Cùng với những qui định công nhận quyền tự do định đoạt của vợ chồng đối với tài sản thì pháp luật các nước còn có các qui định cụ thể khác qui định hình thức, nội dung.
Cùng với những qui định công nhận quyền tự do định đoạt của vợ chồng đối với tài sản (chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận) thì pháp luật các nước còn có các qui định cụ thể khác qui định hình thức, nội dung và cả điều kiện thay đổi,chấm dứt thỏa thuận này.
1. Các qui định về hình thức thỏa thuận
Có rất nhiều cách gọi khác nhau thỏa thuận của vợ chồng liên quan đến tài sản. Dù tồn tại dưới tên nào : hôn ước, hợp đồng tiền hôn nhân hay thỏa thuận tài sản của vợ chồng thì nhìn chung hầu hết các quốc gia đều qui định thỏa thuận của vợ chồng phải được viết thành văn bản và có chữ ký của hai bên. Điều này thể hiện sự tự nguyện và ý chí của họ khi thỏa thuận vấn đề liên quan. Nếu như ở Hoa Kỳ, quyền tự do định đoạt tài sản cá nhân được đề cao nên hôn ước chỉ cần lập thành văn bản và có chữ ký của hai bên thì sẽ có hiệu lực mà không cần bất kỳ một xem xét nào ( UPAA, các điều 52B-2 và 52B-3) thì Trung Quốc, điều này chưa đủ, văn bản đó cần phải được công chứng để có thể phát huy hiệu lực. Tương tự như vậy, hôn ước ở Nhật Bản được xác lập ngay trước khi kết hôn. Việc xác lập hôn ước và hình thức của loại giấy tờ này được tiến hành cùng với thủ tục xin đăng ký kết hôn. Ở Pháp, hôn ước phải do hai bên nam nữ thỏa thuận và phải được lập ra trước khi kết hôn. Về hình thức, nó phải được lập bằng văn bản trước mặt công chứng viên với sự có mặt và thỏa thuận chung của cả hai bên hoặc người được ủy quyền.
Như vậy, ngoài hình thức văn bản bắt buộc và chữ ký hợp lệ của các bên thì luật pháp các nước ràng buộc thêm điều kiện có công chứng viên hoặc được xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền đối với hôn ước. Việc qui định như vậy làm tăng thêm tính chặt chẽ của hôn ước và giúp chúng ta kiểm soát được tính xác thực và tự nguyện của các hôn ước, tránh những xung đột, tranh chấp liên quan đến hôn ước sau này.
2. Các qui định về nội dung của thỏa thuận
Nhìn chung, khi chấp nhận chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, nhà làm luật thường chỉ qui định chặt chẽ mặt hình thức, phần nội dung do vợ chồng tự do lựa chọn miễn là không trái với qui định của pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật các nước vẫn để một số điều khoản qui định nội dung của hôn ước để làm cơ sở cho vợ chồng thực hiện.
Không có ràng buộc về mặt thủ tục chặt chẽ như các nước khác nhưng Hoa Kỳ lại có qui định về nội dung rất rõ ràng. Pháp luật nước này đề cập đến 8 nội dung cần có trong hôn ước bao gồm:
1. Quyền và nghĩa vụ của mỗi bên đối với bất kỳ tài sản của riêng từng người và của chung, thu được hoặc có sẵn;
2. Quyền mua bán, sử dụng, trao đổi, từ bỏ, cho thuê, tiêu thụ, mở rộng và bảo mật trong việc thế chấp, quản lý hoặc kiểm soát tài sản;
