Bảo lãnh là một biện pháp bảo đảm được pháp luật quy định được áp dụng trong các trường hợp có đối tượng có hành vi vi phạm có người đứng ra đảm bảo bằng uy tín rằng họ sẽ không phạm vi phạm nữa. Vậy cụ thể bảo lãnh được quy định như thế nào
Mục lục bài viết
1. Bảo lãnh là gì?
Bảo lãnh là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự thường được áp dụng trong trường hợp bên có nghĩa vụ không có tài sản đủ để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ hoặc trong trường hợp chưa đủ độ tin cậy với bên có quyền. Quan hệ bảo lãnh được xác lập giữa bên thứ ba (Được gọi là bên bảo lãnh) với bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ chính (được gọi là bên nhận bảo lãnh) .
Điều 335
“1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.”
Bảo lãnh có các đặc điểm riêng khác với các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ:
Bảo lãnh là biện pháp mang tính chất đối nhân. Hiện nay, chỉ có biện pháp bảo lãnh lãnh và biện pháp tín chấp có tính đối nhân
Bên bảo đảm trong bảo lãnh bao giờ cũng là người thứ ba. Người thứ ba là khái niệm được dùng để phân biệt với các bên trong quan hệ nghĩa vụ chính. Người thứ ba dùng tài sản của mình hoặc cam kết thực hiện thay nghĩa vụ cho bên có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ chính nếu bên có nghĩa vụ có hành vi vi phạm hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh)
Nghĩ vụ giữa những người cùng bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh là nghĩa vụ liên đới, trừ khi có thỏa thuận khác.
Bảo lãnh tiếng anh là “Guarantee”.
2. Bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba là gì?
Từ khái nhiệm bảo lãnh ở trên, có thể hiểu bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba là việc bên thứ ba dùng tài sản của mình để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ cho bên có nghĩa vụ khi nghĩa vụ đến hạn thực hiện mà bên có nghĩa vụ không thực hiện, thực hiện không đúng, không đủ nghĩa vụ hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.
Hiểu đơn giản hơn thì đây là biện pháp bảo đảm bằng tài sản để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh. Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. ( Điều 336. Phạm vi bảo lãnh, Bộ luật Dân sự năm 2015)
Việc thực hiện bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba được thực hiện theo Điều 339 Bộ luật Dân sự, theo đó:
“1. Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.
2. Bên nhận bảo lãnh không được yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi nghĩa vụ chưa đến hạn.
3. Bên bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp bên nhận bảo lãnh có thể bù trừ nghĩa vụ với bên được bảo lãnh”.
3. Bảo đảm khoản vay bằng tài sản của bên thứ ba là gì?
Tuy tại Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng như các văn bản pháp luật khác không có quy định trực tiếp về việc bảo đảm khoản vay bằng tài sản của bên thứ ba. Nhưng tại Điều 309 và Khoản 1 Điều 317 Bộ luật ân sự năm 2015 như sau:
“Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.”
“Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).”
Như vậy, những quy định trên chỉ quy định chung là việc bên bảo đảm (là bên cầm cố hoặc bên thế chấp) có thể cầm cố hoặc thế chấp tài sản của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mà Luật không quy định rằng nghĩa vụ này thuộc về bên bảo đảm (bên cầm cố, bên thế chấp) hay họ dùng tài sản của mình để bảo đảm cho nghĩa vụ của người khác. Từ đó có thể hiểu việc dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì nghĩa vụ được bảo đảm có thể là nghĩa vụ của chính bên bảo đảm hoặc nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ mà bên bảo đảm nhận bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ.
Từ phân tích như trên, thì bảo đảm khoản vay bằng tài sản của bên thứ ba được hiểu là việc một bên dùng tài sản của mình để đảm bảo khoản vay hoặc Khoản tín dụng được cấp của một bên. Bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba cũng là một hoạt động của bảo đảm khoản vay bằng tài sản của bên thứ ba.
4. Phân biệt bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba và bảo đảm khoản vay bằng tài sản của bên thứ ba:
Từ hai khái niệm trên, thì ta phân biệt bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ bà và bảo đảm khoản vay của bên thứ ba có những sự khác biệt sau:
Về nghĩa vụ được bảo đảm, thì bảo đảm khoản vay bằng tài sản của bên thứ ba có nghĩa vụ được bảo đảm là nghĩa vụ hoàn trả, thanh toán khoản vay của bên vay (có thể là một phần hoặc toàn bộ khoản vay). Còn đối với bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba, thì nghĩa vụ được bảo đảm đó chính là nghĩa vụ bảo lãnh (tức là việc thực hiện nghĩa vụ),
Tiêu chí phân biệt khác nữa đó chính là khi tài sản đảm bảo không đủ thanh toán nghĩa vụ được bảo đảm. Đối với bảo đảm khoản vay bằng tài sản của bên thứ ba, thì bên nhận bảo đảm không có quyền yêu cầu bên bảo đảm thanh toán phần còn thiếu và trở thành chủ nợ không bảo đảm đối với phần tiền này. Còn đối với trường hợp bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba, thì bên nhận bảo lãnh vẫn là chủ nợ có bảo đảm của bên được bảo lãnh nhưng trở thành chủ nợ không có bảo đảm của bên bảo lãnh đối với số tiền còn thiếu.
Bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba và bảo đảm khoản vay bằng tài sản của bên thứ ba đều là biện pháp bảo đảm được xác lập bởi bên khác không phải là bên có nghĩa vụ, bên vay nhưng đây là hai biện pháp bảo đảm khác nhau. Bảo lãnh là cam kết bằng uy tín của bên bảo lãnh về việc trả nợ thay và bên bảo lãnh không bắt buộc phải dùng tài sản của mình để bảo đảm cho nghĩa vụ bảo lãnh để bảo lãnh có hiệu lực. Tức là về nguyên tắc, quyền của bên nhận bảo lãnh sẽ được xác lập trên toàn bộ khối tài sản của bên bảo lãnh. Trong khi đó, biện pháp bảo đảm bằng tài sản của bên thứ ba sẽ giới hạn nghĩa vụ trả nợ thay của bên bảo đảm trong phạm vi giá trị của một hay một số tài sản nhất định được sử dụng để bảo đảm.
5. Tài sản của bên thứ ba được dùng để thực hiện bảo đảm, bảo lãnh:
Tài sản của bên thứ ba được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được gọi là tài sản bảo đảm. Tại Điều 295 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thì
– Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.
– Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.
– Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.
– Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.
Và một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, nếu có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. (Điều 296 Bộ luật Dân sự năm 2015)
Tại Nghị định số 11/2012/NĐ- CP ngày 22 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ dung một số điều của Nghị định số 163/2006/ NĐ- CP ngày 29 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm quy định về tài sản bảo đảm như sau:
“1. Tài sản bảo đảm là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai mà pháp luật không cấm giao dịch.”
“2. Tài sản hình thành trong tương lai gồm:
a) Tài sản được hình thành từ vốn vay;
b) Tài sản đang trong giai đoạn hình thành hoặc đang được tạo lập hợp pháp tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm;
c) Tài sản đã hình thành và thuộc đối tượng phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm thì tài sản đó mới được đăng ký theo quy định của pháp luật.
Tài sản hình thành trong tương lai không bao gồm quyền sử dụng đất.”
Cơ sở pháp lý sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Nghị định số 163/2006/ NĐ- CP ngày 29 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm;
– Nghị định số 11/2012/NĐ- CP ngày 22 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ dung một số điều của Nghị định số 163/2006/ NĐ- CP ngày 29 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm.