Khi ly hôn ai là người có quyền nuôi con? Quyền nuôi con sẽ do ai phán quyết? Có thể thỏa thuận quyền nuôi con được không? Điều kiện, cách để giành quyền nuôi cả 2 con khi ly hôn?
Mục lục bài viết
- 1 1. Giành quyền nuôi cả 2 con khi ly hôn?
- 2 2. Ai có quyền nuôi con? Gia đình chồng có quyền ngăn cản không?
- 3 3. Thủ tục giành lại quyền nuôi con sau ly khi hôn
- 4 4. Quyền nuôi con khi chồng đang ở nước ngoài
- 5 5. Quyền nuôi con dưới 2 tuổi thuộc về ai khi ly hôn?
- 6 6. Giành lại quyền nuôi con khi bị mẹ hành hạ, đánh đập
- 7 7. Ly hôn làm sao để giành được quyền nuôi con?
- 8 8. Muốn giành quyền nuôi con và cấm chồng gặp con
- 9 9. Điều kiện để giành quyền nuôi cả hai đứa con
1. Giành quyền nuôi cả 2 con khi ly hôn?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có 1 vấn đề muốn trình bày mong luật sư tư vấn giải thích giúp tôi. Tôi đã kết hôn được 5 năm, tôi có 2 cháu trai. 1 bé 4 tuổi, 1 bé gần 2 tuổi. 2 năm gần đây chồng tôi luôn luôn có những lời nói cục súc, bậy bạ trước mặt tôi và con cái, và rất vũ phu, đánh tôi hết lần này đến lần khác. Chỉ vì 1 lý do vớ vẩn, cũng trì triết đánh đập tôi, tím mày tím mặt. Giờ tôi muốn ly hôn vì không thể chịu cảnh này được nữa, con tôi cũng không thể lớn lên trong gia đình thế này. Nhưng tôi lại không có công ăn việc làm thì liệu tôi có mất quyền nuôi con không? Và chồng tôi dùng vũ lực với vợ sẽ bị phạt ra sao? Mong luật sư tư vấn giúp tôi. Tôi chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
* Trước hết, về quyền nuôi con sau khi ly hôn:
Căn cứ Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
“- Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
– Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
– Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Như vậy, khi ly hôn, con bé sẽ được giao cho chị nuôi, chỉ trừ trường hợp hai vợ chồng thỏa thuận với nhau hoặc chị không đủ điều kiện nuôi con. Điều kiện nuôi con sẽ được xem xét dựa trên 02 điều kiện chính:
– Điều kiện kinh tế: Có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống cả mẹ và con.
– Điều kiện nhân thân: Nhân thân tốt, không vi phạm pháp luật, không có hành vi bạo lực gia đình, có lối sống lành mạnh,…
Nếu chị đảm bảo được 02 điều kiện trên thì chị sẽ có quyền nuôi con bé. Đối với con lớn, tòa án sẽ xem xét trên 02 điều kiện trên để quyết định giao con cho ai nuôi là hợp lý.
Bạn nói rằng hiện nay bạn không có thu nhập, tuy nhiên chồng bạn có hành vi bạo lực gia đình, có lối sống thiếu văn hóa. Do đó, bạn vẫn có khả năng giành được quyền nuôi con, để đảm bảo cho cuộc sống của cả mẹ và con, bạn nên nhanh chóng tìm kiếm việc làm để đảm bảo cuộc sống cho con.
Luật sư
* Về hành vi bạo lực gia đình của chồng bạn:
Theo quy định tại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 thì các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
“- Hành vi bạo hành thể xác: hành hạ, ngược đãi, đánh đập, cố ý xâm hại đến sức khỏe, tính mạng người khác;
– Hành vi bạo hành tình dục: cưỡng ép quan hệ tình dục;
– Hành vi bạo hành tinh thần: lăng mạ, cố ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây ra những hậu quả nghiêm trọng;
– Hành vi bạo hành khác: cưỡng ép thành viên trong gia đình tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ của thành viên trong gia đình; chiếm đoạt, hủy hoại, đập phá hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình; …”
Với mỗi hành vi bạo lực nêu trên thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Theo đó, nếu hành vi bạo lực chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng và chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm để xử lý hình sự sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính dưới hình thức phạt tiền và các biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả.
