Quy định về bảo vệ quyền về bí mật thông tin cá nhân nói chung trong pháp luật hiện hành của Việt Nam được thể hiện thế nào? Quy định cụ thể về bảo vệ quyền về bí mật thông tin cá nhân trong hoạt động báo chí trong pháp luật hiện hành của Việt Nam.
Mục lục bài viết
- 1 1. Quy định về bảo vệ quyền về bí mật thông tin cá nhân nói chung:
- 2 2. Quy định cụ thể về bảo vệ quyền về bí mật thông tin cá nhân trong hoạt động báo chí trong pháp luật hiện hành của Việt Nam:
- 2.1 2.1. Khái niệm thông tin cá nhân và quyền bí mật thông tin cá nhân trong hoạt động báo chí:
- 2.2 2.2. Chủ thể có quyền được bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động:
- 2.3 2.3. Nghĩa vụ của chủ thể liên quan đến thông tin cá nhân trong hoạt động bảo chí:
- 2.4 2.4. Các hình thức, phương thức bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động bảo chí:
- 2.5 2.5. Quy trình bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động bảo chí:
1. Quy định về bảo vệ quyền về bí mật thông tin cá nhân nói chung:
1.1. Chủ thể có quyền được bảo vệ thông tin cá nhân:
Trước Hiến pháp năm 2013, quyền bảo vệ thông tin cá nhân nói riêng và quyền riêng tư nói chung được giới hạn là quyền công dân (quy định tại Điều 11 Hiến pháp năm 1946, Điều 71 và Điều 73 Hiến pháp năm 1992). Hiến pháp năm 2013 đã có sự thay đổi quan trọng khi mở rộng chủ thể của quyền bảo vệ thông tin cá nhân là “mọi người” mà không chỉ giới hạn là công dân Việt Nam như các bản Hiến pháp trước đây.
Điều 21, Hiến pháp năm 2013 quy định:
(1) Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. (2) Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
Một số luật chuyên ngành khẳng định chủ thể của quyền bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân là cá nhân (khoản 1, Điều 16,
Bên cạnh việc quy định về quyền bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân, một số luật chuyên ngành có quy định về quyền bảo vệ thông tin của tổ chức, ví dụ: Luật công nghệ thông tin quy định: “tổ chức, cá nhân không được trích dẫn nội dung thông tin số của tổ chức, cá nhân khác trong trường hợp chủ sở hữu thông tin số đã có cảnh báo hoặc pháp luật quy định việc trích dẫn thông tin là không được phép” (khoản 4, Điều 15); Luật giao dịch điện tử quy định:
Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (Điều 46); Luật an toàn thông tin mạng quy định: Tổ chức, cá nhân không được xâm phạm an toàn thông tin mạng của tổ chức, cá nhân khác (Điều 4)…
1.2. Nghĩa vụ của chủ thể liên quan đến thông tin cá nhân:
Bên cạnh việc quy định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ thể quản lý, cập nhật thông tin cá nhân, một số luật có quy định về nghĩa vụ của chủ thể thông tin, dữ liệu cá nhân, cụ thể:
Luật an toàn thông tin mạng năm 2015 quy định:
Cá nhân tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình và tuân thủ quy định của pháp luật về cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ trên mạng (khoản 1, Điều 16); 1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động an toàn thông tin mạng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân khác trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng. 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ trên mạng có trách nhiệm thông báo kịp thời cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoặc bộ phận chuyên trách ứng cứu sự cố khi phát hiện các hành vi phá hoại hoặc sự cố an toàn thông tin mạng (Điều 15).
Luật cư trú năm 2006 quy định trách nhiệm của công dân:
Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu về cư trú của mình cho cơ quan, người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin, tài liệu đã cung cấp (khoản 2, Điều 11).
Luật thống kê năm 2015 quy định nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê:
Cung cấp thông tin trung thực, chính xác, đầy đủ và đúng thời hạn theo yêu cầu của điều tra viên thống kê hoặc cơ quan tiến hành điều tra thống kê; không được từ chối hoặc cản trở việc cung cấp thông tin điều tra thống kê; chịu sự kiểm tra của cơ quan tiến hành điều tra thống kê và thanh tra chuyên ngành thống kê về thông tin đã cung cấp (khoản 2, Điều 33).
Ngoài một số nghĩa vụ như cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, có biện pháp tự bảo vệ thông tin cá nhân, Luật thống kê còn quy định chủ thể thông tin có nghĩa vụ “không được từ chối hoặc cản trở việc cung cấp thông tin điều tra thống kê”, trong khi đó, một số luật chuyên ngành quy định việc “cho phép” cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp cận thông tin cá nhân của mình là quyền của chủ thể thông tin (Luật an toàn thông tin mạng, Luật tiếp cận thông tin…).