3. Định đoạt tài sản khi chia, kết thúc hôn nhân, chết, hoặc sự kiện nào khác,
4. Việc sửa đổi hay loại bỏ hỗ trợ giữa vợ chồng,
5. Sự thể hiện ý chí, niềm tin và các hành động khác để thực hiện các điều khoản của thỏa thuận,
6. Các quyền sở hữu và định đoạt từ bảo hiểm sau khi chết,
7. Lựa chon luật điều chỉnh việc thỏa thuận hôn ước,
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
8. Các vấn đề khác bao gồm quyền nghĩa vụ của cá nhân không vi phạm chính sách công cộng hoặc hình sự.
Ở Trung Quốc, phần nội dung không được làm rõ, nhà làm luật chỉ khuyến khích hai bên làm rõ thời điểm thực hiện, tài sản thuộc sở hữu của bên nào, trong trường hợp phân chia thì phân chia theo tỷ lệ nào và cách thức ra sao. Điều này xảy ra tương tự ở Nhật Bản. Trong khi đó, CH Pháp là quốc gia có những qui định chặt chẽ cả về hình thức và nội dung. Theo họ, điều này nhằm đảm bảo quyền lợi của người thứ ba, trật tự xã hội cũng như của chính người vợ hoặc người chồng. Liên quan đến nội dung của hôn ước, pháp luật CH Pháp cho phép vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản chung và chế độ tài sản riêng.
3. Các qui định về việc thay đổi thỏa thuận tài sản của vợ chồng
Khi thỏa thuận của vợ chồng thỏa mãn đầy đủ các điều kiện về hình thức và nội dung, văn bản này được coi là có hiệu lực pháp luật và không bị tuyên bố vô hiệu. Tuy nhiên, do thỏa thuận về tài sản còn có ảnh hưởng tới bên thứ ba nên việc thay đổi văn bản này cũng cần được luật hóa rõ ràng. Pháp luật các nước đã công nhận chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận đều có những qui định về việc chấm dứt, thay đổi thỏa thuận tài sản của vợ chồng.
Ở Pháp, hôn ước có thể được sửa đổi trước hoặc sau khi kết hôn. Trước khi kết hôn, việc sửa đổi thỏa thuận về tài sản vợ chồng trước khi kết hôn phải do hai người nam nữ thỏa thuận, việc thỏa thuận này phải có mặt của các bên tham gia hợp đồng và người được ủy quyền. Bản hôn ước đã sửa đổi cũng phải đảm bảo những yêu cầu về hình thức cũng như đảm bảo quyền lợi cho người thứ ba như bản hôn ước đã lập ban đầu. Sau khi kết hôn, sửa đổi chỉ được tiến hành sau khoảng thời gian 2 năm theo qui định của điều 1397 Luật dân sự CH Pháp. Việc sửa đổi ngoài việc tuân thủ điều kiện về thời gian thì vẫn phải tuân thủ điều kiện về thể thức và thủ tục xác nhận như đã làm với bản hôn ước ban đầu .
Điều 758 và 759 Luật dân sự Nhật Bản hôn ước không được thay đổi trong thời kỳ hôn nhân trừ khi có hành vi phá hoại hoặc không thực hiện tốt vai trò quản lý từ một bên. Vấn đề này phải được bên kia yêu cầu lên tòa án và tòa án có thẩm quyền là tòa án riêng biệt .
Đối với Hoa Kỳ thì qui định về thay đổi và chấm dứt hôn ước có sự khác nhau giữa pháp luật liên bang và các bang. Theo luật liên bang, sau khi kết hôn, hôn ước có thể được các bên sửa đổi bằng cách lập thêm một văn bản khác và kí tên vào đó, sự sửa đổi này không cần thêm một sự xem xét nào cả. Tuy nhiên theo luật một số bang, hôn ước còn có thể tự động hết hiệu lực sau 7 năm áp dụng hoặc sau khi đứa con đầu tiên ra đời, hay hôn ước chỉ được sửa đổi sau 1,5 năm áp dụng .
Như vậy, rất nhiều nước trên thế giới đã thừa nhận và hợp pháp hóa chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận bởi những tiến bộ của nó trong hôn nhân. Trong đó, thỏa thuận của vợ chồng về chế độ tài sản được khuyến khích, chế độ tài sản theo pháp luật chỉ áp dụng khi vợ chồng không có thỏa thuận. Quyền tự định đoạt đối với tài sản cá nhân là quyền tất yếu của con người, không có lý do gì vợ chồng mất đi quyền cơ bản của mỗi cá nhân khi quyết định kết hôn với nhau. Và Việt Nam, trên bước đường phát triển và hội nhập cũng đã phát hiện và kịp thời khắc phục trong Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân Gia đình năm 2000.