Căn cứ điểm b Khoản 2 Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định:
“2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
…
b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.”
Ngoài ra, nếu gây thương tật cho chị thì chồng chị có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
2. Ai có quyền nuôi con? Gia đình chồng có quyền ngăn cản không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư. Cho em hỏi, em có chị gái mới lấy chồng mất sớm khi chị em lấy chồng khác thì con của chị em, chị em có được nuôi không ạ. Gia đình nhà chồng chị em có quyền gì ngăn cản chị em nuôi con không ạ. Em cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về các quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con cái trong đó Điều 69 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định như sau:
“Điều 69. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ
1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.”
Trong trường hợp này, chồng của chị gái bạn đã mất nên chị gái bạn là người có quyền trực tiếp nuôi con mà không bị hạn chế vì bất kì lý do gì nhằm tạo môi trường sống và điều kiện tốt nhất cho con của chị gái bạn. Tuy nhiên trừ trường hợp pháp luật quy định về hạn chế quyền của cha mẹ đối với con tại Điều 85 Luật hôn nhân và gia đình 2014:
“Điều 85. Hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên
1. Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:
a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
b) Phá tán tài sản của con;
c) Có lối sống đồi trụy;
d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
2. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 86 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này.”
Nếu chị gái bạn hoàn toàn không thuộc các trường hợp nêu ở Điều 85 Luật hôn nhân gia đình 2014 thì chị gái bạn có quyền tiếp tục nuôi con. Còn nếu như chị bạn thuộc một trong các trường hợp trên thì theo quy định tại Điều 86 Luật hôn nhân gia đình 2014 gia đình chồng chị gái bạn có quyền yêu cầu hạn chế quyền nuôi dưỡng của chị gái bạn có thể nhận con gái của chị gái bạn về nuôi dưỡng.
3. Thủ tục giành lại quyền nuôi con sau ly khi hôn
Tóm tắt câu hỏi:
Xin cho e hỏi: Em có chị gái có con được 5 tuổi đã ly dị nhưng chị không được nuôi con vì gia đình chồng có điều kiện hơn. Nhưng nay chị lại muốn được nuôi con vì chị có đủ khả năng lo cho bé, chồng chị lại ham nhậu nhẹt. Vậy cho tôi hỏi tỷ lệ được nuôi con của chị tôi là bao nhiêu và trình tự thủ tục như thế nào để bắt đầu việc giành lại quyền nuôi con. Tôi xin chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Khoản 1 Điều 69 quy định“Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, …” đây là quyền, đồng thời cũng là nghĩa vụ của cha mẹ. Hơn nữa “ Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng …”(Điều 7). Như vậy cha mẹ có quyền nuôi con và quyền đó ngang nhau, do vậy sau khi ly hôn việc chăm sóc nuôi dưỡng con vẫn không thay đổi, cụ thể được quy định tại:
Điều 81 về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:
“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con….”
Trước đó, chị không được nuôi con vì gia đình chồng có điều kiện hơn tuy nhiên hiện nay chị đã đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì chị có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con khi có các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 84 về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn“a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”
Thứ nhất, chị có thể thỏa thuận với anh để được nuôi con;
Thứ hai, nếu anh, chị không thể thoả thuận được với nhau thì Toà án sẽ có quyền trao quyền nuôi con cho một bên anh hoặc chị. Chị có thể yêu cầu Tòa án thay đổi người nuôi con (vì anh ham nhậu nhẹt) cụ thể là không thể tiếp tục nuôi con nữa. Tuy nhiên chị không nói rõ là con chị bao nhiêu tuổi, nếu con chị trên 7 tuổi thì còn phải xem xét nguyện vọng của con theo Khoản 3 Điều 84 ”Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.”
Nếu anh, đồng ý thuộc trường hợp nêu ở điểm a khoản 2 Điều 84 Luật hôn nhân gia đình 2014 hoặc thuộc trường hợp nêu ở điểm b khoản 2 Điều 84 Luật hôn nhân gia đình 2014 hoặc con chị từ 7 tuổi trở lên mà có nguyện vọng được chị chăm sóc, nuôi dưỡng thì chị có quyền tiếp tục nuôi con. Còn nếu thuộc một trong các trường hợp trên và cả chị và anh đều không đủ điều kiện để nuôi con thì theo quy định tại Điều 86 Luật hôn nhân gia đình 2014 gia đình anh có quyền yêu cầu hạn chế quyền nuôi dưỡng của chị và nhận con chị về nuôi dưỡng.
Pháp luật Việt nam quy định vấn đề giải quyết việc tranh chấp người trực tiếp nuôi con khi ly hôn cụ thể như sau:
Căn cứ Khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân gia đình 2014 thì để chị được quyền nuôi con có hai cách để giải quyết như trình bày trên đây:
Thứ 1: Vợ chồng có thể thỏa thuận với nhau để vợ hoặc chồng là người trực tiếp nuôi dạy, chăm sóc con;
Thứ 2: Trường hợp vợ chồng nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án quyết định người được trực tiếp nuôi con.
Về nguyên tắc, việc ai là người nuôi con sau khi ly hôn có thể được các bên tự thỏa thuận với nhau và được tòa án ghi nhận trong bản án. Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi về của con chị, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần và phải xem xét đến nguyện vọng của con muốn được sống trực tiếp với ai để quyết định việc trao quyền nuôi con cho vợ hoặc chồng.
Như vậy chị phải chứng minh đầy đủ cho Tòa án phương diện sau đây để quyết định việc trao quyền nuôi con cho chị:
– Điều kiện về vật chất: ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập…các yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của chị;
– Các yếu tố về tinh thần
– Nguyện vọng của con: Con mong muốn được ở với ai (nếu con chị trên 7 tuổi)
Để tiến hành thủ tục khởi kiện đòi quyền nuôi con, chị cần phải gửi đơn khởi kiện và các chứng cứ kèm theo đến Tòa án nhân dân cấp huyện (Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) nơi anh đang cư trú. Chị có thể nộp đơn khởi kiện trực tiếp tại Tòa hoặc gửi đến Tòa án qua đường bưu điện.
4. Quyền nuôi con khi chồng đang ở nước ngoài
Tóm tắt câu hỏi:
Chúng tôi lấy nhau từ tháng 1/2012 đến tháng 4/2012 thì vợ chồng tôi có đứa con trai, từ lúc cưới nhau tới giờ chúng tôi có khá nhiều chuyện không hợp và điển hình là vợ tôi cứ một khoảng thời gian dài là nhắn tin gọi điện với người yêu cũ, tôi đã dùng rất nhiều biện pháp răn đe nịnh nọt và cả đánh cô ấy nhưng cô ấy không nhận mà chỉ nói là bạn.
Hôm nay là ngày 17/10 tôi đã sang Đài Loan làm việc được gần 4 tháng, tôi vào email của cô ấy thì lại thấy cô ấy nhắn tin anh em với chính cái người cũ ấy, bọn họ còn nói chuyện trên Zalo mà tôi không hề hay biết. Hôm qua tôi điện về nói cho bố mẹ tôi và bố mẹ tôi đã mắng cô ta, đến hôm nay cô ta không đi làm và trở con trai tôi đi ra khỏi nhà từ sáng. Ở bên ông bà ngoại thì cũng liên lạc cho tôi để đi tìm con và cháu.
Tôi làm đơn này kính mong quý luật sư tư vấn giúp tôi là chúng tôi không sống được với nhau muốn ly hôn thì đứa con sẽ được ở với mẹ hay ở với bố. Tôi đi lao động ở Đài Loan thời hạn 3 năm .Vợ tôi dạy hợp đồng ở trường mẫu giáo một tháng được 1.200.000 VND. Mong quý luật sư sớm có câu trả lời giúp tôi. Chân thành cảm ơn quý luật sư!
Luật sư tư vấn:
Bạn không trình bày rõ là 4/2012 là vợ bạn mang thai bé trai hay là sinh bé trai nên chưa xác định chính xác độ tuổi của bé. Theo quy định của Luật hôn nhân gia đình 2014 thì:
Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Việc nuôi con trong trường hợp này được xác định như sau:
– Con dưới 36 tháng tuổi thì quyền nuôi con dành cho người mẹ.
– Con từ 3 đến dưới 7 tuổi thì xác định dựa trên khả năng nuôi dưỡng, giáo dục con.
– Con từ 7 tuổi trở lên thì căn cứ vào ý kiến, nguyện vọng của con.
Như vậy, còn phụ thuộc vào độ tuổi của con thì mới xác định được con sẽ dành cho mẹ hay bố nuôi.
5. Quyền nuôi con dưới 2 tuổi thuộc về ai khi ly hôn?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi lấy chồng được 3 năm, do mâu thuẫn giữa mẹ chồng quá lớn. Hiện tôi muôn li hôn chúng tôi có 1 con chung 20 tháng tuổi và chồng tôi có con riêng được 7 tuổi. Vậy tôi muốn dành quyền nuôi con của tôi được không?
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
“- Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
– Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
– Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Trong trường hợp này, con bạn được 20 tháng tuổi (tức là dưới 36 tháng tuổi) nên quyền nuôi con sẽ được ưu tiên giao cho người mẹ, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Khi xem xét ai sẽ là người có quyền nuôi con, Tòa án sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau với mục đích tìm được người có thể đáp ứng tối đa yêu cầu cho sự phát triển của đứa trẻ như:
– Điều kiện về kinh tế bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập…các yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ:
– Điều kiện nhân thân bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn… của cha mẹ.
Nếu bạn có đủ khả năng kinh tế cũng như về nhân thân như trên thì bạn sẽ giành được quyền nuôi con với chồng bạn.
6. Giành lại quyền nuôi con khi bị mẹ hành hạ, đánh đập
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư con 18 tuổi con muốn xin hỏi ý kiến luật sư con là chị cô bác với 1 bé 12 tuổi ba mẹ bé ly hôn nhưng không có ra toà án bé được mẹ nuôi dưỡng 1 thời gian khi bé nhỏ bé bị mất thông tin với gia đình nội khoảng 2-3 năm gần đây bé gặp lại ba ruột và biết được Mẹ bé thì lấy 2-3 người chồng khác và bé không ở được với ba ghẻ thậm chí là người mẹ vì lý do mẹ bạo hành đánh đập la mắng và nuôi bé ở môi trường không tốt trong suốt thời gian ở với mẹ bé bị nghiện nét và ăn nói như gian hồ.Bé được ba dẫn đi nơi khác và để bé a với bà nội và cô ruột sống khoảng được gần 2 năm.
Trong thời gian bé ở với gia đình nội bên nội đồng ý cho bé điện thoại liên lạc gặp mẹ thăm nom với mẹ bé không ngăn cản. Nhưng trong khoảng thời gian đó mẹ bé chỉ gửi khoảng được vài trăm để nuôi bé. Bên nội thấy vậy lo lắng chăm nom quần áo thì khi bé về bên mẹ mẹ bé bảo bên nội cho chưng diện tập tành ăn chơi . và mẹ bé bắt lại nhốt và không cho bé liên lạc và hâm doạ sẽ đánh bé nếu bé bỏ đi vì bé rất sợ con đường cũ khi ở với mẹ sẽ bị đòn và quay lại nghiện nét .
Sợ cả thể chất lẫn tinh thần. Bé kêu chị 2 dẫn về thăm mẹ như thường ngày thì bị mẹ bắt nhốt không cho liên lạc bé trốn ra gặp chị thì bị mẹ dằn co chửi mắng và phải lên phường. Ý nguyện của bé không muốn ở với mẹ nhưng mẹ cứ nhất quyết không cho bé về nội và khi lên phường công an lại nói mẹ bé có quyền nuôi con. Nhưng nuôi con trong môi trường phải ở với ba dượng bà nội ghẻ và 2 anh trai không cùng ba và mẹ thì hung dữ quánh bài quánh đề quánh lộn thường xuyên với mấy người ở chợ vậy xin hỏi phải làm sao với tình huống này ạ. Bà nội và cô có thể nuôi bé hay không ạ?
Bé đã nói với công an rằng mẹ bé hay lấy chổi chà đánh vào đầu bé và hay đụng gì thì phang nấy vậy nhưng công an vẫn giải quyết bé ở với mẹ bé không chấp nhận nhưng vẫn ép buộc vậy xin hỏi luật sư chúng tôi phải làm thế nào để nuôi được bé ạ? Xin nhận được câu trả lời sớm nhất từ luật sư xin chân thành cảm ơn rất nhiều ?
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, vấn đề “ly hôn” của ba mẹ bé
Bạn có đưa ra thông tin “ba mẹ bé ly hôn nhưng không có ra tòa án” thì chúng tôi xin khẳng định ba mẹ bé vẫn chưa chấm dứt hôn nhân, quan hệ hôn nhân giữa ba mẹ bé vẫn còn tồn tại bởi:
Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014 kể cả trong trường hợp hai bên thuận tình ly hôn thì họ vẫn phải đến Ủy ban nhân dân cấp xã, phường để xin xác nhận rồi đến Tòa án để Tòa án tiến hành hòa giải. Nếu đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết thì Tòa án mới ra quyết định công nhận ly hôn mà không phải mở phiên tòa.
Theo Điều 57 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định thời điểm chấm dứt hôn nhân và trách nhiệm gửi bản án, quyết định ly hôn như sau:
“1. Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
2. Tòa án đã giải quyết ly hôn phải gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch, hai bên ly hôn, cá nhân, cơ quan, tổ chức khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và các luật khác có liên quan.”
Do vậy, việc ly hôn theo đúng quy định của pháp luật thì bắt buộc phải có quyết định ly hôn của Tòa án. Trường hợp này thì ba me bé vẫn chưa ly hôn.
Thứ hai, quyền nuôi con theo pháp luật hôn nhân và gia đình.
Trường hợp này của ba mẹ bé có thể coi là trường hợp ly thân. Mà hiện nay thì pháp luật hôn nhân và gia đình chưa có quy định về việc phân định nuôi con trong khoảng thời gian ly thân bởi lẽ quan hệ hôn nhân vẫn còn tồn tại. Do vậy, trong thời gian ly thân không đặt ra trường hợp ai có quyền nuôi con tuy nhiên nếu không chung sống cùng nhau thì ba và mẹ của bé vẫn có thể thỏa thuận, thương lượng với nhau về việc nuôi con trong thời gian này để đảm bảo tốt nhất cho đứa bé.
Theo thông tin chị cung cấp thì khoảng thời gian này cháu ở với mẹ bị hành hạ, đánh đập và bé không muốn ở với mẹ thì ba của bé có thể nhờ các đoàn thể, tổ chức như tổ dân phố, hội phụ nữ…để nhờ họ khuyên giải người mẹ giao bé cho ba để đảm bảo sự phát triển của bé.
* Vậy nên để giành quyền nuôi con thì ba của bé cần phải tiến hành thủ tục ly hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014. Sẽ có hai trường hợp:
+ Nếu ba và mẹ của bé tự nguyện, thỏa thuận ly hôn thì gửi đơn thuận tình ly hôn lên Tòa án để giải quyết ly hôn theo Điều 55 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
“Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”
+ Trường hợp ba và mẹ bé không thỏa thuận được thì một trong hai người có quyền đơn phương ly hôn theo Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia”.
Trong trường hợp này, ba của bé muốn giành được quyền nuôi bé thì cần phải tiến hành ly hôn với mẹ của bé. Trước tiên sẽ thỏa thuận việc nuôi bé, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ giải quyết.
Giải quyết việc nuôi con thì theo Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Theo đó, Tòa án sẽ căn cứ vào các yếu tố sau:
– Điều kiện vật chất: dựa trên thu nhập thực tế, tài sản, điều kiện sinh hoạt, điều kiện học tập của cha mẹ;
– Yếu tố tinh thần: Thời gian giành cho con, dạy dỗ, quan tâm, chăm sóc, tình cảm giành cho con, phẩm chất, đạo đức của cha mẹ,…
– Nguyện vọng của con: đối với con từ 7 tuổi trở lên cần xem xét nguyện vọng của con muốn ở với ai.
Trong trường hợp này, bé đã 12 tuổi nên ngoài việc đảm bảo những yếu tố về vật chất và tinh thần thì Tòa án cũng cần xem xét đến nguyện vọng của bé muốn ở với ai thì Tòa án sẽ đưa ra quyết định, thêm với việc trong thời gian qua bé sống với mẹ bị mẹ hành hạ, ngược đãi như vậy thì nhiều khả năng mẹ của bé sẽ không có quyền được nuôi bé.
Thứ ba, Bà nội có được quyền nuôi bé không ?
Theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014, về nguyên tắc khi vợ chồng ly hôn thì sẽ do vợ hoặc chồng chăm sóc, nuôi dưỡng con. Tuy nhiên, trong “trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện nuôi con thì Tòa án sẽ xem xét và quyết định giao con cho người giám hộ nuôi dưỡng theo quy định của Bộ luật Dân sự” được quy định tại khoản 4 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Theo Điều 49 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về điều kiện của cá nhân làm người giám hộ như sau:
Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:
1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
2. Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
3. Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.
4. Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên được quy định tại Điều 52 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 47 của Bộ luật này được xác định theo thứ tự sau đây:
1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.
2. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.
3. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.
Như vậy, bà nội là người giám hộ đương nhiên thuộc hàng thứ ba sau anh ruột, chị ruột. Nếu như bé không có anh, chị ruột hoặc có anh, chị ruột nhưng không đủ khả năng nuôi dưỡng bé thì bà nội hoàn toàn có quyền được nuôi bé, nhưng bà nội chỉ có quyền nuôi bé khi cha mẹ của bé không đủ điều kiện ( như là điều kiện về vật chất, điều kiện về tinh thần, nguyện vọng của con,…) nuôi con sau khi ly hôn.
Thứ tư, theo bạn cung cấp thông tin thì mẹ của bé có hành vi không chăm sóc, đánh đập, hành hạ bé thì gia đình bạn nếu có căn cứ chứng minh về hành vi này có thể trình báo lên cơ quan Công an nơi mẹ của bé đang cư trú bởi đây được coi là hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.
Theo Điều 27 Luật trẻ em 2016 có quy định: “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em”.
Và theo Điều 12 Luật trẻ em 2016 quy định quyền sống như sau: “Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các Điều kiện sống và phát triển”.
Hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 3 Điều 6 Luật trẻ em 2016. Và sẽ bị xử lý theo những quy định như sau:
Theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:
“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ”.
Bên cạnh đó, hành vi này còn bị xử phạt hành chính theo Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP vi phạm quy định về cấm ngược đãi trẻ em, lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; ngăn cản trẻ em tham gia hoạt động xã hội sẽ bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
7. Ly hôn làm sao để giành được quyền nuôi con?
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho em hỏi: Em và chồng kết hôn từ 31/1/2016. Khi về sống chung được vài tháng, em phát hiện chồng qua lại với 1 người phụ nữ khác. Một mặt chồng hờ hững với em. Một mặt người tình của chồng nhắn tin chửi bới rồi đe dọa em. Khi em nói với chồng thì chồng nói những tin nhắn đó nói với anh làm gì? Em cứ gửi về cho người nhà em đọc.
Cưới nhau được 1 tháng thì em có em bé, chồng và mẹ chồng bắt em đi bỏ. Bây giờ chồng nói với em là không thể có con bây giờ, đến 2018 mới được sinh con. Nếu em cố tình có con thì đừng trách. Đến nay cũng không ít lần em đọc đc tin nhắn 2 người nhắn tin hẹn hò với nhau. Và hiện tại em đã có thai được 1 tháng, chồng em vẫn chưa biết chuyện, em muốn xin luật sư tư vấn giúp em để khi ly hôn em có thề được quyền nuôi con.
Điều đáng lo là hiện tại em theo chồng nhưng chưa nhập hộ khẩu trong sổ hộ khẩu nhà riêng của chồng, em cũng không đi làm mà ở nhà cùng làm nghề tự do với chồng nên nếu ly hôn, em không có gì để chứng minh tiềm lực kinh tế để nuôi con. Xin luật sư tư vấn và hồi âm sớm giúp em?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Điều 51 Luật hôn nhân gia đình 2014 về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn:
“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”
Đồng thời, theo quy định tại Điều 81 Luật hôn nhân gia đình 2014 về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau ly hôn:
“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Có thể thấy, nếu bạn cảm thấy tình trạng hôn nhân không thể tiếp tục thì bạn hoàn thành có quyền yêu cầu Tòa án xử lý yêu cầu ly hôn, nếu vợ chồng bạn tự thỏa thuận được mọi vấn đề kể cả nuôi con thì là trường hợp ly hôn thuận tình, Tòa án sẽ công nhận sự thỏa thuận đó nếu thỏa thuận này không trái với quy định của pháp luật và không xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của người mẹ và con.
Nếu không tự thỏa thuận dược về quyền nuôi con thì bạn có thể khởi kiện yêu cầu tranh chấp nuôi con sau ly hôn, đối với việc bạn đang mang thai mà có yêu cầu thì khi con bạn sinh ra, Tòa án sẽ ưu tiên giao quyền nuôi con cho bạn nếu bạn đáp ứng đủ điều kiện nuôi con. Việc chứng minh bạn có quyền nuôi con thì bạn có thể dùng những tài sản cố định và thu nhập hàng thàng từ công việc của bạn, bạn có thể xin một công việc bất kì sau đó có thể chứng minh thu nhập của mình, hoặc nếu bố mẹ bạn có thể trợ cấp cho bạn những khoản tiền hàng tháng để nuôi con thì cũng là một căn cứ để xem xét.
Ngoài ra bạn có thể dùng căn cứ việc chồng bạn ngoại tình và thường xuyên đánh đạp bạn, đã vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của người chồng, Tòa án sẽ xem xét những yếu tố này để giải quyết việc ly hôn cũng như các tranh chấp về tài sản, nuôi con thuận lợi hơn cho bạn
8. Muốn giành quyền nuôi con và cấm chồng gặp con
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, em muốn hỏi về thủ tục ly hôn và quyền nuôi con. Em và chồng cưới nhau đc 2 năm và có 1 con chung 16 tháng, do chồng em thường xuyên nghe lời bố mẹ đẻ về gây chuyện cãi cọ với vợ con nên cuộc sống hôn nhân rất mệt mỏi, em muốn ly hôn thì cần thủ tục thế nào ạ? Đầu năm 2016, chồng em có vay tiền bố mẹ vợ về xây nhà để vợ chồng em ra ở riêng, nhưng bố mẹ chồng em thường xuyên sang nhà mắng chửi và đuổi em đi, dẫn đến việc em bị trầm cảm và phải về nhà đẻ ở.
Sau khi em đi thì bố mẹ chồng em liền dọn sang nhà vợ chồng em xây để ở mặc dù là tiền của vợ chồng em. Nay em muốn ly hôn thì số tiền bố mẹ đẻ em cho chồng em vay phải làm thế nào để đòi lại và em muốn giành quyền nuôi con và không muốn cho con em có liên quan gì đến đằng nhà chồng em, không muốn để con em phải gặp mặt những người đó thì có được không ạ? Xin luật sư tư vấn cho em.
Luật sư tư vấn:
Thủ tục ly hôn
– Hồ sơ khởi kiện xin ly hôn gồm có:
+ Đơn xin ly hôn (theo mẫu của từng Tòa);
+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
+ Sổ hộ khẩu (bản sao có chứng thực)
+ CMND/Thẻ căn cước/hộ chiếu (bản sao có chứng thực);
+ Giấy khai sinh của con (bản sao có chứng thực – nếu có);
+ Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung; khoản nợ chung
– Trình tự, thủ tục ly hôn
Bước 1: Vợ hoặc chồng (nguyên đơn) nộp hồ sơ khởi kiện về việc xin ly hôn tại TAND cấp quận/huyện nơi bị đơn (chồng hoặc vợ) đang cư trú, làm việc
Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn khởi kiện cùng hồ sơ hợp lệ Tòa án sẽ thụ lý giải quyết vụ án và sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí cho người đã nộp đơn.
Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí tại Chi cục thi hành án dân sự cấp quận/huyện và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.
Bước 4:Tòa án thụ lý vụ án, tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung và ra Bản án hoặc Quyết định giải quyết vụ án.
Nghĩa vụ về khoản nợ chung trong thời kỳ hôn nhân
– Căn cứ quy định tại Điều 37, Điều 60 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 về nghĩa vụ trả nợ chung của vợ chồng:
“Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng
Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:
1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan
Điều 60. Giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn
1. Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.
2. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết.”
Theo quy định của pháp luật, hai vợ chồng có nghĩa vụ chung với các khoản nợ dùng để duy trì, phát triển khối tài sản chung. Hai vợ chồng bạn cùng vay tiền nhà mẹ đẻ để xây nhà, bởi vậy, hai người có khoản nợ chung và có nghĩa vụ trả khoản nợ đó. Tuy nhiên, bạn cần có căn cứ chứng minh khoản tiền này vay trong thời kỳ hôn nhân; được tiêu dùng với mục đích chung của gia đình, chồng bạn sẽ phải cùng bạn trả khoản nợ này.
Nuôi dưỡng con sau ly hôn
Căn cứ quy định tại Điều 81, Điều 82, Điều 83 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 về việc nuôi dưỡng chăm sóc con sau hôn nhân:
+ Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
+ Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
+ Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
+ Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Bởi vậy, trong trường hợp này, hai người có thể tự thỏa thuận về vấn đề nuôi con. Tuy nhiên, nếu không thể thỏa thuận được, tòa án sẽ giao con dưới 36 tháng tuổi cho mẹ nuôi. Nếu chị có đầy đủ điều kiện để nuôi con, chị sẽ là người trực tiếp nuôi dưỡng bé. Chị phải tạo điều kiện cho gia đình bố và bố đến chăm nom, dạy dỗ và có trách nhiệm kinh tế với con. Nếu chị có hành vi cấm cản, gây ảnh hưởng đến quyền của bố đứa trẻ, chị sẽ vi phạm quy định của pháp luật.
9. Điều kiện để giành quyền nuôi cả hai đứa con
Tóm tắt câu hỏi:
Xin luật sư tư vấn cho em về vấn đề ly hôn sau khi có con. Em có 1 người bạn gái đã lập gia đình và hiện có hai người con trai. Nếu giờ bạn ấy muốn ly hôn với chồng thì quyền nuôi con sẽ thuộc về ai ạ? Hiện tại thì cả vợ và chồng bạn ấy đều thất nghiệp, tuy nhiên chồng bạn ấy lại được ủy nhiệm của bố chồng là 6 triệu đồng/tháng. Bố chồng giờ hơn 70 tuổi. Con trai lớn mới được 3 tuổi, còn con trai thứ hai giờ mới 3 tháng tuổi. Gia đình bạn em ở thành phố Thanh Hóa ạ. Em xin luật sư tư vấn cho em biết ạ. Em xin chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
– Căn cứ Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:
“Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”
Như vậy, trong trường hợp vợ chồng bạn của bạn có dự định ly hôn khi đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi thì chỉ có người vợ mới có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn, người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp này.
Luật sư
– Căn cứ Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn nêu trên, con dưới 36 tháng tuổi giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Trường hợp con dưới 36 tháng tuổi thì người mẹ được quyền ưu tiên nuôi con, tuy nhiên trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục thì có thể xem xét lại quyền nuôi con. Nếu người mẹ nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì người cha có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho người mẹ nuôi con. Con trên 36 tháng tuổi và dưới 7 tuổi thì quyền nuôi con sẽ do vợ chồng thoả thuận, nếu không thoả thuận được thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.