1.3. Các hình thức, phương thức bảo vệ thông tin cá nhân:
Hiện nay, hệ thống pháp luật hiện hành đã bước đầu có những quy định về phương thức bảo vệ thông tin/dữ liệu cá nhân. Tại khoản 3, Điều 103, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kin”. Nguyên tắc này tiếp tục được cụ thể trong các đạo luật về tố tụng. Ví dụ:
(i) Trong lĩnh vực công nghệ thông tin:
Theo đó, Luật công nghệ thông tin năm 2006 quy định: Thông tin riêng hợp pháp của tổ chức, cá nhân trao đổi, truyền đưa, lưu trữ trên môi trường mạng được bảo đảm bí mật theo quy định của pháp luật (quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 18; khoản 1, Điều 72). Như vậy, Luật công nghệ thông tin mới chỉ dừng lại ở việc ghi nhận bảo đảm bí mật thông tin cá nhân mà chưa quy định cụ thể về phương pháp, biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân.
Luật an toàn thông tin mạng năm 2015 quy định nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng (Điều 16). Theo đó, cá nhân tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình và tuân thủ quy định của pháp luật về cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ trên mạng; cơ quan, tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với thông tin do mình xử lý. Đồng thời, Điều 19 quy định cụ thể hơn về bảo đảm an toàn thông tin trên mạng: tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân phải áp dụng biện pháp quản lý, kỹ thuật phù hợp để bảo vệ thông tin cá nhân do mình thu thập, lưu trữ; tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm an toàn thông tin mạng. Khi xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố an toàn thông tin mạng, tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân cần áp dụng biện pháp khắc phục, ngăn chặn trong thời gian sớm nhất.
Nghị định số 85/2016/NĐ-CP về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, Điều 19 quy định phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin phải đáp ứng yêu cầu cơ bản trong tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ (gồm: bảo đảm an toàn hệ thống thông tin trong khâu thiết kế, xây dựng; bảo đảm an toàn hệ thống thông tin trong quá trình vận hành; kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin…).
(ii) Trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông:
Thông tư số 06/2008/TTLT-BTTTT-BCA về bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng và an ninh thông tin trong hoạt động bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin quy định phải triển khai các giải pháp, biện pháp bảo đảm an ninh thông tin bí mật nhà nước, thông tin riêng của tổ chức, cá nhân, nội dung thư, bưu phẩm, bưu kiện, gói, kiện hàng hóa, thông tin chuyển qua mạng bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin (điểm b mục 2.II).
(iii) Trong lĩnh vực lý lịch tư pháp:
Luật lý lịch tư pháp năm 2009 quy định cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là tài sản quốc gia phải được bảo vệ chặt chẽ, an toàn, lưu trữ lâu dài; chỉ người có thẩm quyền mới được tiếp cận, khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (Điều 14).
Nghị định số 111/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều Luật lý lịch tư pháp quy định các biện pháp bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Điều 23, gồm: các biện pháp bảo vệ chung (các biện pháp phòng, chống đột nhập, trộm cắp dữ liệu; các biện pháp phòng, chống cháy, nổ; phòng, chống thiên tai), các biện pháp bảo vệ đối với hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy (xây dựng hoặc bố trí kho lưu trữ theo đúng tiêu chuẩn quy định…), và các biện pháp bảo vệ đối với dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử (các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh dữ liệu; các biện pháp bảo đảm an ninh mạng).
(iv) Trong lĩnh vực hành chính: Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định trường hợp cần thiết phải bảo đảm an toàn cho người làm chứng và những người thân thích của họ, Hội đồng xét xử quyết định không tiết lộ những thông tin về nhân thân của người làm chứng và không để những người trong phiên tòa nhìn thấy họ (khoản 5, Điều 181).
Tại Điều 47, Luật tố cáo năm 2018 quy định:
Bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (gọi chung là người được bảo vệ); Người tố cáo được bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, trừ trường hợp người tố cáo tự tiết lộ; Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người quy định tại khoản 1 Điều này đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.
Cùng với đó, Luật cư trú năm 2020 quy định các hành vi bị nghiêm cấm về cư trú:
Làm giả giấy tờ, tài liệu, dữ liệu về cư trú; sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả về cư trú; cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu sai sự thật về cư trú; khai man điều kiện, giả mạo hồ sơ, giấy tờ, tài liệu để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại giấy tờ, tài liệu về cư trú (khoản 9, Điều 7) và Truy nhập, khai thác, hủy hoại, làm cản trở, gián đoạn hoạt động, thay đổi, xóa, phát tán, cung cấp trái phép thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú (khoản 13, Điều 7).
Như vậy có thể thấy, trong lĩnh vực hành chính, Luật tố tụng hành chính, Luật tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có quy định khá cụ thể về phương thức bảo vệ thông tin cá nhân của đương sự và người tố cáo.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng có những quy định mang tính chế tài (chế tài hình sự, chế tài hành chính) để xử lý những hành vi xâm phạm quyền bảo vệ thông tin cá nhân như: Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Điều 159); Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện (điểm b, khoản 2, Điều 64; điểm a, khoản 3, Điều 64; khoản 1, Điều 65…); Nghị định số 159/2013/NĐ- CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản (điểm d khoản 2 Điều 8, điểm a khoản 1 Điều 20…); Nghị định số 158/2013/NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo (điểm b, khoản 1 Điều 4; điểm b, khoản 3, Điều 51…); Nghị định số 176/2013/NĐ-CP về xử quy phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (điểm c, khoản 3, Điều 17; điểm b, khoản 4, Điều 17; điểm a, khoản 2, Điều 46…). Kết quả rà soát nêu trên có thể thấy, các định pháp luật ở các lĩnh vực khác nhau đã có những quy định nhằm bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân phù hợp với đặc điểm của từng lĩnh vực đó.
1.4. Quy trình bảo vệ thông tin cá nhân:
(1) Trong lĩnh vực hành chính: Rà soát các quy định của pháp luật trong lĩnh hành chính cho thấy, quy trình bảo vệ thông tin/ dữ liệu cá nhân chủ yếu được thực hiện bằng quy trình lưu trữ hồ sơ, tài liệu có chứa thông tin/dữ liệu cá nhân, ví dụ: Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch quy định chế độ lưu trữ chữ ký được chứng thực (khoản 2, Điều 14); Nghị định số 111/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều Luật lý lịch tư pháp (Điều 20)…
Ngoài ra,
(2) Trong lĩnh vực hình sự:
Nghị định số 20/2012/NĐ-CP quy định cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự quy định về quản lý, bảo vệ hệ thống cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự tại Điều 8. Theo đó, hệ thống cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự là tài sản quốc gia phải được quản lý, bảo vệ chặt chẽ, an toàn theo quy định của pháp luật. Cơ quan được giao quản lý cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự có trách nhiệm xây dựng các giải pháp kỹ thuật, quy trình nghiệp vụ, quy định về việc quản lý cơ sở dữ liệu, vận hành hệ thống, an ninh, an toàn thông tin, lưu giữ dữ liệu, kiểm tra hệ thống. Trường hợp các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có yêu cầu tra cứu, cung cấp thông tin, tài liệu lưu trữ về người chấp hành án, người chấp hành biện pháp tư pháp trong cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và lưu trữ quốc gia (điểm b, khoản 9).
(3) Trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực: Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch quy định Sổ hộ tịch được lập khóa (Điều 11) và lưu trữ (Điều 12)…
Như vậy, quy trình bảo vệ thông tin/dữ liệu cá nhân ở các lĩnh vực khác nhau đều được thực hiện chủ yếu theo quy trình lưu trữ hồ sơ, tài liệu có chứa thông tin cá nhân. Đối với thông tin cá nhân được lưu trữ bằng hình thức điện tử thì hệ thống cơ sở dữ liệu được coi là tài sản quốc gia và được quản lý, bảo vệ chặt chẽ theo quy định của pháp luật.
2. Quy định cụ thể về bảo vệ quyền về bí mật thông tin cá nhân trong hoạt động báo chí trong pháp luật hiện hành của Việt Nam:
2.1. Khái niệm thông tin cá nhân và quyền bí mật thông tin cá nhân trong hoạt động báo chí:
Qua rà soát pháp luật về báo chí, có thể thấy hiện tại chưa có khái niệm cụ thể về thông tin cá nhân và quyền bí mật thông tin cá nhân hoặc các định nghĩa, giải thích từ ngữ, đưa ra nội hàm về thông tin cá nhân, quyền bí mật thông tin cá nhân trong hệ thống pháp luật về báo chí. Tuy nhiên, về cơ bản, khái niệm “thông tin cá nhân” quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thì đều thống nhất cách hiểu chung về thông tin cá nhân là những thông tin dùng để định danh một cá nhân cụ thể, vị trí, tình trạng bản thân (sức khỏe, tình hình tài chính, xu hướng chính trị…). Còn đối với các quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, về các quy định liên quan tới thông tin cá nhân, bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân trong các văn bản hiện hành, có thể hiểu các quy định đó đã điều chỉnh đến các vấn đề, khía cạnh của quyền bí mật thông tin cá nhân với tính chất là một bộ phận của quyền bí mật về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và cần phải được pháp luật bảo vệ.
2.2. Chủ thể có quyền được bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động:
Chủ thể có quyền được bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động báo chí đó là các cá nhân và tổ chức. Tại Khoản 2, Điều 13 quy định về trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân có nêu rõ: Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.
