Thủ tục phá sản là một thủ tục đòi nợ đặc biệt, giúp các chủ nợ có thể đòi nợ theo một trật tự được quy định trước, được thực hiện thông qua một thiết chế có thẩm quyền với chi phí thấp nhất, hiệu quả đòi nợ cao nhất, giúp cân bằng, hài hoà lợi ích giữa các chủ nợ.
Mục lục bài viết
1. Thủ tục phá sản là một thủ tục đòi nợ tập thể:
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp diễn ra hàng ngày, hoạt động đó yêu cầu phải đảm bảo được bảng cân đối tài sản – nguồn vốn, để đảm bảo được bảng cân đối này, các doanh nghiệpđã thực hiện các nghiệp vụ đầu tư, huy động vốn, mua bán hàng hóa, dịch vụ ... Các hoạt động này diễn ra liên tục, phát sinh nhiều hình thức thanh toán, trong đó có thanh toán ngay, thanh toán trả chậm ... Việc huy động vốn, chậm thanh toán có thể được bảo đảm bằng tài sản hoặc không có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp này. Khi rủi ro trong kinh doanh xảy ra có thể dẫn đến việc không kịp thời thanh toán các khoản nợ và có thể dẫn đến không thể thanh toán được các khoản nợ. Chủ nợ tiến hành ngay các biện pháp cần thiết theo quy định pháp luật để đòi nợ:
+ Đối với các khoản nợ có bảo đảm thì chủ nợ có quyền yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.
+ Đối với khoản nợ không có bảo đảm thì chủ nợ khởi kiện để yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Tòa án, Thi hành án dân sự) tiến hành cưỡng chế bán tài sản của doanh nghiệp để thu hồi nợ.
Khi phải giải quyết mối quan hệ nợ nần giữa một con nợ với nhiều chủ nợ, ở trạng thái mà sản nghiệp còn lại của con nợ không còn đủ để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với tất cả các chủ nợ, thì thủ tục dân sự đã thể hiện một số những khiếm khuyết như:
Thứ nhất, nếu sử dụng thủ tục lấy nợ dân sự trong trường hợp một con nợ có nhiều chủ nợ thì sẽ có sự xuất hiện đồng thời của nhiều vụ kiện dân sự trên thực tế và điều này dẫn đến hệ quả là sự quá tải của hệ thống tòa án, cũng như chi phí đòi nợ lớn cũng sẽ làm mất đi một phần sản nghiệp vốn đã hạn hẹp của con nợ, trực tiếp ảnh hưởng đến lợi ích của các chủ nợ;
Thứ hai, thủ tục dân sự chỉ cho phép chủ nợ thực hiện quyền đòi nợ của mình khi khoản nợ đã đáo hạn. Vì vậy khi các khoản nợ không đáo hạn cùng một lúc sẽ dẫn đến tình trạng “lo âu” của các chủ nợ có các khoản nợ đáo hạn sau khi mà họ nhìn thấy sản nghiệp của con nợ đã không còn hoặc còn rất ít và chắc chắn sẽ không đủ để thực hiện nghĩa vụ thanh toán đối với mình. Ngay cả khi các khoản nợ đáo hạn cùng một lúc thì theo thủ tục dân sự, cơ quan tài phán cũng chỉ có thể ra phán quyết buộc con nợ có nghĩa vụ phải thanh toán, không thể giải quyết thỏa đáng vấn đề con nợ không còn khả năng thực hiện đồng thời tất cả các nghĩa vụ tài sản của mình.
Trong trường hợp, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán có nhiều chủ nợ và tài sản còn lại của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán không đủ thanh toán cho tất cả các chủ nợ này thì việc đòi nợ một cách trực tiếp theo cách thức vừa nêu trên không được đảm bảo hết các quyền lợi của tất cả các chủ nợ, không đem lại trật tự nhất định trong việc đảm bảo công bằng cho các chủ nợ, không tối đa hóa giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp mắc nợ. Bởi các lý do:
Thứ nhất, chỉ những chủ nợ nào thực hiện đòi nợ thông qua con đường con đường Tòa án, Thi hành án trước thì được ưu tiên thanh toán trả nợ trước, còn những chủ nợ không thực hiện việc khởi kiện kịp thời sẽ không được thanh toán trước đối với những tài sản còn lại của doanh nghiệp mắc nợ. Do đó, dẫn đến việc tranh đua giữa các chủ nợ trong quá trình thu hồi nợ dẫn đến chi phí thu hồi nợ cao trong quá trình đòi nợ (Chi phí theo dõi việc đòi nợ của các chủ nợ khác với con nợ, chi phí mua những thông tin cần thiết phục vụ cho việc đòi nợ thành công...).
Thứ hai, việc đòi nợ riêng lẻ dẫn đến các chủ nợ cùng xâu xé doanh nghiệp nhằm mục đích lấy được nợ hoặc được một phần tài sản nào đó, ảnh hưởng lớn đến việc tái cơ cấu lại doanh nghiệp do doanh nghiệp mất khả năng thanh toán tự mình thực hiện để kịp thời khắc phục nhằm hồi phục doanh nghiệp. Trong điều kiện sản nghiệp của con nợ không còn đủ để đồng thời thanh toán hết tổng số nợ, dù con nợ có trao toàn bộ sản nghiệp của mình cho các chủ nợ thì rủi ro vẫn là quá lớn đối với các chủ nợ. Nếu có thể, bằng một giải pháp nào đó và với sự trợ giúp của các chủ nợ, mà con nợ còn có thể tiếp tục tồn tại thì cơ hội để thu hồi đủ số nợ cho các chủ nợ lại trở lên khả quan hơn. Như vậy, việc tối đa hóa trong thu hồi nợ không thể tách rời khỏi vai trò và sự thiện chí của chính con nợ. Bên cạnh đó, con nợ, khi không còn khả năng phục hồi nhưng đã thiện chí trả nợ, đáng được pháp luật bảo vệ để có thể rút lui một cách an toàn khỏi thị trường, được giải phóng nợ để có thể tạo lập cho mình một sản nghiệp mới. Tính chất này của thủ tục phá sảncho thấy, trọng tâm của việc giải quyết một vụ việc phá sản chính là việc giải quyết mối quan hệ giữa một bên là các chủ nợ với một bên là con nợ. Như vậy, PLPS, như chức năng tự thân của nó, có nghĩa vụ đảm bảo việc thu hồi nợ một cách tối đa và công bằng cùng lúc cho nhiều chủ nợ nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo tính nhân văn trong mối quan hệ với con nợ.
Thứ ba, việc tranh đua đòi nợ giữa các chủ nợ có thể dẫn đến phá hủy tài sản của doanh nghiệp, làm giảm sút giá trị tài sản của doanh nghiệpmất khả năng thanh toán và từ đó ảnh hưởng xấu đến khả năng thu hồi nợ của các chủ nợ.
Thứ tư, việc tranh đua đòi nợ giữa các chủ nợ dẫn đến ảnh hưởng đến trật tự xã hội.
Như vậy, việc hình thành LPS như là một phương thức để đảm bảo được các áp lực vừa phân tích trên, cụ thể nó đảm bảo các mục tiêu như sau:
+ Tối đa hóa giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán để việc thu hồi nợ được đảm bảo cao nhất;
+ Đưa ra những cơ hội thực tiễn cho việc tổ chức lại doanh nghiệp khi mà quyền lợi của chủ nợ và nhu cầu xã hội có thể được đáp ứng tốt hơn bằng cách duy trì hoạt động của doanh nghiệp con nợ chứ không phải là thanh toán doanh nghiệp đó;
+ Quy định cách thức đối xử đối với các chủ nợ công bằng;
Luật Phá sản được hình thành nhằm mục đích giúp cho các chủ nợ đòi nợ từ doanh nghiệpmắc nợ, thông qua vai trò của một thiết chế nhà nước có thẩm quyền (có thể là tòa án hoặc một cơ quan nhà nước đặc biệt) để đòi nợ tập thể.
Tóm lại, có thể hiểu rằng, thủ tục phá sản chính là một thủ tục đòi nợ đặc biệt, bởi đây là thủ tục dành riêng cho việc đòi nợ tập thể của các chủ nợ, là thủ tục giúp các chủ nợ có thể đòi nợ theo một trật tự được quy định trước, được thực hiện thông qua một thiết chế có thẩm quyền (thường là Toà án) với chi phí thấp nhất, hiệu quả đòi nợ cao nhất và việc tuân theo thủ tục đòi nợ này còn giúp cân bằng, hài hoà lợi ích giữa các chủ nợ.
2. Thủ tục phá sản là một thủ tục giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán:
Nếu đứng ở góc độ các chủ nợ thì thủ tục phá sản là thủ tục đòi nợ đặc biệt, thủ tục đòi nợ tập thể. Nếu đứng ở góc độ doanh nghiệpmất khả năng thanh toán thì thủ tục phá sảncó thể được xem là thủ tục thanh toán nợ đặc biệt.
Trong quá tìm kiếm giải pháp tối đa hóa giá trị tài sản phá sản và tối ưu hóa khả năng thu hồi nợ cho các chủ nợ, các cuộc họp giữa chủ nợ và doanh nghiệpmất khả năng thanh toán diễn ra. Chính doanh nghiệp mất khả năng thanh toán muốn thanh toán nhiều cho chủ nợ, chủ nợ thì cũng muốn được trả nhiều hơn. Do vậy, các bên tìm mọi cách để tối đa hóa giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và đây cũng là mục tiêu quan trọng nhất trong mọi cuộc họp muốn đạt được.
Việc định giá và tiến hành bán các tài sản còn lại của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán trong hoàn cảnh đang trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản sẽ không đạt theo yêu cầu của các bên, giá bán luôn thấp hơn giá trị thực của giá trị tài sản còn lại, bởi tâm lý người mua tài sản thường e ngại khi mua và cho rằng sẽ gặp xui xẻo khi mua tài sản này. Đồng thời, việc thanh lý hàng loạt các tài sản phá sản cùng lúc dẫn đến giá bán thấp hơn so với giá mà những người mua thông thường có nhu cầu mua đưa ra. Việc tìm được người mua thật sự gặp rất nhiều khó khăn, bởi bản thân doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, chủ nợ và người mua cũng chưa thật sự định hết được giá trị của tài sản còn lại mà doanh nghiệp đang nắm giữ. Tài sản của doanh nghiệp đang là tài sản được đồng bộ hóa, khi định giá bán thì lại không định giá được sự đồng bộ hóa đó, tài sản vô hình của doanh nghiệp khi phá sản thì bị định giá là không còn giá trị, ...
Như vậy, thanh lý tài sản phá sản không mang lại hiệu quả thu hồi nợ cho các chủ nợ, thì việc tổ chức, phục hồi lại doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thay vì thanh lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là cần thiết để giúp các chủ nợ thu được giá trị cao nhất từ các tài sản phá sản. Đối với các chủ nợ, mở thủ tục phá sản vẫn giữ nguyên giá trị là một thủ tục đòi nợ đặc biệt. Chỉ có điều để đòi được nợ, người ta không nhất thiết phải thanh lý tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, mà trong rất nhiều trường hợp, việc tái phục hồi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán mà thành công sẽ đạt được hiệu quả đòi nợ tối ưu hơn cho các chủ nợ.
Chính vì thế, Luật Phá sản, đứng ở góc độ của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán đã phát triển theo hướng là Luật về giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán cho doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Nền kinh tế thị trường hiện đại, các doanh nghiệp phụ thuộc lẫn nhau rất lớn, sự chấm dứt hoạt động của các doanh nghiệp này gây ra những hậu quả lớn cho doanh nghiệp khác và cho xã hội. Luật Phá sản hiện đại hướng có xu thế vượt trội là hướng đến việc tái tổ chức, tái cấu trúc lại các doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán hơn là tuyên bố phá sản. Việc tuyên bố phá sản đối với các doanh nghiệp chỉ đặt ra khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thuộc vào trường hợp không thể thực hiện phục hồi hoặc đã tiến hành thủ tục phục hồi nhưng không thành công. Vì lý do này mà ngày nay, ở một số nước, LPS đã được đổi tên gọi thành Luật về giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán.