Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một trong những hành vi diễn ra khá phổ biến trong đời sống hiện nay với nhiều thủ đoạn tinh vi và khó đoán. Nếu không cảnh giác thì người dân rất dễ trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo. Nhiều người đặt ra câu hỏi: Khi bị lừa đảo thì có thể nộp đơn khởi kiện ra tòa án được không?
Mục lục bài viết
1. Bị lừa đảo có thể nộp đơn khởi kiện ra Tòa án được không?
1.1. Những dấu hiệu nhận hiện hình thức lừa đảo hiện nay:
Hiện nay có rất nhiều chiêu thức lừa đảo khác nhau xảy ra trên thực tế. Có thể kể đến một số hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay như sau:
Thứ nhất, lừa đảo cho đánh số lô đề. Hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều các dấu hiệu của hình thức lừa đảo đánh số lô số đề, như phải đóng trước phí, rủi ro mất phí khi không trúng số đề và phải chia hoa hồng khi trúng số đề. Đây được coi là hình thức lừa đảo vô cùng nguy hiểm. Kẻ lừa đảo có thể tiếp cận người khác thông qua phương tiện như điện thoại hoặc tin nhắn hoặc mạng xã hội. họ quảng cáo về việc đánh số đề may mắn và có khả năng trúng giải thưởng lớn. Để tăng thêm niềm tin cho người dân thì chả lừa đảo thường sử dụng những câu chuyện thành công và chứng cứ giả để tăng tính thuyết phục và họ khẳng định rằng họ có khả năng đưa ra những số đề chính xác. Sau đó kẻ lừa đảo yêu cầu người dân phải đóng một khoản phí trước để được nhận những số đề may mắn. Họ ca tụng họ như một vị “tiên tri”. Khi người khác đã đóng phí thì kẻ lừa đảo cung cấp các số để cho người đó đánh, họ tạo ra những cảm giác hào hứng cho người dân và tin rằng những số này sẽ mang lại kết quả trúng thưởng lớn. Nếu trong trường hợp người dân không trúng thưởng thì đối tượng lừa đảo sẽ không trả lại số tiền mà người dân đã đưa trước đó, các đối tượng lừa đảo sẽ cho rằng đó là một khoản phí không hoàn trả và là một khoản phí để cung cấp số đề. Tuy nhiên trong trường hợp người dân trúng thưởng thì đối tượng lừa đảo là yêu cầu người dân phải chia hoa hồng và phải trả cho mình một khoản tiền thưởng dưới danh nghĩa là các đối tượng đó đã cung cấp cho người dân một số đề may mắn.
Thứ hai, lừa đảo tình cảm. Hiện nay có rất nhiều đối tượng lừa đảo sử dụng chiêu thức lừa đảo tình cảm và tìm kiếm người yêu qua mạng xã hội. Các đối tượng lừa đảo sử dụng một bộ hồ sơ giả hoặc đánh cắp hình ảnh của người khác, lấy những thông tin hết sức lôi cuốn sau đó thu hút sự quan tâm của nạn nhân. Kẻ lừa đảo tạo dựng một mối quan hệ cảm động và đưa ra những lời hứa hấp dẫn. Dụ dỗ nạn nhân đưa hình ảnh nhạy cảm sau đó dùng hình ảnh đó để tống tiền. Một số đối tượng lừa đảo sử dụng thủ đoạn tinh vi hơn đó là thuyết phục nạn nhân tham gia vào hoạt động đầu tư trên một sàn giao dịch mà đối tượng lừa đảo đó kiểm soát.
Thứ ba, lừa đảo tiền cộng tác viên bán hàng tại nhà. Hình thức lừa đảo này đánh vào tâm lý của người dân đó là mong muốn tìm kiếm việc nhẹ lương cao và khoản hoa hồng lớn. Đây là một trong những hình thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay dựa trên tâm lý mong muốn được tìm kiếm việc làm. Các đối tượng này thường đưa ra các yêu cầu về việc làm khá dễ dàng và không cần kỹ năng hoặc kinh nghiệm. Tuy nhiên kẻ lừa đảo thường yêu cầu nạn nhân ứng trước một số tiền để bắt đầu công việc.
Thứ tư, lừa đảo thông qua đầu tư chứng khoán quốc tế và tiền ảo. Dấu hiệu nhận biết nổi bật của hình thức lừa đảo này đó là các sàn đầu tư lừa đảo thường bữa hẹn một số lợi nhuận vượt trội, quá cao so với thị trường thực tế, yêu cầu người tham gia chuyển khoản trước khi bắt đầu giao dịch cần phải có phí đăng ký và tiền ký quỹ, sàn không có sự kiểm soát từ các cơ quan quản lý và không được cấp phép hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra còn có một số hình thức lừa đảo khác ví dụ như mạo danh cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mạo danh các cán bộ tư pháp, lừa đảo thông qua hình thức gửi quà từ nước ngoài về lãnh thổ của Việt Nam, giả danh người thu hồi nợ để yêu cầu trả một số tiền nhất định … vì vậy người dân cần phải lưu ý và có các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân.
1.2. Có thể nộp đơn khởi kiện lừa đảo ra Tòa án được không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 144 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định như sau:
– Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi của các đối tượng có dấu hiệu phạm tội với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Tin báo về tội phạm là những thông tin cơ bản về vụ việc có dấu hiệu phạm tội do các chủ thể thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng với hình thức công khai rộng rãi;
– Kiến nghị khởi tố tội phạm là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành hoạt động kiến nghị bằng văn bản kèm theo lý do chính đáng cùng với những bằng chứng và chứng cứ có liên quan đến vụ việc cho các cơ quan điều tra, viện kiểm sát có thẩm quyền để các cơ quan này thực hiện hoạt động xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm trên thực tế;
– Tố giác báo tin báo về tội phạm có thể được thực hiện bằng hình thức lời nói hoặc bằng văn bản;
– Người nào cố ý tố giác và báo tin về tội phạm sai sự thật và trái quy định của pháp luật nhằm mục đích vu khống hoặc mục đích tư lợi khác thì tùy từng tính chất, mức độ vi phạm khác nhau mà có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra căn cứ theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết các tin báo tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố, trong đó có tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
– Cơ quan điều tra;
– Viện kiểm sát;
– Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động liên quan đến hoạt động điều tra giải quyết tin báo và giải quyết tố giác về tội phạm theo thẩm quyền;
– Các cơ quan và tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tin báo về tội phạm như công an xã phường, Đồn công an, trạm công an, tòa án nhân dân các, cơ quan báo chí và các cơ quan khác.
Ngoài ra căn cứ theo quy định tại Điều 163 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về thẩm quyền điều tra. Theo đó thì cơ quan điều tra theo chức năng và nhiệm vụ của mình sẽ có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận mình có trách nhiệm quản lý. Trong trường hợp tội phạm được thực hiện ở nhiều nơi khác nhau và không cố định, tội phạm xảy ra không xác định được địa điểm thì việc điều tra tội phạm sẽ thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm xảy ra trên thực tế, nơi bị can cư trú hoặc nơi bị can bị bắt.
Như vậy theo như phân tích ở trên thì có thể nói, khi nhận thấy mình bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có dấu hiệu của hành vi phạm tội, người dân có thể làm đơn tố giác gửi đến các cơ quan điều tra. Đó có thể là cơ quan điều tra nơi người bị hại cư trú, tức là nơi bị hại thường trú hoặc tạm trú cấp quận huyện, tòa án nhân dân các cấp, hoặc các cơ quan khác nơi phát hiện tội phạm hoặc nơi xảy ra tội phạm hoặc nơi cư trú của người có hành vi phạm tội.
2. Chi phí khởi kiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Bị cáo trong vụ án hình sự sẽ không có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí hình sự sơ thẩm, không phải nộp tiền tạm ứng án phí hình sự phúc thẩm, không phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm dân sự và tiền tạm ứng án phí phúc thẩm dân sự theo quy định của pháp luật;
– Các chủ thể được xác định là bị hại hoặc nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự hoặc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự sẽ không phải thực hiện hoạt động nộp tiền tạm ứng án phí hình sự sơ thẩm, tiền tạm ứng án phí hình sự phúc thẩm và tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật;
– Bị hại và nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi liên quan trong vụ án hình sự được kháng cáo theo quy định của pháp luật đối với phần án dân sự sẽ phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm, trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc những trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của pháp luật.
Như vậy căn cứ theo quy định nêu trên thì các chủ thể sẽ không cần phải nộp tiền tạm ứng án phí đối với vụ án hình sự, dù ở cấp sơ thẩm hay phúc thẩm. Tương tự như vậy, trong quá trình khởi kiện ra tòa án đối với vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cũng không cần phải nộp tiền tạm ứng án phí hình sự sơ thẩm và phúc thẩm. Trong vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản các chủ thể chỉ bị thu tạm ứng án phí đối với trường hợp có người kháng cáo về phần dân sự, trường hợp này người nào có đơn kháng cáo sẽ phải nộp án phí dân sự phúc thẩm.
3. Thời gian giải quyết tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Pháp luật hiện nay đã quy định cụ thể về thời gian giải quyết đơn tố cáo đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Căn cứ theo quy định tại Điều 24 của Luật tố cáo năm 2020 thì, trong thời hạn 07 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, các chủ thể có trách nhiệm sẽ tiến hành hoạt động vào sổ và phân loại, xử lý ban đầu đối với thông tin tố cáo và kiểm tra xác minh thông tin mà người tố cáo cung cấp, nếu đủ điều kiện thì sẽ thụ lý tố cáo. Trong trường hợp không đủ điều kiện thụ lý thì cần phải thông báo bằng văn bản cho người tố cáo biết và nêu rõ lý do chính đáng. Thời hạn giải quyết đơn tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã được thụ lý được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật tố cáo năm 2020 cụ thể như sau:
– Thời hạn giải quyết tố cáo sẽ được xác định là không quá 30 ngày được tính kể từ ngày thụ lý đơn;
– Đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết tố cáo có thể kéo dài hơn tuy nhiên không quá 30 ngày;
– Đối với những vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn thời gian giải quyết đơn tố cáo hai lần, tuy nhiên mỗi lần không quá 30 ngày;
– Người giải quyết tố cáo quyết định bằng văn bản việc gia hạn giải quyết đơn tố cáo và thông báo đến người tố cáo và người bị tố cáo cũng như các chủ thể khác có liên quan.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
– Luật Tố cáo năm 2020.