Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi sử dụng phải sản phẩm hư hỏng. Khởi kiện đòi bồi thường khi sử dụng sản phẩm sữa bị ngộ độc.
Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi sử dụng phải sản phẩm hư hỏng. Khởi kiện đòi bồi thường khi sử dụng sản phẩm sữa bị ngộ độc.
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa Luật sư. Chúng tôi muốn kiện công ty Vinamilk vì sản phẩm kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Cụ thể là tối ngày 02.05 sau khi uống 1 hộp sữa vinamilk 110ml (còn hạn sử dụng đến tháng 09.2017) thì con gái chúng tôi (gần 6 tuổi) kêu đau bụng và đòi xoa dầu, sau khi xoa dầu thì con đi ngủ bình thường, sáng hôm sau không nghe con nói gì cả nên vẫn cho con đi học bình thường. Sáng hôm sau chuẩn bị sữa cho con đi học thì phát hiện trong thùng sữa có 1 hộp sữa bị trương phồng. Nên không cho con uống sữa này nữa. Tối ngày 03.05 đi làm về nghe con nói hôm nay bị đau bụng cả ngày, hỏi con còn đau không thì con nói lúc đau lúc không, vì lúc đó khoảng 8h rồi nên các phòng khám đóng cửa, ngay sau đó chúng tôi đã gửi mail đến trung tâm dịch vụ khách hàng để phản ánh sự việc. Đến sáng ngày 04.05 thì con bị sốt và đau bụng dữ dội. Do vậy phải đưa con đi phòng khám Tư và cho con nghỉ học, đồng thời mẹ bé phải ở nhà chăm sóc bé. Đến chiều ngày 04.05 thì bệnh con trở nặng với các triệu chứng sốt cao, ói mữa, tiêu chảy, đau bụng dữ dội và thể trạng rất yếu, vì vậy hai vợ chồng phải đưa con đi cấp cứu ở bệnh viện đa khoa Thủ Đức. Sau khi khám bác sĩ kết luận là bé bị nhiễm khuẩn đường ruột do vi khuẩn. Bệnh của bé kéo dài tới ngày 09.05 thì khỏe. Sau khi phản ánh đến công ty vinamilk thì công ty đã cử nhân viên đến giải quyết và trả lời phúc đáp: kết quả là công ty đã đổi sản phẩm mới và gửi văn bản phúc đáp hộp sữa bị lỗi là sản phẩm cá biệt, không ảnh hưởng đến cả lô hàng. Nhưng công ty không đề cập đến việc lô hàng này đã có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và thực tế là con chúng tôi đã bị ngộ độc (tuy nhiên bây giờ chúng tôi không thể chứng minh được ngộ độc là do sữa). Chúng tôi có yêu cầu công ty hỗ trợ chi phí điều trị và chi phí phục hồi sức khỏe cho con (10 triệu) nhưng công ty không giải quyết. Hiện giờ chúng tôi còn giữ hộp sữa bị lỗi và thùng sữa còn chưa sử dụng hết, giấy khám bệnh của bệnh viện đa khoa Thủ Đức. Cách xử lý của công ty chưa hợp tình hợp lý, vì không coi trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Xin hỏi luật sư chúng tôi có thể kiện công ty yêu cầu bồi thường được không? Có khả năng thắng kiện không? Chi phí luật sư và chi phí khởi kiện là bao nhiêu? Trong trường hợp không kiện mà chúng tôi viết đúng 100% sự việc này trên các trang thông tin điện tử (báo chí, facebook, youtube,…) thì có vi phạm pháp luật không? Rất mong hồi đáp của luật sư. Chân thành cảm ơn luật sư. Lê Văn Trọng (Dĩ An, Bình Dương)?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý
– Điều 22, Điều 23, Điều 24 Luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng 2010.
– Điều 584, Điều 585, Điều 590, Điều 608 Bộ luật dân sự 2015.
2. Giải quyết vấn đề
Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp. Có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
Hàng hóa mà bạn đang nhắc đến là "sữa tươi" về nguyên tắc tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật.
Theo đó, mặc dù sản phẩm hàng hóa đang còn trong thời hạn sử dụng – lỗi không phát sinh từ việc bạn cho con uống sữa hết hạn, con bạn uống sữa có hạn sử dụng đến tháng 9/2017. Như vậy, có thể hàng hóa là "sữa" là sản phẩm bị khuyết tật, bên gia đình bạn không được cảnh báo cũng không thể biết thì vẫn có quyền yêu cầu bồi thường.
Gia đình bạn cần phải chuẩn bị chứng cứ chứng minh thiệt hại sức khỏe xảy ra với con gái bạn do việc sử dụng sản phẩm sữa thuộc công ty Vinamilk. Bên tổ chức sản xuất sản phẩm hàng hóa có trách nhiệm bồi thường các chi phí như sau:
+ Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại, chi phí này bạn cần phải có hóa đơn chứng từ đầy đủ từ phía cơ sở y tế – Bệnh viện đa khoa Thủ Đức
+ Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị như tiền lương, tiền công bình quân mà vợ chồng bạn bị mất đi do nghỉ việc để chăm sóc con trong thời gian từ ngày 04/05 – 09/05.
>>> Luật sư tư vấn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng: 1900.6568
Ngoài những khoản bồi thường chi phí phát sinh thực tế nêu trên bạn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần (khủng hoảng tâm lý, lo lắng….) mức bồi thường do các bên thỏa thuận được ưu tiên, nếu không thỏa thuận được có thể yêu cầu Tòa án giải quyết, mức tối đa bồi thường tổn thất về tinh thần là 50 lần mức lương cơ sở, lương cơ sở hiện tại 1.210.000 đồng/tháng.