Biên bản vi phạm giao thông là loại giấy tờ, văn bản quan trọng phản ánh đầy đủ thông tin chi tiết về hành vi vi phạm giao thông. Trong biên bản vi phạm có những nội dung cơ bản như: Thông tin người vi phạm, địa điểm vi phạm, lỗi vi phạm ... Vậy bị lập biên bản vi phạm giao thông có sao không?
Mục lục bài viết
1. Bị lập biên bản vi phạm giao thông có sao không?
Trước hết, biên bản vi phạm giao thông là văn bản vô cùng quan trọng ghi nhận đầy đủ các hành vi vi phạm giao thông của các chủ thể trong quá trình tham gia giao thông đường bộ. Nhìn chung, biên bản vi phạm giao thông sẽ bao gồm các nội dung cơ bản, mô tả chi tiết về hành vi vi phạm của các chủ thể vi phạm. Biên bản vi phạm giao thông sẽ bao gồm các vấn đề cơ bản như sau:
– Thời gian lập biên bản, địa điểm lập biên bản;
– Thông tin về người lập biên bản, các tổ chức và cá nhân vi phạm, các cơ quan và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan;
– Thời gian vi phạm, địa điểm vi phạm, mô tả cụ thể về vụ việc và hành vi vi phạm;
– Ý kiến của người vi phạm.
Theo đó thì có thể nói, người điều khiển phương tiện trong quá trình tham gia giao thông không thuộc một trong những trường hợp sau đây thì sẽ bị lập biên bản vi phạm giao thông. Cụ thể bao gồm các trường hợp cơ bản sau:
– Tại thời điểm kiểm tra và xử lý vi phạm giao thông, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không có hoặc không xuất trình được một/một số/tất cả các loại giấy tờ, cụ thể bao gồm giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kĩ thuật, giấy chứng nhận bảo vệ môi trường được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền;
– Vi phạm giao thông không thuộc trường hợp xử phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 250.000 đồng đối với các đối tượng là cá nhân vi phạm, phạt tiền lên đến 500.000 đồng đối với các đối tượng là tổ chức vi phạm;
– Các vi phạm giao thông được phát hiện thông qua quá trình sử dụng phương tiện kĩ thuật nghiệp vụ.
Theo đó thì có thể nói, khi bị lập biên bản vi phạm giao thông thì đó chỉ là loại giấy tờ ghi nhận thông tin chi tiết về hành vi vi phạm giao thông của các chủ thể, bị lập biên bản vi phạm giao thông sẽ không gặp vấn đề gì, cảnh sát giao thông chỉ căn cứ vào đó để đưa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các chủ thể vi phạm.
Bởi căn cứ theo quy định tại Điều 7 của Văn bản hợp nhất Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2022 có quy định:
– Cá nhân và tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong khoảng thời gian 06 tháng được tính kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc một năm được tính bắt đầu kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính khác, hoặc kể từ ngày hết hiệu lực thi hành đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính, mà các chủ thể đó không tái phạm thì sẽ được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính;
– Các cá nhân bị áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong khoảng thời gian hai năm được tính kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc một năm bắt đầu kể từ ngày hết hiệu lực thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà các cá nhân đó không tái phạm, thì cũng sẽ được coi là trường hợp chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Theo đó thì có thể nói, trong quá trình tham gia giao thông đường bộ, nếu như bạn lỡ có các sai phạm, và bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, thì đó sẽ được xem là giấy tờ căn cứ vào đó để đưa ra quyết định xử phạt đối với bạn, bạn sẽ có nghĩa vụ đóng phạt đầy đủ theo quy định của pháp luật. Sau khoảng thời gian 01 năm được tính kể từ ngày ban hành biên bản xử phạt vi phạm hành chính, thì bạn sẽ được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, hay nói cách khác là sẽ được coi như chưa từng bị lập biên bản.
2. Trình tự giải quyết, xử lý vi phạm giao thông như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, có quy định cụ thể về trình tự và thủ tục giải quyết, xử lý vi phạm giao thông. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, khi người vi phạm đến giải quyết vi phạm trực tiếp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì sẽ được thực hiện như sau:
– Tiếp nhận biên bản vi phạm hành chính từ người vi phạm, tiến hành hoạt động đối chiếu với hồ sơ vi phạm, trong trường hợp làm mất biên bản xử phạt vi phạm hành chính thì cần phải đối chiếu kỹ tất cả các thông tin liên quan đến nhân thân của người vi phạm với hồ sơ vi phạm;
– Không giải quyết vụ việc đối với người trung gian, ngoại trừ trường hợp những người được ủy quyền hợp pháp theo quy định của pháp luật, hoặc ngoài vị trí quy định giải quyết vi phạm hành chính của các đơn vị. Đối với những vụ việc cần phải tiến hành hoạt động xác minh để làm rõ thêm các tình tiết phức tạp thì cần phải báo cáo với người có thẩm quyền để xem xét và tổ chức hoạt động xác minh;
– Thông báo về hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp ngăn chặn, các biện pháp khác có thể áp dụng trong trường hợp cần thiết, kết quả thu thập được hành vi vi phạm bằng phương tiện kĩ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật;
– Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho người bị vi phạm hoặc người được người bị vi phạm ủy quyền, người đại diện hợp pháp của người bị vi phạm;
– Tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu biên lai thu tiền phạt theo quy định của pháp luật với hồ sơ vi phạm hành chính, sau đó lưu giữ hồ sơ theo quy định của pháp luật;
– Trả lại tang vật, phương tiện, giấy tờ tạm giữ theo thủ tục hành chính trong trường hợp người bị vi phạm bị tước quyền sử dụng hoặc tịch thu các loại giấy tờ.
Thứ hai, trong trường hợp người vi phạm thực hiện việc nộp tiền phạt vi phạm hành chính thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ công an thì sẽ được thực hiện như sau:
– Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính sẽ gửi thông tin xử phạt lên Cổng dịch vụ công, sau đó cổng dịch vụ công sẽ tự động thông báo đối với người vi phạm khi họ tra cứu thông tin liên quan đến quyết định xử phạt hành chính thông qua số điện thoại của người vi phạm đã thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan công an tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính đó;
– Người vi phạm chi cập vào Cổng dịch vụ công thông qua số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được thông báo hoặc truy cập thông qua số biên bản vi phạm hành chính để có thể tra cứu các thông tin liên quan đến quyết định xử phạt vi phạm hành chính của mình;
– Sau đó tiến hành hoạt động nộp tiền phạt vi phạm hành chính, đăng ký nhận lại giấy tờ bị tạm giữ thông qua cổng dịch vụ công, nhận lại giấy tờ thông qua dịch vụ bưu chính công ích;
– Người có thẩm quyền xử phạt sẽ tiến hành hoạt động xác giữ biên lai điện tử thu tiền xử phạt vi phạm hành chính được cập nhật trên hệ thống cổng dịch vụ công, sau đó in và lưu giữ hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, sử dụng các loại giấy tờ đó để làm căn cứ trả lại giấy tờ bị tạm giữ cho người bị xử phạt theo quy định của pháp luật;
– Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính sẽ trả lại giấy tờ cho người vi phạm thông qua dịch vụ bưu chính công ích.
3. Bị lập biên bản vi phạm giao thông nhưng không ký có phải nộp phạt không?
Theo điểm c khoản 2 Điều 20 của Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, có quy định:
– Trường hợp người vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc người vi phạm có hành vi cố tình trốn tránh, hoặc xuất phát từ các lý do khách quan trở ngại bất khả kháng mà người vi phạm đã không kí hoặc điểm chỉ vào biên bản xử phạt vi phạm hành chính, hoặc có mặt tuy nhiên từ chối ký hoặc điểm chỉ vào biên bản xử phạt vi phạm hành chính, hoặc trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm, thì chủ thể có thẩm quyền đó là tổ trưởng Tổ cảnh sát sẽ thông báo mời đại diện chính quyền địa phương nơi xảy ra vi phạm hoặc ít nhất 01 người chứng kiến để ký vào biên bản xác nhận về việc người vi phạm không kí, không điểm chỉ vào biên bản xử phạt vi phạm hành chính;
– Trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền địa phương nơi xảy ra vi phạm hoặc không có chữ ký của người chứng kiến thì các cán bộ cảnh sát giao thông cần phải ghi rõ lý do vào biên bản đó;
– Sử dụng các phương tiện kĩ thuật nghiệp vụ ghi nhận lại vụ việc, sau đó báo cáo cho thủ trưởng đơn vị bằng văn bản để làm cơ sở cho người có thẩm quyền xem xét, đưa ra quyết định xử phạt.
Theo đó thì có thể nói, mặc dù người vi phạm không kí hoặc không điểm chỉ vào biên bản xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên người đó vẫn phải có nghĩa vụ nộp phạt nếu có quyết định xử phạt được ban hành bởi chủ thể có thẩm quyền.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 20/VBHN-VPQH 2022 Luật xử lý vi phạm hành chính;
– Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông;
– Nghị định 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới;
– Nghị định 30/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
THAM KHẢO THÊM: