năm 2015 đã định nghĩa: “Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đoi với nhau”.
Hợp đồng song vụ được hiểu cơ bản là một loại hợp đồng mà các bên chủ thể đều có nghĩa vụ cần phải hoàn thành. Trong nội dung hợp đồng song vụ, mỗi bên chủ thể vừa là người có quyền vừa là người có nghĩa vụ được nêu rõ. Quyền lợi của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại.
Chính do vậy nên trong thực tế, khi các chủ thể ghi nhận các điều khoản trong hợp đồng thường ghi quyền, nghĩa vụ của một bên hoặc nghĩa vụ của hai bên.
Nếu hình thức của hợp đồng song vụ khi được các bên giao kết là văn bản thì bản hợp đồng đó cần phải lập thành nhiều bản để mỗi bên giữ một bản và nếu có chủ thể liên quan thì bên liên quan cũng giữ một bản hợp đồng.
Như vậy, hiểu một cách đơn giản thì hợp đồng song vụ là hợp đồng mà các bên chủ thể đều có nghĩa vụ. Hay nói cách khác, mỗi một bên chủ thể của hợp đồng song vụ là người vừa có quyền lại vừa có nghĩa vụ dân sự. Trong nội dung của loại hợp đồng này, quyền dân sự của bên này đối lập tương ứng với nghĩa vụ của bên kia và ngược lại.
– Hợp đồng đơn vụ:
Khác với hợp đồng song vụ thì hợp đồng đơn vụ được hiểu là loại hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ phải hoàn thành để bảo đảm quyền lợi cho bên còn lại. Bên còn lại không phải thực hiện nghĩa vụ nào cả.
Việc xác định quyền, nghĩa vụ giữa các chủ thể được bắt đầu từ thời điểm hợp đồng dân sự có hiệu lực theo thoả thuận giữa các bên.
Do đó, có những hợp đồng các bên đều có nghĩa vụ đối với nhau nhưng do thời điểm phát sinh hiệu lực hợp đồng là khi một bên đã hoàn thành nghĩa vụ của mình nên hợp đồng đó vẫn được coi là hợp đồng đơn vụ.
Trong trường hợp khi hình thức của hợp đồng được giao kết là văn bản thì các bên chỉ cần lập một bản hợp đồng giao cho bên có quyền lợi giữ.
2.2. Phân loại hợp đồng dựa vào sự phụ thuộc về hiệu lực giữa các hợp đồng:
– Hợp đồng chính:
Theo Khoản 3 Điều 402 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ.”
Theo đó, ta nhận thấy, theo quy định pháp luật hợp đồng chính khi tuân thủ đầy đủ các điều kiện do pháp luật quy định thì đương nhiên có hiệu lực và có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên kể từ thời điểm giao kết.
Hợp đồng chính tồn tại độc lập không lệ thuộc vào hợp đồng nào khác.
– Hợp đồng phụ:
Hợp đồng phụ được hiểu là hợp đồng mà hiệu lực của nó phụ thuộc vào hợp đồng chính.
Hợp đồng phụ vẫn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định về chủ thể, nội dung, hình thức và các nội dung cần có của một hợp đồng dân sự.
Ngoài ra, tùy thuộc vào hợp đồng chính là có hiệu lực pháp luật thì hợp đồng phụ có hiệu lực.
Như vậy, hợp động phụ là hợp đồng có hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính. Để hợp đồng phụ có hiệu lực thì cần phải tuân thủ các điều kiện cụ thể được nêu ở trên.
2.3. Phân loại hợp đồng dựa vào tính chất có đi có lại về lợi ích của các chủ thể:
Nếu dựa vào tính chất có đi có lại về lợi ích của các chủ thể thì hợp đồng dân sự sẽ được phân thành hợp đồng có đền bù và hợp đồng không có đền bù:
– Hợp đồng có đền bù:
Hợp đồng có đền bù được hiểu là loại hợp đồng mà trong hợp đồng đó mỗi bên chủ thể sau khi đã thực hiện cho bên kia một lợi ích sẽ nhận được từ bên kia một lợi ích tương ứng. Đa số các hợp đồng dân sự là hợp đồng có đền bù. Tính chất đền bù trong hợp đồng sẽ được các bên áp dụng để thực hiện việc trao đổi với nhau các lợi ích vật chất. Các hợp đồng có đền bù đa phần là hợp đồng song vụ mà ngược lại.
