Bất cập trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng hiện nay. Thực trạng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Các bất cập của pháp luật về bồi thường giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất.
Mục lục bài viết
1. Cơ sở pháp lý quy định về bồi thường giải phóng mặt bằng hiện nay
Hiện nay, để đáp ứng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, Nhà nước ta đã ban hành các quy định về bồi thường giải phóng mặt bằng trong một số văn bản pháp lý sau:
– Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 hướng dẫn thi hành Luật đất đai
2. Một số quy định chung về công tác thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng
Thứ nhất, quy định về các trường hợp thu hồi đất:
Theo quy định tại Luật đất đai năm 2013, Nhà nước thực hiện thu hồi đất từ người sử dụng đất để thực hiện các mục đích trong các trường hợp sau đây:
– Thu hồi đất để thực hiện mục đích quốc phòng, an ninh
– Thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng
– Thu hồi đất do vi phạm pháp
– Thu hồi đất trong trường hợp người sử dụng đất chấm dứt việc sử dụng theo quy định hoặc tự nguyện trả lại đất hay trả đất trong trường hợp việc sử dụng có nguy cơ đe dọa đến tính mạng.
Thứ hai, quy định về thẩm quyền thực hiện thu hồi đất
Theo quy định tại Điều 66
– Đối với các trường hợp đất nông nghiệp nằm trong quỹ đất công ích của cấp xã, đất của cơ sở, tổ chức tôn giáo, người Việt Nam định cư nước ngoài không thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam hay các tổ chức nước ngoài về ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài việc thu hồi đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
– Ủy ban nhân dân cấp huyện được quyền quyết định thu hồi đối với đất của các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Lưu ý: Đối với trường hợp thu hồi đất có cả hai trường hợp trên thì việc thu hồi đất sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định
Thứ ba, nguyên tắc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất
Một là, theo quy định tại Điều 74 Luật đất đai năm 2013, việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc sau:
– Đất bị thu hồi chỉ được bồi thường khi người sử dụng đất đó có đủ điều kiện được bồi thường theo quy định của pháp luật.
– Khi thu hồi đất, việc bồi thường được thực hiện theo nguyên tắc người sử dụng đất sẽ được giao cùng loại đất với đất đã bị thu hồi. Trong trường hơp không có đất để bồi thường thì người sử dụng đất được bồi thường bằng tiền trên cơ sở giá đất của loại đất đó do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
– Khi thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phải đảm bảo công khai, công bằng, khách quan, dân chủ, kịp thời và đúng quy định.
Hai là, để được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, việc sử dụng đất của người có đất phải đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 75 của Luật đất đai năm 2013, cụ thể phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng hoặc đủ điều kiện để Nhà nước cấp Giấy chứng nhận theo quy định.
Thứ tư, trình tự thực hiện công tác thu hồi giải phóng mặt bằng
Theo quy định tại Điều 69 Luật đất đai năm 2013 công tác thu hồi đất vì các mục đích an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế- xã hội được thực hiện theo trình tự như sau:
– Cơ quan có thẩm quyền tiến hành xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hồi, tiến hành điều tra, khảo sát và đo đạc, kiểm đếm.
– Lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
– Tiến hành ra quyết định thu hồi đất, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, và hỗ trợ, tái định cư
– Tiến hành công tác bồi thường cho người sử dụng đất bị thu hồi, thực hiện giải phóng mặt bằng
Trong trường hợp người sử dụng đất không thực hiện quyết định thu hồi đất thì cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc cưỡng chế thu hồi theo trình tự sau:
– Người có thẩm quyền ra quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế trước khi tiến hành nhiệm vụ cưỡng chế thu hồi.
– Ban thực hiện cưỡng chế tiến hành đối thoại để vận động, thuyết phục người sử dụng đất bị cưỡng chết và tổ chức thực hiện cưỡng chế nếu trong trường hợp người đó không chấp hành.
3. Những bất cập trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng hiện nay
Trên thực tế, việc thu hồi đất là một trong những công tác vô cùng khó khăn, phức tạp bởi lẽ việc thu hồi đất có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức. Chính vì vậy, thực trạng hiện nay cho thấy công tác này vẫn đang còn tồn tại nhiều bất cập, cụ thể như sau:
Thứ nhất: Mức bồi thường bằng tiền khi Nhà nước thu hồi đất chưa thực sự phù hợp.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 74 Luật đất đai năm 2013 về nguyên tắc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất:
“Điều 74
…..
2. Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất”.
– Theo quy định này có thể thấy, giá đất để làm cơ sở bồi thường khi nhà nước thu hồi đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thường có mức chênh lệch với giá trị thị trường. Điều này khiến cho người sử dụng đất gặp nhiều khó khăn trong việc khôi phục lại tình hình canh tác, sản xuất và sinh hoạt sau khi bị thu hồi đất.
Bên cạnh đó, nếu trong trường hợp không được giải đáp thắc mắc kịp thời có thể dẫn đến người sử dụng đất không đồng ý về giá đất bị thu hồi.
– Chính vì việc giao quyền tự chủ cho các địa phương về giá đất thu hồi dẫn đến việc thu hồi đất ở các địa phương khác nhau cũng sẽ có mức bồi thường khác nhau. Điều này bên cạnh việc giúp cho các địa phương thu hồi đất sát với tình hình thực tế của địa phương thì cũng có mặt trái là sự so sánh giữa người sử dụng đất tại các địa phương khác nhau có điều kiện tương đồng.
Thứ hai: Về các chính sách hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất
Tại Khoản 2 Điều 83 Luật đất đai năm 2013 quy định về các chính sách hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất như sau:
“Điều 83:
……….
2. Các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm:
a) Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất;
b) Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở;
c) Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở;
d) Hỗ trợ khác”.
– Như vậy, có thể thấy pháp luật đã quy định rõ về các chính sách hỗ trợ cho người sử dụng đất có đất bị thu hồi nhưng trên thực tế việc thực hiện được rất khó khăn, đặc biệt là trong chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. Bởi lẽ không phải trong mọi trường hợp các địa phương đều có đủ khả năng để bố trí giải quyết việc làm cho người sử dụng đất khi thu hồi đất với quy mô lớn. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người sử dụng đất sau khi bị thu hồi không có việc làm, gặp nhiều khó khăn về kinh tế
– Vấn đề tái định cư còn chậm, chưa được quan tâm: Khi thực hiện thu hồi đất ở, việc bố trí tái định cư còn nhiều hạn chế chưa đảm bảo kịp thời chỗ ở cho người có đất bị thu hồi, các khu nhà ở tái định cư còn kém về chất lượng và hạn hẹp về diện tích.
Thứ ba: Cơ quan giải phóng mặt bằng chưa tuân thủ pháp luật
– Mặc dù Luật đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định cụ thể về công tác thu hồi đất, bồi thường và giải phóng mặt bằng tuy nhiên trên thực tế công tác này khi thực hiện vẫn chưa tuân thủ được hoàn toàn theo quy định. Tình trạng cơ quan chức năng mập mờ trong quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thực hiện đã gây ra nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đồng thời gây ra nhiều bức xúc trong dư luận nhận dân.
– Bản chất công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của người có đất bị thu hồi, do đó đây là vấn đề hết sức nhạy cảm cần được quan tâm. Tuy nhiên, chính vì một phần do sự yếu kém trong chuyên môn, nắm bắt quy định của pháp luật và chậm trễ trong công tác tuyên truyền, thông tin đến người có đất bị thu hồi khiến cho tình hình giải quyết công tác thu hồi càng trở nên phức tạp và khó khăn hơn.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
– Vẫn còn tồn tại nhiều bộ phận cán bộ địa phương, những người có thẩm quyền trong công tác thu hồi đất cố tình sai phạm để trục lợi khi thực hiện việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài.
Thứ tư: Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm trễ, ảnh hướng đến công tác thu hồi giải phóng mặt bằng
Theo quy định tại Điều 74 Luật đất đai năm 2013, điều kiện để được bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi chính là người sử dụng đất phải có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất tại thời điểm bị thu hồi. Tuy nhiên trên thực tế, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân chưa thực sự phổ biến, đặc biệt là ở những khu vực nông thôn, miền núi. Điều này khiến cho công tác rà soát, xem xét điều kiện bồi thường cho người sử dụng đất cũng gặp nhiều khó khăn.
Trên đây là những bất cập trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng hiện nay. Với những hạn chế bất cập đó, Nhà nước cần có những biện pháp nhằm khác phục trên để đảm bảo lợi ích cho người có đất bị thu hồi.