Các quy định mới về pháp nhân trong Bộ luật dân sự năm 2015. Điểm mới của Bộ luật dân sự 2015 về pháp nhân.
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật doanh nghiệp năm 2014;
– Luật hợp tác xã năm 2012.
2. Luật sư tư vấn:
Bộ luật dân sự năm 2015 đã được thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2015. Trong Bộ luật dân sự năm 2015, có rất nhiều quy định mới được bổ sung nhằm đáp ứng được những thay đổi của các quan hệ xã hội. Một trong những yêu cầu cần thiết của xã hội là sự hình thành và hoạt động của các tổ chức. Các tổ chức thể hiện sự hợp tác của nhiều người trong việc thực hiện công việc nhằm đạt được các mục tiêu nhất đinh. Để có thể thực hiện các công việc này một các hiệu quả và nhanh chóng nhất, các tổ chức cần phải được tự mình thực hiện các giao dịch pháp lý. Đây chính là nguyên nhân hình thành và phát triển của pháp nhân. Pháp nhân là một trong các chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, đây là một trong những chủ thể quan trọng trong pháp luật dân sự. Trong Bộ luật dân sự năm 2015, các quy định về pháp nhân đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng cụ thể hóa, chi tiết hóa các quy định của Bộ luật dân sự năm 2005. Bên cạnh đó, trong Bộ luật dân sự năm 2015, đã có những quy định mới, lần đầu tiên được thêm vào trong bộ luật dân sự.
Trong Bộ luật dân sự năm 2015, cách thức phân loại pháp nhân đã có sự thay đổi rõ rệt. Trong Bộ luật dân sự năm 2005, pháp nhân được phân loại thành 6 loại khác nhau, bao gồm:
“1. Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân.
2. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.
3. Tổ chức kinh tế.
4. Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.
5. Quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
6. Tổ chức khác có đủ các điều kiện quy định tại Điều 84 của Bộ luật này.”
Sang đến Bộ luật dân sự năm 2015, pháp nhân chỉ còn được phân thành hai loại: pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại.
Pháp nhân thương mại là những pháp nhân hoạt động nhằm tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận đó được chia cho các thành viên của pháp pháp nhân. Các pháp nhân thương mại được quy định trong luật dân sự. Bên cạnh đó, các pháp nhân thương mại còn được quy định trong Luật doanh nghiệp năm 2014, Luật hợp tác xã năm 2012 và một số văn bản quy phạm pháp luật khác. Các pháp nhân thương mại được quy định cụ thể và chi tiết về cách thức thành lập, quy chế pháp lý của thành viên tham gia pháp nhân, cơ cấu tổ chức quản lý.
>>> Luật sư
Pháp nhân phi thương mại là những pháp nhân không hoạt động vì mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận, nếu như có lợi nhuận thì lợi nhuận mà pháp nhân thu được trong quá trình hoạt động cũng không được phân chia các thành viên. Pháp nhân phi thương mại trên thực tế bao gồm các loại pháp nhân đã từng được quy định tại Bộ luật dân sự năm 2005, bao gồm: cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác. Tuy nhiên, các tổ chức phi thương mại khác muốn có tư các pháp nhân thì phải thỏa mãn được các điều kiện của pháp nhân được quy định trong bộ luật dân sự.
Ngoài ra, trong Bộ luật dân sự năm 2015, quy định thêm một trường hợp chấm dứt sự tồn tại của pháp nhân. Pháp nhân chấm dứt khi pháp nhân đó chuyển đổi hình thức.
“Pháp nhân chấm dứt tồn tại trong trường hợp sau đây:
a) Hợp nhất, sáp nhập, chia, chuyển đổi hình thức, giải thể pháp nhân theo quy định tại các điều 88, 89, 90, 92 và 93 của Bộ luật này;”
Đây là một quy định mới, lần đầu tiên được đưa vào Bộ luật dân sự.
Hiểu rõ các quy định của pháp nhân nói riêng và quy hiểu rõ quy định của Bộ luật dân sự nói chung là một trong những điều kiện cần thiết để có thể đảm bảo cho hoạt động thực hiện và áp dụng pháp luật đạt được hiệu quả, đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo tính pháp chế của hệ thống pháp luật.