Hiện nay, vẫn có trường hợp hợp đồng có đền bù là hợp đồng đơn vụ ví dụ cụ thể như hợp đồng cho vay có lãi mà hiệu lực của nó được xác định tại thời điểm bên vay đã nhận tiền và cũng có nhiều hợp đồng song vụ không có đền bù như hợp đồng gửi giữ không có thù lao.
– Hợp đồng không có đền bù:
Hợp đồng không có đền bù được hiểu là hợp đồng mà trong đó một bên nhận được từ bên kia một lợi ích nhưng không phải giao lại một lợi ích nào. Hợp đồng không có đền bù thường được giao kết trên cơ sở tình cảm và tinh thần tương thân, tương ái giữa các chủ thể.
Cần lưu ý rằng trong quá trình giao kết hợp đồng này, dù các bên đã hứa hẹn, thống nhất ý chí nhưng việc chấp nhận đề nghị không mang tính chất ràng buộc đối với bên được đề nghị. Chính bởi vì thế mà đối với hợp đồng tặng cho tài sản, pháp luật quy định có hiệu lực khi các bên đã thực tế trao cho nhau đối tượng tặng cho hoặc đã hoàn thành thủ tục chuyển quyền sở hữu.
2.4. Phân loại hợp đồng dựa vào thời điểm phát sinh hiệu lực:
Dựa vào thời điểm phát sinh hiệu lực thì hợp đồng dân sự sẽ được phân thành hợp đồng ưng thuận và hợp đồng thực tế:
– Hợp đồng ưng thuận được hiểu là những hợp đồng mà quyền và nghĩa vụ của các bên phát sinh ngay sau khi các bên đã thỏa thuận với nhau xong về nội dung chủ yếu của hợp đồng. Trên thực tế, ta có thể hiểu thời điểm có hiệu lực của hợp đồng ưng thuận là thời điểm giao kết.
– Hợp đồng thực tế là những hợp đồng mà sau khi thỏa thuận, hiệu lực của nó chỉ phát sinh tại thời điểm khi các bên đã chuyển giao cho nhau đối tượng của hợp đồng.
2.5. Hợp đồng có điều kiện:
Hợp đồng có điều kiện được hiểu là loại hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định. Tuy nhiên, sự kiện mà các bên thỏa thuận chỉ được coi là điều kiện để hợp đồng được thực hiện hoặc được chấm dứt khi sự kiện đó đáp ứng được các yêu cầu cụ thể như sau:
– Các sự kiện mang tính khách quan, các sự kiện xuất hiện hay không nằm ngoài ý chí của các chủ thể và là tình tiết trong tương lai cụ thể là xuất hiện sau khi hợp đồng đã được giao kết.
– Nếu điều kiện đó là một công việc phải làm thì phải là những công việc mà các chủ thể có thể thực hiện được.
– Sự kiện mà các bên chủ thể thỏa thuận phải phù hợp với các quy định của pháp luật và không trái đạo đức xã hội.
2.6. Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba:
Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba được hiểu là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó.
Hiện nay vẫn có trường hợp người thứ ba không trực tiếp tham gia vào hợp đồng với tư cách chủ thể nhưng họ có quyền đối với bên có nghĩa vụ vì các bên tham gia thỏa thuận bên có nghĩa vụ phải thực hiện các nghĩa vụ cho người thứ ba. Việc thỏa thuận bên có nghĩa vụ phải thực hiện các nghĩa vụ cho người thứ ba có thể trực tiếp hoặc được coi là mặc nhiên do tính chất của hợp đồng quy định.