2.3. Nghĩa vụ của chủ thể liên quan đến thông tin cá nhân trong hoạt động bảo chí:
Luật Báo chí năm 2016 đã quy định khá rõ ràng về nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan chủ quản và người đứng đầu cơ quan báo chí, như sau:
Thứ nhất, về cơ quan chủ quản báo chí có những nhiệm vụ: Chỉ đạo cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ, phương hướng hoạt động; tổ chức nhân sự và chịu trách nhiệm về hoạt động của cơ quan báo chí; Bảo đảm nguồn kinh phí ban đầu và Điều kiện cần thiết cho hoạt động của cơ quan báo chí; Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với cơ quan báo chí, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật (Khoản 3, Điều 15).
Thứ hai, về nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan báo chí, bao gồm: Chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản báo chí và trước pháp luật về mọi hoạt động của cơ quan báo chí trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động của cơ quan báo chí. Phê duyệt kết cấu nội dung ấn phẩm; kênh, chương trình phát thanh, truyền hình; báo, chuyên trang của báo điện tử. Chỉ đạo thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và các quy định ghi trong giấy phép. Quản lý nhân sự, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhà báo, phóng viên, nhân viên; quản lý tài sản, cơ sở vật chất của cơ quan báo chí. Không được đảm nhiệm chức danh người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí khác (Điều 24).
Đặc biệt, Luật Báo chí năm 2016 quy định cụ thể về nghĩa vụ của nhà báo tại khoản 3, Điều 25: Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Bảo vệ quan Điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm. Không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật. Phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình và về những hành vi vi phạm pháp luật. Tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Thứ ba, trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp (khoản 1, Điều 38).
Ngoài ra, để bảo vệ người cung cấp thông tin cho báo chí, Luật báo chí cũng khẳng định: cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin, trừ trường hợp có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin; các cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên bảo vệ người cung cấp thông tin.
2.4. Các hình thức, phương thức bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động bảo chí:
Nếu như các văn bản quy phạm pháp luật ở các lĩnh vực khác quy định việc bảo vệ thông tin cá nhân theo hướng ngăn chặn các thông tin này bị tiết lộ ra ngoài khi chưa được phép của người có thông tin hoặc của cơ quan có thẩm quyền thì các quy định pháp luật trong lĩnh vực báo chí lại quy định bảo vệ thông tin cá nhân theo hướng không bị xuyên tạc, sai sự thật, cụ thể:
Luật báo chí năm 2016 quy định cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tin của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát lời cải chính, xin lỗi trên báo chí và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đó (Điều 42). Đồng thời, khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có căn cứ cho rằng cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của mình hoặc gây hiểu lầm làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của mình thì có quyền nêu ý kiến phản hồi bằng văn bản đến cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí hoặc khởi kiện tại Tòa án (khoản 1, Điều 43).
2.5. Quy trình bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động bảo chí:
Trong lĩnh vực báo chí, quy trình bảo vệ thông tin cá nhân được thực hiện theo quy định lưu chiểu báo chí. Theo đó, đối với báo chí trung ương và báo chí in tại Hà Nội, cơ quan báo chí phải nộp năm bản cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo chí ở trung ương chậm nhất là 08 giờ sáng của ngày phát hành. Đối với báo chí in tại địa phương, cơ quan báo chí phải nộp hai bản cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở địa phương chậm nhất là 08 giờ sáng của ngày phát hành, đồng thời nộp năm bản cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở trung ương qua hệ thống bưu chính. Cơ quan báo nói, báo hình có trách nhiệm lưu giữ toàn bộ chương trình đã truyền dẫn, phát sóng, thông tin về nguồn tín hiệu sử dụng để chuyển tiếp sóng phát thanh – truyền hình trung ương trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày truyền dẫn, phát sóng; cung cấp tín hiệu truyền dẫn, phát sóng theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác lưu chiểu điện tử. Cơ quan báo điện tử phải thực hiện chế độ lưu trữ nguyên vẹn nội dung thông tin đăng, phát trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đăng, phát để phục vụ công tác kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, Cơ quan báo in phải nộp năm bản ấn phẩm báo in để lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện việc lưu chiểu điện tử đối với báo nói, báo hình và báo điện tử độc lập với cơ quan báo chí theo quy định của Chính phủ; thực hiện việc đo kiểm và công bố số liệu liên quan đến hoạt động báo chí.
Luật Báo chí cũng quy định cụ thể: Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức kiểm tra báo chí lưu chiểu. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức kiểm tra báo chí lưu chiểu tại địa phương. Trường hợp phát hiện báo chí vi phạm quy định của pháp luật, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định tại Điều 59 của Luật này (Khoản 1, Điều 53).